“Bước vào kinh doanh, phụ nữ có nhiều bất lợi hơn nam giới. Càng khó khăn hơn khi dịch COVID-19 kéo dài. Thế nhưng, với sự kiên trì và khéo léo xoay chuyển tình thế, nhiều chị em đã vượt khó. Kinh nghiệm của họ là, nếu chị em có nhen nhóm ý tưởng kinh doanh thì hãy mạnh dạn chia sẻ và nắm bắt cơ hội”.
Bỏ bàn giấy về làm nông dân
“Chín tháng không buôn bán, đối với một doanh nghiệp tình huống ấy thật sự tan tác” - chia sẻ của chị Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc hợp tác xã Chuỗi giá trị về quê, trong một chương trình Cà phê khởi nghiệp do Hội LHPN Q.5 tổ chức gần đây, khiến người nghe hình dung ra phần nào những khó khăn mà chị đã trải qua trên con đường khởi nghiệp.
Chẳng là vào đầu năm 2017, trong khi nông dân đang bế tắc với đầu ra của các sản phẩm và phải trông chờ vào các chương trình “giải cứu”, thì ý tưởng khởi nghiệp với các mặt hàng nông sản lại đến với chị Thủy và chị bắt đầu từ dự án trồng rau sạch trên 800ha tại tỉnh Lâm Đồng.
Chị viết dự án gửi đến các cuộc thi khởi nghiệp trong nước, nhưng đều bị đánh rớt từ “vòng gửi xe”. Thất vọng nhưng không bỏ cuộc, chị mang dự án của mình gửi các cuộc thi ở nước ngoài. Dự án đã lọt vào vòng chung kết một cuộc thi dành cho các nước châu Á - Thái Bình Dương do Singapore tổ chức rồi dừng lại nên những ý tưởng của chị Thủy vẫn chưa được đầu tư thực hiện.
|
Chị Lê Thị Bích Thủy (phải) và sản phẩm của hợp tác xã Chuỗi giá trị về quê |
Nung nấu suy nghĩ “không có gì là không thực hiện được”, cuối năm 2017, chị Thủy từ bỏ công việc kiểm toán để đi làm nông dân khi một farmstay tuyển tình nguyện viên. Chị nhận lời đề nghị góp cổ phần 50-50 của chủ trang trại với mô hình sản xuất - du lịch và dốc hết tiền vào đó. Nhưng khu vườn đã thất bại khi chủ vườn đổi ý, lấy lại đất sau khi đã hoàn thành. Thế là chị lại tìm đất để đầu tư làm một khu vườn khác. Dự án đang “chạy” ngon lành thì chị bị bọn trộm đến “viếng”, lấy đi toàn bộ tài sản. Chán nản, chị định trở về thành phố, nhưng rồi lại tiếc... nên tiếp tục tìm đất đầu tư theo hướng xây dựng hợp tác xã chuyên sản xuất và cung cấp rau hữu cơ và nấm bào ngư xám. Hiện nay, đầu ra nông sản của chị đã khá ổn định khi đi vào chuỗi cửa hàng tiện lợi (7-eleven).
Cô giáo mầm non làm chủ quán bún đậu mắm tôm
Do chất giọng không được khỏe nên sau khi sinh con, chị Dương Thị Hồng Hà (sinh năm 1982) đã bỏ nghề giáo viên mầm non. Nhưng đến khi ở nhà chăm con thì "lòng yêu nghề” lại khiến chị không cảm thấy hạnh phúc. Do vậy, năm 2015, chị quyết định đi thuê mặt bằng để mở Trường mầm non Bé Thiên Thần ở H.Bình Chánh.
Phải mất hai năm thì ngôi trường nhỏ với 80-100 học sinh mới đi vào hoạt động ổn định và có lợi nhuận. Cảm thấy thời gian của mình còn rảnh rỗi, chị Hà nảy sinh ý định kinh doanh thêm mặt hàng ăn, với món bún đậu mắm tôm mình yêu thích.
Người nhà nghĩ chị “khùng”. Nhưng vào đầu năm 2018, chị quyết tâm thuê mặt bằng đối diện trường mầm non của mình để mở quán bún đậu mắm tôm. Với diện tích 32m2, chị sắp xếp đặt bếp, quầy pha chế thức uống và tám bộ bàn ghế nhỏ cho khách ngồi. Để bớt ngột ngạt, chị dán tranh 3D lên tường để tạo cảm giác rộng rãi hơn.
Chị kể, ban đầu, mỗi ngày chỉ bán được khoảng 10kg bún, chủ yếu là bạn bè đến ủng hộ. Nhưng rồi mỗi ngày lại có thêm khách lạ. Ngày cuối tuần, khách đến không có chỗ ngồi, chị phải mượn một góc sân trường để chuyển khách sang. Chỉ ba tháng sau khi mở quán, việc buôn bán bắt đầu có lãi, cho nên đầu năm 2021 chị Hà tự tin mở thêm chi nhánh thứ hai ở Q.5.
Biến khó khăn thành cơ hội
Kinh doanh ăn uống vốn chẳng dễ và nó càng khó trong giai đoạn diễn ra dịch COVID-19. Suốt nửa năm trường học đóng cửa, quán bún không hoạt động nhưng vẫn phải trả lương giáo viên, nhân viên đã đẩy chị Hà rơi vào tình thế khó khăn, thậm chí bế tắc. Gia đình bảo buông, bạn bè ai cũng xúi dẹp, nhưng nghĩ đến những cộng sự gắn bó từ lâu, phụ huynh tin tưởng và những đứa trẻ đã quen trường, mến lớp, yêu cô... nên chị không thể dẹp. "Lúc bế tắc, tôi đóng cửa ở trong phòng ngủ triền miên, thức dậy thì đọc sách để hướng suy nghĩ của mình theo chiều tích cực”, chị kể.
|
Trường mầm non của chị Dương Thị Hồng Hà bắt đầu ổn định trở lại sau dịch COVID-19 |
Và cũng theo chị, dịch bệnh gây cho chị nhiều khó khăn, nhưng cũng nhận lại nhiều thứ. “Qua đợt dịch bệnh, tôi nhận ra cách mình sắp xếp cuộc sống, cách tiêu tiền không ổn. Từ đó, tôi bắt đầu thiết kế lại và dạy điều đó cho con mình”, chị nói. Và chính chị cũng nhận ra mình trở nên bản lĩnh hơn khi quyết định mở thêm một quán bún đậu ngay trong mùa dịch và xem đó là cơ hội để có được một mặt bằng dài hạn (5 năm) với giá rẻ tại Q.5. Sau hai tháng hoạt động, chi nhánh thứ hai bắt đầu có lượng khách ổn định. Chị Hà tin dịch bệnh sẽ ổn định trong thời gian tới, và nếu chịu khó thay đổi một số hình thức kinh doanh thì việc kinh doanh sẽ thành công.
Động viên những chị em có ý định kinh doanh, chị Hà nói: “Nếu có ý tưởng, đam mê, các chị cứ làm. Có tới đâu mình làm tới đó. Cứ tự tin thì sẽ làm được. Đừng đợi đến khi nào có đủ điều kiện như con lớn, đủ vốn liếng mới làm. Lúc ấy cơ hội sẽ trôi qua”.
Cũng như chị Hà, chị Bích Thủy cũng gặp phải quá nhiều thăng trầm trong hai năm khởi sự kinh doanh vì dịch COVID-19. Khi đầu ra của sản phẩm bắt đầu ổn định thì dịch bệnh “đuổi”, chợ đứng hàng. Các gian hàng tham gia hội chợ tết với nhiều hứa hẹn cũng tan tác.
Thế nhưng, với suy nghĩ, khó khăn không của riêng ai và vì tương lai của một doanh nghiệp, chị Bích Thủy đã tìm cách xoay chuyển tình hình theo cách thức phù hợp với điều kiện và túi tiền để vượt qua.
Trong đợt dịch đầu tiên, ngoài việc đưa nguyên liệu thô (trung bình khoảng 100kg nấm và 3 tạ rau củ mỗi ngày) về các mối chợ, chị còn nghĩ ra cách thức kinh doanh mới: bán rau củ, thịt, hải sản… tận nhà với 12 món mỗi tuần. Nguyên liệu được tính toán đảm bảo lượng calo theo mỗi “combo” để khách hàng không cần suy nghĩ “mua cái gì” và không mất thời gian đi chợ. Đây cũng là cách để chị giải quyết đầu ra cho sản phẩm khi chợ đang bị đình đốn.
Để tiếp tục mở rộng đầu ra cho sản phẩm, sau đợt dịch thứ hai, chị Thủy đã mở điểm chế biến thức ăn nhanh từ những nguyên liệu của hợp tác xã làm ra để bán trực tiếp cho khách hàng tại công viên Văn Lang (Q.5) với ba món chủ đạo là xôi nếp than que, bánh mì rau củ và bánh giầy tam sắc. Trong dự định của chị, đầu tháng Tư, những sản phẩm này sẽ có mặt trên các trang ăn uống như foody, meete…
Mới bắt đầu "khởi nghiệp" được hai năm và trải qua hai đợt dịch, nhiều thứ cũng chỉ mới bắt đầu, nên chị Thủy chưa dám nói nhiều đến lợi nhuận. Tuy nhiên, chị tin vào cách xoay chuyển tình thế của mình sau mỗi biến cố: “Khó khăn nhiều lần, nhưng mỗi lần cho tôi một bài học để soi lại mình”, chị chia sẻ.
Thu Lê