“Nhờ những tấm gương tiên phong mà phong trào phụ nữ trên địa bàn huyện ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao ý thức người dân trong công cuộc xây dựng một nông thôn mới, bảo vệ môi trường, tái tạo cảnh quan. Qua câu chuyện từ cơ sở, chúng tôi nhận thấy, bất cứ hoạt động gì, nêu gương luôn là một giải pháp hiệu quả” - bà Nguyễn Kiều Thu, Chủ tịch Hội LHPN H.Nhà Bè - nhận định.
Đến từng nhà kêu gọi hiến đất mở hẻm
“Làm gì có nước sạch mà xài. Giặt giũ, rửa ráy thì gánh nước sông vô, còn nước ăn, nước uống thì phải xuống Phú Xuân đổi mang về. Tắm cũng bằng nước sông rồi xối lại vài lon nước ngọt” - cô Nguyễn Thị Thủy, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè - kể lại câu chuyện mới chỉ vài năm trước mà ngỡ như thuở nào.
Một số con hẻm sạch đẹp, văn minh ở H.Nhà Bè - ảnh: H.C.
Nếu chỉ nhìn những ngôi nhà khang trang nằm dọc con hẻm dài 1,3km trải bê tông sạch đẹp của hôm nay mà không nghe những người dân ấp kể, thì sẽ không hình dung được chuyện của “ngày hôm qua”: đến năm 2017, trên con hẻm đó, trẻ em đi học vẫn còn trượt chân té ruộng, quần áo lấm lem; rắn rết, muỗi mòng chung sống với người giữa mênh mông nước mỗi đợt thủy triều. Trước đó, vào năm 2015, khi cây cầu Kênh Lộ bắc qua sông Rạch Giồng hoàn thành, rút ngắn thời gian từ Long An và Cần Giờ về trung tâm thành phố, thì những con hẻm dẫn vào thôn ấp nơi đây mới được hình thành. Có đường đi, nước ngọt mới đến được với từng hộ gia đình, hình hài của một nông thôn có sự chuyển mình cùng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” mới xuất hiện. Tạo ra sự chuyển mình ấy không ai khác là dân, mà sự góp sức quan trọng chính là chị em phụ nữ. Chính họ vừa là người tiên phong hiến đất mở hẻm và đi gõ cửa từng nhà để vận động bà con cùng hiến đất.
Là người hiến gần 500m2 đất để bê tông hóa con hẻm 24, cô Lê Thị Hồng (ấp 3, xã Hiệp Phước) cho biết, phải mất ba năm con hẻm mới hoàn thiện. Dọc con hẻm có 28 hộ, nhưng ban đầu chỉ ba hộ chịu hiến đất, vì hẻm rộng 6m sẽ lấy đi không ít đất của bà con. Cô Hồng đã phải đến từng nhà, lấy cảnh học trò té sình, vác xe chứ không đạp được… để vận động bà con. Nếu tiếc đất thì tương lai con cháu sẽ không sáng lên được. Thực tế đó ai cũng thấy hết, nhưng cũng phải mất năm tháng mới xong chuyện hiến đất. Sau đó, cô Hồng lại vận động bà con góp công
đắp đường.
Ban đầu, mọi người cũng chỉ mong có đường bê tông để có điện, nước vào nhà chứ không ngờ con hẻm đã kéo theo sự thay đổi quá lớn trong đời sống. Nhiều người đã nhanh chóng chuyển đổi nghề nghiệp. Những đìa tôm, những cửa hàng tạp hóa mọc lên thay dần cho nghề chằm lá, bắt còng. Người dân cũng không còn phải bì bõm lội nước mỗi khi đi lại với nỗi lo rắn rết…
Đã có hẻm rộng, tổ phụ nữ ấp bắt tay vào thực hiện “sạch ngõ”. Năm 2020, “Tuyến hẻm tự quản bảo vệ môi trường” ở hẻm 22 và 24 được thành lập do các thành viên trong hẻm tự quản. Ngoài việc lắp đặt thùng rác kiểu mẫu, đảm bảo việc đổ rác đúng giờ, thì nhà nào cũng trồng hoa để vừa làm đẹp nhà mình, vừa làm đẹp thôn xóm.
Bến phà Bảy Bé không còn là bãi rác
Từ trung tâm H.Nhà Bè phải đi qua bến phà Bảy Bé mới đến được ấp 3, xã Phước Lộc. Phà cập bến, chiếc cầu vồng vắt ngang nhánh tẻ dòng kênh Cây Khô xuất hiện để dẫn vào xóm ấp. Những ngôi nhà cấp bốn tươm tất, sạch sẽ ẩn mình phía sau màu xanh của đước, tràm, dừa nước. Giữa trưa, tiếng động cơ của chiếc phà vẫn lạch tạch vọng lại từ đôi bờ kênh. Cô Trương Thị Mai - Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Phước Lộc, H.Nhà Bè - kể về sự thay đổi của ấp mà cô chính là chứng nhân: Trước đây bến phà ở gần mép cầu, mới dời đến chỗ mới bê tông hóa được vài tháng nay. Quả là bến phà mới rất thoáng gió và sạch sẽ, trên bờ, dưới bến đều không có rác nổi lềnh bềnh như bao nơi khác…
Nhìn thấy dòng kênh sạch lên mỗi ngày, người dân ấp 3 đã kêu gọi nhau cùng lội kênh nhặt rác với cô Mai - ảnh: H.C.
Về sự khác biệt đó, cô Mai buông lời: “Trần ai lắm chớ giỡn ha!”. Cái “trần ai” để có dòng kênh, bến đò lột xác như hôm nay là những vết sẹo ở bàn chân, bàn tay của cô Mai và những người đàn bà thôn ấp sau bao lần lội xuống kênh ngâm mình vớt rác. “Thước phim” về dòng kênh Cây Khô ấy được “tua” lại qua lời kể của cô Mai: “Cách đây hai năm, dòng kênh chính là “bãi rác” tự phát mênh mông. Gia đình nào siêng thì dồn rác lại vài ngày rồi đốt hoặc mang đi chôn, người thiếu ý thức thì đợi đến đêm, mang rác ra đổ xuống dòng kênh. Rồi gió thổi, rác tấp vào bến phà, nơi có cầu phà nhô ra dòng nước. Vậy là, nơi qua lại hằng ngày của bà con trở thành điểm “tập kết rác” tự nhiên. Xấu xí, bẩn thỉu, nhưng ai cũng nghĩ “không phải việc của mình”, thế nên rác cứ ngày một nhiều lên”.
Đến khi Chỉ thị 19/CT-TU của Thành ủy TP.HCM về việc thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch” được triển khai, chiến dịch làm sạch môi trường sống diễn ra khắp các địa bàn, cô Mai nghĩ: Nếu mỗi người dân không hành động thì một môi trường sống trong lành, văn minh chỉ có… trong mơ! Thế rồi cô lên kế hoạch “phải làm sạch dòng kênh trước đã!”.
Nhưng thay đổi thói quen sinh hoạt là một bài toán khó và lâu dài. “Dân vận khéo là nói đi đôi với làm, là thuyết phục bằng hành động, bằng hiệu quả”. Với kinh nghiệm từ nhiều năm làm công tác phụ nữ, cô Mai quyết định: mình sẽ làm trước. Thế là theo con nước, có hôm từ tờ mờ sáng, khi nước rút, cô xắn quần lội xuống kênh cùng với cái bao và một chiếc sào dài, bắt đầu từ mép bến phà cô từ từ lội ra xa hơn. Các loại rác, từ bao ni-lông, hộp giấy, chai nhựa, thùng xốp, nhánh cây khô mục… cô gom bỏ vào bao. Nơi nào nước sâu, không đến được, thì cô dùng sào kéo rác lại để nhặt. Có những ngày rác nhiều, cô ngâm mình dưới nước suốt từ 5 giờ đến 10 giờ. Không ít lần bị giẫm phải đinh hoặc bị gạch đá cứa vào chân, ông xã phải chở cô đi chích ngừa.
Rác được đưa lên hai bên cầu, cứ vài ngày cô lại đốt một lần. Nghĩ đến những dòng kênh đen ken đặc rác, tôi hỏi cô: “Không sợ bẩn hả cô?”. Cô Mai lắc đầu và nói: “Mình sinh ra và lớn lên bên dòng kênh, thương chớ gớm gì”.
Nhưng cô Mai cũng thành thật, ban đầu thấy cô làm, bà con qua lại bến đò chỉ lắc đầu nghĩ là cô “rảnh quá”! Nhưng sau đó, thấy trên bến dưới dòng đều sạch thì có người đã ngại ngùng ra làm với cô.
Từ hành động của mình, cô Mai đã mạnh dạn vận động bà con trong ấp ngừng ngay việc đổ rác xuống kênh. Bà con cũng đồng hành với cô trong việc làm sạch vệ sinh thôn xóm qua những Chủ nhật xanh và đăng ký thu gom rác dân lập.
Thu Lê
Trong năm năm qua, các cấp Hội Phụ nữ H.Nhà Bè đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy nội lực của chị em trong tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Từ những thành công trong việc vận động người dân hiến đất mở hẻm, Hội Phụ nữ đã thực hiện xây dựng 300 tuyến đường, tuyến hẻm đạt tiêu chí “sạch ngõ”, “văn minh - mỹ quan đô thị”, phát động các cơ sở Hội trồng 1.750 cây xanh bóng mát. Ngoài ra, bảy xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã “Hành động vì một thành phố xanh” với nhiều mô hình như “Tuyến rạch không rác tại rạch Chín Còn” (xã Phú Xuân), “Cải tạo mảng xanh ở chân cầu Hiệp Phước” (xã Long Thới), “Tuyến hẻm tự quản bảo vệ môi trường” của xã Hiệp Phước… Đến nay, nhìn chung, môi trường sống tại các khu dân cư, xóm ấp đã không còn cảnh nhếch nhác, rất nhiều nơi đã trở nên sạch đẹp, văn minh.
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.