Những sắc màu độc đáo của thủy tinh

03/12/2023 - 06:47

PNO - Hậu đại dịch, hàng loạt trào lưu cách tân giá trị cổ điển bắt đầu trỗi dậy trong thị trường sản xuất hàng gia dụng. Một chất liệu quen mà lạ cuốn hút người tiêu dùng thời gian gần đây là thủy tinh màu. Nhiều thương hiệu đồ thủy tinh đang bổ sung sắc màu cuộc sống cho không gian gia đình theo phong cách duyên dáng hiện đại.

Trong ký ức tuổi thơ của Stephanie Hall, mỗi buổi chiều dạo phố “săn” đồ cổ cùng người bà hiền từ ở thị trấn Holly Hill (bang South Carolina, Mỹ) mang lại cảm giác kỳ diệu khó tả. “Bình hoa, chiếc đĩa ăn bằng thủy tinh lấp lánh sắc màu ngọc lục bảo hay hổ phách khiến tôi nhớ mãi” - cô bày tỏ. 

Stephanie Hall trong một buổi triển lãm sản phẩm mới của  Estelle Colored Glass -  Nguồn ảnh: PFEphoto
Stephanie Hall trong một buổi triển lãm sản phẩm mới của Estelle Colored Glass - Nguồn ảnh: PFEphoto

 Nữ doanh nhân nay đã bước sang tuổi tứ tuần không đơn giản xem đồ thủy tinh như một sản phẩm thuộc về nhà bếp. Hall nói: “Tôi kế thừa niềm đam mê với những thứ có vẻ đẹp độc đáo từ bà tôi. Bà thích sưu tầm và bài trí đồ thủy tinh màu cạnh vô số vật phẩm gia truyền khác bên trong tủ kính. Tựa như chứng nhân thời gian, mỗi món đồ đều chứa đựng một câu chuyện thú vị”.  Khi đã tạo dựng tổ ấm riêng, Hall lại tiếc nuối nhận ra hình ảnh thủy tinh màu ở thị trường gia dụng hiện đại đã phai nhạt khá nhiều. 

Chiều sâu của màu sắc 

Ít lâu trước đây, các sản phẩm thủy tinh màu thường chỉ xuất hiện ở cửa hàng đồ cổ hoặc khu chợ trời. Ngày nay, xu thế hoài cổ trong ngành gia dụng - trang trí nội thất bắt đầu khiến thủy tinh “nhuộm màu” được yêu thích trở lại. “Thủy tinh đang được phủ lên nhiều sắc màu cùng tạo hình cuốn hút, mới lạ hơn nhằm bắt kịp gu thẩm mỹ đương đại. Những bộ đồ ăn, phụ kiện trang hoàng nhà cửa từ thủy tinh mang tông màu nhẹ nhàng, trang nhã đang chiếm lĩnh thị trường” - chuyên gia nghiên cứu sản phẩm Julie Robbins của Replacements - nhà bán lẻ đồ thủy tinh và sành sứ quy mô bậc nhất tại Mỹ - nhận định. 

Trào lưu sản xuất thủy tinh màu nhen nhóm từ thập niên 1930, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Một tác gia, nghệ nhân người Mỹ cho biết: “Bấy giờ, giới sản xuất ở Mỹ nảy ra ý tưởng đưa thêm màu sắc vào đồ gia dụng với mong muốn tô điểm nét tươi vui, hy vọng cho mọi ngôi nhà giữa một giai đoạn ảm đạm”.

Qua từng thập niên tiếp theo, đồ gia dụng thủy tinh dần biến hóa phức tạp - cầu kỳ hơn, từ rực rỡ, tươi sáng đến sâu lắng, đậm chất nghệ thuật. 

Chính thức hoạt động từ cuối năm 2019, công ty hàng gia dụng Estelle Colored Glass của Hall đang góp phần tạo nên dấu ấn sang trọng mới mẻ nhưng không kém phần ấm cúng cho chất liệu thủy tinh màu. Đến nay, hãng đã ra mắt hàng loạt bộ sưu tập ly sâm panh, cốc nước, bình đựng nước, kệ để bánh ngọt… lôi cuốn người tiêu dùng trẻ và các bà nội trợ nhờ giá trị sử dụng lẫn trang trí. 

Để đạt được chỗ đứng vững chắc giữa thị trường gia dụng muôn màu muôn vẻ, Hall đã bỏ ra nhiều năm liền đầu tư nghiên cứu sản phẩm. Cô tiết lộ: “Tôi muốn những sản phẩm thủy tinh màu của chúng tôi luôn giữ được chất lượng tốt nhất trên thị trường nhưng tại Mỹ, không dễ tìm ra nhà sản xuất có thể đáp ứng tốt yêu cầu này. May thay, sau cùng, tôi liên hệ được một nhà xưởng danh tiếng tại Ba Lan - đất nước có nền nghệ thuật chế tác thủy tinh lâu đời”.  

Niềm vui cuộc sống trong tầm tay 

Yếu tố bất ngờ chắp cánh cho thương hiệu của Hall là cơn đại dịch toàn cầu. “Đồ gia dụng, nổi bật như thủy tinh - một chủng loại hàng thủ công có sức hút riêng, đều “cháy hàng” trong mua dịch”, theo Joe Derochowski - cố vấn viên ngành hàng gia dụng của NPD Group - tập đoàn nghiên cứu thị trường uy tín ở Mỹ. 

“Chúng ta phải làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi tại nhà thường xuyên hơn. Trong bối cảnh ấy, mong muốn trang hoàng, vun vén nhằm tăng cường cảm hứng sống nơi tổ ấm gia đình dần trở thành nhu cầu chung của đa số mọi người” - ông nói.

Một số thiết kế đồ gia dụng thú vị của  thương hiệu Sophie Lou Jacobsen -  Nguồn ảnh: CoolHunting
Một số thiết kế đồ gia dụng thú vị của thương hiệu Sophie Lou Jacobsen - Nguồn ảnh: CoolHunting

Derochowski tin rằng các sản phẩm gia dụng gửi gắm thông điệp làm đẹp tinh thần sẽ ngày càng được khách hàng, nhất là nữ giới, ưa thích. Phác họa niềm vui cuộc sống cũng là lý tưởng làm việc của nhà thiết kế công nghiệp gốc Pháp Sophie Lou Jacobsen - người say mê sáng tạo với thủy tinh. “Một điều đặc biệt tôi luôn tâm niệm trong nghề: thông qua thủy tinh, chúng ta có thể truyền đạt niềm vui sống mỗi ngày. Đây là một chất liệu bình dị nhưng cũng thật thú vị” - cô bày tỏ.

Một số sản phẩm thủy tinh hút khách từ thương hiệu cùng tên của Jacobsen (bình hoa, ly tách kiểu dáng gợn sóng hay ly cocktail đa sắc màu…) có thiết kế cổ điển pha lẫn hiện đại. Đường nét uốn lượn mềm mại, màu sắc phối hợp cá tính tạo điểm nhấn giàu tính nghệ thuật nhưng không làm giảm hiệu quả sử dụng của sản phẩm. 

Màu sắc tươi sáng và tạo hình phá cách ở đồ thủy tinh Sticky Glass - Nguồn ảnh: CoolHunting
Màu sắc tươi sáng và tạo hình phá cách ở đồ thủy tinh Sticky Glass - Nguồn ảnh: CoolHunting

Thế hệ nghệ nhân trẻ như Jacobsen liên tục trải nghiệm cùng những tông màu và kiểu dáng nhằm biểu thị nỗ lực đổi mới. “Cách thủy tinh biến hóa thanh thoát trong tay người thợ có thể khiến tôi ngắm nhìn không chán mắt. Thêm vào một màu nền rực rỡ, cảm nhận uyển chuyển ấy càng trở nên đặc sắc hơn nữa” - Grace Whiteside của thương hiệu đồ thủy tinh thủ công Sticky Glass (trụ sở tại New York, Mỹ) - chia sẻ. 

Tương tự Jacobsen, Whiteside theo đuổi trào lưu trừu tượng hóa, bứt mình khỏi khuôn mẫu thiết kế đồ gia dụng truyền thống. Mặt hàng trang trí nội thất, bộ đồ ăn từ thủy tinh màu của Sticky Glass mang vẻ đẹp mỹ cảm vui mắt, táo bạo. Nữ nghệ nhân cho biết: “Một chiếc cốc cà phê hay lọ hoa dẫu có vẻ ngoài kỳ lạ lại khiến ngôi nhà tăng thêm sức sống. Hẳn nhiên màu sắc là nhân tố quan trọng khác. Thế giới của chúng ta đáng yêu và đáng trải nghiệm hơn nhờ muôn vàn 
sắc màu”. 

Ở thành phố cổ Milan (Ý) - nơi được mệnh danh “thủ phủ ngành thiết kế công nghiệp” - bộ đôi nhà chế tác thủy tinh giàu kinh nghiệm Jay Vosoghi và Sara Mostofi thấu hiểu cách biểu đạt cảm xúc bằng màu sắc. Thương hiệu họ đồng sáng lập - R+D.Lab - nổi danh bởi các sản phẩm thủy tinh tiện dụng mà không kém phần đẹp mắt. 

Phong cách màu sắc  cổ điển, thanh lịch  là nét đặc trưng  ở thương hiệu R+D.Lab - Nguồn ảnh: R+D.LAB
Phong cách màu sắc cổ điển, thanh lịch là nét đặc trưng ở thương hiệu R+D.Lab - Nguồn ảnh: R+D.LAB

Ra mắt thị trường từ năm 2006, đồ thủy tinh R+D.Lab với ấn tượng màu sắc trầm tĩnh thanh lịch đến nay vẫn hấp dẫn người tiêu dùng yêu thích lối sống chậm. “Một số tông màu như nâu đất, đỏ mận, xám… được đặt hàng nhiều hơn cả. Đồ gia dụng vốn gắn liền với đời sống thường nhật cũng có thể được bổ sung ý nghĩa cảm xúc khi khoác lên những sắc màu phù hợp”.

Giới chế tác nhận ra, công chúng đang mở rộng góc nhìn về tính thẩm mỹ của đồ thủy tinh hiện đại. Roxanne Marie - chuyên gia bán lẻ ngành hàng thời trang và gia dụng đang làm việc cho Goop - công ty phong cách sống (trụ sở tại California, Mỹ) - có cùng quan điểm. 

“Khách hàng của chúng tôi bị lôi cuốn trước các tông màu nữ tính vừa trang nhã vừa độc đáo ở đồ thủy tinh màu. Estelle Colored Glass, R+D.Lab là một vài cái tên dẫn đầu xu hướng gần đây. Đại dịch kích thích chúng ta ưa chuộng tư duy mua sắm để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn. Đồ thủy tinh giờ đây đã dần thoát khỏi định nghĩa về một loại hàng gia dụng thường được mua đơn thuần vì mục đích trưng bày. Chúng đang trở nên gần gũi, đặc sắc lẫn giàu chiều sâu hơn” -  Marie chia sẻ. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI