Những sai lầm các mẹ thường mắc phải khi nấu cháo ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của trẻ

19/10/2016 - 11:30

PNO - Rất nhiều người trong số chúng ta vẫn đang mắc phải những sai lầm cơ bản hàng ngày khi nấu cháo cho con.

Những sai lầm này không chỉ khiến bát cháo mất đi nguồn dinh dưỡng mà thậm chí còn tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nhỏ khiến trẻ có nguy cơ bị béo phì hay còi cọc, thiếu vitamin thậm chí suy dinh dưỡng.

Nấu cháo bằng  nước lạnh

Nấu cháo bằng gạo cùng nước lạnh là vô cùng phố biến, có tới 9/10 bà nội trợ sử dụng cách làm này. Nhưng ít người biết, khi sử dụng nước lạnh để nấu cháo thì những hạt gạo sẽ bị trương lên, các chất dinh dưỡng bị nở ra, tan vào nước.

Hơn nữa, cháo nấu bằng nước lạnh cũng thường sẽ không được ngon miệng, lại mất thời gian. Vì vậy, hãy thay đổi cách sử dụng nước nấu cháo bằng nước nóng để giữ lại dinh dưỡng trong gạo, có nồi cháo cho bé thơm, dẻo và ngon miệng hơn.

Dùng nước hầm xương nấu cháo

Có không ít bà mẹ hầu như ngày nào cũng chăm chỉ hầm xương để lấy nước nấu cháo cho con. Và các mẹ tin rằng, việc này sẽ giúp cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Nhưng trên thực tế thì nước hầm xương chỉ có tác dụng là mang lại vị ngọt và mùi thơm. Trong nước thịt, nước xương hầm có nhiều nitơ, tạo cảm giác ngon miệng, vị thơm nhưng có chứa rất ít đạm và canxi. Ngoài vị thơm ra, nước xương không có đủ dinh dưỡng, hơn nữa, còn gây khó tiêu, dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Những chất đạm vẫn còn trong xác thịt, xương. Do vậy, các mẹ nên cho trẻ ăn cả xác lẫn nước để đề phòng suy dinh dưỡng vì thiếu chất.

Nhung sai lam cac me thuong mac phai khi nau chao anh huong rat xau den suc khoe cua tre

Khi nấu cháo bằng nước xương, mẹ vẫn phải nấu cho bé ăn cả phần cái (xác) của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm… và một tuần mẹ chỉ nên ninh xương nấu cháo cho con từ 1-2 lần để bé không chán ăn.

Cho gia vị quá nặng mùi vào cháo của trẻ

Cháo ăn cho trẻ thường có vẻ nhạt nhẽo nên có nhiều bà mẹ cho thêm vào phần ăn của trẻ. Tuy nhiên, những loại gia vị này có vị mặn và nồng, trẻ ăn vào có thể bị đau bụng hoặc gây ra sự khó chịu cho dạ dày non yếu của bé và khiến trẻ không nạp thêm được những loại thức ăn khác.

Cho thêm ngũ cốc vào cháo

Một số mẹ vì muốn tăng thêm phần dinh dưỡng cho trẻ nên khi nấu cháo đã cho thêm ngũ cốc vào. Tuy nhiên, việc làm này không những không giúp trẻ tăng cân mà còn gây hại cho hệ tiêu hóa của bé. Ngũ cốc tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng lại không phù hợp với hệ tiêu hóa của bé, dễ khiến bé khó tiêu, đầy bụng và lười ăn.

Cho rau củ quả vào nấu cùng một lúc với thịt, cá

Cho nước cốt rau củ tan vào cháo ngay từ đầu sẽ khiến cháo bị nồng làm cho trẻ khó ăn, đồng thời lượng vitamin có trong rau củ cũng bị hao hụt.
Cách làm đúng là khi cháo và thịt, cá chín mới cho nước cốt rau hoặc rau đã băm nhỏ vào, nấu sôi, sau đó, nhấc xuống để nguội rồi cho bé ăn.

Nhung sai lam cac me thuong mac phai khi nau chao anh huong rat xau den suc khoe cua tre
Không nên cho rau, củ nấu cùng lúc với thịt, cá,...

Đun đi đun lại cháo quá nhiều lần

Một nồi cháo nấu mất khá nhiều thời gian, trẻ lại ăn mỗi lần ít một nên khá nhiều bà nội trợ thường có thói quen sáng nấu một nồi cháo rồi đun đi đun lại cho con ăn cả ngày.

Tuy nhiên, mẹ nên biết rằng, ở điều kiện nhiệt độ bình thường, cháo chỉ có thể để trong vòng 2 giờ đồng hồ là đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu. Còn bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, các vi sinh vật gây ôi thiu trong thịt sẽ tồn tại ở dạng bào tử để chờ đợi cơ hội phát triển lại, nên trước khi cho con ăn, mẹ nên đun sôi lại cháo để tiêu diệt những bào tử này.

Nhược điểm thứ 2 của cách làm này, đó là nếu mẹ đã nấu một nồi cháo đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng gồm cháo + thịt heo + rau mồng tơi + dầu ăn. Khi bạn hâm lại lần 1 rồi lần 2, lượng vitamin trong rau sẽ mất đi gần hết và có mùi vị khó ăn. Trẻ lại bị ngán vì ăn 3 bữa cùng một mùi vị.

Cách hợp lý nhất là mẹ chỉ nên nấu một nồi cháo trắng vừa đủ cho con ăn 3 bữa trong ngày. Cứ trước khi đến giờ ăn thì lấy từ tủ lạnh ra một phần, đun lại cùng rau, thịt tươi mới.

Không cho dầu ăn vào cháo của bé

Suy nghĩ cho dầu ăn vào cháo sẽ khiến con bị đau bụng là suy nghĩ sai lầm bởi lẽ dầu ăn cung cấp nhiều năng lượng và hỗ trợ cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng khác. Chính vì thế, khi nấu cháo cho con ăn, các bà mẹ nên cho vào trong cháo từ 1 đến 2 thìa dầu/ mỡ.

Nhung sai lam cac me thuong mac phai khi nau chao anh huong rat xau den suc khoe cua tre
Khi nấu cháo cho con, các mẹ nên cho vào trong cháo từ 1 đến 2 thìa dầu/ mỡ.

Dầu ăn (bao gồm dầu thực vật hoặc dầu cá) được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp chất béo (cùng những sản phẩm khác như mỡ, bơ …). Đây là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt, cung cấp chất béo giúp cho quá trình hấp thu các vitamin quan trọng trong cơ thể. Chính vì vậy, không nên bỏ sót chất dinh dưỡng quý giá này trong khẩu phần ăn của trẻ.

Khánh Linh (TH)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI