Những phụ nữ xuất sắc trong "địa hạt" khoa học

01/05/2023 - 06:51

PNO - Có nhiều “bóng hồng” với những đóng góp quan trọng cho con người trong lĩnh vực toán học và khoa học từ trước đến nay.

Mary Anning (1799 - 1847) là một nhà sưu tầm hóa thạch và nhà cổ sinh vật học người Anh, nổi tiếng khắp thế giới nhờ những mẫu vật hóa thạch từ kỷ Jura mà bà tìm thấy tại các vách đá dọc eo biển Manche ở Lyme Regis, hạt Dorset, vùng Tây Nam nước Anh. Những phát hiện của bà đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy khoa học về sự sống thời tiền sử và lịch sử Trái đất.

Điều đặc biệt là Mary Anning đã tự học cách nhận biết và khai quật những mẫu vật hóa thạch này khi lĩnh vực cổ sinh vật học còn đang trong giai đoạn sơ khai, và không dành cho phụ nữ.

Nhờ mẫu hóa thạch phát hiện được năm 12 tuổi, bà đã cung cấp cho các nhà cổ sinh vật học ở Anh cái nhìn đầu tiên về loài ngư long - một loài bò sát biển lớn sống cùng thời với khủng long. Bà cũng tìm thấy hóa thạch đầu tiên của một loài plesiosaur (một loài bò sát biển đã tuyệt chủng).

Để tôn vinh Anning, các nhà khoa học đã đặt tên cho một loài ichthyosaur mới (Ichthyosaurus anningae) theo tên bà vào năm 2015.

Bà Mary Anning
Bà Mary Anning

Maria Sibylla Merian (1647 – 1717) là một nhà tự nhiên học và họa sĩ khoa học, chuyên nghiên cứu cây cỏ và sâu bọ, đồng thời vẽ nên các bản vẽ rất chi tiết về chúng. Bằng cách làm việc với các mẫu vật sống, Merian đã ghi nhận và tiết lộ các khía cạnh của sinh học mà trước đây khoa học chưa biết đến.

Trước khi Merian điều tra về đời sống của côn trùng và phát hiện ra rằng côn trùng nở ra từ trứng, nhiều người cho rằng các sinh vật này tự sinh ra từ bùn. Bà trở thành nhà khoa học đầu tiên quan sát và ghi lại không chỉ vòng đời của côn trùng mà còn cả cách thức các sinh vật này tương tác với môi trường sống của chúng, theo thông tin từ The New York Times năm 2017.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Merian là cuốn sách xuất bản năm 1705 có tựa đề "Metamorphosis Insectorum Surinamensium", một tập hợp các nghiên cứu thực địa của bà về côn trùng ở Nam Mỹ.

Bà Maria Sibylla Merian  - Ảnh: Jacob Marrel, 1679
Bà Maria Sibylla Merian - Ảnh chân dung được vẽ bởi Jacob Marrel vào năm 1679

Sylvia Earle (sinh năm 1935) là nhà sinh vật biển và nhà hải dương học có một cách tiếp cận sâu sắc đối với khoa học đại dương. Bà được gọi một cách trìu mến là “Nữ hoàng đại dương (Her Deepness). Người phụ nữ gần 90 tuổi này đã dành 70 năm gắn bó với sứ mệnh nghiên cứu đại dương, và theo lời kể của bà với tờ The Telegraph vào năm 2017 thì bà đã có tổng cộng khoảng một năm lặn sâu dưới đáy biển.

Sylvia Earle bắt đầu công việc nghiên cứu đại dương của mình vào cuối những năm 1960. Năm 1968, bà là nhà khoa học nữ đầu tiên lặn xuống biển thuộc quần đảo Bahamas ở độ sâu 31 mét trong khi đang mang thai 4 tháng.

Bà Sylvia Earle
Bà Sylvia Earle

Mae Carol Jemison (sinh năm 1956) là một kỹ sư, bác sĩ và cựu phi hành gia NASA người Mỹ. Bà trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên du hành vào vũ trụ khi bà làm chuyên gia du hành không gian trên chiếc tàu con thoi Endeavour. Jemison gia nhập Quân đoàn phi hành gia của NASA năm 1987 và được chọn để phục vụ cho nhiệm vụ bay vào không gian STS-47, trong đó bà bay quanh Trái Đất trong gần tám ngày vào ngày 12/9/1992.

Bên cạnh danh hiệu phi hành gia, Jemison còn đóng nhiều vai trò khác nhau như: bác sĩ, tình nguyện viên của Tổ chức Hòa bình (Peace Corps), giáo viên, đồng thời là nhà sáng lập và chủ tịch của 2 công ty công nghệ.

Jemison sinh ngày 17/10/1956 tại Decatur, Alabama (Mỹ). Khi được 3 tuổi, bà cùng gia đình chuyển đến Chicago. Năm 16 tuổi, nữ khoa học trẻ đầy tham vọng này theo học và lấy bằng kỹ sư Hóa học tại Đại học Stanford và lấy bằng kỹ sư hóa học. Bà hoàn thành chương trình tiến sĩ Y khoa tại Đại học Cornell năm 1981.

Jemison cũng là một người có khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ. Bà nói được tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật và tiếng Swahili. Một mô hình bằng Lego được thực hiện để vinh danh cho những đóng góp ý nghĩa của bà cho khoa học.

Bà Mae Carol Jemison
Bà Mae Carol Jemison

Maryam Mirzakhani (1977-2017) là một nhà toán học nổi tiếng với việc giải các bài toán khó, trừu tượng trong hình học không gian cong. Bà sinh ra ở Tehran (Iran) và làm việc với tư cách là giáo sư tại Đại học Stanford (Mỹ) từ năm 2009 đến 2014.

Các công trình nghiên cứu của bà đã giúp giải thích bản chất của trắc địa, các đường thẳng trên các bề mặt cong, đồng thời có những ứng dụng thực tế để hiểu hành vi của động đất và đưa ra câu trả lời cho những bí ẩn lâu đời trong lĩnh vực này.

Năm 2014, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên, và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại, giành được Huy chương Fields - giải thưởng danh giá nhất về toán học được trao cho các nhà toán học xuất sắc dưới 40 tuổi.

Trước đó một năm, Mirzakhani phát hiện bản thân mắc bệnh ung thư vú. Bà qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 14/7/ 2017, ở tuổi 40.

Giáo sư Maryam Mirzakhani
Giáo sư Maryam Mirzakhani

Susan Solomon (sinh năm 1956) là nhà hóa học khí quyển, tác giả và giáo sư công tác tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Bà cũng là người đã gắn bó với Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) trong vai trò của một nhà khoa học về hóa học khí quyển trong nhiều thập kỷ. Trong thời gian làm việc tại NOAA, bà là người đầu tiên phát hiện ra rằng, chlorofluorocarbons (CFC) là nguyên nhân gây ra lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực.

Năm 1986 và 1987, Solomon đã lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học thuộc NOAA đến Nam Cực 2 lần để nghiên cứu cơ chế hình thành lỗ thủng tầng ozone. Họ đã phải chịu đựng nhiệt độ lạnh giá khủng khiếp và bóng tối bao phủ gần 24 giờ một ngày. Solomon là trưởng nhóm đồng thời là người phụ nữ duy nhất trong đoàn.

Kết quả nghiên cứu của Solomon và nhóm nghiên cứu là yếu tố nền tảng để dẫn đến sự ra đời Nghị định thư Montreal của Liên hiệp quốc vào năm 1987, nhằm ngăn chặn việc sử dụng các hợp chất CFCs trên toàn thế giới. Đến năm 2009, tất cả các quốc gia là thành viên của Liên hiệp quốc đã phê chuẩn nghị định thư ban đầu. Đây là một trong những nỗ lực bảo vệ môi trường thành công nhất trong lịch sử, và lỗ thủng tầng ozone đã thu hẹp đáng kể từ khi Nghị định thư Montreal được thông qua.

Bà Susan Solomon
Bà Susan Solomon

Brenda Milner (sinh năm 1918) được cho là "người sáng lập ngành tâm lý học thần kinh" nhờ  những khám phá đột phá về bộ não con người, trí nhớ và khả năng học tập.

Milner được biết đến nhiều nhất qua công trình nghiên cứu của bà với một bệnh nhân mang bí số "Bệnh nhân H.M". Đây là một người đàn ông đã mất khả năng hình thành ký ức mới sau khi trải qua ca phẫu thuật não vì bệnh động kinh.

Thông qua hàng loạt nghiên cứu được thực hiện vào những năm 1950, Milner phát hiện ra rằng “bệnh nhân H.M” có thể tiếp thu được các nhiệm vụ mới ngay cả khi anh ta không có ký ức về việc thực hiện chúng. Điều này cho thấy có nhiều loại hệ thống trí nhớ tồn tại trong não bộ con người. Công trình của Milner đóng một vai trò quan trọng trong sự hiểu biết của khoa học về chức năng của các vùng khác nhau của não.

Công trình nghiên cứu của bà vẫn đang tiếp tục được thực hiện cho đến ngày nay. Ở tuổi 104, hiện giáo sư Milner đang làm việc tại Khoa Thần kinh và Phẫu thuật Thần kinh tại Đại học McGill ở Montreal (Canada).

Giáo sư Brenda Milner
Giáo sư Brenda Milner

Nguyễn Thuận (theo Live Science)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI