Những phụ nữ trẻ theo đuổi giấc mơ nông nghiệp xanh

16/01/2025 - 06:03

PNO - Ở tuổi 30, những phụ nữ tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã mày mò tạo ra các sản phẩm từ cây, lá, củ, quả rồi lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Họ chủ trương làm ra sản phẩm từ khâu trồng cho đến đầu ra đều không dùng hóa chất, chất phụ gia.

Làm thực phẩm dinh dưỡng từ nông sản quê

Tỉ mỉ kiểm tra sản phẩm trước khi gửi đến tay người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Mến - 35 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Mom Beauty (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) - cho hay, đây là thói quen từ lúc chị mới tập tành làm các loại bột ngũ cốc cho con ăn dặm.

Chị Nguyễn Thị Mến (thứ hai từ trái sang) tỉ mỉ kiểm tra lại các sản phẩm trước khi giao cho khách hàng
Chị Nguyễn Thị Mến (thứ hai từ trái sang) tỉ mỉ kiểm tra lại các sản phẩm trước khi giao cho khách hàng

Năm 2016, vợ chồng chị rời quê ở vùng cao, xuống TP Vinh lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Chị kể: “Tôi học kế toán nên ra trường, chỉ mong tìm một công việc văn phòng ổn định để lo cho con thôi. Nhưng do sinh con nên tôi phải ở nhà một thời gian”. Nhìn cậu con trai đầu lòng bị suy dinh dưỡng, thấp còi, chị tìm đủ cách để bổ sung dinh dưỡng, giúp con cải thiện thể trạng. Quê nhà sẵn có các loại nông sản do cha mẹ trồng, chị mày mò kết hợp các loại hạt với nhau để làm bột cho con ăn dặm. Sau khoảng 2 tháng cho ăn dặm các sản phẩm này, thể trạng và sức khỏe của con được cải thiện rõ rệt, tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng hơn và bắt đầu tăng cân.

Không ngờ, khi chia sẻ điều này lên mạng xã hội, các sản phẩm của chị thu hút sự quan tâm của nhiều phụ nữ có con nhỏ suy dinh dưỡng. Một số người nhờ chị hướng dẫn cách làm, một số thì đặt mua sản phẩm. Năm 2018, khi thấy các loại nông sản ở quê nhà khó tiêu thụ, chị quyết định thành lập công ty, mua sắm máy móc sản xuất bột dinh dưỡng với số lượng lớn để bán.

Vốn liếng không nhiều, thị trường lại cạnh tranh khốc liệt nên sự khởi đầu của chị cực kỳ khó khăn. Nhưng chị không nản chí, tiếp tục mày mò làm thêm nhiều sản phẩm dinh dưỡng từ nông sản sạch như bánh thanh hạt, ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc dinh dưỡng mẹ bầu, ngũ cốc dinh dưỡng lợi sữa.

Chị cũng xây dựng được chuỗi 74 cửa hàng kinh doanh trên cả nước và hơn 1.000 cộng tác viên bán hàng online. Mới đây, dự án “Hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh” của chị đã giành được giải đặc biệt trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” toàn quốc năm 2024.

Ngoài tạo việc làm ổn định cho 50 phụ nữ tại nhà xưởng, chị Nguyễn Thị Mến còn bao tiêu nông sản của 19 hộ nông dân các huyện Tân Kỳ, Nam Đàn của tỉnh Nghệ An. Sau 6 năm kinh doanh, nữ giám đốc trẻ này cho rằng, thành công không hẳn là kiếm được nhiều tiền mà quan trọng là giúp nhiều người có việc làm và thu nhập ổn định, đặc biệt là truyền cảm hứng để nhiều phụ nữ tự tin theo đuổi ước mơ của mình.

Để thúc đẩy dự án “Hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh” phát triển, chị dự tính sẽ tiếp tục liên kết đầu tư và hỗ trợ nông dân chuyển đổi vùng nguyên liệu canh tác theo lối truyền thống sang canh tác xanh, nghiên cứu thêm các sản phẩm hướng tới phụ nữ và trẻ em.

Gánh nông sản hữu cơ ra phố

Từng bỏ ngang công việc ở thành phố lớn với mức thu nhập ổn định để về quê trồng rau, chị Nguyễn Thị Hằng - 31 tuổi, ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - cho hay, hành trình khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng khá gian nan, nhưng chị luôn cảm thấy vui, hạnh phúc vì đã thỏa ước mơ “sống xanh” của mình.

Nói không với hóa chất, chị Nguyễn Thị Hằng tự ủ các sản phẩm vi sinh  để bón và phòng trừ sâu bệnh cho các loại rau, củ, quả
Nói không với hóa chất, chị Nguyễn Thị Hằng tự ủ các sản phẩm vi sinh để bón và phòng trừ sâu bệnh cho các loại rau, củ, quả

Là kỹ sư ngành bảo vệ thực vật, cách đây 3 năm, chị nghỉ làm nhân viên công ty ở thành phố, về quê rồi cùng một người bạn thuê mảnh đất rộng 2ha đang bỏ hoang ở xã Thạch Đài để làm trang trại du lịch (farmstay). “Tôi thấy thực phẩm không hóa chất ngày càng được người dân ưa chuộng nhưng lại hiếm nên quyết tâm làm một nông trại xanh, trồng nhiều loại hoa, quả an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng” - chị nói.

Với bàn tay khéo léo, mảnh đất bỏ hoang đã được cô gái trẻ phủ xanh bằng loại rau, củ, quả theo mùa. Mọi sản phẩm đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng các loại phân bón vi sinh tự ủ. Chị chia hơn một nửa diện tích thành các khu để trồng rau, số còn lại dùng làm các tiểu cảnh để khách đến tham quan, chụp hình, trải nghiệm cuộc sống của nông dân, hòa mình với thiên nhiên những dịp cuối tuần.

Từ năm 2023, chị phối hợp với một số người bạn tổ chức các phiên “chợ gánh” tái hiện lại không gian chợ truyền thống nhằm quảng bá, giới thiệu tới người tiêu dùng những sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Trung bình mỗi phiên chợ có từ 15-20 gian hàng, mỗi gian hàng là một câu chuyện khởi nghiệp gắn với hoài bão của những người trẻ tuổi cùng theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp xanh.

“Chúng tôi kêu gọi những người sản xuất thực phẩm theo hướng hữu cơ trong và ngoài tỉnh đến phiên chợ để quảng bá sản phẩm. Chợ gánh được tổ chức không chỉ đơn thuần là để bán hàng mà còn nhằm kết nối những người khởi nghiệp có chung mục tiêu, đồng thời lan tỏa phong cách sống xanh đến với mọi người. Thời gian tới, chúng tôi dự tính sẽ tổ chức các phiên chợ thường xuyên và ở nhiều nơi hơn nhằm giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với người tiêu dùng” - chị chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Quyên - Phó chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh - cho biết, cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 thu hút rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ mà ý tưởng “chợ gánh” của chị Nguyễn Thị Hằng là một trong số đó. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích mà còn là cơ hội để phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Làm trầm hương “nói không với hóa chất”

Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Linh Trang (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) - tất bật với việc sản xuất các loại trầm hương để phục vụ thị trường tết. Học điều dưỡng, song chị lại quyết định không theo nghề y sau khi ra trường mà rẽ sang kinh doanh.

Chị kể, việc sản xuất và kinh doanh trầm hương như một cơ duyên. Về nhà chồng ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - xứ trầm với những cánh rừng dó trầm bạt ngàn, gia đình chồng lại gắn bó lâu năm với cây dó trầm - chị có cơ hội hiểu giá trị quý giá của cây trầm. Nhận thấy trầm hương là mặt hàng tiềm năng với nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, chị quyết định thử sức loài cây này. Chị vừa tranh thủ học thêm ngành quản trị kinh doanh ở Trường đại học Vinh, vừa nghiên cứu về các sản phẩm trầm. Năm 2021, những sản phẩm trầm hương mang tên Tâm Thiên Hương của chị được tung ra thị trường.

Với phương châm “nói không với các loại hóa chất và phụ gia”, các sản phẩm nụ trầm hương, nhang trầm hương, vòng tay trầm hương của chị gây ấn tượng với khách hàng bởi mùi hương ngọt dịu đặc trưng của trầm hương Hà Tĩnh. Các sản phẩm này được chị sản xuất từ chính những cây dó trầm lâu năm của gia đình hoặc người dân trong vùng.

Từ các sản phẩm trầm hương, mỗi năm, công ty của chị có doanh thu hơn 2,5 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 phụ nữ. “Tôi đang thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn xanh, lợi nhuận thu được từ kinh doanh được dùng để tái đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đạt các chỉ tiêu về môi trường. Khi chặt 1 cây dó trầm, chúng tôi sẽ trồng lại 5 cây” - chị nói. Ngoài 5ha dó trầm của gia đình, chị đang liên kết với người dân trong vùng để trồng cây dó trầm theo tiêu chuẩn sản xuất trầm hương do mình đặt ra để phục vụ việc tạo sản phẩm nhằm từng bước nâng tầm cho trầm hương Hà Tĩnh.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI