Những phụ nữ dịu dàng tôi gặp ở xứ Hồi giáo

12/09/2023 - 06:32

PNO - Biết tôi vừa trở về từ Pakistan, có 2 câu hỏi mọi người thường dành cho tôi: “Ở bên đó có gặp vụ đánh bom nào không?” và “Có phải phụ nữ Pakistan chịu nhiều thiệt thòi và bất công không?” .

 

Đàn ông đứng chợ
Đàn ông đứng chợ

Khi bắt đầu ý tưởng đi du lịch sang Pakistan, tôi suy nghĩ suốt về tình hình an ninh ở quốc gia Hồi giáo cực đoan này. Tôi “hỏi” Google rồi đến YouTube, tất cả đều cho câu trả lời khiến tôi yên tâm lên đường. Tuyệt nhiên tôi không suy nghĩ đến câu hỏi về sự phân biệt đối xử với nữ giới. Qua một số kinh nghiệm của những “phượt thủ”, tôi biết du khách khi đến các ngôi đền hoặc những nơi công cộng phải mặc kín đáo. Vì vậy, tôi thủ sẵn những bộ quần áo dài tay và phủ cả chân, ngoài ra còn kè kè bên mình chiếc khăn lớn để khi cần thiết thì trùm lên đầu che tóc. Vậy là tôi yên tâm lên đường.

Tuy nhiên, khi đến Lahore - thành phố cổ nhất Pakistan - tham quan pháo đài tráng lệ cùng nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng hàng bao thế kỷ, tôi hầu như gặp rất ít phụ nữ. Cho đến khi chúng tôi đề nghị được đi chợ để hòa mình vào không khí mua bán tấp nập, người hướng dẫn đồng ý cho chúng tôi đến một đoạn chợ và dặn chúng tôi phải đi cùng anh, không được đi sâu vào chợ để tránh nguy hiểm.

Chúng tôi cứ nghĩ sự nguy hiểm đến từ nguy cơ trộm cướp, móc túi… Nhưng lạ thay, cả cái chợ, người mua kẻ bán toàn là đàn ông, già có trẻ có, thậm chí còn có trẻ em bán hàng nhưng không bói ra một phụ nữ nào. Thỉnh thoảng trên đường có một phụ nữ trùm kín mít chỉ thò ra cặp mắt ngồi sau xe máy của chồng hoặc cha. 

Chợ ven đường khu vực không cho phép phụ nữ xuất hiện
Chợ ven đường khu vực không cho phép phụ nữ xuất hiện

Cũng buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đi xem một buổi lễ đóng biên ở biên giới Ấn Độ và Pakistan. Trước khi vào khu vực biên giới, chúng tôi buộc phải xuống soát an ninh rồi đi bộ một đoạn khá xa để đến nơi xem lễ. Khi đi qua cổng an ninh dành cho phụ nữ, tôi vào phòng soát người. Gọi là phòng nhưng đó là một khu vực khá sơ sài, chỉ kéo tấm màn. Bên trong có một phụ nữ trẻ cười tươi, vừa soát người vừa hỏi thông tin. Sau khi đẩy tấm màn, ở cổng ra, tôi bắt gặp một bé con xinh đẹp tóc hoe vàng, mắt xoe tròn ngồi tha thẩn chơi một mình bên cạnh phòng làm việc của mẹ. Tôi hơi bất ngờ vì ở đây rất ít phụ nữ đi làm và dù đi làm vẫn có thể dắt con theo. 

Mấy hôm sau, trong một chuyến bay nội địa, vẫn đi qua cổng an ninh, vào phòng soát người, tôi còn bất ngờ trước hình ảnh một người mẹ trẻ đang cho con bú. Đứa trẻ tầm 6 tháng vừa rời vú mẹ được người khác bồng đi khi tôi bước vào hẳn trong phòng. Cả căn phòng thơm mùi sữa ấm. Cô ấy nhìn tôi nở nụ cười ngại ngùng vì cho con bú trong lúc làm việc. Tôi thực sự không lấy làm phiền. Ngược lại, tôi còn cảm động vì lâu lắm chưa được thấy hình ảnh ấm áp đó ở nơi công cộng. Mẹ cho con bú là một trong những hình ảnh đẹp và cảm động nhất của loài người. Nhưng, ở nhiều nước, người ta cho rằng hành động đó là bất lịch sự nên khi ra ngoài, trẻ con thường phải bú sữa bình.

Hướng dẫn viên trong pháo đài (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng du khách
Hướng dẫn viên trong pháo đài (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng du khách

Cũng tại sân bay này, một lần nữa tôi lại bị sự chăm sóc của phụ nữ làm… “đứng tim”. Chuyện là ở đất nước này, tại các nhà vệ sinh của sân bay đều có một nhân viên đứng hoặc ngồi ngay cửa để hướng dẫn khách khi cần. Nhân viên này phần nhiều không mặc đồng phục sân bay. Lần đó, tôi vào nhà vệ sinh, thấy có một phụ nữ chờ ở đó trước tôi. Khi buồng vệ sinh trống, cô ấy mời tôi vào. Tôi nói cô ấy vào trước đi thì được cho biết cô là nhân viên ở đây. Một lúc sau, khi tôi bước ra, cô ấy nhanh nhẹn mở vòi nước giúp vì nhìn thấy tay tôi không khỏe. Chưa hết, trong khi tôi rửa tay, cô lấy giấy xếp gọn gàng và khi tôi rửa xong, cô ra hiệu để cô lau tay giúp. Cô cẩn thận lau từng kẽ tay, lòng bàn tay và mu bàn tay tôi như một người mẹ chăm con. Xong xuôi, cô nhìn vào mắt tôi và vụng về ôm tôi như thể muốn nói cô rất tiếc về cái tay không cử động của tôi. 

Tôi bị như vậy đã nhiều năm, từng gặp những cái nhìn ái ngại, thương cảm hoặc chia sẻ nhưng chưa gặp người lạ nào tỏ ra ân cần và dịu dàng một cách dễ chịu đến thế. Cô ấy ở một nơi phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi, bất công, không được hưởng giáo dục ngang bằng với đàn ông và không có tự do. Có phải sự chia sẻ chân thành thì không thể học mà xuất phát từ trái tim nhân hậu?

Tác giả trước chợ
Tác giả trước chợ

Hành trình của tôi trên đất Pakistan đi qua 2 thành phố lớn nhưng khi đi về những vùng nông thôn, tôi mới cảm nhận rõ sự bất bình đẳng giới. Vài nơi đi qua, chúng tôi muốn dừng lại để mua một ít hoa trái nhưng hướng dẫn viên nói phụ nữ không được phép xuất hiện ở đây, cần gì thì nói anh xuống mua, chúng tôi nên ngồi yên trên xe để tránh nguy hiểm. 

Khi chúng tôi vào những ngôi làng nhỏ, phụ nữ đang nhặt cỏ hoặc cắt rau trong vườn thấy người lạ thì không dám nhìn. Mấy cô gái trẻ đang đi trên đường thấy người lạ sẽ lập tức chuyển hướng để tránh đụng mặt. Tuy nhiên, họ sẽ tụ tập ở một nơi thật xa, đủ an toàn để quan sát, chỉ trỏ rồi núp vào lưng bạn bè cười ngượng ngùng.  

Cô gái hướng dẫn đưa chúng tôi đi khắp pháo đài, thuyết minh cặn kẽ về nơi này. Sau cùng, cô hỏi một người bạn trong đoàn: “Nếu là hoàng hậu của pháo đài này, chị sẽ làm gì?”. Cô bạn tôi đáp: “Tôi sẽ cho phép tất cả phụ nữ được tự do và được đến trường học hành như nam giới”.

Có lẽ sự xuất hiện của vài du khách nữ sẽ gây xáo động trong suy nghĩ của các cô gái trẻ: à thì ra ở đâu đó ngoài kia, phụ nữ cũng được học hành, được đến công sở, được tự do đi đến nơi mình muốn, được đi du lịch như những du khách hôm nay họ gặp. Cũng vì lẽ đó, khi chúng tôi vào tham quan ngôi đền dành cho phụ nữ, có vài nam thanh niên tỏ ra khó chịu, kiếm chuyện như muốn đuổi chúng tôi đi. Họ chỉ muốn những phụ nữ của họ an phận trong khuôn khổ đã được vạch sẵn ngàn đời nay.

Khi chúng tôi vào tham quan một pháo đài ở làng Khaplu xinh đẹp nằm trên con dốc mà đường lên quanh co hoa mơ nở trắng lối, cô gái hướng dẫn đưa chúng tôi đi khắp pháo đài, thuyết minh cặn kẽ về nơi này. Sau cùng, cô hỏi một người bạn trong đoàn: “Nếu là hoàng hậu của pháo đài này, chị sẽ làm gì?”. Cô bạn tôi đáp: “Tôi sẽ cho phép tất cả phụ nữ được tự do và được đến trường học hành như nam giới”. Cô gái hơi bất ngờ trước câu trả lời. Cô nói lời cảm ơn mà rươm rướm nước mắt. Có lẽ cô là người hiểu rõ phụ nữ nước mình khát tự do và giáo dục đến mức nào. 

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI