PNO - Vừa lên cao tốc, tài xế bắt đầu đạp ga, chạy với vận tốc kinh hoàng. Trên suốt đoạn cao tốc, tài xế tên T. cho chúng tôi cảm tưởng đó là cuộc đua của anh với nhiều chiếc xe khác đang lưu thông cùng chiều.
Ngày 30/7, khi màu khăn tang đang phủ kín thôn nghèo Lương Điền, xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị sau vụ xe khách 16 chỗ chở đoàn đi rước dâu tông xe container ở tỉnh Quảng Nam, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có mặt trên những chuyến xe khách chặng ngắn từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận. Nhiều người ví những chiếc xe khách cỡ nhỏ, chạy tuyến ngắn là “quan tài bay” trên xa lộ. Phóng nhanh, vượt ẩu, giành khách là điểm chung của tài xế loại xe này.
Chiếc xe khách 51B-26285 áp sát hai xe tải để vượt lên giành khách với một xe khác
Rượt đuổi
10g, chúng tôi có mặt trên chiếc xe khách biển số 51B-03452 chạy tuyến TP.HCM đi H.Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, xuất phát từ Bến xe Miền Đông. Dù chúng tôi mua vé (97.000 đồng/vé) với ghế ngồi số 6 nhưng bác tài bảo: “Coi còn chỗ nào trống, ngồi đi”. Do đến trước, chúng tôi chọn được một chiếc ghế tươm tất, trong khi nhiều ghế khác bong hết phần da bọc ngoài, lòi cả phần gỗ ép bên trong. Xe xuất bến chỉ với chưa đầy 10 người khách, bác tài có vẻ không vui nên nấn ná ở cây xăng bắt thêm vài khách nữa mới chịu lên đường.
Đến Quốc lộ 13, tài xế nhận được cuộc gọi báo: “Có chiếc chạy trước ra khỏi ngã tư Bình Phước rồi”. Tài xế khoảng ngoài 50 tuổi cau mày, nhấn ga bám theo chiếc xe phía trước. Thế nhưng, cả tài xế và phụ xe vẫn không quên đảo mắt sang bên đường để đón khách. Khi có người ra hiệu đón xe, tài xế sẽ tấp vội vào bên đường chạy rà rà cho khách nhảy lên chứ không dừng lại hẳn. Chiếc xe vừa qua khỏi trạm thu phí trên đại lộ Bình Dương, phụ xe đã tắt máy lạnh, mở toang cửa kính hứng gió để chuẩn bị bước vào... cuộc rượt đuổi.
Nhác thấy phía trước có một chiếc xe khách tên P.N. mang biển số Bình Phước đang đón khách, lơ xe vội báo cho tài xế “qua mặt”. Cuộc rượt đuổi kéo dài gần 2km, chiếc xe khách có tên P.N. bị bỏ lại phía sau. Ở băng ghế phía dưới, chúng tôi và nhiều hành khách khác đã xanh mặt sau những cú dằn xóc trên đường. Thấy chúng tôi bị say xe, lơ xe “điều” chúng tôi lên ngồi ghế trên, bên cạnh tài xế. Lúc này, chiếc xe vẫn lao vun vút trên đại lộ Bình Dương. Liếc mắt sang chỗ bác tài ngồi, chúng tôi thấy đồng hồ km của xe không còn hoạt động, màn hình gần các nút điều khiển cũng vỡ tan hoang.
13g20, chúng tôi có mặt tại nhà xe ở số 44 Nguyễn Thái Bình, Q.1 của nhà xe Hoa Mai, chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. Hoa Mai nhiều năm qua “nổi danh” bởi lối phóng nhanh, vượt ẩu của cánh tài xế, dẫn đến nhiều vụ tai nạn đau lòng. Chờ khoảng 5 phút, chúng tôi được thông báo lên xe trung chuyển 7 chỗ đến bãi xe ở hẻm 134 Võ Văn Kiệt, Q.1. Tại đây, đã có khoảng 4 chiếc xe đầy khách chuẩn bị xuất bến. Theo sự điều động của một nhân viên, hành khách được chia ra, đưa lên 4 chiếc xe khác nhau.
Tôi được xếp lên xe 72B-02455 ngồi ngay kế bên tài xế. Mỗi người phải đóng 95.000 đồng và không được cung cấp vé. Thấy tôi ngạc nhiên, một vị khách dường như là mối quen của nhà xe nói: “Nếu muốn xuất vé thì xuống trạm dừng chân Hoa Mai, vô văn phòng kêu họ xuất cho”. Tài xế gật đầu: “Đúng rồi”.
Tài xế xe 51B-03452 buông cả tay lái nghe điện thoại "ra-đa" báo tin về cảnh sát giao thông
Xe xuất bến, băng qua hầm Thủ Thiêm về hướng cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Nội thành đông đúc, xe giữ tốc độ vừa phải. Thế nhưng, vừa lên cao tốc, tài xế bắt đầu đạp ga, chạy với vận tốc kinh hoàng. Trên suốt đoạn cao tốc, tài xế tên T. cho chúng tôi cảm tưởng đó là cuộc đua của anh với nhiều chiếc xe khác đang lưu thông cùng chiều.
Những chiếc xe trước mặt cứ thế lùi về sau. Thỉnh thoảng, một chiếc xe khác vượt lên, T. lập tức nhấn ga, đánh sang trái, sang phải, bằng mọi giá vượt lên những chiếc xe “dám” vượt lên trước mình. Xe chạy trên cao tốc với tốc độ cao nhưng bám đuôi nhau như... trên đường làng. Chỉ trong 25 phút kể từ lúc xuất bến ở đường Võ Văn Kiệt, băng qua những con đường đông đúc của nội thành, “bay” trên cao tốc, chúng tôi đã dừng lại ở Trạm dừng chân Hoa Mai trên Quốc lộ 51, H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Đúng 10 phút nghỉ chân, xe 72B-02455 lại tiếp tục hành trình. Vừa ra khỏi trạm, trên xe vẫn đủ 15 hành khách đúng “chuẩn” của xe 16 chỗ nhưng tài xế T. lấy biển hiệu TP.HCM - Long Hải bỏ trước đầu xe, nhằm bắt khách đọc đường. Xe đến nút giao ngã ba Vũng Tàu, không bắt được khách, T. cất biển hiệu. Chúng tôi bắt chuyện: “Anh chạy nhanh quá, nãy giờ mình chạy từ TP.HCM xuống đến đây mà chỉ hơn một tiếng đồng hồ”. Tài xế T. đáp: “Do mình chạy cao tốc. Xe này chạy tuyến TP.HCM - Long Hải, do khách về Vũng Tàu đông nên mình tăng cường”.
“Hành khách là khách bị hành”
11g, phóng viên có mặt trên đường Kinh Dương Vương, đoạn đối diện Bệnh viện Triều An, Q.Bình Tân thì một chiếc xe khách 16 chỗ trờ tới đón. Mặc dù đã thỏa thuận sẽ chở chúng tôi đến H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang nhưng tài xế xe chỉ đưa chúng tôi lòng vòng rồi “bán” lại cho một xe khách khác ở gần đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Trên cao tốc, chiếc xe chở khách 24 chỗ phóng bạt mạng, không cần giữ khoảng cách an toàn với các xe khác.
Một tài xế cho biết, các tài xế tuyến này thường chạy nhanh do áp lực thời gian. “Mỗi ngày phải vòng đủ 4 chuyến mới có cơm. Nhiều hôm, tài xế phải chạy luôn, không được nghỉ trưa. Biết chạy xe buồn ngủ như vậy là nguy hiểm, nhưng vì áp lực hợp đồng với chủ, tụi tôi không còn cách nào khác”.
Chiếc xe được sản xuất từ năm 2004 nên đã xuống cấp ghế bong tróc, màn hình gần buồng lái cũng bị vỡ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đường Kinh Dương Vương, đoạn từ Bệnh viện Triều An đến vòng xoay An Lạc, Q.Bình Tân đến Quốc lộ 1 (đầu đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), có hàng chục lượt xe dù - chủ yếu là các loại xe 16 chỗ đời cũ - thường xuyên tấp vội vào lề đường chèo kéo, mời mọc, lùa khách khi xe đang chạy. Một điểm chung của các xe dù tuyến TP.HCM đi miền Tây là luôn lưu thông theo tuyến quốc lộ cũ để “săn” khách.
Một người dân ngụ ở khu vực này cho biết, hai bến cóc này hoạt động hơn một năm qua mà chưa từng thấy bóng dáng lực lượng chức năng kiểm tra. Mới đây, lực lượng chức năng có đến kiểm tra một bến xe dù khác gần đó (gần cây xăng Hiệp Thành, Quốc lộ 1, ở ấp 2, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM) khiến các xe dù ù té chạy, gây náo loạn cả khu vực. Cây xăng này nằm cách trụ sở Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 4 của TP.HCM chỉ khoảng 200m.
Một bến cóc khác hoạt động không kém phần nhộn nhịp là ở khu vực Bến Đỗ (gần cầu Nước Lên, đường Võ Văn Kiệt, H.Bình Chánh). Một điểm đen về tình trạng xe dù bến cóc nhiều năm qua là tại khu vực hầm chui đầu đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Bến cóc, xe dù bắt khách cũng là những mối họa về an toàn giao thông.
14g, phóng viên có mặt trên chuyến xe có tên Mẫn Nghi, biển số 51B-26285 hướng từ H.Bù Đốp, tỉnh Bình Phước về TP.HCM. Xe vừa qua thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước), tài xế phát hiện xe mang biển số 53N-5358 chạy trước “nuốt” khách nên bắt đầu tăng tốc. Tiếng còi xe xin đường inh tai, tài xế nhiều lần “đánh lái” ngang dọc vượt qua dòng xe tải và xe khách trên đường.
Chúng tôi nhiều lần bị nhào về phía trước ở những đoạn xe thắng gấp. Chiếc máy quay của chúng tôi cũng nhiều lần bay nhảy theo từng cú đánh lái của tài xế. Trên xe, hai nữ sinh viên ngồi hàng ghế trước tái xanh mặt mũi. Không chỉ vậy, ở nhiều đoạn đường, tài xế còn ngang nhiên “buôn chuyện”, chửi tục qua điện thoại di động. Một tay cầm điện thoại, tay kia lái xe nhưng khi thấy khách, tài xế liền buông cả tay cầm lái, chỉ cho lơ xe đón khách.
17g, chúng tôi lên chuyến xe mang biển số 72B-01209 của nhà xe Toàn Thắng. Trên xe chỉ khoảng 4 - 5 khách. Tài xế N. chạy lòng vòng khắp TP.Vũng Tàu, cứ chạy chừng 5 - 10 phút, lại có một khách đứng dọc đường vẫy tay. Chúng tôi hỏi, họ là khách đặt tuyến, mình đến đón hay bắt ngoài, tài xế N. đáp: “Mình bắt ngoài”.
Chúng tôi lên xe lúc 17g, nhưng đến hơn 18g, xe mới đến nút giao ngã ba Vũng Tàu. Nếu không dừng bắt khách, N. cũng dừng xe nhận hàng, chuyển lên TP.HCM. Nhìn ra sau, N. thốt lên sung sướng: “Ơ, đầy xe rồi à?”. N. đạp ga, bắt đầu lách qua, vượt lên trước những chiếc ô tô. Gặp đèn đỏ ở ngã tư, không chịu xếp hàng sau những chiếc xe khác, N. đánh xe lấn sang hướng dành cho xe máy. Chạy khoảng 10km, N. bất ngờ la lên: “Chết mẹ rồi, bị bắn tốc độ”.
Chúng tôi nhìn ra ngoài, thấy nhóm CSGT thổi còi, chỉ tay vào xe N., xe dừng hơn 10 phút. Trở lại sau cuộc làm việc với CSGT, N. văng tục liên hồi: “Đ.M, xui quá”. Chúng tôi hỏi thăm, N. đáp: “Chỗ này cho chạy 70km/giờ mà mình chạy 79 km/giờ. Xui quá, mới lấy bằng lái ra mất 4 triệu đồng, giờ chịu phạt 700.000 đồng”.
Dù vậy, N. chỉ giữ tốc độ 70km/giờ được 2km, sau đó bất ngờ phóng vút, tiếp tục lách vượt những chiếc xe trước mặt. 30 phút sau, xe dừng tại trạm dừng chân Long Phước (H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai). N. cho biết, khách sẽ được sang xe. Tại trạm dừng này, đã có sẵn một chiếc xe biển số 72B-02449 cùng hơn 10 vị khách ngồi đợi. Theo “lệnh” một nhân viên mặc đồng phục nhà xe Toàn Thắng, tất cả hành khách được phân ra, ai về Bến Thành sẽ lên xe 72B-01209, ai về Bến xe Miền Đông thì lên xe 72B-02449.
Chúng tôi lên xe 72B-02449 về Bến xe Miền Đông. Tài xế xe này cũng lạng lách và chạy quá tốc độ cho phép, thỉnh thoảng dừng lại để trả hàng. Việc trả hàng chiếm rất nhiều thời gian nên đến 21g, chúng tôi mới về đến Bến xe Miền Đông. Nhiều vị khách la ó: “Ai đời đi từ Vũng Tàu lên TP.HCM mà mất 5 giờ. Một khách thở phào: “Tôi thật may khi hủy chuyến bay ra Hà Nội lúc 20g, dời lại sáng mai”.
Tài xế liên tục phì phèo thuốc trên xe suốt đoạn đường dài
Tắt hộp đen, dùng “mật hiệu”
Trên chuyến xe mang biển số 51B-03452 từ TP.HCM về H.Bù Đốp (tỉnh Bình Phước), tài xế có 131 lần sử dụng điện thoại di động trong lúc lái xe. Mặc dù khoản 3, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Sở dĩ tài xế thường “nhai” điện thoại là để… dò đường.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2018, trung bình mỗi ngày, cả nước xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, làm 22 người chết, 39 người bị thương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tài xế các tuyến xe chặng ngắn thường sử dụng thuật ngữ “dắt” và “canh”. Các tài xế tuyến TP.HCM - Bình Phước tiết lộ, các tuyến xe ở đây thường chia thành từng tốp và giờ xuất phát khác nhau. Xe chạy trước “dắt” tức là xem đường cho tài xế chạy sau, ở những đoạn có CSGT tuần tra thì sẽ gọi điện báo cho xe phía sau biết để giảm tốc độ hoặc chạy đường tránh. Những xe phía sau sẽ làm nhiệm vụ “canh” cho xe trước khi thấy xe “lạ” vượt lên bám đuôi.
Khoảng 12g20, xe 51B-03452 đến H.Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Nhận cuộc gọi báo, có xe T.C. đang bám đuôi, tài xế liền cho xe tăng tốc. Tốc độ điều khiển xe tùy theo tín hiệu của xe “dắt” và “canh”. Ngồi trên xe 51B-03452, chúng tôi thấy, khi gặp xe khách đối diện, tài xế thường nhá đèn, xua tay hoặc chỉ tay xuống đất. Đó là mật hiệu của các tài xế để tránh CSGT. Khi tài xế nhá đèn, xua tay tức là đoạn đường họ vừa qua không có CSGT tuần tra, ngược lại khi nhá đèn mà chỉ tay xuống đất tức là có CSGT.
Với tuyến Vũng Tàu - TP.HCM, tài xế T. (lái xe cho hãng Hoa Mai) tiết lộ, công ty quy định, trung bình mỗi chuyến chạy trong khoảng thời gian 2 giờ rưỡi, nhưng có khi, tài xế chạy ít hoặc nhiều hơn khung giờ quy định. Nhỡ công ty biết, phạt thì sao? T. đáp: “Mình tắt hộp đen để chạy quá tốc độ cho nhanh hoặc dừng đón khách bị trễ so với khung giờ quy định. Họ theo dõi hộp đen, họ đo được tốc độ hoặc định vị được mình, đỗ dừng chỗ nào họ biết hết. Mình tắt đi, rồi nếu bị hỏi, mình chỉ cần nói hộp đen bị… mát hay sao đó nên không hoạt động. Nếu không, họ biết mình chạy quá tốc độ hoặc quá khung giờ, họ phạt chết”.
Theo T., tài xế xui lắm mới bị phát hiện tắt hộp đen và phạt lỗi chạy nhanh hoặc quá giờ quy định. T. khẳng định: “Chỉ sợ công an bắn tốc độ hoặc vô công ty kiểm tra đột xuất, phạt công ty, công ty phạt ngược mình”. Cũng như nhiều tài xế của hãng xe Hoa Mai, trung bình mỗi ngày, T. chạy khoảng 3 - 4 tua (đi về). T. là tài xế thuộc tuyến TP.HCM - Long Hải, ăn lương theo mức 90.000 đồng/tua, ngoài ra không còn khoản hỗ trợ nào khác của công ty, còn chuyện tài xế có thêm khoản ngoài hay không là dựa vào việc bắt khách dọc đường. “Nãy ra khỏi trạm anh bỏ biển lên đó, thấy không, là kiếm khách đó, được 30.000 - 40.000 đồng/khách” - T. nói.
T. cho biết, do tuyến TP.HCM - Long Hải được nhà xe Hoa Mai mở từ đầu năm 2018, nên anh cùng nhiều tài xế vẫn chưa có hợp đồng lao động, mọi xui rủi nếu có đều tự mình gánh chịu. T. buồn bã: “Chẳng thằng nào có hợp đồng cả, hoạt động 6 - 7 tháng rồi mà có thấy công ty nói gì về hợp đồng đâu”.