Nhưng đừng vội băn khoăn về những điều ấy, bởi vì vẫn còn thời gian để bạn khắc phục sai lầm và có định hướng đúng đắn. Sau đây là những sai lầm phổ biến mà phụ nữ mắc phải trong thai kì.
1. Ăn cho hai người
Mỗi ngày, cơ thể bạn cần khoảng 1800-2000 calo. Bạn có thực sự nghĩ rằng một bào thai nhỏ bé trong bụng bạn cần lượng calo bằng một người bình thường để phát triển và lớn lên? Chắc chắn là không.
Những gì mà bé thực sự cần là một nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Nguyên tắc vàng cho bạn: tăng thêm 300 calo so với những gì bạn cần thường ngày. Hãy nhớ rằng, tăng cân quá nhiều trong thời kì mang thai có thể dẫn đến nguy cơ co giật tiền sản, tiểu đường, hơn nữa cũng sẽ khiến bạn phải sinh mổ. Việc này cũng có thể dẫn đến nhiều bệnh hậu sản khác. Vì vậy, bạn cần phải nắm rõ lượng calo cần thiết cũng như kiểm soát cân nặng trong thời kì này.
Những điều bạn nên làm: Nếu bạn đã lỡ ăn gấp đôi lượng calo cần thiết, hãy kiểm tra lại ngay chế độ ăn uống của mình. Ăn thật nhiều trái cây, rau xanh, các loại trứng và các thức ăn chứa lượng protein cần thiết. Chia ra làm 6 bữa nhỏ trong ngày và uống đủ nước. Giữ cho mình luôn đói và có cảm giác thèm ăn bằng cách tuân thủ đúng chế độ ăn uống của bạn.
2. Tự uống thuốc
Bạn có biết mình phải ngừng ngay lập tức việc uống thuốc kháng axit, thuốc giảm đau, thậm chí là thuốc trị mụn khi mang thai? Việc tự uống thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Uống những loại thuốc được bán tràn lan, không theo chỉ định của bác sĩ hay lạm dụng những phương thuốc làm đẹp quá mức có thể gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Những điều bạn nên làm: Bằng bất cứ giá nào, hãy nhớ rằng bạn không được tự uống thuốc trong thời kì mang thai mà chỉ uống thuốc được kê từ bác sĩ. Khi uống thuốc, nếu gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào: buồn nôn, nhức đầu,... thì bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời.
3. Thiếu ngủ
Có thể bạn nghĩ rằng phải “hy sinh” giấc ngủ của mình để đổi lấy sự cân bằng trong công việc và cuộc sống, nhưng thai kì không phải lúc để đùa với sức khỏe. Những thay đổi nội tiết tố cũng như thay đổi về cơ thể của bạn trong lúc mang thai khiến cơ thể bạn mệt mỏi và cần nghỉ ngơi nhiều hơn.
Trên thực tế, thiếu ngủ làm tăng mệt mỏi. Hơn nữa, hãy cố ngủ nhiều hơn để thể chất của bạn đủ tốt và sẵn sàng cho lúc lâm bồn. Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc là một yếu tố bắt buộc.
|
Ngủ ít quá hay ngủ nhiều quá đều không tốt đối với mẹ bầu |
Những điều bạn nên làm: Nếu bạn đã ngủ ít hơn 5 - 6 tiếng một ngày, hãy dành thời gian nhiều hơn cho giấc ngủ của mình. Hãy đi ngủ sớm hơn 1 tiếng và thức dậy muộn hơn 1 tiếng. Thuê một người giúp việc để giúp đỡ bạn việc nhà, hay là nhờ người trong nhà đỡ đần, tranh thủ những giấc ngủ ngắn ở công sở nếu được phép.
Nếu không thì đừng bỏ lỡ những giấc ngủ vào cuối tuần. Điều quan trọng là bạn phải cân bằng giữa việc ngủ đủ và ngủ nhiều quá, bởi vì ngủ nhiều quá lại càng khiến bạn thèm ngủ hơn. Điều này có thể mang lại rắc rối sau sinh, làm rối loạn giấc ngủ của bé và bạn càng muốn ngủ nhiều hơn.
4. Không trò chuyện với em bé ngay từ những ngày trong bụng mẹ
Khi mang thai, bạn có thể căng thẳng, thậm chí là mệt mỏi và kiệt sức. Và tất cả những mệt mỏi này sẽ khiến bạn quên đi việc chăm sóc em bé trong bụng - trừ khi bạn cảm nhận được em bé đá mình. Nhưng một khi bạn phải để em bé “nhắc nhở” mình về sự tồn tại của nó, điều đó thật không tốt chút nào. Các chuyên gia khuyên rằng, việc trò chuyện với bé khi mang thai là điều rất cần thiết.
Những điều bạn nên làm: Đặt bàn tay lên bụng và nhẹ nhàng vuốt ve, thường xuyên nói chuyện với em bé của bạn. Việc chú ý đến vết lồi trên bụng khi bé đá sẽ tạo ra sợi dây liên kết giữa bạn và bé, đồng thời kích thích các giác quan của bé. Không bao giờ là quá muộn, ngay cả trong 3 tháng cuối thai kì, bạn vẫn có thể trải nghiệm những khoảnh khắc hạnh phúc này cùng bé.
|
Mẹ bầu nên thường xuyên tương tác với em bé trong bụng, |
5. Tránh ăn những đồ mình thích
Nếu bạn là một người thích đồ ngọt thì tốt nhất nên hạn chế tiêu thụ đường sau giai đoạn thứ 2 của thai kỳ. Hãy đi kiểm tra lượng đường trong máu để chắc chắn rằng mình không có nguy cơ bị tiểu đường trong khi đang mang thai.
Nhưng xét về cảm xúc, nếu bạn ép bản thân không ăn những món mình thích thì nó sẽ hình thành một tâm lý lo lắng trong bạn, việc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bé trong bụng mẹ.
Điều bạn nên làm: Chỉ một thanh chocolate hay một miếng bánh ngọt nếu bạn cảm thấy thèm, nên nhớ rằng chỉ được ăn có chừng mực những món đồ này thôi nhé. Cũng tương tự như đối với các món cay, nhiều gia vị hay chiên rán dầu mỡ. Nếu bạn không chắc có thể kiềm chế được mình thì hãy nhờ đến chồng, mẹ hoặc bạn bè ngồi cùng để kiểm soát lượng thức ăn bạn dùng. Đừng gian lận nhé, việc đó chỉ làm hại đến bạn và bé mà thôi.
6. Không tập thể dục
Đa số phụ nữ nói rằng việc đi làm hằng ngày, leo cầu thang ở công ty, làm việc nhà là đủ để đốt cháy calo mà không cần tập thể dục. Nhưng việc không tập thể dục khi mang thai có thể gây tổn hại đến cơ thể của bạn. Việc luyện tập hằng ngày có thể giúp mẹ bầu giảm stress, lưu thông máu tốt hơn, chuẩn bị cho sinh đẻ và giúp thai nhi phát triển toàn diện hơn.
Điều bạn nên làm: Hãy bắt đầu tập thể dục ngay từ những ngày đầu tiên của thai kỳ. Nếu bạn là người mới bắt đầu, hãy trao đổi với bác sĩ về kế hoạch của bạn và xin lời khuyên về việc bạn nên bắt đầu như thế nào.
Nếu bạn đang tập rồi thì nên nói chi tiết về việc tập luyện hay chế độ ăn đặc biệt với huấn luyện viên của bạn. Hãy nhớ rằng không cần phải thực hiện một thử thách mới hay hoạt động mạnh trong quá trình mang thai. Điều quan trọng nhất là không được gây áp lực hay tập những bài tập về cơ bụng.
7. Đưa ra những quyết định liên quan đến sức khỏe một cách vội vã
Trước khi bạn chọn bệnh viện phụ sản hay phòng khám tư nhân, hãy tự hỏi mình muốn sinh con như thế nào và liệu bác sĩ cùng bệnh viện bạn chọn có thể tư vấn thêm về quyết định của bạn hay không. Sinh nở là một kinh nghiệm cá nhân mang tính cảm xúc và bạn chắc chắn không muốn nó bị hủy hoại bởi những yếu tố ngoài mong đợi. Hãy tìm hiểu kỹ những cách sinh đẻ khác nhau và quyết định điều thích hợp nhất cho bạn.
Điều bạn nên làm: Viết một kế hoạch sinh đẻ thật súc tích và rõ ràng những gì bạn cần làm và cách làm để đáp ứng các nhu cầu đó. Ngay cả khi bạn đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ cũng có thể bắt đầu lên kế hoạch từ bây giờ.
|
Nếu có bất kì vấn đề gì về sức khỏe trong thai kì, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. |
Luôn phải xem xét xem liệu bạn có cảm thấy thoải mái với bác sĩ của mình hoặc liệu ở bệnh viện có khiến bạn khó chịu không hay những thắc mắc của bạn về việc sinh nở đã được giải đáp rõ ràng hay chưa. Nếu không, hãy nói chuyện với bạn bè mình và tìm những cách khác để giải quyết vấn đề. Có thể tìm đến một chuyên gia để trao đổi, thảo luận về lý do bạn muốn thay đổi điều gì đó.
8. Không tham gia lớp học tiền sản
Mọi người đều nói rằng chẳng có gì để học ở lớp học đó cả, và bạn quyết định sẽ tự mình tìm hiểu những kinh nghiệm thai sản. Nhưng hãy tự hỏi mình xem: “Liệu mình đã biết đủ về những điều cần làm sau sinh chưa?”, “Mình nên tập những bài tập như thế nào trong khi đang mang thai?”, “Ăn những gì là tốt nhất?”, “Làm thế nào để cho con bú đúng cách?”. Một điều chắc chắn là bạn sẽ có được sự giúp đỡ từ gia đình.
Nhưng nếu bạn muốn tự mình quyết định mọi việc thì hãy đăng ký học một lớp tiền sản. Lớp học này sẽ cung cấp cho bạn tất cả các thông tin về việc mang thai, chăm sóc trẻ và những thứ cần chuẩn bị khi lâm bồn.
Điều bạn nên làm: Tham gia lớp học ngay từ 3 tháng đầu thai kỳ. Như vậy bạn sẽ có rất nhiều thời gian để học hỏi và làm những việc phù hợp với bạn và bé. Nếu bạn đã bỏ lỡ thời kỳ này thì bạn có thể tìm một khóa học khác trong những nơi khám thai.
Phương An (Theo The Health Site)