edf40wrjww2tblPage:Content
“Ba năm làm phu vàng, em sợ nhất điều gì?”. “Sợ vô sinh. Hàng trăm đứa như em giờ đang chôn mình trong đó, không biết sau này có được làm mẹ không”. Chắc em không biết Boris Pasternak - nhà văn Nga lừng danh, nhưng sao em nói y chang ông ấy vậy. Đơn giản, em là đàn bà, ước mơ lớn nhất là được làm mẹ, vậy thôi.
“Nhưng em đã có con”. “Dạ, nhưng do em rời sớm, chứ ở miết chắc là không sinh được. Trên nắng, dưới nước, quanh năm ngâm chân và tay trong nước đục, thủy ngân, da bị ăn mòn hết. Nghe nói thủy ngân ngấm vào người lâu, sẽ vô sinh, tiếp xúc với thủy ngân phải có bao tay, nhưng ở đây lương còn thiếu, nói chi bao với bọc”.
Bãi vàng Phước Thành ở Phước Sơn - Quảng Nam. Những đội quân rùng rùng nghiêng ngả cây rừng để làm vàng. Rùng rùng sốt rét, sập hầm. Rùng rùng rồi liêu xiêu những đội quân đói ăn thiếu ngủ, vật vờ vì lạnh vì nóng, và vì những cú đấm bất kỳ lúc nào cũng có thể giáng xuống đầu.
Vào bãi vàng không được vì không có ý kiến giám đốc công ty vàng, chiếc barie không bao giờ dỡ lên, các nhà báo có trong tay bốn số điện thoại của ông này, thách nhau ai điện mà ông cầm máy, sẽ được "chiêu đãi". Nơi quán nước gần công ty vàng, đếm được 15 cô gái từ Tương Dương vào. Trắng xinh và tươi vui. Họ là đội quân “săn đầu người”, lùng tìm nhân công cho ông chủ, giá mỗi đầu là một triệu.
Nghe tiếng một tay mặt rô mắng: “Này con kia, lần sau đừng đưa mấy thằng nhỏ như thế này vào nhé, đã nói dưới 14 tuổi là không nhận”. “Ngày đó em cũng bị đưa đi như thế, nói vào làm vàng nhiều tiền lắm”.
Giọng em đứt ngang. Cả đám làm thuê bị lôi kéo vào, lang thang hết bãi Muối, Khe Tăng, bãi Ruộng. Việc chính là cào quặng được đưa từ xe trong hầm ra rồi sàng. Thời gian là từ 5g15 sáng đến 11g15 trưa. Ăn nhanh. Thức ăn là đậu phụng rang với nước mắm vào mùa mưa, mùa nắng thì thịt heo xào. Cơm ít. Không nghỉ trưa, làm tiếp đến 5g15 chiều.
Ba bãi vàng, nam chừng 1.000, nữ khoảng 300 người. Tuổi 20 phơi phới. Luật: trai gái cấm yêu nhau; ăn cơm không được ngồi gần; không được qua lại lán trại của nhau; không uống rượu, đánh bạc. Trai nếu bắt được sẽ bị đánh nhừ tử, cho 500.000đ, đuổi về thẳng. Nữ vi phạm, sẽ bị chửi te tua. Hẹn hò yêu đương nếu bắt được, đuổi thẳng.
Nữ công nhân tại một cơ sở khai thác vàng ở Phước Sơn
“Em bỏ cũng vì bị đối xử không công bằng. Lương ban đầu ký hợp đồng là 1,8 triệu/tháng, nhưng không bao giờ trả hàng tháng, họ không giải thích, để cả năm dồn lại đưa một lần và cũng chỉ đưa 2/3, còn vì sao họ giữ lại 1/3 thì bọn em không biết. Làm sáu tháng mà trả 5,9 triệu, hỏi thì quản lý bảo âm lương. Ai cũng nói bị thiệt thòi, nhưng không ai kêu la. Anh hỏi sao im lặng à? Em không biết”.
Tôi nghĩ đến cái ăn què quặt ở quê, nghề nghiệp phập phù, ốm đau chờ chết vì không có tiền vào bệnh viện. Khát việc làm như khát nước, đành nghiến răng cam chịu.
Một chủ quán ở thị trấn Khâm Đức nói với tôi, cuối năm nữ phu vàng ra về, vỏn vẹn cả năm là bảy triệu bạc, nhưng không hiểu sao đầu năm họ lại quay vào. Trong cơn đói đến bạc máu, họ chắc hiểu vì sao mình lại đâm đầu vào chốn này. Làm để tằn tiện cuối năm mua mảnh áo, chiếc dép mới cho con, đành chấp nhận tất cả.
“Sợ nhất mùa mưa đó anh. Đường ống nước tự chảy sẽ bị đất vùi, nên nước uống cũng không có, nói chi nước tắm, bệnh ngoài da kinh khủng. Sốt nhẹ thì vào quản lý xin thuốc. Nặng thì tự mang xác ra trạm xá xã. Sốt rét run văng cả chăn mền, nhưng hết sốt thì phải bò dậy làm, không thì không có tiền, mà làm lơ mơ thì bị mắng chửi. Em chưa biết nhiều, nhưng em nghĩ chưa có nơi nào quản lý chửi người làm như ở đây. Không thích là chửi. Nhục lắm. Đứa nào xinh, lẳng lơ thì chủ mến, thỉnh thoảng cho chỉ vàng, còn ngang bướng, tự trọng thì đừng hòng có ngày ngẩng mặt”.
Giọng em tan trong trưa dựng đứng nắng gắt. Nhưng, sau mỗi chuyện kể, em lại cười. Tôi sợ. Nỗi chua chát như được nhào nặn rồi đùn lên trong tiếng cười còn trong lắm của cô gái 22 tuổi. Rừng có tất cả và cũng không có gì cả. Tự nhiên không thuộc về con người. Tựa vào tự nhiên để đỡ cô quạnh và nhỏ bé, đó có lẽ là điều duy nhất con người có thể “ăn” vào rừng; ngoài ra, bất kỳ tham vọng cắt xén nào từ rừng đều phải trả giá đến đời con cháu. Nhưng mặc kệ tất cả, con người cứ lạnh lùng đối xử thô bạo với tự nhiên.
“Trái đất ba phần tư nước mắt” (Xuân Diệu), nên những người như em phải bán tuổi xuân, hy sinh tình yêu, rước bệnh vào người để có cái ăn mà tồn tại.
Cũng chính vì thế, tôi không lạ là sau hai lần trốn về, một lần sợ quản lý giở trò đồi bại, một lần bị quỵt lương, em vẫn quay lại chốn cũ, lại bán sức cho những tham vọng điên cuồng của ông chủ. Rồi đến một bữa, đang hì hục sàng quặng, bỗng óc em nhói lên: lỡ như mình có chồng mà vô sinh thì sao? Nỗi sợ như giông bão sấm sét kéo đến khiến em choáng váng. Nỗi sợ đó lớn hơn cả sợ áo cơm, hơn đòn roi và cái chết, khiến em quyết thoái lui.
“Có vĩnh viễn không?”. “Chắc là có”. “Sao không về quê luôn?”. “Em trốn về, cưới chồng năm ngoái, đẻ con được một tuổi rồi lại quay vào. Ở đây em phụ bán cà phê, được cô chú chủ nhà tôn trọng, lại có lương”. Tôi hiểu suy nghĩ đó đã được đánh đổi bằng nước mắt của em và bao người đàn bà trong các bãi vàng ấy cộng lại.
Có áo cơm và có quyền tự trọng. Khao khát đơn giản đó không giản đơn chút nào, đâu chỉ cho riêng em và cho cả tôi, và bao nhiêu người. Nhìn em tôi lại nhớ lời một nguyên thủ quốc gia thời hiện đại từng nói: một trong những quyền của con người là quyền không sợ hãi!
TRUNG VIỆT