Những “quả bom lửa” trong khu dân cư

15/09/2023 - 06:15

PNO - Với 56 người tử vong và hàng chục người bị thương, vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội khuya 12/9 là một thảm họa.

 

Ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn được thành chung cư mini
Ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn với khoảng 150 người sinh sống

Đau lòng hơn, thảm họa này hoàn toàn có thể thấy trước, có thể tránh được nếu cơ quan cấp phép, cơ quan phòng cháy và chữa cháy (PCCC), chính quyền địa phương, chủ đầu tư và mỗi người trong cuộc nhìn nhận rõ về nguy cơ và tầm quan trọng của việc PCCC. Một chung cư cao 9 tầng, diện tích sàn 200m2, có 45 căn hộ lại ngang nhiên mọc lên trong hẻm sâu, nhỏ hẹp đến nỗi xe chữa cháy không thể vào được. Tòa nhà có đến 150 người sinh sống nhưng chỉ có 1 lối ra duy nhất ở cửa chính. Hậu quả là khi xảy ra hỏa hoạn, con số thương vong cao ngoài sức tưởng tượng.

Những câu hỏi nhức nhối được đặt ra trên sinh mạng hàng chục con người vô tội: tại sao ở trong hẻm sâu, không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC mà chung cư vẫn được cấp phép xây dựng? Tại sao công trình được cấp phép 6 tầng nhưng xây đến 9 tầng mà chính quyền địa phương không hề biết, hay biết mà vẫn làm ngơ? Các thủ tục phê duyệt PCCC như thế nào mà một công trình hoàn toàn không đảm bảo an toàn PCCC vẫn thản nhiên tồn tại 7-8 năm qua? 

Trong vụ việc này, trách nhiệm của chủ đầu tư là rõ ràng, nhưng đơn vị cấp phép xây dựng, chính quyền địa phương và cơ quan phụ trách PCCC không thể vô can.

Như vẫn thường thấy, sau mỗi sự cố hay tai nạn nghiêm trọng, các cơ quan chức năng lại rầm rộ ra quân, chấn chỉnh. Mới 5 năm trước, sau vụ cháy ở chung cư Carina (quận 8, TPHCM) khiến 13 người chết, các cơ quan chức năng cũng ra quân kiểm tra, nhưng rồi những “quả bom lửa” vẫn chực chờ trong các khu dân cư. 

Dư luận đặt câu hỏi, với bài học đắt giá được đánh đổi bằng hàng chục mạng người lần này, liệu việc ra quân có lặp lại kiểu “đánh trống bỏ dùi” như bao lần trước? Dư luận cũng mong chờ sự xử lý nghiêm minh với những cá nhân, đơn vị có sai phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, để những thảm họa tương tự không còn tái diễn. 

Không chỉ riêng chung cư mini ở phố Khương Hạ, “quả bom lửa” đang tồn tại ở không ít khu dân cư đông đúc của các đô thị lớn. Từ lâu, ở TPHCM, Hà Nội đã nở rộ loại hình chung cư mini, căn hộ dịch vụ với mức giá bán hoặc cho thuê hợp túi tiền của giới bình dân. Về thực chất, đây là nhà ở của người dân được biến tướng thành chung cư, bị cơi nới, tăng thêm số tầng, ngăn nhỏ số phòng để “nén” thêm người vào ở.

Những nơi này hoàn toàn không đảm bảo các yếu tố an toàn như cầu thang thoát hiểm, phương tiện PCCC như các chung cư thông thường. 
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, loại chung cư “hộp diêm” này đi ngược các quy tắc của quy hoạch đô thị bởi chúng góp phần nén dân cư rất đông vào một không gian chật hẹp, gây quá tải hạ tầng hiện hữu, kéo theo kẹt xe, ngập nước. Mật độ cư trú gia tăng ngoài tầm kiểm soát sẽ hạ thấp điều kiện sống của người dân, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, phá vỡ quy hoạch phát triển bền vững của đô thị. Do đó, nhất thiết phải đưa ra những quy định, tiêu chí nghiêm ngặt cho loại hình chung cư mini này.

Loại hình nhà ở này xuất phát từ nhu cầu sở hữu nhà ở chính đáng của người dân. Thế nhưng, chính quyền phải tìm cách giải quyết nhu cầu ấy trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, an toàn giao thông, an toàn PCCC. Cần có những giải pháp căn cơ để kéo giảm giá bất động sản, tăng quỹ nhà ở cho dân, chứ không thể “nhắm mắt làm ngơ” cho những chung cư mini, chung cư “hộp diêm”, chung cư “chuồng cọp” mọc lên bất chấp hiểm họa rình rập tính mạng con người.

Làm ngơ để những sai phạm này tồn tại, đe dọa sự an toàn của người dân cũng là một tội ác.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI