Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hàng năm có 12 triệu trẻ em gái kết hôn trước khi đủ 18 tuổi. Theo thống kê toàn cầu về tỷ lệ tảo hôn ở trẻ em trai, cứ 30 nam thanh niên thì có một người đã kết hôn khi còn nhỏ.
|
Ruby, cô gái trẻ mạnh mẽ thuyết phục cha mẹ không ép mình kết hôn ở tuổi 15 |
Nhiều nỗ lực để thay đổi thực trạng này. Chấm dứt tảo hôn vào năm 2030 là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, nhiều quốc gia cũng đưa ra các chiến lược để ngăn chặn tảo hôn.
Tuy nhiên, đại dịch coronavirus buộc các trường học đóng cửa, cộng thêm những áp lực tài chính ở các gia đình nghèo đang làm giảm tiến độ thực hiện các mục tiêu. Tháng 4/2020, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc dự đoán có thể sẽ có thêm khoảng 13 triệu trẻ em kết hôn trong thập niên tới do các chương trình bị gián đoạn.
Nhưng một số trẻ em gái và phụ nữ đang tự mình vượt khỏi hủ tục và vận động để thay đổi ở nơi họ đang sống.
Hình ảnh các cô gái trong bài viết này do tổ chức phi chính phủ Girls Not Brides có trụ sở tại London (mạng lưới quốc tế gồm hơn 1.400 tổ chức xã hội hướng đến chấm dứt nạn tảo hôn và tạo điều kiện cho các cô gái phát huy hết tiềm năng của mình) chụp.
Ruby (16 tuổi) – Nepal
|
Ruby đang vẽ hình henna |
15 tuổi, Ruby được một người đàn ông đến xin gia đình cho được cưới cô. Ở Nepal, khoảng 40% trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi, và hầu hết các cuộc hôn nhân đều do gia đình sắp đặt. Nhưng Ruby biết ở Nepal các cô gái không thể kết hôn hợp pháp cho đến khi họ 20 tuổi. Với sự hỗ trợ từ Hiệp hội Nhận thức về Phụ nữ Janaki (tổ chức giáo dục các em gái về quyền của mình), có trụ sở tại Dhanusha, nam Kathmandu, cô đã thuyết phục cha mẹ ngừng cuộc hôn nhân.
|
Ruby và các bạn |
“Tôi sẽ kết hôn khi 20 tuổi. Tôi muốn học may để mở tiệm và sống bằng nghề may”. Ruby đang khuyến khích bạn bè làm như cô. “Tôi nói bạn bè hãy học hành, học những kỹ năng để tự lập và sau đó kết hôn. Nếu kết hôn lúc này, bạn sẽ sinh con và cuộc sống sẽ khó khăn”.
Suci (19 tuổi) – Indonesia
Suci bắt khởi động chiến dịch chống nạn tảo hôn bằng cách đi từng nhà yêu cầu từng người ký tên vào bản kiến nghị. “Nhưng tôi muốn làm điều gì đó lớn hơn, vì vậy tôi quyết định thực hiện chiến dịch của mình trên đường phố. Tôi đã làm một biểu ngữ và đi khắp làng, giải thích để mọi người hiểu vì sao phải dừng tảo hôn”. Suci mong muốn chấm dứt nạn tảo hôn khi anh trai cô kết hôn với một cô gái 15 tuổi và cô nhìn thấy những khó khăn của chị dâu mình.
Suci là trưởng một nhóm bảo vệ trẻ em tại Lombok, ngôi làng cô đang sống. Cô đã đến Bangkok và Jakarta để nói về hành trình của mình. Khoảng 14% trẻ em gái ở Indonesia kết hôn trước 18 tuổi và tình trạng này diễn ra phổ biến ở các vùng nông thôn. Nghèo đói và bất bình đẳng giới là nguyên nhân chính của nạn tảo hôn ở Indonesia.
Jenina (23 tuổi) – Kenya
Jenina kết hôn khi mới 13 tuổi. Cô sống với cha mẹ chồng nhưng vì không có con, cô bị họ gây khó khăn nên quyết định bỏ trốn. Hiện cô trở về sống với cha mẹ, những người luôn ủng hộ cô vì đã chứng kiến nhiều nỗi khổ của cô trong cuộc tảo hôn.
Jenina, đến từ cộng đồng Samburu ở miền bắc Kenya, ước rằng mình đã từ chối kết hôn và nói với cha mẹ rằng mình muốn học xong. Nhưng cô đang dùng chính những trải nghiệm của bản thân để khuyên nhủ, cảnh báo cho những cô gái khác.
Ghazal * (18 tuổi) – Lebanon
Khi Ghazal biết mình sẽ kết hôn, suy nghĩ đầu tiên của cô là: “Tôi sẽ mặc một chiếc váy trắng, sẽ có những đứa trẻ và ngôi nhà đẹp như từng mơ ước khi còn ở Syria”. Khi kết hôn cô mới 13 tuổi, chồng cô 19 tuổi.
Ba năm trước, cha Ghazal đã bị giết trong cuộc xung đột ở Syria. Vài tuần sau, mẹ Ghazal đưa bốn chị em cô qua biên giới để đến Lebanon. Cô đã gặp người chồng tương lai của mình và quyết định kết hôn.
|
Nhà bếp của Ghazal |
“Ba tháng sau, tôi mang thai đứa con đầu lòng, Hana. Hai tháng sau khi con ra đời, tôi mang thai bé thứ 2, Abas”, Ghazal nói. Abas hiện đã ba tuổi, Ghazal và Khalid vẫn sống chung.
Thông qua Ủy ban Cứu hộ Quốc tế ở Lebanon, cô đã được học về sức khỏe sinh sản, cách ra quyết định trong gia đình và cách duy trì một mối quan hệ lành mạnh.
|
Gia đình Ghazal |
“Chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn” Ghazal nói khi đang bế con trai. “Chúng tôi không ổn định. Chúng tôi ở trong một ngôi nhà hai tháng rồi chuyển đi. Tôi không biết liệu chúng tôi có quay trở lại Syria hay không. Nếu quay lại, họ sẽ bắt chồng tôi ngay lập tức”. Cha của Khalid đã bị chính phủ Syria giết chết.
Ghazal quyết tâm ngăn cản em gái lấy chồng khi còn quá trẻ. Vợ chồng cô cũng sẽ không để con gái mình trở thành một cô dâu trẻ con.
Yelina (20 tuổi) – Malawi
Yelina suýt kết hôn khi mới 17 tuổi. Cô là dân tị nạn từ Cộng hòa Dân chủ Congo, hiện đang sống trong trại tị nạn Dzaleka ở miền trung Malawi với cha và mẹ kế.
Mẹ đã bỏ rơi Yelina khi cô còn nhỏ sau khi chia tay với cha cô. Yelina không hòa nhập được với gia đình. “Mẹ kế của tôi không muốn tôi ở đó. Bà không đối xử tốt với tôi. Tôi đã nghĩ kết hôn là một cách để giải thoát. Đó là sự lựa chọn duy nhất của tôi”.
Nhưng sau đó Yelina nghe nói về tổ chức Đoàn kết Phụ nữ Tị nạn vì Phúc lợi Xã hội (Soferes), do người tị nạn lãnh đạo có trụ sở tại Dzaleka. Tại đây có đào tạo nghề cho các cô gái có nguy cơ tảo hôn. Cô đã tham gia khóa học làm tóc và hiện đang làm việc tại một tiệm làm tóc nhỏ của tổ chức trong trại tị nạn.
“Tôi sử dụng số tiền kiếm được từ công việc này cho nhu cầu của bản thân và gia đình”, Yelina nói.
Công việc giúp cô vượt qua khó khăn với gia đình và cho cô những cơ hội.
“Điều tôi muốn nói với các cô gái trẻ lúc này là hãy đi học hơn là nghĩ đến việc kết hôn”.
Khánh Vân (theo The Guardian)