Nữ điệp báo can trường
Ở tuổi 85, nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, đại tá Nguyễn Thị Thảo (biệt danh Sáu Thảo) - nguyên Phó chỉ huy trưởng An ninh, Công an TPHCM - vẫn giữ cho mình sự sáng suốt, tinh anh. Gặp lại đồng đội trong những ngày tháng Tư lịch sử đang đến rất gần, bà xúc động nhưng vẫn thể hiện sự điềm tĩnh vốn có của một chiến sĩ công an.
Chậm rãi, bà Sáu Thảo kể, năm 1953, bà bắt đầu đi “làm giùm” những việc địa phương nhờ. Suy nghĩ non nớt của cô bé 13 tuổi không hề biết đó là làm cách mạng. Sau 3 năm rèn giũa, 16 tuổi, bà khai gian thêm 2 tuổi để được thoát ly. Trong vai một thợ may, Sáu Thảo được giao nhiệm vụ vận động thanh niên đi theo cách mạng.
Sau một thời gian, sợ thân phận bị phát hiện, Sáu Thảo xin về vùng giải phóng và được bố trí làm việc ở văn phòng Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Tháng 3/1967, theo yêu cầu bức thiết của chiến trường, bà được điều về làm công tác an ninh miền Đông, chiến khu D. Ở đây, với tố chất cẩn trọng và kín đáo, Sáu Thảo được đưa đi đào tạo lớp trinh sát tại Trường An ninh miền Nam.
 |
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Phạm Thị Thanh Hiền (thứ ba từ phải sang) và đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền (thứ tư từ trái sang) - Trưởng ban Phụ nữ Quân đội trao quà và biểu trưng cho các đại biểu |
Ra trường, bà về Công an R, Trung ương cục miền Nam và được bố trí công tác tình báo, đầu tiên là xây dựng mạng lưới giao liên, kết nối cơ sở đánh vào lòng địch. Tháng 3/1969, một lần đi móc nối cán bộ ở nội thành ra chiến khu để gặp lãnh đạo bàn kế hoạch chiến đấu, bà bị địch bắt. Nhanh chóng nuốt lá thư vào bụng, cùng với căn cước giả và những lời khai cứng rắn, bà bị địch nhốt 1 tuần, đánh đập nhưng vẫn không khai thác được gì. Chúng đưa bà về Ty Thẩm vấn Hàng Keo, rồi chuyển về đề lao Gia Định, về Tây Ninh, kết án 5 tháng tù.
Sau khi được trả tự do, Sáu Thảo trở về đơn vị và được chuyển địa bàn hoạt động về Bến Tre, tiếp tục công việc mới, nhưng vẫn là vào ra nội thành để xây dựng cơ sở, lấy tin tức quan trọng để phục vụ chiến đấu.
Năm 1971, bà bị địch bắt lần thứ hai, bị lộ tài liệu khi đang từ Hồng Ngự về Sài Gòn. Đưa bà đi là một cô giao liên đường ngắn. Để bảo vệ nhau, cả hai đều khai là không biết nhau. “Cô giao liên khai làm nghề chèo ghe, ai đi thì chở, còn tôi không nhận tài liệu đó của mình, mà của người khác nhờ làm chứ không biết nội dung quyển sách. Cuối cùng, tôi bị địch kết luận “tình ngay lý gian”, bỏ tù 9 tháng mà không án tiết” - bà Sáu Thảo nhớ lại.
Trong năm 1971, Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống lần thứ hai. Để ăn mừng sự kiện này, địch tha bổng những người tội nhẹ. Quay về đơn vị làm kiểm điểm, nữ điệp báo Sáu Thảo được nhận định khai báo khôn khéo và tiếp tục nhiệm vụ đã được đào tạo.
Từ đó đến khi chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, bà đã tổ chức đưa người vào trong lòng địch, từ Nội các, Nha Điện toán của chính phủ Miền Nam Việt Nam cho đến Phòng Mật mã, Nha Kế hoạch, Văn phòng Nguyễn Văn Hảo. Những người được Sáu Thảo cài vào đã lấy được nhiều tài liệu quan trọng để phục vụ cách mạng.
Một trong những chiến công lớn của nữ điệp báo Sáu Thảo là thông qua người do mình cài cắm đã tác động để giữ lại 16 tấn vàng cho đất nước mà trước đó, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dự tính chuyển ra nước ngoài.
Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, Đảng hỏi: “Nếu đánh quân sự, Mỹ có quay lại không?”, bà Sáu Thảo tự tin trả lời: “Mỹ sẽ không quay lại”. Bà cho biết, quả quyết như vậy là vì Mỹ đã cho rút quân 7 tỉnh vùng xa. Bên cạnh đó, tài chính, lúa gạo vào vùng giặc cũng bị ta ngăn chặn. Theo tin tình báo của bà, tài sản, quân trang, quân dụng của địch ở các kho Long Bình, Cam Ranh đã được chuyển đi.
Qua người của mình, bà cũng nắm được nội dung thư của tổng thống Mỹ gửi tình báo Mỹ tại Việt Nam là “phải rút quân, phải chuẩn bị trước khi Thiệu ra đi, bởi miền Nam Việt Nam đã đổ quá nhiều tiền, xương máu và mạng sống của lính Mỹ. Không thể tiếp tục nữa”. Những thông tin được cung cấp kịp thời, đúng lúc, chính xác và quan trọng của Sáu Thảo đã giúp tham mưu chiến dịch, góp công lớn vào chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.
Sau giải phóng, bà Sáu Thảo tiếp tục làm công an, giữ chức Phó chỉ huy trưởng lực lượng an ninh, Công an TPHCM và tham gia phá nhiều vụ án lớn. Trong đó, chuyên án MA90 như một “bức tường lửa” ngăn chặn các thế lực thù địch, phản động câu kết chống phá đất nước.
Một đời tận hiến
Tại sự kiện, nữ cựu tù Côn Đảo, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã chia sẻ nhiều ký ức khi bị giam cầm, hành hạ trong 6 nhà lao ở miền Nam suốt 11 năm trời, trong đó có chuồng cọp Côn Đảo. Nữ cựu tù khẳng định, chiến đấu “trong lòng kẻ thù”, trong tay không một tấc sắt, những người tù chỉ có ý chí và lòng quyết tâm, lòng căm thù giặc để vượt qua. Có 2 điều trở thành niềm tin, sức mạnh, xem những thủ đoạn, âm mưu của kẻ thù trở nên tầm thường. Một là tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ và cách mạng. Hai là phải xác định đã đi làm cách mạng, chiến đấu trong lòng kẻ thù thì có thể không có ngày về.
 |
Nữ cựu tù Côn Đảo Trương Mỹ Hoa (bìa trái) và nữ cựu tù, Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu (bìa phải) tại buổi họp mặt |
Xuất thân trong một gia đình cách mạng ở tỉnh Đồng Tháp, Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu kể, lúc nhỏ bà hay giúp cha đưa thư liên lạc cho các cô chú, từ đó mà tham gia cách mạng. Với dáng người nhỏ bé, bà được giao công tác liên lạc ở hội phụ nữ, làm mật mã, đến ngân khố nhà nước. Sau đó, bà được tổ chức cử sang Campuchia làm công tác quân báo và bị giam cầm khi mới 14 tuổi.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Phi Điểu được trả tự do trong đợt trao trả tù binh và sau đó tập kết ra Bắc theo yêu cầu công tác của tổ chức. Chuyến đi tưởng là chỉ có 2 năm ấy đã kéo dài thành 21 năm. Sau ngày thống nhất đất nước, bà mới trở về.
Trở về từ khói lửa, mang theo trên mình bao vết thương chiến tranh, nhưng các nữ cựu tù vẫn tiếp tục đóng góp cho hành trình xây dựng đất nước. Năm 1999, khi còn làm Phó chủ tịch Quốc hội, bà Trương Mỹ Hoa được Trung ương Đoàn đề nghị làm Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, chăm lo cho các học sinh vùng dân tộc thiểu số. “Với mong muốn hỗ trợ để các em có điều kiện học tập, phát huy khả năng của mình, và trong suy nghĩ sâu thẳm của tôi là phải xây dựng những ngọn cờ của những dân tộc chưa có đại biểu quốc hội, tôi nhận làm việc này” - bà Trương Mỹ Hoa kể.
Hơn 25 năm qua, hành trình của Quỹ học bổng Vừ A Dính đã trao khoảng 150.000 suất học bổng, ươm mầm tương lai cho học sinh vùng dân tộc, miền núi. Bên cạnh đó, 10 năm qua, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” của nữ cựu tù Trương Mỹ Hoa thành lập đã vận động, quy tụ nhiều trái tim hướng về biển đảo.
Tương tự, dù cao tuổi, nhưng Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu vẫn đều đặn tham gia các hoạt động xã hội. Tại liên hoan Phim ngắn truyền hình năm 2023, ở tuổi 91, bà đoạt giải Diễn viên chính xuất sắc nhất, với vai bà Ngọc trong phim Ai giết bánh bò. Nhiều năm qua, bà cũng là đại sứ áo dài quen thuộc của Lễ hội áo dài TPHCM.
Tấm gương sáng để bao thế hệ phụ nữ noi theo Các mẹ, các dì, những nữ chiến sĩ kiên trung, tham gia cách mạng, từng bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man, nhưng vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, trọn lòng trung kiên với Đảng, dân tộc, nhân dân. Sự hy sinh của các mẹ, các dì tô thắm thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam; là tấm gương sáng để bao thế hệ phụ nữ noi theo về ý chí tự lực tự cường, khát vọng cống hiến. Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM |
Thu Lê