Những quy định khắt khe để tặng sữa cho Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại TP.HCM

28/03/2019 - 18:15

PNO - Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở phía Nam dự kiến sẽ hoạt động vào ngày 10/4. Những bà mẹ hiến tặng sữa sẽ được ưu tiên khám chữa bệnh và mua sữa nếu con cái rơi vào tình trạng thiếu sữa.

Tại hội nghị "Tổng kết công tác chỉ đạo tuyến Sản – Nhi" tại TP.HCM vào sáng 28/3, bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Từ Anh – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở phía Nam sẽ hoạt động chính thức vào ngày 10/4 tới đây. Hiện ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Từ Dũ đang vận hành thử nghiệm.

Nhung quy dinh khat khe de tang sua cho Ngan hang sua me dau tien tai TP.HCM
 

Ngân hàng sữa mẹ sẽ chấm dứt nỗi ám ảnh viêm ruột hoại tử 

Theo bác sĩ Từ Anh, sự ra đời của ngân hàng sữa mẹ có thể chấm dứt một trong các ám ảnh của bác sĩ sản nhi: đó là tình trạng viêm ruột hoại tử xuất hiện ở trẻ sinh non.

Viêm ruột hoại tử là bệnh lý đường ruột thường gặp và nặng nề nhất ở trẻ sơ sinh, là nguyên nhân chính gây suy ruột ở trẻ sơ sinh. Tỷ lệ viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh dưới 1,5 kg vào khoảng 30%.

“Chúng tôi bị ám ảnh khi nhìn thấy những trẻ sinh non buộc phải cắt bỏ một đoạn ruột dài bị hoại tử. Các bé sau đó phải chịu đựng cuộc sống với đoạn ruột ngắn đi, suy dinh dưỡng nặng do kém hấp thu.

Nhưng dù vậy, có bé cũng không thể qua khỏi. Vì vậy, sữa mẹ lưu trữ trong ngân hàng là liệu pháp miễn dịch chống lại tình trạng hoại tử ruột", bác sĩ Từ Anh hy vọng.

Nhung quy dinh khat khe de tang sua cho Ngan hang sua me dau tien tai TP.HCM
Những mẻ sữa mẹ thanh trùng đầu tiên tại Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ

Sử dụng sữa mẹ sẽ giúp giảm tỷ lệ viêm ruột hoại tử so với sử dụng sữa công thức. Ngoài ra, trẻ sinh non sẽ dung nạp sữa tốt hơn, giảm thời gian nuôi dưỡng bằng dịch truyền, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vì nằm viện quá lâu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: sữa tươi của mẹ đẻ xếp đầu tiên trong danh sách về dinh dưỡng các loại sữa cho trẻ sơ sinh.

Sữa mẹ hiến tặng đã thanh trùng trong ngân hàng sữa xếp thứ 4. Sữa công thức xếp cuối cùng về dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng sữa mẹ thanh trùng giảm 3 lần viêm ruột hoại tử so với sữa công thức. Sữa mẹ thanh trùng cũng giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn so với sữa công thức.

Sữa thanh trùng cũng giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch 10 ngày so với sữa công thức.

Trẻ sinh non nuôi dưỡng bằng sữa mẹ thanh trùng có khả năng dung nạp dinh dưỡng tốt hơn, ít nôn, ít ứ sữa, và giảm tiêu chảy so với trẻ nuôi bằng sữa công thức. 

Nhung quy dinh khat khe de tang sua cho Ngan hang sua me dau tien tai TP.HCM
 

Ai mới được hiến tặng sữa mẹ?

Một ngân hàng sữa mẹ ra đời, theo bác sĩ Từ Anh sẽ giải quyết nhiều nhu cầu của xã hội, từ nhu cầu muốn cho sữa của các bà mẹ đến nhu cầu của các bé sinh non. Bệnh viện Từ Dũ từng tiếp nhận một lượng sữa hiến tặng của một bà mẹ lên đến 200ml trong một lần vắt sữa, trong khi con chỉ dùng có 20ml.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận 6.000 trẻ sinh non, đa phần dưới 1,5 kg. Tính cả hai bệnh viện sản khoa là Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và các cơ sở y tế khác tại TP.HCM, số trẻ sinh non vào khoảng 18.000 trẻ mỗi năm. Do đó, TP.HCM cần phải có ngân hàng sữa mẹ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh chia sẻ: kể từ khi bắt tay vào xây dựng ngân hàng sữa mẹ từ năm 2017, chị mới thấy những hiểu biết trước đó về bảo quản sữa mẹ hiến tặng thực ra rất… sơ sài.

Nguồn sữa hiến tặng được phân loại ngay từ khâu tiếp nhận. Sau khi được lưu trữ và xử lý mới trở thành sữa mẹ thanh trùng. Như vậy, nguồn sữa hiến tặng mới dùng được cho trẻ sinh non vốn rất yếu ớt.

Nhung quy dinh khat khe de tang sua cho Ngan hang sua me dau tien tai TP.HCM
Bên trong Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)

Hiện Bệnh viện Từ Dũ ưu tiên lấy nguồn sữa hiến tặng từ các bà mẹ đang có con điều trị tại Đơn vị chăm sóc trẻ Kangaroo - Bệnh viện Từ Dũ. Bởi sữa các bà mẹ sinh non tháng sẽ phù hợp cho các bé sinh non. Mặt khác, con của các mẹ sinh non thường sử dụng lượng sữa ít nên thường có lượng sữa dư. 

Những bà mẹ hiến tặng sữa sẽ được nhận thẻ hiến sữa tình nguyện. Các bà mẹ được ưu tiên khám chữa bệnh tại bệnh viện và mua sữa mẹ nếu con cái rơi vào tình trạng thiếu sữa.

Ngoài ra, ngân hàng sữa mẹ sẽ nhận nguồn sữa hiến tặng từ nhân viên y tế. Các bà mẹ này đủ kiến thức để đảm bảo vô khuẩn khi vắt sữa. Đặc biệt, ngân hàng sữa mẹ cũng tiếp nhận nguồn sữa từ các bà mẹ ở cộng đồng. 

Để tiếp nhận các nguồn sữa hiến tặng, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức khoảng 100 tình nguyện viên đến nhận sữa tại nhà các bà mẹ. Nguồn hiến tặng sữa sẽ được sàng lọc qua phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, rà soát hồ sơ bệnh án hoặc qua lấy mẫu máu xét nghiệm.

Những bà mẹ hiến tặng sữa sẽ được cho mượn máy vắt sữa, túi bảo quản sữa, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ sữa trong tủ lạnh, có dán nhãn code tên người tặng và ngày giờ vắt. Nguồn sữa này gọi là sữa mẹ hiến tặng thô.

Sữa mẹ thô sau được rã đông để thanh trùng. Trước và sau bước thanh trùng, sữa mẹ được xét nghiệm vi sinh. Nếu không đạt yêu cầu, mẻ sữa sẽ bị hủy bỏ. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, trước đây, bệnh viện có thử xét nghiệm nguồn sữa hiến tặng và phải hủy bỏ hơn 50% vì phát hiện sữa bị nhiễm vi khuẩn không an toàn.

Nhung quy dinh khat khe de tang sua cho Ngan hang sua me dau tien tai TP.HCM
Sữa mẹ thanh trùng tại Ngân hàng sữa BV Từ Dũ

Để tiêu diệt vi khuẩn có hại, sữa mẹ thô được làm nóng đến nhiệt độ 62,5 độ C trong 30 phút. Sau đó làm lạnh nhanh xuống 25 độ C trong vòng 10 phút. Sau đó làm lạnh xuống 4 độ C. Quy trình này nhằm loại bỏ, hạn chế hoặc bất hoạt các tác nhân vi sinh học như nấm, vi khuẩn, virus, bào tử…trong khi vẫn đảm bảo dinh dưỡng và miễn dịch của sữa mẹ. 

Theo bác sĩ Từ Anh, ngân hàng sữa mẹ sử dụng các loại thiết bị chuyên dụng và đặt hàng từ nước ngoài vì rất khó kiếm. Chẳng hạn, máy thanh trùng là loại nhập từ Anh.

Nhung quy dinh khat khe de tang sua cho Ngan hang sua me dau tien tai TP.HCM
Quy trình lưu trữ, thanh trùng và phân phối sữa mẹ hiến tặng được đảm bảo vô khuẩn như trong phòng mổ. Người bước vào phải mặc quần áo vô khuẩn, mang khẩu trang, thay dép…

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên trên thế giới thành lập vào năm 1909 tại Áo. Hiện nay, có khoảng 600 ngân hàng sữa mẹ ở 37 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ra đời vào năm 2017 tại Bệnh viện sản nhi Đà Nẵng. Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ là ngân hàng sữa mẹ thứ 2 tại Việt Nam.

Mẻ sữa đầu tiên được đưa vào vận hành thử nghiệm  tại Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ vào ngày 19/3/2019 đã đạt tiêu chuẩn vi sinh sau thanh trùng. Mẻ sữa mẹ được thử nghiệm lần đầu tiên có sự chứng kiến của ngài Patrick O’Donovan - Quốc vụ khanh Bộ Tài chính - Chi tiêu công và Cải cách Ireland, nhân chuyến tham quan chuẩn bị đưa vào hoạt động chính thức Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ.

Những trường hợp hiến tặng sữa sẽ không được tiếp nhận

-Truyền máu hoặc sản phẩm máu hoặc cấy mô/bộ phận cơ thể trong vòng 6 tháng qua.

-Hiện đang điều trị hoặc có tiền sử điều trị các bệnh viêm gan (vàng da), lao, ung thư.

-Đang sử dụng thuốc chống chỉ định trong trường hợp đang nuôi con bằng sữa mẹ.

-Đã từng có kết quả (+) đối với bất kỳ xét nghiệm sau: HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai.

-Tiêm phòng Rubella hoặc MMR (quai bị, sởi và rubella) trong vòng 4 tuần tính đến ngày sàng lọc

-Hiện đang hút thuốc lá hoặc các sản phẩm chứa nicotine (miếng dán, viên ngậm, thuốc xịt chứa nicotine; kẹo cao su nicotin; thuốc lá điện tử…)

-Thường xuyên uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn mỗi tuần. Một đơn vị cồn tương đương với với 1/2 chén rượu mạnh (25ml, 400) hoặc 1 cốc nhỏ rượu vang (100ml, 120) hoặc 1 cốc bia (200ml, 50).

-Hiện đang sử dụng một hoặc nhiều loại gây nghiện như thuốc phiện, cần sa, cocaine, heroin, marijuana, ma túy đá, thuốc lắc…

-Quan hệ tình dục không an toàn (không dùng bao cao su) trong vòng 6 tháng qua với nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh viêm gan B, viêm gan C, giang mai.

-Xăm/ trổ vĩnh viễn trong vòng 6 tháng qua.

-Viêm vú hoặc có các bất thường ngoài da – vùng xung quanh vú.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI