Kỷ niệm 49 năm ngày báo Phụ nữ TPHCM ra số đầu tiên 19/5/1975 - 19/5/2024

Những “quý ông” mê tờ báo của “quý bà”

18/05/2024 - 06:02

PNO - Ngày 19/5/1975, số báo Phụ nữ Sài Gòn đầu tiên - tiền thân Báo Phụ nữ TPHCM ngày nay - đã được phát hành nhân kỷ niệm 85 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 49 năm qua, Phụ nữ TPHCM là tờ báo được đông đảo bạn đọc yêu thích, trong đó số độc giả nam cũng đông không kém nữ.

Nhiều “quý ông” thường xuyên đến điểm đọc báo của hội LHPN ở quán cà phê Cây Trúc  (180/8 Lạc Long Quân, quận 11, TPHCM) để đọc báo Phụ nữ TPHCM - ẢNH: THIÊN ÂN
Nhiều “quý ông” thường xuyên đến điểm đọc báo của hội LHPN ở quán cà phê Cây Trúc (180/8 Lạc Long Quân, quận 11, TPHCM) để đọc báo Phụ nữ TPHCM - Ảnh: Thiên Ân

Tờ báo là kho tư liệu quý

Công việc hằng ngày bận rộn, ông Huỳnh Đăng Linh - Phó bí thư thường trực Quận ủy quận Phú Nhuận, TPHCM - vẫn dành thời gian để đọc báo Phụ nữ TPHCM. Nếu công việc quá nhiều, ông chọn đọc trước mục Tiêu điểm trên trang 2 và 3 để nắm bắt chuyên đề thời sự lớn của báo, tiếp đó là trang 9 (trang Bạn đọc) để biết thêm các vấn đề mà bạn đọc đang quan tâm, phản ánh.

Ông kể, năm 1994, khi đang làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên TPHCM, ông đã phối hợp với cán bộ Hội LHPN TPHCM thực hiện chương trình tuyên dương “Người con hiếu thảo”. Từ những bài viết về chương trình, ông biết đến Báo Phụ nữ TPHCM và giữ thói quen đọc tờ báo này cho đến nay.

Theo ông, Phụ nữ TPHCM có cách trình bày đẹp, bắt mắt, hình ảnh sống động, nội dung các đề mục phong phú, đi vào nhiều vấn đề mà bạn đọc quan tâm, trong đó có nam giới: “Phụ nữ TPHCM đã thể hiện được sắc thái riêng bằng cách khai thác vấn đề riêng, những câu chuyện rất riêng, gần gũi, để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Ví dụ, gần đây nhất, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, báo đăng nhiều bài về những người lính Điện Biên hôm nay, về chuyện tình ngọt ngào, thủy chung thời kháng chiến, câu chuyện nhân văn về tình nghĩa quân dân”.

Là Phó bí thư thường trực Quận ủy, ông đánh giá, Báo Phụ nữ TPHCM là kho tư liệu phong phú mà hội LHPN các cấp có thể sử dụng để tuyên truyền, sinh hoạt tại cơ sở, để chị em cùng nhau trao đổi, học hỏi, ứng dụng ngay trong đời sống thực tiễn của gia đình mình. Ông góp ý, báo nên chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, chẳng hạn có những bài về phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ thời đại mới, đồng thời cũng cần quan tâm các tin, bài thời sự nóng hổi cho bạn đọc.

Là nơi để trải lòng

Điểm đọc báo hội (quán cà phê Cây Trúc, số 180/8 Lạc Long Quân, quận 11, TPHCM) rôm rả với những cuộc bàn luận về đề tài hôn nhân - gia đình đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM ẢNH: PHÙNG HUY
Điểm đọc báo hội (quán cà phê Cây Trúc, số 180/8 Lạc Long Quân, quận 11, TPHCM) rôm rả với những cuộc bàn luận về đề tài hôn nhân - gia đình đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Cuối năm 2002, khi vừa tốt nghiệp đại học, ông Nguyễn Đước vào làm việc cho một công ty nhà nước trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Công ty đặt mua báo Phụ nữ TPHCM định kỳ nên giờ nghỉ trưa, ông thấy các chị em làm chung phòng tranh thủ đọc. Khi rảnh rỗi, ông cũng mở tờ báo này ra xem “có gì mà chị em ghiền dữ vậy”. Đập vào mắt ông là chuyên mục Đừng quên họ.

Ông nhớ lại: “Đây là chuyên mục rất nhân văn của Báo Phụ nữ TPHCM đã có từ mấy chục năm nay, phản ánh những mảnh đời phụ nữ, trẻ em bất hạnh ở khắp cả nước nhằm kêu gọi bạn đọc cùng đóng góp, giúp đỡ họ. Thời điểm đó, tôi đọc và nhận thấy sống mũi mình cay xè. Tôi mang tờ báo về cho mẹ cùng đọc. Mẹ tôi đọc xong, thẫn thờ thả tờ báo xuống và buông một câu: “Tội nghiệp quá”. Thỉnh thoảng, tôi cũng gửi tiền hỗ trợ cho những trường hợp cụ thể để vừa chia sẻ với người cần, vừa làm cho mẹ an lòng”.

Ngoài chuyên mục này, ông còn đọc những nội dung khác trên tờ Phụ nữ TPHCM và nhận thấy rất thân thương, xúc động rồi trở thành bạn đọc thường xuyên của báo. Năm 2007, ông bắt đầu viết và gửi bài cho báo, mục Gia đình yêu dấu. Ông thường viết về mẹ mình - một phụ nữ đảm đang, hy sinh vì chồng, vì con trong những năm tháng nghèo khó. Khi bài được đăng, ông đến các sạp mua báo rồi gửi bưu điện về quê cho mẹ đọc.

Ông kể, mẹ ông thường khóc vì xúc động mỗi khi đọc báo Phụ nữ TPHCM, không có báo là bà lại hỏi, nên ông đăng ký mua dài hạn 3 số báo thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và cả tạp chí Phụ nữ Chủ nhật cho mẹ. Ông tâm sự: “Việc mẹ và 2 người chị của tôi ở Quảng Ngãi rất thích đọc báo Phụ nữ TPHCM cũng là lý do khiến tôi gắn bó lâu dài với tờ báo này”.

Là bạn đọc trung thành, ông Nguyễn Đước nhận xét, Phụ nữ TPHCM có những chuyên đề rất phụ nữ nhưng không chỉ dành riêng cho phụ nữ. Phái nam cũng thích đọc báo này bởi đề tài, thông tin phong phú, đa dạng, được phản ánh dưới góc nhìn rất riêng, nhẹ nhàng, sâu sắc. Riêng ông đặc biệt thích đọc, ngẫm nghĩ và trải lòng với báo ở các trang, mục về hôn nhân, gia đình.

Ông nói: “Đó là những bài viết về cha mẹ và con cái, về cách ứng xử giữa vợ chồng, về những biểu hiện thân thương như bữa ăn gia đình, những món ăn của thời cả nước còn nghèo đói, khó khăn, về tình cảm ông cháu, bà cháu, mẹ chồng và con dâu, cha chồng và chàng rể… Đó là những bài viết giàu tính nhân văn, khơi gợi cảm xúc yêu thương giữa người với người, nuôi dưỡng sự hiếu thuận - những yếu tố rất cần thiết trong xã hội cả xưa và nay”.

Ông cũng mong muốn trang Bạn đọc của báo có thêm “đất” để bạn đọc được phản ánh, góp ý về những vấn đề nóng bỏng, thời sự của địa phương, thành phố và đất nước.

Ý kiến:

Ông Trần Quang Hiếu (quận 4, TPHCM): Cả nhà đều thích đọc báo Phụ nữ TPHCM

Phụ nữ TPHCM là tờ báo của giới nữ nhưng những người đàn ông như tôi vẫn rất thích đọc bởi báo coi trọng chủ đề hôn nhân và gia đình, chăm sóc và giáo dục con cái với cách thể hiện dễ thương, dễ hiểu. Tôi với bà xã là độc giả của báo mấy chục năm nay, từ khi báo ra những số đầu tiên. Có thể nói, gia đình tôi có truyền thống đọc báo Phụ nữ TPHCM bởi 2 đứa con gái cũng đều rất thích tờ báo này.

Báo Phụ nữ TPHCM trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo nhưng vẫn luôn hướng tới mục tiêu là “bạn đường của hạnh phúc”. Dù viết về hôn nhân và gia đình hay về các vấn đề chính trị, xã hội, báo cũng luôn đặt ra nhiều vấn đề để bạn đọc cùng suy ngẫm. Ví dụ, những bài viết về thế hệ sinh năm 2000, 2010 trở đi khiến tôi rất thích vì con tôi đang trong độ tuổi đó. Đọc những bài này, tôi rút ra được những bài học quý để hiểu và ứng xử với con phù hợp hơn.

Tôi thích nhất là tờ Phụ nữ Chủ nhật nên luôn đăng ký mua báo theo năm. Thực sự tôi rất quý tờ báo. Chúc báo tiếp tục có những bài hay, nhận được sự yêu thích của bạn đọc các giới.

Anh Lý Phương Hải (quận 11, TPHCM): Báo giúp tôi rút ra nhiều bài học quý

Mỗi sáng, khi uống cà phê, tôi có thói quen đọc lướt qua các báo, trong đó có tờ Phụ nữ TPHCM. Tôi thích đọc mục Nhỏ to tâm sự để xem các tình huống về tình yêu, hôn nhân và lời tư vấn của chị Hạnh Dung về cách xử lý các tình huống. Những bài viết này giúp tôi hiểu biết hơn về giới, về người bạn đời để đúc kết kinh nghiệm sống, cách ứng xử trong hôn nhân, gia đình. Nếu có góp ý thì tôi mong báo có chuyên mục tư vấn tâm lý, gỡ rối cho tuổi mới lớn để các em có kênh tham khảo, học hỏi.

Anh Hồ Tấn Phồn (huyện Củ Chi, TPHCM): Tờ báo truyền cho tôi năng lượng tích cực

Tôi thường đọc báo Phụ nữ điện tử (phunuonline.com.vn) sau giờ ăn tối, do ban ngày đi làm. Tôi biết đến báo này khi thấy nhiều chị em chia sẻ các bài viết lên mạng xã hội. Tìm đọc, tôi thấy có nhiều câu chuyện hay, mang ý nghĩa tích cực nên đọc riết thành thói quen. Báo có nhiều bài viết hay, sắc nét, hình ảnh đẹp, thông tin chi tiết, dễ hiểu. Tôi cũng thích và hay đọc các bài trên mục Hôn nhân và Gia đình, Nhỏ to tâm sự để biết và học thêm cách ứng xử với vợ, với gia đình 2 bên, cách chăm sóc và giáo dục con cái… Theo tôi, báo nên viết nhiều bài về các gương sống đẹp - cả nữ lẫn nam - để lan tỏa lối sống tích cực đến mọi người.

Thiên Ân - Thiên Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI