Hai năm sau vụ cháy kho hóa chất, người dân sống gần hẻm 18 Tăng Nhơn Phú, P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM vẫn chưa thôi ám ảnh mùi hóa chất nồng nặc bốc ra theo những làn khói đen ngòm, cuồn cuộn. Mối lo sợ càng tăng sau vụ cháy nhà máy của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông ở Hà Nội.
|
Chợ Kim Biên được ví như “kho bom hóa chất” giữa phố nhưng nhiều năm chưa thể di dời |
“Bom hóa chất” giữa khu dân cư
“Đến nay, chúng tôi cũng không biết trong nhà kho bị cháy ở đây hai năm trước có loại hóa chất gì, mức độ độc hại ra sao” - anh Nguyễn Văn Đạo, nhà ở gần kho hóa chất bị cháy nói trên, âu lo. Thực tế, đến nay, thông tin về vụ cháy xảy ra lúc rạng sáng 21/1/2017 tại kho chứa hóa chất công nghiệp nằm trong hẻm 18 Tăng Nhơn Phú cũng chỉ chung chung là “cháy kho hóa chất công nghiệp”, không định danh cụ thể loại hóa chất gì.
“Sau vụ cháy, nhìn vô kho, mình thấy cả đống thùng sắt đựng hóa chất bị lửa thiêu chứ không biết đó là loại hóa chất gì. Nếu đó là hóa chất độc hại thì dân ở đây đã lãnh đủ rồi” - anh Đạo rùng mình.
Tương tự, năm ngoái, người dân sống gần Công ty Hóa chất Hoàng Phát - hẻm 638 Lê Trọng Tấn, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM - phải sơ tán khi kho hóa chất của công ty này bốc cháy. “Chúng tôi ngửi thấy mùi hôi nồng nặc, công nhân và người dân ở gần phải bịt mũi chạy trốn mùi hôi nhưng cũng không rõ đó là hóa chất gì” - một người dân nhớ lại.
|
Thùng phuy đựng hóa chất bị vứt bừa bãi ở lề đường gần chợ Kim Biên |
Trong số 6.245 vụ cháy và 13 vụ nổ xảy ra trong bốn năm gần đây, có rất nhiều vụ cháy, nổ kho chứa hóa chất. Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, toàn thành phố hiện có khoảng 638 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất đang hoạt động, phần lớn tập trung ở các quận 5, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Tân. Một trong những nơi được ví như “kho bom hóa chất” giữa lòng phố thị chính là chợ Kim Biên, Q.5.
Từ lâu, chợ Kim Biên đã được gọi với những cái tên rùng rợn như “chợ thuốc độc”, “chợ tử thần” để cảnh báo về mối nguy hiểm từ đủ các loại hóa chất nguy hiểm tại đây.
Dẫu vậy, vào những ngày giữa tháng 9/2019, chúng tôi vẫn nhận thấy dọc các trục đường gần chợ này, nhiều thùng phuy, can nhựa chứa hóa chất nằm án ngữ cả trong lẫn ngoài các cửa tiệm; nhiều thùng phuy chứa hóa chất vừa sử dụng xong còn bốc mùi nồng nặc được người dân vứt ngay bên lề đường, chờ ve chai đến chở đi.
|
Các cơ sở bán hóa chất ở chợ Kim Biên tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao |
Tại một cơ sở kinh doanh hóa chất trên đường Vạn Tượng, chúng tôi thấy một người đàn ông mua ba can hóa chất, khệ nệ bê từ trong nhà ra, chất lên yên xe máy chở đi. Bên trong các cửa tiệm, người bán vẫn bày nhiều can nhựa trong không gian chật hẹp, rất dễ xảy ra cháy, nổ.
Anh Siêu - người dân sống gần chợ Kim Biên - phản ánh: “Ở đây, người dân phải chấp nhận sống chung với tử thần, ai yếu tim chắc khó sống. Cảnh san chiết hóa chất diễn ra hằng giờ, mùi hôi xộc ra mắc ói. Có lần, người ta chở a-xít trong can nhựa lớn bị đổ xuống, bốc khói nồng nặc khiến ai cũng ớn lạnh”.
UBND TP.HCM từng đặt mục tiêu hoàn thành trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất nhằm di dời chợ hóa chất Kim Biên và các cơ sở kinh doanh hương liệu, hóa chất ra khỏi khu dân cư vào cuối năm 2017 nhưng đến nay, việc di dời vẫn chưa có chuyển động gì.
Bất cẩn với hóa chất, nguy hiểm chực chờ
Nguồn tin từ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM cho hay, tháng trước, phòng này đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra hàng chục cơ sở trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy cơ cháy, nổ cao trong khu dân cư. Không ít cơ sở có sử dụng hóa chất nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn về quản lý, tồn trữ hóa chất.
Theo Sở Công thương TP.HCM, từ năm 2014-2018, sở đã kiểm tra chuyên đề về hóa chất 70 lượt, phát hiện 15 đơn vị vi phạm, xử phạt hành chính và tịch thu rất nhiều hóa chất nhập lậu.
Tiến sĩ Đặng Chí Hiền (Viện Công nghệ hóa học, thuộc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) nhận định: “Thực tế hiện nay, việc quản lý hóa chất còn rất lộn xộn, chợ hóa chất bán tràn lan các loại hóa chất độc hại. Lẽ ra, phải kiểm soát chặt chẽ từ đầu. Theo tôi, Cục Hóa chất và các đơn vị chức năng nên có quy định rõ ràng để quản lý kinh doanh hóa chất, như quy định cụ thể về việc cấp phép cho các đơn vị kinh doanh hóa chất”.
Theo tiến sĩ Hiền, việc mua bán, lưu trữ, vận chuyển a-xít và các loại hóa chất khác phải được thực hiện một cách khoa học như phải có nhà kho riêng và xe chuyên dụng để vận chuyển. Việc mua bán và vận chuyển hóa chất kiểu bất chấp như hiện nay vừa gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người kinh doanh, vận chuyển, vừa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây nguy cơ cao về cháy, nổ.
Hoàng Lâm