Những quốc gia cô đơn nhất thế giới

22/04/2025 - 15:00

PNO - Sự cô đơn thường gắn liền với người cao tuổi vì họ ít giao tiếp xã hội hơn khi về già. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới thì những người ở độ tuổi trung niên mới là những người cô đơn nhất.

Hoa Kỳ có tỷ lệ cô đơn cao hơn đáng kể ở những người lớn tuổi trung niên, một mô hình chỉ có một quốc gia khác chia sẻ, đó là Hà Lan.
Người trung niên thường có cảm giác cô đơn hơn mọi nhóm tuổi khác - Ảnh: DM

Tiến sĩ Robin Richardson, giáo sư nghiên cứu về nguyên nhân xã hội của các vấn đề sức khỏe tâm thần tại Đại học Emory (Mỹ), cho biết: "Có một nhận thức chung rằng mọi người trở nên cô đơn hơn khi họ già đi, nhưng thực tế ngược lại, ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác là những người trung niên lại cô đơn hơn những người lớn tuổi hơn".

Các nhà khoa học từ Đại học Emory hợp tác với Đại học Columbia ở New York, Đại học McGill ở Canada và Universidad Mayor ở Chile và đã phân tích dữ liệu từ hơn 64.000 người từ 29 quốc gia ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Đông.

Các nhà nghiên cứu điều tra mức độ phổ biến của sự cô đơn và các vấn đề tuổi tác, giới tính và sức khỏe. Mục đích là xác định các yếu tố nào ảnh hưởng đến sự cô đơn ở tuổi già nhất.

Kết quả cho thấy, những người trung niên ở Mỹ và nhiều quốc giá khác thường cảm thấy cô đơn nhất.

Không kết hôn, không có việc làm, trầm cảm và sức khỏe kém là những nguyên nhân chính gây ra sự cô đơn ở tuổi trung niên.

Trong khi đó, tỷ lệ ở người lớn (từ 65-90) cô đơn thì ở Hy Lạp và Síp thì có mức độ cao nhất. Đan Mạch là quốc gia có người lớn tuổi cô đơn thấp nhất.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia như Đan Mạch có mạng lưới an sinh xã hội mạnh hơn như chăm sóc sức khỏe toàn dân miễn phí, trợ cấp chăm sóc trẻ em, lương hưu được đảm bảo, chế độ nghỉ phép có lương dành cho cha mẹ, chăm sóc người khuyết tật và trợ cấp nhà ở... tất cả đều tạo ra nhiều niềm tin hơn và oan sinh xã hội khiến con người ít căng thẳng hơn.

Đan Mạch cũng duy trì văn hóa Hygge, ưu tiên sự ấm áp, thoải mái và kết nối, cũng như nhấn mạnh thời gian dành cho gia đình và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Nam và Đông Âu cho thấy mức độ cô đơn cao nhất, đặc biệt là Hy Lạp và Síp tiếp theo là Slovakia và Ý. Nguyên nhân là do sự bất ổn về kinh tế, mạng lưới an toàn xã hội yếu kém và cơ cấu hỗ trợ gia đình suy giảm đã dẫn đến tình trạng này.

Việc thiếu mạng lưới an toàn vững chắc và không có việc làm cũng đã làm tăng mức độ cô đơn ở những người trung niên tại Mỹ.

Nhiều người Mỹ trung niên cũng trải qua cảm giác kỳ thị liên quan đến tình trạng thất nghiệp. "Văn hóa hối hả" của Mỹ tạo ra cảm giác xấu hổ về việc thiếu năng suất và đóng góp cho xã hội, điều này có thể làm trầm trọng thêm cảm giác cô lập.

Tiến sĩ Esteban Calvo, Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nghệ thuật tại Đại học Mayor ở Chile, cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi cho thấy sự cô đơn không chỉ là vấn đề của tuổi già. Trên thực tế, nhiều người tuổi trung niên - thường phải xoay xở giữa công việc, chăm sóc và cô lập - dễ bị tổn thương một cách đáng ngạc nhiên. Trên toàn cầu, chúng ta phải mở rộng việc sàng lọc trầm cảm cho nhóm tuổi trung niên, cải thiện sự hỗ trợ cho những người này mới hy vọng giải quyết được vấn đề toàn cầu".

Trước đó, chuyên gia Vivek Murthy cảnh báo sự cô đơn là một "đại dịch" của Mỹ, lưu ý rằng mối liên hệ của cô đơn với chứng nghiện ngập và bạo lực. "Cô đơn không chỉ là một cảm giác tồi tệ mà còn gây hại cho sức khỏe của cả cá nhân và xã hội. Nó liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chứng mất trí, đột quỵ, trầm cảm, lo âu và tử vong sớm cao hơn. Tác động đến tỷ lệ tử vong do mất kết nối xã hội tương tự như tác động do hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, và thậm chí còn lớn hơn tác động liên quan đến béo phì và ít vận động".

Trọng Trí (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI