Những phụ nữ giữ làng trầu Vị Thủy

19/01/2023 - 06:16

PNO - Làng trầu Vị Thủy (xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) là nơi hiếm hoi ở đồng bằng sông Cửu Long còn giữ được nghề trồng trầu truyền thống, với những nét văn hóa, nét đẹp bình dị của vùng nông thôn. Bên cạnh đó, những phụ nữ nơi đây còn nâng tầm làng nghề bằng việc đưa trầu đi xuất ngoại sang một số nước ở châu Á…

Nghề “hái”… ra tiền

Đến xã Vị Thủy, hỏi bà Phan Thị Nga, trồng trầu ở ấp 5, ai cũng biết, bởi gia đình có truyền thống trồng trầu lâu năm tại địa phương. Những ngày cuối năm, công việc của bà Nga khá nhiều, khi phải thuê thêm nhân công để chăm sóc vườn trầu cho đẹp, nhằm chuẩn bị cung ứng ra thị trường vào dịp tết 2023. 

Đưa chúng tôi đi thăm vườn trầu sum suê, hơn 2.000 nọc, bà Nga cho biết, mấy ngày nay thương lái đến thu mua trầu tại vườn với giá 5.000-6.000 đồng/ốp (1 ốp bằng 40 lá trầu). Đây là giá đảm bảo cho bà con sống được. “Gia đình tôi có hơn 2.000 nọc trầu cứ khoảng 10 ngày sẽ hái 1 đợt, mang lại nguồn thu dao động từ 3-5 triệu đồng (10-15 triệu đồng/tháng); dư sức chi tiêu các khoản trong nhà, và còn tích lũy chút đỉnh” - bà Nga khoe.

ảnh: Ly Anh Lam
Ảnh: Ly Anh Lam

Để có được vườn trầu thuộc dạng quy mô lớn ở xứ này, gia đình bà Nga đã bỏ công gầy dựng từ rất lâu. Bà Nga nhớ lại: “Khoảng 60 năm về trước, mẹ tôi trồng trầu chỉ để cho ông nội ăn. Ban đầu bà mua 1 dây trầu về trồng, nhưng nhờ phù hợp thổ nhưỡng nên trầu phát triển tốt, cứ thế mà gầy thành nhiều nọc. Sau đó, bà con xung quanh đến xem và lấy giống về trồng. Trầu trồng nhiều, lại ngon, lá đẹp nên rất nhiều người tìm đến mua cho những dịp cưới hỏi; một số hộ mang trầu đi bán vào dịp tết… Cứ thế, dần dần thành làng nghề trồng trầu lúc nào không hay…”.

Theo bà Nga, đặc tính của cây trầu dễ trồng, sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh… Cây trầu “mê” nhất các loại phân hữu cơ, phân chuồng, rơm… những loại này ở vùng nông thôn khá nhiều nên chi phí đầu tư ít. Khi được chăm sóc tốt, trầu có vị cay nồng tự nhiên, lá sẽ có màu xanh đượm chút vàng trông rất bắt mắt. Chính những đặc điểm này mà làng trầu Vị Thủy rất được người tiêu dùng xa gần ưa chuộng. 

Cũng là hộ từng trồng trầu hàng chục năm qua, bà Nguyễn Thị Phấn (sinh năm 1950, ngụ xã Vị Thủy) tâm sự: “Ngày trước gia đình tôi chỉ chuyên làm ruộng, đời sống không mấy khá giả. Thấy mọi người xung quanh trồng trầu, vừa để ông bà lớn tuổi dùng, vừa bán tăng thu nhập.

Thế là vợ chồng tôi thiết kế lại những khu đất trống bỏ hoang gần nhà và tận dụng để trồng hơn 1.000 nọc trầu vàng. Hằng ngày vẫn canh tác ruộng lúa, thời gian nông nhàn thì chăm sóc vườn trầu. Cứ như vậy, khoảng 10 ngày hái trầu 1 đợt, bỏ túi vài triệu đồng, đảm bảo cho con cái học hành và chi tiêu đám tiệc, chợ búa… “Lấy ngắn nuôi dài”, vậy mà đến nay, gia đình tôi mở rộng đất canh tác lên được 20 công ruộng”. Vợ chồng chị Đào Thị Quyên, ngụ ấp 5 (xã Vị Thủy), cho hay: “Nhìn bên ngoài thấy trồng trầu đơn giản, giống như để chơi, để trang trí cho đẹp, nhưng trầu lại là cây “hái” ra tiền mà ít nơi nào làm được như xứ Vị Thủy này. Bản thân vợ chồng tôi lúc đầu chỉ trồng vài trăm nọc trầu xung quanh nhà, sau đó tích lũy đồng lời để mở rộng thêm diện tích lên hơn 2.000 nọc. Chăm sóc trầu vào thời gian rảnh, cộng với làm thêm mấy công ruộng lúa; dần dần xây được nhà kiên cố, lo cho con học lên đại học và còn mua thêm đất…”.

Giữ nét đẹp truyền thống

Ông Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch UBND xã Vị Thủy - nhìn nhận: “Ưu thế của cây trầu là thu hoạch quanh năm, do đó chỉ cần giá dao động 3.000-4.000 đồng/ốp là bà con có thể đạt thu nhập khoảng 100 triệu đồng/công/năm, cao gấp nhiều lần so trồng lúa và các loại cây khác. Đối với dịp tết thì giá trầu thường tăng cao hơn khoảng 10.000-15.000 đồng/ốp và bà con có nguồn thu nhiều hơn. Từ hiệu quả thiết thực đó, mà diện tích trầu của xã Vị Thủy được mở rộng lên hơn 32ha, gần 190 hộ sản xuất (đa phần là phụ nữ), là vùng trồng trầu lớn nhất miền Tây hiện nay”. Ông Nguyễn Văn Kính cho biết thêm, ngoài hiệu quả kinh tế, nghề này còn giữ một nét văn hóa rất đặc sắc, bởi xưa nay lá trầu được làm lễ vật trong tiệc cưới hỏi; rồi lá trầu (cùng trái cau, giấy vàng bạc, vôi) làm cây nêu treo trước cửa nhà đón tết; chưa kể lá trầu có thể sử dụng làm dược liệu… 

Để giữ gìn nghề trồng trầu truyền thống, giữ hồn quê thân thương của vùng nông thôn Nam Bộ…, vào năm 2020, chính quyền địa phương đã xúc tiến thành lập Hợp tác xã (HTX) Trầu Vàng; bên cạnh đó, UBND tỉnh Hậu Giang công nhận làng trồng trầu ở ấp 5 (xã Vị Thủy) là làng nghề truyền thống của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX Trầu Vàng Vị Thủy - bộc bạch: “Từ khi quy tụ bà con vào HTX, nhằm liên kết từ hỗ trợ sản xuất đến tiêu thụ, thì làng nghề phát triển căn cơ hơn. Thời gian qua, trầu Vị Thủy ngoài việc cung ứng cho thị trường cả nước, còn được thương lái xuất khẩu sang một vài quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, góp phần làm tăng giá trị cây trầu”.

Ông Nguyễn Văn Kính cho hay, có không ít người từ những địa phương khác đến đây tham quan và mua dây trầu về trồng, nhưng không thành công bởi nhiều yếu tố khác nhau, như không rành về kỹ thuật, thiếu hệ thống thương lái thu mua… Vì vậy, ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn chỉ có làng trầu Vị Thủy là tồn tại lâu đời và quy mô lớn nhất. “Về cơ bản, nghề trồng trầu có lúc thăng lúc trầm, do giá cả lên xuống không ổn định bởi phần lớn phụ thuộc đầu ra vào thương lái. Song, bà con vẫn quyết tâm giữ làng nghề, giữ nét văn hóa, giữ hồn quê thân thương mà ít nơi nào có được…” - ông Nguyễn Văn Kính tâm sự. 

Theo ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - để nghề truyền thống trồng trầu Vị Thủy vươn xa hơn, ngoài việc đưa bà con tham gia vào HTX để sản xuất tập trung, hỗ trợ về kỹ thuật, những tiến bộ của khoa học công nghệ… cần phát triển làng trầu độc đáo này gắn với du lịch nông nghiệp; qua đó vừa giữ gìn - vừa quảng bá, giới thiệu làng trầu Vị Thủy đến với nhiều du khách trong và ngoài nước. Tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng xây dựng đề án phát triển du lịch, phối hợp cùng người dân và chính quyền địa phương cùng thực hiện… 

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI