Những phụ nữ “đam mê” hiến máu

03/10/2024 - 06:05

PNO - Các chị Lê Thị Hà và Huỳnh Thị Thanh Tuyền là 2 trong số rất nhiều hội viên, phụ nữ ở TPHCM đã nhiều năm tham gia hiến máu. Họ tâm nguyện sẽ hiến máu đến khi nào “bác sĩ chê mới thôi”.

Ở khu phố 18, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, gia đình chị Lê Thị Hà được nhiều người biết đến về truyền thống hiến máu. Việc tốt bắt đầu vào năm 2001, khi chị Hà còn làm công nhân vệ sinh tại quận Bình Thạnh và con gái của 1 đồng nghiệp cần máu cho ca phẫu thuật kéo dài.

Chị Hà đến bệnh viện với hy vọng có thể giúp cháu bé. Chị tâm sự: “Lúc đó tôi lo mình ốm quá, không biết có máu để cho không. Tôi cũng không biết máu sẽ tái tạo sau khi hiến, thành ra sợ đủ thứ. Nhưng hơn cả những nỗi lo là tình thương của tôi với cháu bé. Cháu mới 13 tuổi, bị tim bẩm sinh và luôn ước ao sớm khỏe để được đi học. Ca phẫu thuật thành công. Nhìn bé dần hồi phục, tôi tự nhủ: từ nay, hiến máu là một phần lẽ sống của đời mình”.

Kể từ đó đến nay, mỗi năm chị Hà có 2-3 lần đi hiến máu. Không chỉ vậy, chị còn rủ chồng, con trai, con dâu và hàng xóm cùng đi hiến máu. Hiện, 4 thành viên gia đình chị, ai cũng hiến máu vài lần mỗi năm. Ngoài ra, chị còn đăng ký hiến mô, xác với tâm nguyện ngày nào đó mình rời đi, sự sống vẫn còn ở lại cho người cần và góp phần phục vụ công tác nghiên cứu của ngành y. Theo gương mẹ, anh Lâm Ngọc Hữu (34 tuổi, con trai lớn của chị Hà) cũng đăng ký hiến xác cho y học.

Tham gia Hội Phụ nữ từ năm 1997, đến nay chị Hà vẫn là hội viên nòng cốt, tích cực của khu phố. Khi Hội Phụ nữ lập các nhóm chat trên Zalo, chị tiên phong chia sẻ chuyện gia đình mình đi hiến máu và kêu gọi nhiều chị em cùng đồng hành.

Chị Huỳnh Thị Thanh Tuyền đã có 15 năm hiến máu
Chị Huỳnh Thị Thanh Tuyền đã có 15 năm hiến máu

Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Thanh Tuyền - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức - cũng có 15 năm hiến máu. Chị nói sẽ hiến cho đến khi “bác sĩ chê mới thôi”.

Chị Tuyền kể, vào năm 2010 chị được em gái rủ đi hiến máu kèm giải thích “mình không có tiền thì cho máu làm phước sẽ cứu được rất nhiều người”. Sau lần đó, hiến máu đã trở thành thói quen của chị cho đến tận hôm nay. Chẳng những hiến máu 1-2 đợt mỗi năm, chị Tuyền còn hỗ trợ đội tiếp nhận máu trong khâu hậu cần.

Dù bận bịu với việc bán cháo lòng và gói bánh tét, nhưng hễ có chương trình hiến máu là 3g sáng chị đã dậy nấu nướng rồi nhờ người bán giúp để đạp xe đi.

Năm 2017, chị Tuyền bị tai nạn giao thông phải vào cấp cứu và nằm điều trị suốt 10 ngày trong bệnh viện. Biến cố khiến chị càng thêm thấm thía về những giọt máu đào có ý nghĩa quan trọng thế nào với những người đang trong cơn “thập tử nhất sinh”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI