Những sai lầm đừng để con mắc phải

07/09/2015 - 07:34

PNO - Chăm lo cho con là điều cần thiết, nhưng giúp trẻ học từ sai lầm này có thể mang lại bài học không thể thiếu, giúp trẻ tuổi teen trưởng thành.

Nhung sai lam dung de con mac phai Ảnh mang tính minh họa - shutterstock

Chon bạn mà chơi

Ở chừng mực nhất định, cha mẹ nên để trẻ tự chọn bạn cho mình, dù đó có thể là bạn bè xấu. Cấm đoán con chơi với nhóm bạn xấu sẽ không có mấy tác dụng, thậm chí việc cấm đoán này còn khiến trẻ càng muốn giao du với đám bạn ấy.

Để đối phó với việc này, cha mẹ nên bày tỏ lý do tại sao trẻ không nên chơi với những bạn đó, thay vì cấm ngay lập tức. Sau đó, cha mẹ cần theo dõi hoạt động của trẻ, đặt ra các giới hạn để bảo vệ con, chẳng hạn như phải về nhà đúng giờ, bạn rủ đi chơi xa phải thông báo cho gia đình biết...

Trẻ cần có thời gian để nhận ra tại sao những bạn bè này không tốt cho mình. Nhiệm vụ của cha mẹ là vừa bảo vệ, vừa giúp trẻ tự quyết định từ bỏ những bạn xấu ấy. Bài học này giúp trẻ phát triển khả năng xét đoán những người xung quanh.

Gánh chịu hậu quả

Cha mẹ hay có “tật” tìm cách bảo vệ con trước những khó khăn lặt vặt trong cuộc sống. Chẳng hạn như để trẻ không khát khi đi học, cha mẹ thường kiểm tra xem con có nhớ bỏ chai nước vào cặp hay không; sợ trẻ quên thước bút, người lớn thường tự tay soạn sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ… Những việc như thế sẽ bảo vệ trẻ tránh hậu quả của việc thiếu trách nhiệm, dù nhỏ nhặt đến đâu.

Nhưng cũng vì thế, trẻ không thể tạo thói quen tự lập, lúc nào cũng dựa vào cha mẹ để che chở cho các lỗi lầm của mình. Vì vậy, đôi khi người lớn có thể cố ý để trẻ chịu hậu quả của một việc làm sai, miễn không gây thiệt hại nguy hiểm.

Dù hậu quả nhỏ, chúng cũng để lại cho trẻ bài học quý báu, giúp trẻ trở thành những người lớn có trách nhiệm hơn.

Cho phép nổi loạn

Sự nổi loạn của tuổi teen không phải là chủ đề mới. Ở độ tuổi này, trẻ thường tìm kiếm những cách tự thể hiện và khẳng định bản thân. Sự thể hiện đó có thể thông qua cách ăn mặc “quái chiêu”, nhuộm tóc, nghe những bài nhạc nổi loạn…

Nhiều cha mẹ dù biết triệu chứng của sự nổi loạn này nhưng vẫn chọn cách cấm đoán, ngăn cản con. Càng cản trở, trẻ càng nổi loạn, và nổi loạn bằng những phương thức có thể gây hại cho bản thân.

Cha mẹ chỉ nên theo dõi con, nếu cách thể hiện của trẻ không có hại thì cứ để chúng tự do. Khi trưởng thành hơn, trẻ có thể nhớ lại thời gian này, vừa cảm thấy hối hận, vừa cảm thấy buồn cười với chính bản thân chúng.

Cho phép thất bại

Nếu cha mẹ càng có thói quen bảo vệ con cái tránh các khó khăn thường ngày, họ lại càng muốn bảo vệ trẻ khỏi thất bại. Họ có thể tìm cách gây ảnh hưởng, giúp con đưa ra các quyết định. Nhưng điều này cản trở trẻ, không cho chúng học được cách hồi phục từ nỗi thất vọng.

Nếu trẻ muốn theo đuổi các môn thể thao hay năng khiếu, dù chúng không có tài năng, hãy cứ để trẻ tự quyết định. “Thất bại là mẹ thành công”, chúng sẽ nhận ra điểm yếu của mình và tìm cách sửa chữa. Việc của cha mẹ là hỗ trợ trẻ thực hiện việc “sửa chữa” và hồi phục từ thất bại.

Những cảm xúc tiêu cực

Đôi khi cha mẹ cảm thấy có lỗi khi phải để con đói một bữa, hay mặc đồ chật, thậm chí thấy chán vì không có gì để chơi. Những cảm xúc tiêu cực, sự khó chịu, không thoải mái... lại là những cảm giác mà bất kỳ con người nào cũng sẽ phải trải qua.

Bằng cách che chắn cho trẻ, cha mẹ vô tình khiến con trẻ không biết cách chịu đựng và phản ứng một cách đúng mực. Trẻ sẽ bày tỏ sự bực tức, bất mãn khi bị đặt vào các tình huống khó chịu, nhưng chúng sẽ học được cách thoát khỏi tình huống khó chịu này, tốt hơn là việc chỉ bày tỏ thái độ.

Khi đã có kinh nghiệm trải qua những cảm giác như thế, trẻ sẽ tự tin hơn khi phải đối phó với chúng trong cuộc sống.

Xuân Hạo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI