|
Vào thời hoàng kim, hàng chục căn lều chiếu phim lưu động được dựng san sát nhau, là tâm điểm của những lễ hội làng - Nguồn ảnh: Getty Images |
Hoàng hôn vừa buông xuống, lễ hội ngoài trời bắt đầu lên đèn. Lúc này, những cuộn phim được mong ngóng cuối cùng cũng xuất hiện. Mang theo những cuộn phim quý giá, một trợ lý hối hả len qua đám đông bên ngoài, tiến vào địa điểm có sức hút nhất ở đây: một căn lều rộng nơi khoảng 100 vị khách đã có mặt, chờ đợi bộ phim tối nay
mở màn.
Gần đó, một chiếc xe tải cũ đang đậu. Mặt sau xe nối liền với một đầu của căn lều, được cải tiến thành một phòng chiếu phim mini. Ngoài kia, nhiều khán giả đã tỏ ra nôn nóng. Vài thanh niên còn lớn tiếng muốn đòi lại tiền vé, giá 30 rupee (hơn 8.000 đồng). Sự xuất hiện của những cuộn phim kịp thời trấn an họ, cũng khiến Muhammed Navrangi - chủ rạp phim lưu động có tên Sumedh Talkies - thở phào nhẹ nhõm.
Căn phòng chiếu phim đã đượm màu thời gian của ông có đủ loại “cổ vật” thú vị, như chiếc máy chiếu cồng kềnh, tuổi đời ngót nghét nửa thế kỷ. Giữa góc nhỏ hẻo lánh tại chốn thôn quê này, phim ảnh vừa là kế mưu sinh, vừa là một niềm đam mê đầy hoài niệm.
|
Poster phim được đặt trước lều chiếu bóng, quảng bá những tác phẩm đang trình chiếu - Nguồn ảnh: Getty Images |
Khi điện ảnh là cả cuộc đời
Nhóm khán giả ngồi đối diện màn ảnh, ngay trên mặt đất sỏi đá. Không có ghế nệm êm ái, thức ăn vặt hay tiện nghi nào khác nhưng ánh mắt họ dõi theo tác phẩm đang chiếu vẫn say mê đến lạ. Đáng tiếc, khoảnh khắc đáng nhớ này về văn hóa chiếu phim lưu động từng nổi danh ở Ấn Độ gần như sắp lùi vào dĩ vãng.
Cuộc cách mạng công nghệ tác động đến cả vùng nông thôn hẻo lánh nhất. Các phương tiện giải trí hiện đại, gọn nhẹ hơn khiến mô hình rạp phim trong lều mất dần sức hút. Từ hơn 1.000 đoàn chiếu lưu động tính riêng tại Maharashtra (bang miền tây Ấn Độ nổi tiếng với truyền thống này), ngày nay, số lượng chỉ còn khoảng 50.
|
Rạp phim lưu động thường sử dụng thiết bị cũ mua lại từ những rạp phim chính quy - Nguồn ảnh: Getty Images |
Cơn đại dịch mới đây càng gây ra khó khăn gấp bội cho các chủ rạp. Nhiều người bị đẩy vào tình thế phá sản hoặc chật vật tìm nghề khác khi các sự kiện văn hóa, lễ lạt đều phải tạm ngưng. Số ít kiên định bám nghề đang ấp ủ mơ ước vực dậy thời hoàng kim của những “chuyến xe điện ảnh” bình dân.
Ý tưởng rạp phim lưu động nảy sinh từ thập niên 1950. Dần dà, các căn lều chiếu bóng giá rẻ trở thành điểm đến quen thuộc, hấp dẫn người dân Ấn Độ trong nhiều buổi hội hè thường niên. Mỗi tour chiếu phim, kéo dài khoảng 8 tháng hằng năm, được gọi là jatra (hành trình).
Trong quá khứ, vào thời điểm bận rộn nhất, hàng tá xe tải chở đầy thiết bị như lều và máy chiếu cùng tập trung tại sân bãi của một lễ hội làng. Các tác phẩm thường được trình chiếu là phim kinh điển, phim ăn khách tiếng Hindi và tiếng Marathi (ngôn ngữ bản địa ở Maharashtra). Sau vài ngày, khi đã vãn khách, đoàn chiếu lại lên đường tới địa điểm khác. Họ ngược xuôi mãi cho đến khi mùa lễ hội kết thúc.
“Ban đầu, chiếu phim lưu động là sáng kiến của một số người đàn ông rời quê nghèo lên thành thị kiếm sống. Họ bị lôi cuốn bởi các rạp phim nơi thành phố lớn. Khi trở về quê nhà, họ muốn truyền tải sự kỳ diệu của điện ảnh đến nhiều người dân quê không có điều kiện giải trí” - đạo diễn Shirley Abraham của phim tài liệu The Cinema Travellers (tạm dịch: Du hành cùng điện ảnh) chia sẻ. Dự án, từng đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes năm 2016, góp phần phác họa hiện thực ảm đạm của những căn lều chiếu bóng lưu động còn sót lại tại Ấn Độ hiện nay.
Tồn tại nhằm phổ biến cái đẹp của nghệ thuật thứ bảy đến các vùng đất thiếu thốn cơ sở chiếu phim cố định, phong trào chiếu bóng lưu động từng là một nét nhấn duyên dáng trên bản đồ văn hóa Ấn Độ.
|
Chiếc xe tải của đoàn chiếu phim Anup Talkies xuất hiện trong dự án tài liệu A Tent, a Truck & Talkies (2017) - mô tả cảnh đời bôn ba của những người gắn bó với nghề chiếu bóng lưu động - Nguồn ảnh: Atlas Obscura |
Giữ một niềm vui chân phương
Chủ đoàn chiếu phim Anup Talkies, Anup Jagdale (40 tuổi) quý chiếc xe tải chiếu phim lưu động của mình hơn bất kỳ thứ gì. Jagdale thừa hưởng nó từ cha anh, người đã dành cả đời theo đuổi công việc này.
“Chúng tôi từng sống qua thời vàng son của điện ảnh Ấn Độ. Rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ của tôi, khoảng thập niên 1980-1990, gắn liền với những buổi chiếu phim cha tôi vận hành” - Jagdale hồi tưởng. Tiếp bước cha mình đã không may bị liệt sau một vụ tai nạn, anh là một trong rất ít số chủ rạp còn kiên trì gìn giữ văn hóa phim ảnh lưu động ở Maharashtra.
Jagdale kể, không giấu được nỗi bùi ngùi: “Thời ấy khác lắm. Con người rất khác, bầu không khí cũng khác bây giờ. Khi ấy chúng tôi có hàng ngàn khán giả đón chờ tại các lễ hội. Cuối năm, thời tiết lạnh hơn, mọi người còn mang cả mền, “cắm trại” trong lều. Ngồi bên nhau, họ thức trắng đêm xem phim. Nhưng nay, cảnh tượng ấm cúng ấy không còn nữa”.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Jagdale còn có những ngày tháng vi vu trên xe chiếu phim cùng nhóm nhân viên. Dẫu khách ghé thăm rạp phim ít hơn hẳn, đoàn người vẫn có thể gắng gượng duy trì sinh kế. Tuy nhiên, dường như cơn đại dịch đã cướp đi niềm hy vọng còn le lói của Jagdale.
“Chúng tôi phải mạnh tay cắt giảm ngân sách, thời gian cho tour trình chiếu phim. Mỗi lễ hội giờ đây chỉ còn 1-2 lều phim được dựng. Cái máy chiếu cha tôi mua khi xưa giờ quá cũ rồi nhưng chúng tôi không có tiền để trang bị thứ tốt hơn. Tôi còn phải vay mượn khắp nơi, đắp đổi để duy trì công việc này” - anh bộc bạch.
Khao khát tìm ra lối thoát, chủ rạp phim lưu động Muhammed Navrangi, sống tại huyện Buldhana (miền trung bang Maharashtra) đang cố gắng nâng cấp một hệ thống máy chiếu kỹ thuật số hiện đại, chất lượng hình ảnh sắc nét hơn.
“Bằng cách này, tôi mong khán giả sẽ có hứng thú quay lại với chúng tôi. Dù ti vi, điện thoại giờ đã rất phổ biến, chúng vẫn không thể sánh được với trải nghiệm truyền thống, khi mọi người quây quần cùng nhau thưởng thức phim ảnh” - ông nói.
Gần đây, một số chủ rạp phim như Navrangi và Jagdale đang liên hệ với chính quyền địa phương. Họ hy vọng sẽ sớm nhận được các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực để bảo tồn văn hóa chiếu phim lưu động. Mục tiêu cải thiện doanh thu, dẫu rất cần, chỉ là thứ yếu. Quan trọng hơn hết, họ muốn “tái sinh” một truyền thống đã trở thành lẽ sống với họ lẫn thế hệ cha ông đi trước.
Sau dịch bệnh, Sanjay Dhadwe - 45 tuổi, chủ một rạp phim lưu động - phải bán đi một vài thiết bị cũng như cắt giảm nửa số nhân công để cầm cự với công việc chiếu phim. Dù vậy, tình yêu điện ảnh trong anh vẫn nguyên vẹn.
“Tôi muốn tiếp tục mang niềm vui giải trí đến cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa. Thế giới của những cuộn phim, những căn lều là toàn bộ những gì tôi có. Làm sao tôi dứt bỏ đây? Chúng tôi cảm nhận được niềm vui chân phương khi thấy khán giả vui vẻ, hạnh phúc hơn nhờ thưởng thức một bộ phim hay. Dù tương lai ra sao, chiếu phim lưu động luôn là một nét đẹp văn hóa đáng tự hào ở các miền quê Ấn Độ” - Dhadwe nói.
Như Ý (theo Atlas Obscura)