Những que diêm cháy dở...

25/10/2015 - 08:14

PNO - Tôi cũng giống như Nomita, chỉ biết gầm gào với chính mình. Không dám bung ra dù chỉ một lần bởi sợ thiên hạ ngoài kia bới móc.

Nhung que diem chay do...
Ảnh: Shutterstock

Tôi rất ấn tượng với truyện ngắn Hộp diêm của nữ tiểu thuyết gia kiêm nhà thơ Ashapurna Debi. Bà đã mở đầu truyện ngắn như sau: “Tôi luôn so sánh phụ nữ với những hộp diêm. Tại sao? Bởi vì những hộp diêm - cho dù có đủ thuốc diêm để tạo nên cả trăm ngọn lửa thì chúng vẫn yên vị hiền lành trong nhà bếp, trong chạn bát đĩa, trong phòng ngủ, ở đây, ở kia, ở bất cứ đâu - phụ nữ cũng giống y như vậy”.

Ôi chao, một sự ví von hay đến mức tôi tin chắc rằng, Ashapurna Debi đã thấu hiểu trái tim đàn bà bằng nỗi đau của chính mình. Nỗi đau của người đàn bà giữ trong mình hàng trăm ngọn lửa âm ỉ dưới vỏ bọc hiền lành. Trong mọi hoàn cảnh, họ luôn tìm thấy một lý do để yên lặng và nín nhịn. Vì con cái, vì tình yêu, vì trách nhiệm. Và vì để bảo vệ cái vỏ bọc hạnh phúc với chính người đàn ông đầu ấp tay gối của mình.

Hộp diêm xoay quanh diễn biến tâm lý của Nomita khi phát hiện thấy bức thư đề tên mình trong đống quần áo bẩn của Ajit - chồng nàng. Đó là bức thư mẹ nàng gửi đến cho con gái cách đó ba ngày. Bằng một cách nào đó, Ajit đã nhận được bức thư, mở nó ra đọc rồi bỏ vào túi quần mà không hề nói gì với Nomita.

Nàng thấy ngọn lửa tức giận bùng lên trong từng mạch máu khi nghĩ về thói xấu của chồng. Nàng nghi ngờ Ajit đã nhiều lần không đưa thư cho mình. Chính Ajit từng tuyên bố mình có quyền khám phá bất kỳ lá thư nào đáng nghi.

Nomita đọc lá thư của mẹ, nàng luôn cảm thấy giận và buồn khi mẹ mình lần nào cũng kể khổ để xin xỏ các con. Ajit đã từng chế giễu và cho rằng, chẳng cần đọc thư mẹ vợ làm gì, chỉ cần điền vào phiếu chuyển tiền là đủ.

Nomita cảm thấy xấu hổ và bị sỉ nhục khi không giữ được phẩm giá và lòng tự trọng trước chồng. Nên lần này, nàng trút sự phẫn nộ dữ dội lên anh ta. Một cuộc cãi vã nảy lửa xảy ra. Đến đỉnh điểm, Nomita đã chụp lấy hộp diêm đang để gần bao thuốc lá của Ajit trên bàn, đánh một que diêm và châm vào áo sari của mình. Tức thì lửa bốc cháy trên cái áo sari rất đẹp của người vợ giàu có.

Nhung que diem chay do...

Người đọc cứ chờ một ngọn lửa dữ dội hơn thế cháy phừng phừng trong tâm trí Nomita. Nhưng không, ngay sau đó nàng trở về với cuộc sống đời thường. Xuống bếp nấu ăn cùng hai người chị dâu với tất cả những tủn mủn, vụn vặt đời thường.

Khi chị dâu hỏi tại sao nàng lại đốt áo của mình? Thay vì bù lu bù loa lên, Nomita đã nói dối rằng do dùng tà áo bắc nồi nước sôi ra khỏi lò. Trong lúc ngồi lột vỏ khoai, Nomita vẫn nghĩ xem làm cách nào đó chuyển ít tiền về cho mẹ, dù trước đó nàng đã kiên quyết cự tuyệt mọi xin xỏ của bà. Vì sao ư? Vì Nomita từng là con gái của một người nhặt phân, bỗng lấy được chồng giàu và trở thành bà hoàng.

Ashapurna Debi đã kết truyện thế này: “Ở nơi đó, cả làng biết Nomita là một bà hoàng - chồng của Nomita là người có tâm hồn cao thượng, trái tim rộng lượng. Chính xác đây là lý do vì sao tôi so sánh phụ nữ với những hộp diêm.

Thậm chí khi trong họ có nguyên liệu để tạo ra những ngọn lửa dữ dội, họ cũng không bao giờ đốt lên và làm cháy đi cái mặt nạ tâm hồn cao thượng, trái tim rộng lượng của đàn ông. Họ không đốt cháy lớp vỏ ngoài nhiều màu sắc của họ. Họ sẽ không đốt chúng - đàn ông cũng biết thế.

Đó là lý do tại sao họ để những hộp diêm khá bất cẩn trong nhà bếp, trong chạn chén bát, trong phòng ngủ, ở đây, ở kia, ở khắp nơi. Và không sợ hãi, họ cất diêm trong túi của mình”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI