Vườn hoa lan của chị Diệu Linh nằm trong khuôn viên rộng hơn 1.000m2, gồm các loại lan ngọc điểm, dendrobium, cattleya và mokara. Bên cạnh đó, chị còn dành một khu riêng để mày mò trồng hoa sứ và các loại cây kiểng như sung, sộp, duối, mai chiếu thủy, lộc vừng kiểu dáng bonsai. Một mình lo toan mọi việc từ xuống giống, tách chiết, nhân giống, chăm sóc, chào bán và giao hoa cho các cửa tiệm, thương lái, nhưng ở chị Diệu Linh luôn tràn đầy năng lượng. “Tôi theo mẹ làm nông từ nhỏ, chân lấm tay bùn đã quen, thành ra không có cảm giác cực nhọc gì, ngược lại còn vui vì có cái nghề ổn định và được sống trong bầu không khí xanh mát. Cũng nhờ khu vườn này mà kinh tế gia đình tôi đã cải thiện nhiều”, chị bộc bạch.
Bên cạnh hoa lan, chị Diệu Linh đang mày mò trồng nhiều loại cây cảnh bonsai khác
Diệu Linh là chị lớn. Sau chị còn hai cô em gái. Gia đình sống bằng nghề nông, quanh năm trồng lúa, trồng rau, nuôi heo, nuôi bò. Để đỡ đần mẹ lo cho các em, năm lớp 10 Diệu Linh quyết định nghỉ học và xin vào làm cho một xưởng gỗ. Ban ngày làm trong xưởng gỗ, tối đến chị lại đi học may với suy nghĩ khi có chút vốn sẽ mở tiệm. Chị tâm sự: “Sau nhiều năm tích cóp, tôi thuê mặt bằng mở tiệm may bên chợ Cầu, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Nhưng được một thời gian thì phải dọn tiệm về nhà vì hàng chợ nhiều, giá thành rẻ, kiểu dáng phong phú”. Sinh con thứ hai, chị bỏ hẳn nghề may. Ông xã động viên đi học gì đó cho khuây khỏa. Thế là năm 2010, chị theo học kỹ thuật trồng hoa lan tại Trung tâm Dạy nghề tư thục Nghệ thuật bonsai Thanh Tâm ở P.Tân Thới Nhất, Q.12 (TP.HCM).
Khóa học kéo dài sáu tháng mang đến cho chị những trải nghiệm mới mẻ về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, kỹ thuật tạo tác cho cây… một cách bài bản. Học xong, chị mua hoa lan mokara về trồng thử nghiệm. Mặc dù lứa hoa đầu chưa được đẹp như mong muốn, nhưng những người thương quen Diệu Linh đã khen ngợi và khích lệ chị. “Sẵn mảnh đất mẹ để lại, tôi đầu tư làm nhà lưới, trồng 1.000 chậu mokara rồi chạy tìm đầu ra. Ban đầu, mokara chỉ có giá 3.000 đồng/cành, sau này tăng lên 7.000 - 10.000 đồng/cành. Một mình tôi làm mọi thứ, việc nhà và chăm sóc hai con có anh xã lo. Chắt chiu, tới năm 2017 tôi mới trồng thêm những loại hoa lan, cây cảnh khác để thành hình khu vườn hoàn chỉnh như bây giờ”, chị Diệu Linh chia sẻ.
Mấy năm nay, khu vườn của chị Diệu Linh có đầu ra khá ổn, chỉ riêng lan mokara, trung bình mỗi tuần bán ra được 500 - 800 cành, lễ tết có thể lên đến 1.500 cành, riêng ngọc điểm, dendrobium, cattleya thì vừa bán chậu, vừa bán cành quanh năm. Từ năm 2017, vào dịp tết Nguyên đán, chị còn nhập thêm lan hồ điệp từ Lâm Đồng về bán kèm. Do dịch COVID-19 nên số lượng bán ra trong dịp tết năm nay chỉ bằng 50% so với những năm trước, nhưng chị Diệu Linh vẫn tin thị trường hoa tươi sẽ khởi sắc trở lại sau dịch.
Bên cạnh vườn lan, chị Diệu Linh còn xây được khu nhà trọ 10 phòng cho thuê.
“Phất lên" nhờ thay đổi con giống
Đầu năm 2021, chị Nguyễn Thị Gái (ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM) xây sửa nhà. Sang năm 2022, chị lại mua thêm chiếc xe hơi mới. Nhiều chị em đã đến nhà học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi bò nơi chị. Chị Gái chia sẻ: “Sau hơn 30 năm gắn bó với công việc chăn nuôi, vài năm trở lại đây tôi mới bắt đầu có của để dành, có tiền cho con đi du học nhờ chuyển sang nuôi giống bò 3B siêu thịt. Giống bò 3B tăng trọng nhanh nên mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Nếu bò vàng phải ba năm mới đủ thịt xuất chuồng thì giống bò 3B chỉ mất 18 tháng, giá thành cũng cao. Mỗi con bò giống có giá từ 20 - 30 triệu đồng, sau 6 - 7 tháng đã có thể xuất bán. Bò nuôi đủ thịt, có thể bán tới 50 triệu đồng/con”. Xuất thân từ nhà nông, trước đây vợ chồng chị Gái cần mẫn nuôi heo, nuôi bò vàng, cũng đủ ăn đủ mặc. Từ năm 2015, sau khi tham gia lớp tập huấn về giống bò siêu thịt 3B, chị về bàn với chồng chuyển đổi con giống và dành ra hẳn 5.000m2 đất để trồng cỏ.
Chị Gái (ở giữa) chia sẻ bí quyết nuôi bò đến các chị em
Thức ăn của bò 3B ngoài cỏ và rơm rạ còn phải kết hợp vỗ béo bằng cám, xác mì… Để có nguồn vốn ban đầu, chị cũng phải vay 20 triệu đồng từ Hội LHPN xã kết hợp với nuôi heo để lấy ngắn nuôi dài. Sau vài năm chuyển đổi có hiệu quả, chị Gái mạnh dạn tái vay các nguồn vốn để nâng cấp chuồng trại. Đến nay, bầy bò nhà chị đã phát triển lên 12 con và thường xuyên có bò xuất bán.
Cũng nhờ chuyển đổi con giống phù hợp mà gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi) có nhà cửa khang trang, cuộc sống khấm khá. Trước đây, chị cũng từng nuôi heo, nuôi bò. Có thời điểm, đàn bò của chị lên đến 100 con, nhưng lợi nhuận không cao, làm quần quật cũng chỉ đủ lo cuộc sống. Thấy việc nuôi bò sữa đem lại lợi nhuận kinh tế khá tốt nên vợ chồng chị Hà chuyển sang nuôi bò sữa. Ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên chị chỉ dám nuôi vài con. Và quả thật, chị đã gặp nhiều khó khăn, bò chết, chất lượng sữa không cao.
Nhờ chuyển sang nuôi bò sữa, chị Hà có điều kiện phát triển kinh tế gia đình
Tuy nhiên vợ chồng chị đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ những hộ chăn nuôi khác và thực hành trên chính đàn bò của mình. Sau 15 năm duy trì, đến nay đàn bò của chị đã có đến 65 con lớn nhỏ, trong đó có 20 con đang lấy sữa với sản lượng từ 15 - 20kg/con/ngày.
Đàn bò phát triển, khối lượng công việc cũng nhiều hơn. Để tiết kiệm nhân công, chị xây bồn chứa - trộn thức ăn tự động rồi bơm trực tiếp đến các máng ăn. 3ha cỏ cũng được cắt bằng máy cày nên đỡ phần vất vả.
Chị tâm sự: “Chăn nuôi bò sữa rất cực vì phải chăm sóc đúng cách, chuồng trại luôn phải sạch sẽ, ngăn ngừa và diệt trừ các loại ký sinh trùng, cho ăn và tắm rửa 2 lần/ngày trước khi vắt sữa. Vắt sữa phải đúng cách và đúng giờ. Công việc xoay vần liên tục, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối”.
Cần mẫn và mạnh dạn chuyển đổi cây con giống, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp nhiều gia đình, nữ nông dân như chị Diệu Linh, chị Hà, chị Gái… mau ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Thiên Ân - Mẫn Nhi
Trong năm 2021, nguồn vốn tín dụng CWED của Hội LHPN TP.HCM đã phát vay gần 39 tỷ đồng cho các thành viên là hội viên phụ nữ. Cùng với nguồn vốn của quỹ CWED, Hội LHPN TP.HCM đã kết nối nhiều nguồn vốn khác để hỗ trợ chị em trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, trong đó dự án Hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2026 và giai đoạn 2011-2021, đã phát vay trên 162 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết: “Hội LHPN TP.HCM luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ ngày càng nhiều đến chị em phụ nữ có nhu cầu vay vốn, để giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, có việc làm. Hội LHPN các cấp và các chi tổ Hội là những “cánh tay nối dài” để thông tin về các nguồn vốn vay ưu đãi xuống đến các thành viên, hội viên phụ nữ, giúp chị em quản lý và phát triển tốt nguồn vốn của mình”.
Trong năm 2022, CWED dự kiến sẽ tổ chức phát vay khoảng 195 tỷ đồng cho trên 7.000 thành viên, phụ nữ và phụ nữ nông thôn để đầu tư, mở rộng phát triển kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.