Những quá vãng thân thương

22/01/2022 - 15:35

PNO - "Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn" mang đến cho bạn đọc những hoài vọng thương tưởng ngay mùa xuân của những chuyến trở về, khi lòng ta miên man niềm chung, lãng đãng nỗi riêng

Hẳn ai trong chúng ta cũng đều mang ít nhất một vài kỷ niệm, tình cảm về Hà Nội hay Sài Gòn; dẫu có khi nơi đó chẳng phải là quê cha, đất mẹ. Mảnh đất đó không chỉ là huyết mạch, cội nguồn văn hóa của đất nước mà còn là nơi dang tay đón nhận biết bao lớp người; nuôi dưỡng biết bao hoài bão, giấc mơ; bao dung hết thảy vui buồn của đời người. 

Ký ức thẳm sâu về hai thành phố thân thương ấy đã được hơn 50 tác giả gói ghém lại trong Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn. Tập sách mang đến cho bạn đọc những hoài vọng thương tưởng ngay mùa xuân của những chuyến trở về, khi lòng ta miên man niềm chung, lãng đãng nỗi riêng. Tuyển tập quy tụ đông đảo tác giả thuộc nhiều thế hệ cầm bút như: Uông Triều, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Anh Vũ, Phạm Công Luận, Nhật Chiêu, Nguyễn Thị Hậu, Hoài Hương, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Phong Việt, Tống Phước Bảo, Lưu Đình Long, Lê Ngọc, Liêu Hà Trinh, Khúc Cẩm Huyên...

Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn là những câu chuyện đầy cảm xúc gắn liền với hai thành phố. Đó là một Hà Nội ngàn năm văn hiến luôn cố gắng gìn giữ những vẻ đẹp xưa nhưng vẫn không từ chối thu nạp cách sống mới của thời đại mới. Đó là một Sài Gòn hiện đại, cởi mở dẫu có qua bao nốt lặng vẫn luôn dùng thương đổi thương. Tuyển tập còn mang cả hơi thở, nhịp sống của những người trẻ đi tìm ước mơ, tình yêu, lẽ sống và tìm cả chính mình trong lòng mỗi thành phố.


Bạn đọc sẽ nhận ra một Hà Nội xưa đầy quyến dụ trong Viết về Hà Nội của nhà văn Uông Triều - bài viết điểm lại những đầu sách về Hà Nội của các bậc tiền bối như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Bằng… Qua loạt tác phẩm vang bóng, tác giả đưa chúng ta đến với những nét đẹp văn hóa của đất Thăng Long. Hay bài Rồi mai sau đàn ngọc chán tơ ngà của Nguyễn Trương Quý lại là những ký ức về Sài Gòn của một chàng trai xứ Bắc. Sài Gòn trong mảnh ký ức của đoạn đời chàng thanh niên ngày đó là đoàn xiếc mô tô bay ken cứng người xem, những tuồng cải lương trên chiếc ti vi đen trắng, những hội chợ rộn ràng bán hàng tiêu dùng ở các công viên... Dẫu bây giờ những điều ấy hầu hết đã là quá vãng nhưng nhớ thương vẫn chẳng phôi phai. Tác giả Phạm Công Luận, qua bài Thích gì ở Sài Gòn?, đã trưng ra những điều thương mến, những nét tinh túy khắc sâu tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa và bao dung của mảnh đất này. Sài Gòn vẫn luôn là miền đất lành, nơi nhiều người tìm đến thắp sáng ước mơ cho bản thân và cho cả tha nhân. 

Đặc biệt, với người trẻ, Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn còn mang sứ mệnh nối liền những ước mơ, những tâm tư tình cảm, những khát khao khai phá giữa hai thành phố lớn ở hai miền Bắc - Nam này. 

Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn khá thành công trong việc tổng kết những yêu thương vào thời điểm khép lại một năm đầy khó khăn, mất mát, đem đến cho người đọc cảm xúc lắng đọng từ những điều xưa cũ, ủ theo năm tháng để thành một miền ký ức đậm sâu. Những ngày xuân, ta lật từng trang sách, thấy câu chữ như dìu mình đi trong cái tết an lành và đầy hoài vọng. 

Đồng Bằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI