Những phụ nữ vác tù và hàng tổng

02/07/2021 - 06:49

PNO - Dù biết, khi tiếp xúc với vùng dịch và các trường hợp mắc bệnh thì mình có nguy cơ mắc bệnh rất cao, nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, chị em không thể đứng ngoài.

Mọi sự đóng góp đều quý giá

Hơn tháng nay, gần như ngày nào chị Cao Thị Thanh Nguyệt - chi hội trưởng phụ nữ ấp 3, xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi, TP.HCM - cũng rời nhà từ sáng sớm để cùng Hội Phụ nữ địa phương hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch. Chị Thanh Nguyệt cùng chị em đi vận động nhu yếu phẩm để chăm lo cho người khó khăn, tổ chức “Gian hàng 0 đồng”, tham gia tuyên truyền cho cộng đồng về phòng, chống COVID-19.

Gần đây các chị lại cùng ban nhân dân các ấp rà soát, lập danh sách người tiêm vắc-xin. Tham gia công việc của cộng đồng, tiệm tạp hóa của chị được giao lại cho hai con trai trông coi nhân lúc các con tạm nghỉ làm, nghỉ học ở nhà. 

“Dịch bệnh ngày càng phức tạp, số ca nhiễm chưa dừng, ở các khu cách ly bà con đang thiếu thốn. Mình không có của thì góp công, làm được gì thì làm. Mọi sự đóng lúc này dù lớn hay nhỏ đều quý giá”. Với suy nghĩ ấy, chị Thanh Nguyệt đã dốc sức cùng địa phương, chắt chiu những tình cảm, tấm lòng và bắc nhịp cầu trao gửi ân tình từ người có đến người khó, người khó đến người khó hơn. 

Bà con mình cũng thật rộng lòng, khi được vận động, người góp vài trăm ngàn, người góp thùng mì, chục ký gạo… dù họ không khá giả. Anh Trần Văn Tam, ngụ ấp 3, xã Phước Vĩnh An, thuê đất để trồng rau kiếm sống. Khi nghe các chị có ý vận động rau cho các khu vực đang bị phong tỏa, anh Tam gật đầu ngay. Cứ một hai ngày, khi các luống rau đến vụ, anh Tam lại gọi điện cho chị em đến thu hoạch. Mỗi lần thu cũng được vài tạ rau. 

Cũng trồng rau, nhưng vì mới bước vào nghề nên anh Trần Văn Viễn có phần khó khăn hơn. Thế nhưng khi Hội Phụ nữ đánh tiếng làm cầu nối chuyển rau xanh của những tấm lòng đến các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì anh Viễn đã nhất trí góp cho các chị em hơn một tấn. 

Chi hội phụ nữ ấp 3, xã Phước Vĩnh An thu hoạch rau tặng các hộ dân trong vùng phong tỏa
Chi hội phụ nữ ấp 3, xã Phước Vĩnh An thu hoạch rau tặng các hộ dân trong vùng phong tỏa

Mỗi lần nghe anh Viễn, anh Tam gọi, chị Nguyệt rủ thêm vài chị em. Từ 5 giờ sáng họ đã có mặt tại vườn rau. Nắng lên, việc thu hoạch đã xong, họ chở rau đến những khu vực cách ly. “Hơn tuần qua, hai vườn rau của anh Tam và anh Viễn đã đóng góp trên 2,5 tấn rau xanh” - chị Nguyệt cho biết.

Chị Nguyễn Thị Mộng Thu - Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Vĩnh An - thông tin, xã hiện có hai khu dân cư thực hiện lệnh phong tỏa. Chị Cao Thị Thanh Nguyệt đã rất tích cực cùng Hội và các đoàn thể chăm lo cho 22 hộ dân trong khu cách ly, hỗ trợ thực phẩm cho các hộ neo đơn, khó khăn. Riêng hơn 2,5 tấn rau xanh nhận được từ các hộ nông dân trên địa bàn, Hội Phụ nữ xã đã hỗ trợ cho Hội Phụ nữ xã Tân Phú Trung cùng huyện và Hội LHPN Q.Tân Phú, TP.HCM.

Tại ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng hiện có 14 trường hợp F2 và một trường hợp F0 (đã được cách ly tập trung trước đó). Chị Phùng Thị Vượng đã tham gia vào việc truy vết, đến từng ngõ gõ cửa từng nhà để phát tài liệu tuyên truyền; tham gia tuyên truyên trên loa phát thanh của ấp và tuyên truyền lưu động hai buổi mỗi tuần; vận động gạo, trứng, nước tương… cho những hộ gia đình khó khăn. Chị Vượng nói: “Tôi từng phải cách ly 14 ngày tại nhà sau chuyến về chịu tang mẹ ở tỉnh Vĩnh Phúc nên tôi hiểu sự lo lắng của bà con lúc này, nhất là khi biết mình là F1, F2 và những hộ đang thực hiện cách ly tại nhà. Những sự hỗ trợ, dẫu nhỏ, nhưng là cách chia sẻ, động viên cho bà con thêm an tâm, bớt lo lắng hoang mang”.

Cũng tại ấp Trung Hiệp Thạnh, chị Trịnh Phương Loan - thành viên tổ hợp tác rau của ấp - đã vận động các thành viên trong tổ góp rau quả trồng được cho các hộ khó khăn. Không những thế, chị Loan còn tình nguyện đi chợ giúp năm người già neo đơn 2 lần/tuần và nấu 100 - 150 suất ăn để tặng các hộ khó khăn, người bán vé số 2 tuần/lần. 

Kéo loa tuyên truyền khắp đầu trên xóm dưới

H.Củ Chi nằm trong nhóm quận, huyện có nguy cơ cao về dịch COVID-19. Với tinh thần của quê hương anh hùng, những “bóng hồng đất thép” luôn có mặt trên mọi “mặt trận chống dịch”. Theo thông tin từ Hội LHPN H.Củ Chi, toàn huyện hiện có khoảng 1.800 “tổ COVID cộng đồng”, mỗi tổ đều có phụ nữ tham gia. Riêng Hội LHPN huyện thành lập 22 tổ phụ nữ xung kích tại 21 xã, thị trấn và ở cấp huyện với trên 220 thành viên. 

Tại ấp Chợ Củ, xã An Nhơn Tây, chị Nguyễn Thị Kim Loan cùng hai người bạn kéo loa và bảng hiệu đi tuyên truyền phòng, chống dịch khắp đầu trên xóm dưới. Chị Loan nói: “Nhà tôi ở gần trạm phát thanh của xã, nên tôi nắm rất rõ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch. Với suy nghĩ, ai cũng có trách nhiệm tuyên truyền về phòng, chống dịch, nhất là tuyên truyền đến các hộ dân trong hẻm nhỏ, người dân không có điều kiện tiếp cận thông tin, tôi đã rủ các chị em khác thực hiện tuyên truyền lưu động”. 

Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Kim Loan cùng hai chị em khác thay phiên nhau đi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Để thông tin tuyên truyền được chính thống, chị Loan liên hệ xin bài tuyên truyền của xã rồi chép vào USB kết nối với chiếc loa kéo phía sau xe, chị len lỏi vào các con hẻm nhỏ, những khu dân thưa thớt ở các ấp Bàu Đưng, Xóm Mới và Chợ Củ… để tuyên truyền tại. Mỗi chuyến đi qua các ấp mất khoảng 2 - 3 giờ.

“Ngày đầu tiên, đi ngang qua vườn cao su lúc nhân công đang cạo mủ, tôi dừng lại mở loa phát và chú ý quan sát. Thấy bà con dừng tay để lắng nghe là tôi biết việc mình làm có ý nghĩa và cần thiết. Thế là cả tuần nay, ba chị em chúng tôi thay phiên nhau duy trì thực hiện” - chị Loan thuật lại. 

Được biết, chị Loan hiện đang mang nhiều căn bệnh như huyết áp, thoái hóa cột sống cổ, hở van tim ba lá. Nhưng chị suy nghĩ “không thể vì sức khỏe hạn chế mà mình đứng ngoài cuộc” nên đã cùng với chị em có mặt trên từng cây số trong nhiều phong trào của Hội. 

Trên tất cả mặt trận phòng, chống dịch, ở đâu cũng có bóng dáng phụ nữ. Các chị tham gia vào tất cả các công tác hậu phương, từ tuyên truyền, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em, gia đình chính sách, khó khăn… Các chị nói, dù biết, khi tiếp xúc với vùng dịch và các trường hợp mắc bệnh thì mình có nguy cơ mắc bệnh rất cao, nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, mình không thể đứng ngoài. 

Song An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI