2 thế hệ “chị Hai 5 tấn” trên quê lúa Thái Bình - Bài cuối:

Những phụ nữ làm lúa trên cánh đồng trăm mẫu

28/10/2023 - 06:26

PNO - Tiếp bước thế hệ “chị Hai 5 tấn” những năm 1960, những phụ nữ hôm nay trên quê lúa Thái Bình đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng lúa trên những cánh đồng rộng cả trăm héc ta.

Chị Trần Thị Lanh hiện đang điều hành Hợp tác xã Sản xuất, Kinh doanh nông sản Quang Lanh làm lúa trên diện tích 200ha
Chị Trần Thị Lanh hiện đang điều hành Hợp tác xã Sản xuất, Kinh doanh nông sản Quang Lanh làm lúa trên diện tích 200ha

Mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị

Tới xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hỏi chị Trần Thị Lanh (sinh năm 1977, Trưởng thôn Giao Nghĩa), không ai là không biết. Chị Lanh là 1 trong 14 gương mặt phụ nữ tiêu biểu của tỉnh Thái Bình được đi dự Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc năm 2022, là Chủ tịch Hội Những người cấy lúa diện tích lớn (đại điền) của huyện Kiến Xương, hiện đang canh tác 100ha lúa, đầu tư nhiều tỉ đồng để sản xuất lúa hàng hóa.

Năm nay, nông dân trồng lúa ở tỉnh Thái Bình rất vui vì lúa được giá. Sau khi trừ các chi phí, mỗi héc ta lúa cho lãi ròng trên 10 triệu đồng/vụ. Với 100ha, hợp tác xã (HTX) của chị Trần Thị Lanh lãi hơn 1 tỉ đồng/vụ.

15 năm trước, vợ chồng chị Lanh được chia 3 sào ruộng theo đầu người, canh tác theo kiểu truyền thống, mạnh ai nấy làm. Vợ chồng chị mạnh dạn mua máy tuốt lúa, máy cày bừa về làm dịch vụ cho bà con trong xã. Năm 2008, chị sắm máy gặt đập liên hoàn đầu tiên trong xã, kéo ra đồng gặt lúa thuê cho bà con, trả thóc tại ruộng. Nhưng tính ra, gặt đập thuê trên mỗi sào ruộng chỉ thu được tiền công vài chục ngàn đồng, khó thu hồi được vốn đầu tư mua máy móc. 

Làm nông nghiệp khó “ăn”, thanh niên trong xã bỏ nghề nông đi làm công nhân, bỏ hoang ruộng đất, để cỏ dại mọc um tùm. Xót ruột, lại sẵn máy móc, chị thuê đất, cày tràn, bừa tràn rồi gieo sạ, trả tiền thuê đất bằng lúa. Từ 3 sào ruộng ban đầu, diện tích lúa của chị cứ thế tăng dần, đến nay đã lên 100ha. Từ năm 2014 trở đi, UBND tỉnh Thái Bình ban hành các chính sách khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp, khuyến khích việc tích tụ ruộng đất, những người như chị Lanh đã được cởi trói, mạnh dạn đầu tư vào những cánh đồng lớn.

Quyết tâm “làm ăn lớn”, tháng 5/2022, chị Lanh thành lập HTX Sản xuất, Kinh doanh nông sản Quang Lanh, ghép tên 2 vợ chồng. HTX có 7 thành viên chủ chốt và 20 thành viên đăng ký ban đầu, tổng số vốn khoảng 1,4 tỉ đồng, canh tác trên 200ha ruộng với hệ thống máy móc tương đối đầy đủ. Chồng chị phụ trách việc điều hành nhân công làm dịch vụ nông nghiệp cho bà con và canh tác 100ha đất lúa của gia đình, còn chị điều hành HTX. 

Hiện, HTX của chị có 2 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy bay phun thuốc loại nhỏ (T10). Mới đây, chị đầu tư 1 tỉ đồng mua thêm 1 máy cày, 1 máy cuốn rơm, 1 máy bay phun thuốc sâu T20 công suất gấp đôi loại nhỏ. “Nếu để sâu quá 1 ngày, lúa sẽ giảm năng suất. Việc đầu tư máy bay phun điều khiển từ xa giúp phun thuốc diệt sâu đúng đợt, đảm bảo năng suất, diệt sâu, giải phóng sức người bởi trong 1 ngày có thể phun kín cả cánh đồng vài trăm mẫu” - chị Lanh giải thích.

Một mình “cày” 60 mẫu ruộng

Nhờ tích tụ, tập trung đất, các nông hộ ở tỉnh Thái Bình  có điều kiện để mạnh dạn cơ giới hóa việc sản xuất nông nghiệp
Nhờ tích tụ, tập trung đất, các nông hộ ở tỉnh Thái Bình có điều kiện để mạnh dạn cơ giới hóa việc sản xuất nông nghiệp

Sinh năm 1985, chị Nguyễn Thị Phương - ở xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - cũng đang làm chủ 60 mẫu ruộng. Chị Phương bộc bạch: “Chồng làm xây dựng, thường đi theo công trình, tôi lo cho 5 đứa con, cháu lớn học đại học, đứa út mới 17 tháng. Phải có quyết tâm thật cao, yêu đồng ruộng lắm mới dám làm nông nghiệp”. Chị làm lúa trên diện tích lớn từ 4 năm trước. 

Hiện tại, chị gieo cấy 10 mẫu nếp cái hoa vàng, còn lại là lúa tẻ. Lúa nếp được giá, bán 180.000 đồng/10kg. Năm nay trúng mùa, được giá (thóc tươi bán tại ruộng 8.000 đồng/kg) khiến người làm lúa phấn khởi. “Tôi bán lúa ngay đầu bờ cho các cơ sở thu mua, chỉ giữ khoảng 10 tấn lúa nếp để chưng cất thành rượu nếp đặc sản, đăng ký sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm”) để bán dịp tết” - chị Phương nói.

Năm 2018, phong trào đại điền (làm lúa quy mô lớn) ở tỉnh Thái Bình phát triển. Chị Phương thuê ruộng bỏ hoang trong làng, rồi thuê sang làng bên, khoảnh nào chuyển được quyền sử dụng thì chuyển. Việc cày bừa đầu vụ do Câu lạc bộ Đại điền tỉnh Thái Bình hỗ trợ, cuối vụ trả bằng thóc hoặc tiền. Thế là ruộng chị “nở” dần lên 60 mẫu.

Chị bảo làm nông nghiệp cực, nhưng mà rất vui. Ở Thái Bình, ngoài chị Lanh, chị Phương, còn rất nhiều các “nữ đại điền” khác cũng đang làm bạn với đồng ruộng, đó là các chị Bạch Kim Thủy, chị Cao Thị Liên…, mỗi người cũng cấy hàng chục héc ta lúa quy mô lớn theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Anh Đặng Ngọc Tân (Ban Chấp hành Câu lạc bộ Đại điền tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Hỏi Thái Bình có bao nhiêu “nữ đại điền” thì chúng tôi chịu, vì chưa bao giờ thống kê. Thứ hai, các hộ đại điền hầu hết đều cả vợ cả chồng cùng làm, của chồng công vợ, không phân chia ai đứng làm chủ. Những người như chị Lanh, chị Phương, chị Liên, chị Thủy là những “nữ đại điền” đứng tên làm chủ hợp tác xã của mình”.

Một thế hệ các “nữ đại điền” hừng hực quyết tâm, dám nghĩ dám làm, đang tiếp nối tình yêu ruộng đồng của những thế hệ “chị Hai 5 tấn” khi xưa trên quê lúa. 

Chủ động về giá cả, khâu tiêu thụ

Theo chị Trần Thị Lanh - Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh nông sản Quang Lanh, khi làm nông nghiệp, khâu quan trọng nhất là đầu ra và giá cả. Hiện ở Thái Bình, giá thóc tươi mua tại ruộng là 8.000 đồng/kg, thuộc dạng “được giá”. Giá chỉ cần nhích lên hay tụt xuống vài trăm đồng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận và tâm trạng người sản xuất. Do đó, người làm lúa trên cánh đồng lớn phải làm chủ được về giá. Để không bị tư thương ép giá, chị Lanh đã đầu tư hệ thống nhà kho chứa thóc, có máy sấy lúa công nghiệp chứ không phơi sấy thủ công.

Làm lúa quy mô lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế 1,4 lần 
Theo đại diện Câu lạc bộ Đại điền tỉnh Thái Bình, hiện toàn tỉnh có 1.700 hộ làm lúa với diện tích từ 10ha trở lên, khoảng 2.800 hộ làm lúa từ 2ha trở lên. Sự mở rộng về diện tích đã giúp các chủ thể sản xuất nông nghiệp ở tỉnh này có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, cơ giới hóa trong nông nghiệp. Những năm qua, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân canh tác trên quy mô lớn, như hỗ trợ 40 triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị, hỗ trợ 10 - 20kg thóc cho người cho thuê ruộng…

Ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình - cho biết, đến nay, diện tích cánh đồng có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm toàn tỉnh là trên 5.900ha, trong đó có hơn 5.400ha lúa và hơn 492ha rau màu; có 2.648 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai với tổng diện tích hơn 11.200ha, gấp 1,5 lần cả về số hộ và diện tích so với năm 2021. Việc tập trung đất đai đã giúp giảm diện tích ruộng bỏ hoang, giảm chi phí canh tác bình quân 2 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả kinh tế 1,4 lần so với canh tác nhỏ, lẻ nhờ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục khuyến khích việc tích tụ đất sản xuất

Ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 08, quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp đến năm 2028. Theo đó, hộ, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác tích tụ đất đai được hỗ trợ bằng tiền (1 lần) với mức 2.800 đồng/m2; hộ, cá nhân cho thuê quyền sử dụng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được hỗ trợ 15kg thóc/1 sào/năm nếu cho thuê hoặc góp vốn 5 năm, được hỗ trợ 25kg thóc/sào/năm nếu cho thuê hoặc góp vốn 10 năm.

Cũng theo nghị quyết này, các nông hộ có quy mô sản xuất từ 50ha trở lên được UBND cấp huyện ưu tiên đưa phần đất này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện với diện tích tối đa bằng 1% tổng diện tích vùng trồng lúa đã tích tụ, tập trung để thực hiện các trình tự, thủ tục xây dựng các công trình nhà xưởng, khu làm mạ, khu sấy lúa…

Chi Mai

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI