Những phụ nữ dũng cảm dẫn nước Nhật vào kỷ nguyên #MeToo

01/08/2018 - 09:24

PNO - Không thể đứng ngoài làn sóng #MeToo, nước Nhật cũng đang phải tìm cách thay đổi cách nghĩ, cách nhìn cổ hủ và thiếu công bằng lâu nay đối với vấn nạn bạo lực tình dục.

Hôm đó, Mika Kobayashi đang trên đường về nhà thì mấy người đàn ông đẩy cô vào một cái xe tải và cưỡng bức cô. Phải 8 năm sau đó, năm 2008, cô mới công khai nói về vụ tấn công tình dục đó, trong một cuốn sách kể về vụ việc và cơn ác mộng cô gặp sau đó.

Nhung phu nu dung cam dan nuoc Nhat vao ky nguyen #MeToo
Nhà báo Shiori Ito cho biết đã bị một đồng nghiệp cưỡng bức năm 2015. Cô chia sẻ trong một buổi phỏng vấn về thử thách của bản thân và đòi hỏi quyền lợi cho các nạn nhân khác. Ảnh: Mari Yamaguchi/AP

Catherine Jane Fisher là một người Úc, bị một quân nhân Mỹ cưỡng bức ở Nhật Bản năm 2002. Tố cáo đến cảnh sát mà bị họ đối xử như chính cô mới là tội phạm, Fisher tự mình giải quyết vấn đề bằng cách kiện kẻ cưỡng hiếp ra tòa và công khai nói về chuyện đã xảy ra với cô.

Hai người phụ nữ này đã dũng cảm phá vỡ sự im lặng của nước Nhật đối với vấn nạn cưỡng bức. Và gần đây, một phụ nữ khác, cô Shiori Ito 28 tuổi, cũng làm như vậy, khi tố cáo một người quen cưỡng bức cô năm 2015. Dù câu chuyện của Kobayashi, Fisher và Ito cách nhau đến 15 năm, vẫn có những điểm tương đồng đáng báo động.

Cả ba đều gặp phải những nghiệp vụ điều tra mang tính xúc phạm của cảnh sát, bạo lực tình dục không được nhìn nhận một cách nghiêm túc, nạn nhân không nhận được sự ủng hộ, và có những lúc xã hội không sẵn lòng thấu hiểu cho nỗi đau của họ.

Một chi tiết đặc biệt đáng sợ là khi tiến hành điều tra, cảnh sát Nhật đôi lúc bắt nạn nhân tái hiện vụ tấn công với một con búp bê có kích thước bằng người thật, trong lúc cảnh sát quan sát và thẩm vấn. “Nghiệp vụ điều tra" này đối với các nạn nhận là rất lạm dụng, không cần thiết và chỉ làm cho họ một lần nữa sống lại cơn ác mộng.

Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, hơn 95% các vụ việc bạo lực tình dục ở đây không được báo cảnh sát, và đều có lý do cả. Nói về chuyện hiếp dâm bị coi là "đáng xấu hổ" ở Nhật và công luận thường nghiêng về trách cứ người bị hại hơn là kẻ thủ ác.

Cho đến khi được đem ra sửa năm ngoái, luật pháp Nhật vẫn chỉ khu biệt hiếp dâm là hành vi giao cấu bạo lực giữa đàn ông và phụ nữ. Định nghĩa này đã gây khó khăn cho nhiều nạn nhân bị hiếp dâm, cả phụ nữ và nam giới, trong việc tìm kiếm công lý.

Năm 2017, Quốc hội Nhật Bản thông qua luật sửa đổi, mở rộng định nghĩa hiếp dâm, tăng hình phạt tù, và cho phép tiến hành các quy trình tố tụng mà không cần nạn nhân phải tham gia. Đó là những bước tiến tích cực, song vấn đề lớn hơn cả vẫn là việc thực thi luật. Điều cần thay đổi nhất vẫn là cách mà hệ thống chính quyền xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực tình dục: vô cùng cổ lỗ và không xem trọng phụ nữ.

Theo luật, các vụ việc hiếp dâm chỉ bị khởi tố khi có yếu tố “bạo lực hoặc đe dọa", trừ các trường hợp người bảo hộ xâm hại trẻ em. Yêu cầu này của pháp luật đã lờ đi thực tế là có nhiều vụ hiếp dâm không hề có sự ép buộc hay hăm dọa - ví dụ khi nạn nhân quá sợ hãi hoặc sốc để có thể chống trả, hoặc không còn khả năng tự bảo vệ do bị chuốc rượu, đánh thuốc, hoặc ở vào vị thế yếu hơn hẳn so với kẻ tấn công.

Đòi hỏi các bằng chứng "bạo lực hoặc đe dọa" đã khiến nhiều vụ việc không được quy là hiếp dâm, và thay vì chỉ cần chứng minh là không có sự đồng thuận, các công tố viên phải tìm cách chứng minh những yếu tố khác không cần thiết và khó chứng minh hơn.

Nhiều quốc gia trên thế giới, với nhận thức xã hội này càng cao đối với bạo lực tình dục, đã thay đổi khuôn khổ pháp luật để phản ánh chính xác hơn về tội hiếp dâm: cơ bản là không có sự đồng thuận, chứ không phải là có sử dụng bạo lực.

Cách xử lý các vụ việc này một cách phù hợp và nhân văn hơn của cảnh sát và công tố cũng là điều cần thúc đẩy, nhất là cần bỏ ngay bất cứ nghiệp vụ dựng lại hiện trường nào mà nạn nhân phải tham gia.

Các nạn nhân và người hoạt động vì quyền lợi của họ ở Nhật Bản cũng đòi hỏi những thay đổi như: đường dây nóng 24/24 giờ, văn phòng một cửa, thu thập bằng chứng pháp y nhanh chóng, độ lượng và chuyên nghiệp, có sĩ quan và nhân viên xã hội là nữ để làm việc với nạn nhân nếu cần thiết.

Cùng với đó là những hỗ trợ lâu dài hơn như khám và chữa các bệnh lây qua đường tình dục, phòng bệnh HIV, thử thai và phá thai. Sau đó là các hỗ trợ về pháp lý, tư vấn và tái hòa nhập. Những yêu cầu này vốn chẳng to tát hay mới mẻ gì. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng như nhiều tổ chức tư pháp, hành pháp ở Nhật đã khuyến cáo từ lâu. Và giờ đây, khi đã có những phụ nữ can đảm lên tiếng, họ cần sự ủng hộ để tiếng nói của họ không chìm vào quên lãng.

Đại An (Theo Aljazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI