Những phụ nữ vùng cao chống lại hủ tục

22/08/2023 - 05:56

PNO - Trang Thó Phe, Cao Xê Mẩy, Má Thị Di, Sùng Y Múa... là những phụ nữ người dân tộc Hà Nhì, H’mông (Mông) dũng cảm đấu tranh chống lại những tập tục lạc hậu như phải đứng ăn khi về nhà chồng, phải chấp nhận làm vợ khi bị “kéo vợ”.

Từ chối ăn cơm đứng

Ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, người Hà Nhì sinh sống ở những bản làng xa xôi nhất của các xã Y Tý, Nậm Pung, Trịnh Tường, A Lù, A Mú Sung. Người ta biết đến phụ nữ Hà Nhì qua hình ảnh chiếc quai gùi đeo ngang trán. Họ thức dậy từ lúc trời còn mù sương, gói nắm cơm rắc muối, vừa rảo bước vào rừng, vừa véo cơm nhai. Khi trở về nhà, họ phải lo bếp núc, lợn gà, con cái và nấu rượu “hầu” chồng uống. 

Chị Cao Xê Mẩy (thứ hai từ trái qua) trong buổi tuyên truyền, vận động bà con thôn bản bãi bỏ hủ tục - ẢNH: L.C.
Chị Cao Xê Mẩy (thứ hai từ trái qua) trong buổi tuyên truyền, vận động bà con thôn bản bãi bỏ hủ tục - Ảnh: L.C.

Bao đời qua, người Hà Nhì có luật tục con dâu không được phép ăn cùng mâm với cha chồng, anh chồng hay đàn ông trong gia đình có vai vế cao hơn chồng mình. Trong bữa ăn, con dâu cũng không được ngồi ghế ăn cơm mà phải ngồi xổm hoặc đứng, trừ khi mang cơm đi chỗ khác, không nhìn thấy cha chồng, anh chồng. Thậm chí, khi gia đình chỉ có cha mẹ chồng và con dâu, thì nàng dâu vẫn phải làm cho cha chồng một mâm, còn mình và mẹ chồng ăn mâm riêng.

Sinh ra, lớn lên ở xã Y Tý, Trang Thó Phe - người Hà Nhì, năm nay 35 tuổi - chứng kiến cảnh phụ nữ bản làng mình ngày ngày đội từng bó củi lớn trên đầu, lầm lũi bước đi trong sương lạnh. Việc cô quyết tâm thi đại học, trở thành cô giáo dạy cấp III khiến người Hà Nhì ở Y Tý nói chung và những người phụ nữ Hà Nhì nơi này nói riêng vừa ngạc nhiên, vừa thầm cảm phục. 

Thó Phe đã làm được điều mà chưa người phụ nữ Hà Nhì nào dám làm, thậm chí dám nghĩ đến, đó là ngồi ghế ăn cùng mâm cơm với cha chồng. Đó là điều chưa từng có trong các gia đình Hà Nhì xưa nay.

Dĩ nhiên, cha chồng cô không vừa lòng. Thế nhưng, cô giáo Phe đã chứng minh cho ông thấy, việc tôn trọng cha chồng không phải qua việc ăn cơm đứng, ngồi mâm riêng. Những lúc cha chồng đau ốm, cô hết mực chăm sóc. Dần dần, ông đã thay đổi, không phản đối việc con dâu ngồi ăn cùng mâm cơm nữa.

Cao Xê Mẩy - ở xã Nậm Pung, cùng lứa tuổi với Thó Phe - cũng thấm thía nỗi khổ của phụ nữ sống dưới những hủ tục của cộng đồng. Nhà chỉ có 2 mẹ con, thương mẹ nghèo, lại vướng quan niệm nữ chỉ ở nhà làm nương, lấy chồng, sinh con nên Mẩy phải gác lại giấc mơ vào đại học. Suốt mấy năm, khát khao vào đại học cứ thôi thúc Mẩy. Và cô quyết định dự tuyển vào Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp cùng các em sinh năm 1993, Mẩy trở thành người phụ nữ đầu tiên của xã Nậm Pung có bằng đại học. 

Cô được tin tưởng giao nhiệm vụ phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Pung. Mẩy cũng từ chối ăn cơm đứng và thuyết phục cha chồng để con dâu ngồi ghế, ăn chung mâm.

Chị Sùng Y Múa (bìa trái) tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 - ẢNH: M.T.
Chị Sùng Y Múa (bìa trái) tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 - Ảnh: M.T.

Trao cho mình quyền tự quyết

Phụ nữ dân tộc H’mông và Hà Nhì hầu như không có tiếng nói trong gia đình. Vàng A Giang - nhà thơ trẻ người H’mông - đã rất thấu cảm với phụ nữ của cộng đồng mình: “Trong mắt tôi, phụ nữ H’mông khổ. Họ đi đâu, làm gì cũng phải hỏi chồng. Họ làm lụng từ sớm đến khuya, bất kể nắng mưa, công việc nặng nhẹ. Khi mang bầu, công việc của họ cũng không có gì thay đổi. Chỉ khi nào sắp sinh đến nơi, họ mới được nghỉ ngơi, thời gian ở cữ cũng rất ngắn. Kể cả khi có người chồng vũ phu, họ cũng không dám phản kháng mà chỉ âm thầm chịu đựng”.

Không chỉ vậy, phụ nữ H’mông còn là nạn nhân của hủ tục “kéo vợ”. Mẹ con Châu Thị Say (39 tuổi) và Má Thị Di (19 tuổi) là 2 phụ nữ H’mông nổi tiếng ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai bởi họ là nhân vật trong phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm - bộ phim giành 34 giải thưởng và đề cử quốc tế. 

6 năm trước, khi mới 13 tuổi, Di bị cậu bé Vang cùng tầm tuổi chọn làm vợ. Di không muốn nhưng vẫn bị Vang kéo đi một cách thô bạo. Di tâm sự: “Em không chấp nhận một cuộc hôn nhân không tình yêu. Khi đó, em vẫn muốn đi học, đi chơi và không muốn lập gia đình theo cách bị kéo như vậy”. Mẹ Di cũng bị xung đột nội tâm, giữa một bên là tục lệ biến tướng của cộng đồng, một bên là cuộc đời con gái. 

Khi bị “kéo vợ”, Di đã quyết liệt chống trả. Tròn 18 tuổi, Di mới lấy chồng, là người mà cô yêu thương. Cô đã về nhà chồng theo cách mà cô mong muốn. 

Sùng Y Múa - năm nay 40 tuổi - từng là một trong những bé gái người Mông đầu tiên của xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình về huyện lị học lớp xóa mù chữ vào năm 1996. Chỉ vài ba năm sau, đám bạn cùng lứa với Múa lần lượt lấy chồng, sinh con như cái nếp bao đời nhưng Múa tiếp tục đi học. Múa muốn sống cuộc đời của mình, làm mọi việc theo quyết định của chính mình.

Hoàn thành chương trình phổ thông, Sùng Y Múa qua tỉnh Sơn La học trung cấp y rồi về làm ở trạm y tế xã Hang Kia. Những ngày đầu, vừa làm công việc chuyên môn, vừa vận động bà con bỏ các hủ tục tảo hôn, sinh nở tại nhà, chị bị bà con phản đối. Họ nói chị mới bước chân ra khỏi bản người Mông chưa được bao lâu, giờ lại muốn làm đảo lộn tập tục của cộng đồng. Nhưng chị vẫn nhẫn nại, kiên trì giải thích, dẫn chứng cho bà con thấy cái lợi khi sống văn minh, hiện đại và cái hại khi cứ khư khư ôm hủ tục. 

Năm 2010, Sùng Y Múa quyết định làm du lịch cộng đồng để vừa tạo việc làm cho bà con, vừa giúp bà con tiếp cận với các nền văn hóa khác, giúp họ thay đổi dần nhận thức. Cô là chủ dịch vụ lưu trú đầu tiên của 2 xã Hang Kia, Pà Cò. 

Họ không đơn độc

Thó Phe, Cao Xê Mẩy, Sùng Y Múa, Má Thị Di… đã dũng cảm chống lại những tục lệ lỗi thời, tự quyết cuộc đời mình. Họ làm được nhờ quyết tâm của bản thân, nhưng cũng nhờ có được sự đồng cảm, đồng hành của những người xung quanh. 

Má Thị Di - người đã quyết liệt chống lại tục lệ biến tướng của người H’mông là “kéo vợ” -  Ảnh do nhân vật cung cấp
Má Thị Di - người đã quyết liệt chống lại tục lệ biến tướng của người H’mông là “kéo vợ” - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày bộ phim Những đứa trẻ trong sương được công chiếu ở Hà Nội, vợ chồng Má Thị Di đã đến xem phim. Di tâm sự, lúc đầu, cô vừa ngại, vừa sợ bởi cô chưa từng kể với chồng những câu chuyện trong phim. Thế nhưng, Di kể: “Xem phim xong, chồng càng thương em hơn. Khi xem đoạn em và bạn hát karaoke ở đám cưới, chồng em đã khóc”. Di cũng cho biết, khi cô quyết liệt từ chối hủ tục “kéo vợ” vào năm 13 tuổi, chính cha cô đã động viên, cho cô tự ra quyết định.

Ông Lý Giá Xe - Trưởng bản Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai - cũng là người tiên phong cởi bỏ hủ tục. Ông có 4 con dâu, nhưng tất cả đều được ngồi ghế, ăn cơm cùng mâm với cha chồng, anh chồng. Người Hà Nhì còn đặc biệt “kị” chuyện cha chồng ngồi sau xe con dâu. Để gỡ bỏ hủ tục, dù biết chạy xe máy, ông Giá Xe vẫn bảo con dâu chở mình xuống chợ Trịnh Tường, nhằm để cho mọi người trong bản cùng nhìn thấy. 

Ở các bản của người Hà Nhì, H’mông, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các công việc xã hội chứ không chỉ biết lên nương lên rẫy, phụng sự nhà chồng. Như bà Lý Giá Xơ - người Hà Nhì, nhiều năm qua là Phó chủ tịch HĐND xã Y Tý, huyện Bát Xát. Họ bền bỉ, nỗ lực từng ngày để đưa cộng đồng thoát khỏi những hủ tục. Nói như ông Giá Xe thì họ đang chứng minh cho cộng đồng mình thấy quan niệm cũ, luật tục cũ đã không còn phù hợp, cần phải thay đổi để hướng tới cuộc sống văn minh, tiến bộ hơn. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI