Những phụ nữ vượt qua định kiến, làm chủ cuộc đời

18/10/2024 - 06:50

PNO - Trong buổi đối thoại “Phụ nữ làm chủ cuộc đời” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) cùng Tổ chức phi chính phủ Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 17/10, khoảng 200 nữ sinh viên đã có dịp giao lưu với những phụ nữ thành đạt, nghe họ kể về quá trình vượt qua định kiến để vươn tới thành công.

Bước qua "màn sương" thử thách

Là người dân tộc Tày, sinh ra ở bản Bung, xã Dương Quang, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, lúc nhỏ, đạo diễn Hà Lệ Diễm gầy yếu, suy dinh dưỡng. Vậy mà mỗi ngày, cô phải đi bộ hàng chục cây số tới trường từ khi trời mờ sáng. Màn sương dày đặc ấy khiến cô luôn có cảm giác sợ hãi, mường tượng những điều khủng khiếp có thể xuất hiện. Nhưng rồi, cô nhận ra, nếu cứ bước lại gần, mọi thứ phía sau “bức tường sương” sẽ dần trở nên rõ hơn.

“Khi quyết định dừng công việc ở cơ quan báo chí để theo đuổi con đường làm phim tài liệu, cảm giác sợ hãi như đi trong sương lại xuất hiện. Có những thứ tưởng chừng như không thể nào vượt qua nổi, không thể đạt được mục tiêu. Lúc ấy, tôi phải cố gắng tiến từng chút, từng chút để thấy được con đường phía trước” - Hà Lệ Diễm chia sẻ.

Cô gái người Tày Hà Lệ Diễm nỗ lực vươn mình từ bản làng xa xôi ra thế giới - ẢNH: H.ANH
Cô gái người Tày Hà Lệ Diễm nỗ lực vươn mình từ bản làng xa xôi ra thế giới - Ảnh: H.ANH

Sự kiên định ấy đã giúp cô ghi lại dấu ấn đậm nét không chỉ trong làng điện ảnh Việt Nam mà còn vươn tầm quốc tế qua các bộ phim tài liệu giàu cảm xúc, đầy giá trị. Bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ này đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim trên thế giới. Đặc biệt, phim còn lọt vào danh sách rút gọn (tốp 15) giải Oscars hạng mục “Phim tài liệu xuất sắc nhất”. Đây là điều mà chưa tác phẩm điện ảnh Việt nào có được.

Chia sẻ với các nữ sinh viên, Hà Lệ Diễm khẳng định, không có một công thức chung để đi tới thành công: “Con đường mình đi không thể áp dụng cho mọi người và ngược lại. Chìa khóa là tìm ra được điều mình yêu thích, tìm thấy sự khác biệt ở bản thân. Và ở đó, luôn có những thử thách mới mà mình phải nỗ lực, kiên trì để bước tiếp”.

Câu chuyện của nữ doanh nhân Bùi Thị Kim Ngân - nhà sáng lập thương hiệu “Tái chế quần jeans” - mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khi chị kể về hành trình gian nan để tìm kiếm mục tiêu của cuộc đời. Cách đây 28 năm, khi bố qua đời, câu nói ám ảnh nhất mà chị phải nghe là: “Con gái học nhiều để làm gì?”. Rất may, mẹ chị là nông dân “một nắng, hai sương” nhưng vẫn quyết tâm cho 3 cô con gái được theo học đại học. “Rất lâu sau khi cả 3 chị em ra trường, mẹ mới trả được hết nợ. Khi em út còn học năm cuối, gia đình Ngân vẫn nằm trong danh sách hộ cận nghèo của xã” - chị nhớ lại.

Nữ phi công Nguyễn Mai Tuyết Dung vượt qua định kiến, chinh phục bầu trời Ảnh do nhân vật cung cấp
Nữ phi công Nguyễn Mai Tuyết Dung vượt qua định kiến, chinh phục bầu trời - Ảnh do nhân vật cung cấp

Những tưởng sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông, Kim Ngân có thể san sẻ gánh nặng kinh tế với mẹ, nhưng chị lại suy sụp khi biết mình mắc phải căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Năm 2013, chị bị xuất huyết ổ bụng, phải nằm viện gần 1 tháng. Sau khi ra viện, chị đối mặt với tình trạng sức khỏe suy giảm và rơi vào trầm cảm. “Trong lúc bi thảm nhất, tôi lần mò cắt may, biến chiếc yếm cũ thành túi cho em gái đi học. Món đồ tưởng như bỏ đi ấy bỗng trở nên mới mẻ, có ý nghĩa và giá trị. Tôi chợt nhìn lại bản thân, thấy bóng dáng mình trong món đồ ấy. Tôi nhận ra mình phải sống thực sự, không phải tồn tại nữa” - chị kể về bước ngoặt cuộc đời mình.

Kể từ đó, chị bắt tay vào các dự án tái chế đồ jeans, ban đầu là phi lợi nhuận, tới khi đủ kiến thức, kinh nghiệm thì bắt tay vào kinh doanh. Khởi nghiệp ở tuổi 31, trải qua vô vàn khó khăn nhưng tới nay, chị đã khẳng định được hướng đi của mình là đúng đắn. Năm 2023, chị trở thành Quán quân của cuộc thi “Khi phụ nữ làm chủ” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Bùi Thị Kim Ngân chia sẻ: “Nhiều người may mắn đi thẳng tới ước mơ của mình nhưng nhiều người - giống như Ngân - phải đi một vòng rất xa mới tới được mục tiêu. Nhưng nếu cố gắng, mọi nỗ lực sẽ không trở nên uổng phí”.

Đừng để định kiến ngăn cản phụ nữ tiến lên

Tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, Nguyễn Mai Tuyết Dung ứng tuyển làm giáo viên tiếng Anh cho một trường đào tạo phi công. Cơ duyên này đã khiến cô gái 9X rẽ hướng sang một công việc khác khiến nhiều “đấng mày râu” cũng phải ngần ngại, đó là trở thành phi công. Năm 2016, cô trở thành 1 trong 2 nữ phi công 9X đầu tiên của ngành hàng không Việt Nam. Hiện tại, cô đang là cơ phó của một hãng hàng không trong nước.

Chương trình đối thoại “Phụ nữ làm chủ cuộc đời”
Chương trình đối thoại “Phụ nữ làm chủ cuộc đời”

Truyền cảm hứng tới các nữ sinh viên, Tuyết Dung thừa nhận, mình là người có hoài bão và cũng giống như nhiều phụ nữ Việt Nam khác, luôn sử dụng đôi tay và trí óc để đạt được kết quả trên con đường đã chọn. Tuy nhiên, trên bước đường đó, có rất nhiều định kiến về giới mà phụ nữ phải trải qua. Cô nói: “Khó khăn khi theo đuổi nghề không phải tới từ việc học tập, rèn luyện thể lực mà đến từ những định kiến xã hội. Việc nghe đi nghe lại những câu nói như “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, “Ninja Lead lên buồng lái Airbus” thực sự tồi tệ, tới mức một ngày nào đó, bạn tin rằng đó là sự thật”.

Cô kể, khi học ở nước ngoài, trong trường đào tạo phi công, có hơn 100 học viên nhưng chỉ có 2 nữ. Điều này tạo sự chú ý rất lớn trong cộng đồng học viên. Không ít người cho rằng, nữ sinh sẽ được giáo viên ưu ái nhưng thực tế, khi phạm phải cùng một sai lầm, người ta sẽ nói về cái sai của nữ nhiều hơn so với nam giới. Cách duy nhất để vượt qua là bản thân phải cố gắng để không mắc thêm lỗi sai, để chặn đứng những lời đàm tiếu.

Cơ phó Tuyết Dung bật mí, để không bị những định kiến xã hội gây phân tâm, cách duy nhất là bỏ ngoài tai mọi lời nói tiêu cực khiến mình tổn thương. Cô đặt toàn bộ năng lượng, sức mạnh của mình vào công việc, lấy kết quả thực tế làm câu trả lời. Cô nhắn nhủ: “Chúng ta đừng lấy đôi bàn tay để bịt tai mình lại, để ngăn cản người khác nói xấu về mình mà là để nâng niu giấc mơ mình có, để luyện tập, học hỏi và tìm hiểu chính mình, từ đó thấy mình ở vị thế mới”.

Theo tiến sĩ Phan Thị Lan (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc), định kiến giới tồn tại hàng ngàn năm qua. Là chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá cho các nghiên cứu được ứng dụng trong lĩnh vực an toàn công nghiệp, giám sát môi trường, điện tử tiêu dùng nhưng từ khi bước vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội tới khi lựa chọn nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Phan Thị Lan luôn gặp phải những ánh mắt nghi ngại của những người xung quanh. Theo chị, cách duy nhất là thẳng thắn đối diện, bởi nếu không, ta sẽ gặp phải những khó khăn khác: “Chúng ta hãy dùng tài năng của mình để giải quyết, lấy kết quả của mình để chứng minh. Thậm chí, có những người chấp nhận đi vào cửa tử, bỏ tất cả những thứ mình có”.

Bà Vanessa Steinmetz - Giám đốc FNF Việt Nam - lưu ý, định kiến giới trong công việc không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà của nhiều quốc gia. Có nhiều khía cạnh trong khái niệm “trao quyền cho phụ nữ” nhưng điều tiên quyết là các quốc gia cần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Một xã hội tiến bộ là nơi phụ nữ không chỉ có tiếng nói mà tiếng nói ấy phải được lắng nghe, tôn trọng; phụ nữ được tạo điều kiện để phấn đấu, đạt được những mục tiêu đề ra.

Phụ nữ tiên phong tạo ra những thay đổi

Theo bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - phụ nữ Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, trong đó có những chuẩn mực và định kiến giới về vai trò của phụ nữ. Đây là rào cản vô hình, cản trở chị em tiến xa hơn trong hành trình khẳng định bản thân. “Phụ nữ làm chủ cuộc đời” là thông điệp mạnh mẽ để khuyến khích chị em tự mình tạo nên những giá trị mới, tiên phong cho những thay đổi của xã hội, mang lại tiếng nói và quyền lực cho chính mình và cho cả cộng đồng. “Tuy nhiên, để hành trình này tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta cần sự đồng hành của toàn xã hội, từ chính sách hỗ trợ cho đến các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ” - bà nói.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI