PNO - Bà ngồi đó, trên bàn là trái cam bóc dở. “Con ăn đi, rồi hỏi chi, cứ hỏi”. Ngoài kia là biển xanh, cát trắng, là hàng dừa đứng im trong chiều tháng Tư hiếm hoi gió, như đồng điệu với lời nhẹ nhõm của bà, tạc trong tôi những buổi chiều ở quê, mấy bà già ngồi trước hiên nhà, thong thả nhớ chuyện ngày xưa. Chỉ có điều, ở đây, mình bà và ngổn ngang chuyện thời thế.
Mây trắng đã về tụ trên mái tóc ấy khiến tôi vụt nhớ ảnh bà ngồi ký Hiệp định Paris, tóc xanh đen, kẹp sau vai như cô giáo của những năm tháng khó khăn, đến trường mà phải canh cánh lo cơm áo, ruộng đồng.
Đến bây giờ, ở vỉa hè lẫn trên mạng, người ta vẫn thường bàn tán về chuyện chính khách khi đã về hưu thì nên lộ diện nữa không. Kẻ nói nghỉ thì nghỉ, đừng xen vào nữa mà khó cho người đương chức; người thì cho rằng, hãy để họ lên tiếng, làm việc, bởi họ có kinh nghiệm và mối quan hệ. Chính khách phương Tây về hưu là ra sách, đi dạy, lập quỹ từ thiện hoặc vui thú điền viên. Còn bà?
“Hơn 15 năm kể từ ngày về hưu đến nay, cô không một ngày nghỉ, làm luôn trách nhiệm Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển, làm mà cứ thấy việc đầy ra đó”. Tôi không nghĩ bà tham công tiếc việc. Có những người trời đày phải ôm việc, dù họ thừa điều kiện để thong dong. Họ nặng gánh vì sự thôi thúc từ bên trong. “Đất nước còn khó khăn lắm. Cô nghĩ mình hưu rồi nhưng góp được gì thì góp. Nước mình chiến tranh liên miên, ta tìm cách phát triển khi thế giới đã toàn cầu hóa sâu rộng, ta chạy theo trong tình thế yếu và lạc hậu nhiều”.
Cứ hình dung ta như cỗ xe một ngựa phải ì ạch kéo một núi kiện hàng vượt sình lầy, thì mỗi người giúp một tay, mong sao nó gõ nhịp đỡ phì phò hơn. Nhưng thật lòng, tôi không ưa kiểu biện luận rằng đụng cái gì cũng đổ lỗi cho chiến tranh kéo dài. Gần 50 năm rồi, nhìn sang các nước trong khu vực từng có tình trạng kinh tế tệ hơn mình, nhưng họ đã thực hiện những cú nhảy ngoạn mục, mà “chìa khóa thần” để giúp họ thay đổi chính là giáo dục. Bài học của họ, nói thẳng là ta đâu có thèm học. Bà gật: “Cô quan tâm nhất là giáo dục. Giáo dục là con người, mà tất cả những gì làm nên hay không nên, đều từ giáo dục mà ra. Chúng ta không cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục thì sẽ mãi thua người ta”.
Bà Nguyễn Thị Bình
Nhiều lần tôi nghĩ, ngoài chuyện bà theo đuổi giáo dục như là số mệnh, là trách nhiệm của trí thức, của nhà ngoại giao, của phó chủ tịch nước, thì còn một điều nữa là, tâm niệm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ Phan Châu Trinh còn nung nấu trong huyết quản cháu ngoại? “Ừ, cô tiếp thu tinh thần cụ Phan “chi bằng học”. Độc lập mà không có trình độ thì cũng bỏ thôi. Không học là thất bại”.
Sự học ở nước mình, cứ nhìn những chính sách, công cụ, chủ trương thì nói như dân Quảng Nam là “xụt bệ lò rèn”. Ống thụt thổi lửa ở lò rèn, thợ khỏe thì đạp hơi mạnh, yếu thì lửa lúc tắt lúc đỏ, rèn cả buổi không được cái dao, trở thành cục sắt vô dụng. Chuyện giáo dục ở ta, cứ nhìn xã hội hôm nay là hiểu ngay. Giọng bà thoắt u buồn: “Giáo dục quẩn quanh vì lãnh đạo không coi trọng đúng mức so với kinh tế. Khi không có con người thì kinh tế không bứt lên được. Họ nói mà không làm. Lãnh đạo trực tiếp thì thiếu tầm nhìn khoa học. Trong khi thế giới có biết bao bài học mà mình vẫn cứ loay hoay. Nghị quyết đổi mới giáo dục toàn diện thì triển khai không rõ mục tiêu”. “Chúng ta không có triết lý giáo dục?” - tôi hỏi. “Không phải không có, mà nói không rõ, nói mà không làm. UNESCO nói rất rõ rằng “học để biết, để làm người”, còn mình thì đâu đâu không à”.
Làm vì trách nhiệm, không phải vì hư danh
Bà vẫn nói, giọng đều đều như bao lần tôi đã nghe. Ở tuổi bà, hàm lượng tri thức và kinh nghiệm chính trường khiến người đối diện không thấy được sự gắt gỏng. Đó phải chăng là chiêm nghiệm buồn bã đi ra từ sự ước định cái đích để đổi thay còn mịt mù xa. “Cố gắng làm giàu ư? Bây giờ đồng tiền mạnh hơn tất cả, cái gì cũng tiền. Chuẩn mực xã hội không rõ, ai cũng lao vào làm giàu. Vì sao? Dối trá nằm trong trường học, copy, chạy điểm, xin điểm. Bây giờ, dạy con khó quá. Bằng cấp, vị trí, tiến sĩ, thạc sĩ dỏm đâu có hơn một nghề chân chính. Trách nhiệm của cha mẹ đã đành, nhưng dù sao, nhà trường là tổ chức chặt chẽ, có trách nhiệm rõ ràng”.
Bà thở mệt. Ngày trước, cái ăn khốn khó, nhưng dạy con thì dễ, bởi xã hội chưa “tả pí lù” như bây giờ. Phụ nữ thời nào cũng khổ, như bà đó, vừa gánh chuyện quốc gia, vừa nuôi con mệt nhoài, bởi bà vừa nói rằng nuôi dạy con là trách nhiệm của mẹ, không ai thay thế được, nhưng âu lo con hư thì ít, thậm chí là không, bởi cơ hội để hư hiếm hoi lắm. Nhưng giữa triệu triệu phụ nữ như vậy, lại nổi lên một người như bà khiến thiên hạ ngưỡng mộ, hẳn bà là người may mắn? “Có. Cuộc sống của cô đơn giản lắm, sống không ganh đua, mọi người đối xử với mình cũng tốt”.
“Fidel Castro có nói đến sự cô đơn của quyền lực… Nếu cô đơn thì cô không biết sao, nhưng có nhiều cái mình buồn, bởi lẽ ra, đất nước đã tốt hơn nhiều rồi, cũng vì mấy ông lãnh đạo chưa biết lắng nghe, rút kinh nghiệm về những cái không đúng. Tình hình khó lắm. Mình không đòi hỏi xuất sắc, nhưng phải nghe dân, hãy đặt lợi ích của dân lên hàng đầu”.
Cả đời bà đi làm cách mạng, không dễ dàng chút nào khi được thế giới xếp vào danh sách những nhà ngoại giao hàng đầu, đông tây nể trọng. Điều gì đã làm nên tên tuổi Nguyễn Thị Bình? “Người ta hay nói đến bí quyết thành công. Cô cho rằng, muốn làm gì thì hãy thật tâm, nay chưa tốt thì ráng làm và có trách nhiệm, chứ không phải làm vì hư danh. Nếu hư danh thì không thành đạt, mà có thành đạt cũng sụp đổ. Hãy chân thực và có tâm, cố gắng thì sẽ được. Hồi nào đến giờ, tất cả các nhiệm vụ, không cái nào cô đặt vấn đề, giao thì cô cân nhắc có làm được không, làm thì phải rút kinh nghiệm hằng ngày. Cô không học ngoại giao, còn ngoại ngữ thì học trong nước. Hồi ký Hiệp định Paris, cô xác định bình tĩnh và chủ động. Sau này, cấp trên nói chị từng đi dạy nên sang làm giáo dục…”.
“Hãy lao động thực sự, hiểu biết thực sự”
Hình ảnh người phụ nữ Việt nhỏ nhắn đặt bút ký hiệp định đó trở thành một biểu tượng khi nhắc nhở sức mạnh phụ nữ, nhưng để đi đến đó là cả một dặm dài hội đủ các điều kiện. Tôi nói ý đó trong cái mạch lâu nay vẫn dai dẳng ở xứ mình là chỗ đứng của phụ nữ, nhất là chuyện chính trường. Bà lại cười: “Cô hay đùa là lúc đó, Bác Hồ do biết cụ Phan và nghĩ cô có thời gian hoạt động ở Sài Gòn nên đáp ứng được yêu cầu. Mấy ông ở trên hay viện dẫn lý do khi tìm người là “không đủ tiêu chuẩn”. Đó là tàn tích phong kiến ăn sâu, không dễ gột rửa. Đàn ông không chịu hiểu, trong thực tế, có những việc mà phụ nữ không dễ thoái thác. Nhiều người tài năng lắm, nhưng lãnh đạo hay nhìn theo kiểu “có thêm cho nó đẹp đẽ”.
Bà Nguyễn Thị Bình - một nhà ngoại giao
Bà tiếp: “Đáng lý ra ở cấp cao, phải có phụ nữ có trình độ cao, uy tín, lo cho phụ nữ. Con thử tính đi, ngay cả tính chuyện về hưu cũng cân đo, đẻ một đứa con nuôi mất 5 năm, nuôi hai đứa mất 10 năm, con lớn một chút, họ mới thảnh thơi làm, loay hoay là tới tuổi hưu khi năng lực họ còn rất lớn. Tư duy đó là vì cái chung chứ không phải vì phụ nữ. Nói đi phải nói về, phụ nữ là mẹ thì phải thấy trách nhiệm của mình với con cái, xã hội chỉ là khách quan. Bây giờ con trẻ hư nhiều, chỉ có gia đình mới ngăn chặn được. Làm mẹ mà cứ lo làm ăn miết, thật sự là không thương con”.
Bỗng bà nghiêm giọng: “Việc này phụ nữ chưa làm tốt đâu. Vệ sinh an toàn thực phẩm, ai nắm? Phụ nữ. Trồng trọt, chăn nuôi, phụ nữ tham gia đông. Nếu Hội Phụ nữ thấy được vai trò rất lớn của hội viên và tổ chức thực hiện tốt thì đó là đóng góp lớn nhất của Hội”.
Bà nhắc “con ăn đi” rồi chìm trong im lặng. Ngó bình hoa, trái cam dở, một bà già bất động trong chiều xuống trên ghế gỗ hiên nhà, khác chi một bức ký họa những ngày xưa của ký ức về bà, về mẹ. “Cô rành nấu món Quảng Nam không?” - tôi rụt rè. Bà bật cười: “Cũng tạm thôi, cô rành Nam Bộ hơn vì sinh ra, lớn lên ở Sa Đéc, thích nhất là cá kho tộ và canh chua cá lóc. Món Bắc cũng biết nhưng ít. Lúc làm Đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Nam thì mới có dịp thường xuyên về quê”.
Bà lột cam đẩy về phía tôi, ân cần như bao bà già chăm cháu, nhỏ thó trong bộ đồ lụa đã phai màu, một trời một vực với nhà ngoại giao lịch lãm, sang trọng, tài giỏi khi xuất hiện ở đám đông. “Mẹ mất sớm nên hồi đi học, cô tự may áo đầm, may cho em út nữa, lúc đi làm cũng vài ba bộ, đơn giản thôi. Mình tự hiểu cái tạng của mình, vậy là được rồi. Con à, hãy lao động thực sự, hiểu biết thực sự, mình mới định đoạt được số phận mình và đất nước; đạo đức phải có trước năng lực”.
Ngoài kia là sóng dịu êm. Tôi đứng lên chào, bà nhắc: “Con đi ra thì đóng cửa lại giúp cô”. Nhìn bà thong dong nhưng chữ “nhàn” như trêu ngươi, xa vời. Tôi thoáng nghĩ, bộn bề đang thường trực ở bà. Đó là nỗi lo cho thiên hạ, cho những công dân tương lai bằng trí lực của người phụ nữ đã qua tuổi 90. Và phải chăng, đây là sản phẩm của một nền giáo dục một thuở, cái thuở mà người học được dạy rằng phải thực sự biết mình. Và khi đã như thế thì sự tận hiến cho xã hội, nhân quần đến hơi thở cuối cùng là phẩm chất thường tình của người có học?
Bài viết rất hay, k chỉ giúp độc giả biết về cuộc sống đời thường của của Bà - người phụ nữ tôi kính trọng và ngưỡng mộ, mà giúp tôi tìm thấy niềm tin trong cái thời nhiều nhiễu nhương này.
"Hãy lao động thực sự, hiểu biết thực sự, mình mới định đoạt được số phận mình và đất nước; đạo đức phải có trước năng lực”. Quá hay và đúng thưa cô ! Chúc cố sức khỏe tốt
Bà là ngôi sao sáng trong ngoại giao và giáo dục của VN ,mong sao đất nước VN sẽ có nhiều phụ nữ như bà để có nhiều phụ nữ lãnh đạo các cơ quan đoàn thể từ TW xuống tới địa phương - Kính chúc bà luôn luôn mạnh khỏe vui vẻ cùng con cháu và đất nước VN !
Bài viết hay quá. một thế hệ "Vàng" của dân tộc Việt Nam. Ngẫm từng lời Bà nói thật dung dị, dễ hiểu, quần chúng mà thấm đẫm cái triết lý, nhân văn sâu sắc... gợi nhớ đến một người phụ nữ nhỏ nhắn "Khiêu vũ giữa bầy sói" , dõng dạc, đanh thép, không khoan nhượng trước những nhà ngoại giao sừng sỏ của Mỹ và phương tây tại hội nghị Pari 1973. Chúc Bà khỏe, sống lâu trăm tuổi.
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.