Những phụ nữ vất vả mưu sinh bằng nghề hầm than

12/09/2024 - 06:12

PNO - Trước đây, khi rừng tràm ở Cà Mau còn nhiều, người dân U Minh sống chủ yếu bằng nghề làm than

Ở các xã Nguyễn Phích và Khánh Thuận (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có khá nhiều chị em phụ nữ mưu sinh bằng nghề hầm than.

Để làm được một mẻ than, họ phải đi mua cây, đốn cây, chuyển cây về, róc vỏ, cưa khúc, chất vào lò… Công việc dù không nặng nhọc, nhưng mất nhiều thời gian. Để chạy việc, có khi họ phải dậy làm từ 3 - 4g sáng. Nhưng thu nhập thì rất thấp, chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Phụ nữ huyện U Minh (Cà Mau) phải thức dậy từ 3g sáng để làm than
Phụ nữ huyện U Minh (Cà Mau) phải thức dậy từ 3g sáng để làm than

Bà Ngô Ngọc Bích (ngụ ấp 10, xã Nguyễn Phích) cho biết, bà theo nghề làm than được 30 năm nay, do cha mẹ truyền lại. “Làm than cực lắm, quần quật từ sáng sớm cho đến tối đêm. Nhưng được cái là làm gần nhà nên có thời gian lo cho gia đình” - bà Bích nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Thu, sau khi thôi làm công nhân ở Bình Dương để về quê (ấp 10, xã Nguyễn Phích) chăm sóc mẹ già, cũng theo nghề làm than. “Làm cái nghề này khổ lắm. Đốn gỗ, róc vỏ, cưa khúc, chất vào lò để hầm 3-4 ngày liền mới có 1 mẻ than. Trong quá trình hầm than phải theo dõi lửa sao cho đều, tránh để lò bị tắt... Mỗi mẻ than được 10-18 bao than, bán cho lò rèn được 50.000 đồng/bao. Bán phục vụ nấu nướng thì được hơn 100.000 đồng/bao. Từ lúc chặt cây tràm đến khi cho ra sản phẩm mất hơn 1 tháng” - chị Thu kể.

Chị Nguyễn Thị Cúc - một người làm than - cho biết, do thu nhập không nhiều nên bà chẳng dám thuê ai, một mình làm tất cả công đoạn từ mua tràm, đốn tràm, vận chuyển, cưa, róc vỏ, xếp củi, đốt lò… Chị Cúc nói: “Nhờ nguồn gỗ tràm còn rẻ, không phải thuê nhân công, cũng không phải đi xa nên đỡ chi phí. Chịu khó sống tiết kiệm thì cũng có tiền để lo cho 3 đứa con ăn học. Giá than mà cao thì cũng không đến nỗi khó khăn”.

Gỗ để làm than rất đa dạng như tràm, đước, cóc... Những loại gỗ này cho than chắc, cháy lâu và tạo nhiệt tốt hơn các loại gỗ khác. Trước đây, khi rừng tràm ở Cà Mau còn nhiều, người dân U Minh sống chủ yếu bằng nghề làm than.

Cao điểm, vào những năm 1950-1960, nghề làm than ở U Minh có hơn 300 lò. Còn hiện nay, do sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, nên than thường bị thương lái ép giá, cuộc sống càng thêm khó khăn. Bởi thế, người dân rất mong chính quyền địa phương đứng ra thành lập hợp tác xã bao tiêu sản phẩm và ổn định giá cả.

Theo UBND huyện U Minh, nghề hầm than được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Hiện địa phương đang xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI