Những phụ nữ bám biển mưu sinh

13/09/2022 - 06:29

PNO - Ở làng chài Bình An, Phú Hải thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có hơn 100 phụ nữ làm nghề đánh bắt hải sản. Ở làng chài Thuận An (phường Thuận An, TP.Huế), cũng có không ít phụ nữ theo nghề này. Làm nghề biển nhọc nhằn, vất vả nhưng chị em luôn yêu nghề, yêu biển.

Đi biển về, còn lo bán cá, vá lưới

Dẫn tôi đi khắp làng chài Bình An nằm bên vịnh Chân Mây, chị Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Vĩnh - không ngớt lời khen phụ nữ làng biển quê mình: “Ở mô (đâu) tui không dám nói, chứ riêng ở làng chài Bình An, phụ nữ giỏi số một. Từ đi biển đánh bắt cá đến thu mua hải sản trong những phiên chợ sớm, chị em đều khiến cánh đàn ông nể phục về sức vóc, sự dẻo dai”.

Vốn là ngư dân, từ nhỏ đã cùng cha mẹ đi biển cho đến khi lấy chồng rồi làm cán bộ Hội Phụ nữ xã, chị Hằng rất rành chuyện đàn bà đi biển: “Phụ nữ ở đây ít người mập. Dáng họ thường cao, gầy, tay chai sần, gân guốc, sức vóc không kém chi đàn ông”. Để chứng minh cho lời kể của mình, chị Hằng dẫn tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Bé đúng lúc vợ chồng chị Bé vừa trở về sau chuyến đi biển đêm. 

Chị Nguyễn Thị Bé chăm con và cùng chồng sửa lại ngư cụ sau một chuyến đi biển - ẢNH: THUẬN HÓA
Chị Nguyễn Thị Bé chăm con và cùng chồng sửa lại ngư cụ sau một chuyến đi biển - Ảnh: Thuận Hóa

Ở tuổi 45, chị Bé đã có hơn 20 năm đi biển, không biết bao lần phải đối mặt với rủi ro, bất trắc, nhất là mỗi khi biển động. Thời trước, mỗi chuyến đi biển của chị Bé thường kéo dài từ 5-7 ngày. Bây giờ, sức khỏe giảm, không thể theo các thuyền công suất lớn đánh bắt ở ngư trường xa, chị Bé cùng chồng đánh bắt hải sản gần bờ. Cứ tầm 15g, chị xuất bến, đánh bắt đến rạng sáng hôm sau. Bán cá cho thương lái xong, chị lại ngồi đan lưới và chuẩn bị cho những chuyến đi biển tiếp theo.

Thu nhập từ nghề biển phụ thuộc vào luồng cá, thời tiết nên có khi kiếm được tiền triệu mỗi chuyến, có khi chẳng kiếm được đồng nào. Thế nhưng, mỗi khi phải nghỉ dài ngày do đau ốm, chị lại thấy nhớ biển cồn cào. Chị kể: “Tui làm nghề biển được gần 25 năm. Ở một số làng nghề biển khác, người ta quan niệm rằng, phụ nữ bước lên thuyền là không hay nhưng ở đây, thuyền mà không có phụ nữ thì cá, tôm không đầy khoang được”. 

Anh Nguyễn Cu - chồng chị Bé - góp chuyện: “Không có đàn bà, đàn ông tụi tui làm không xuể việc. Vợ tui bủa lưới bắt cá, rồi còn gánh cá ra chợ bán. Tui chỉ lái thuyền thôi”.

Theo chị Bé, đàn ông đi biển khổ một thì phụ nữ đi biển khổ mười. Những buổi đầu chưa quen, chị say sóng xanh mặt. Những đêm buốt giá, khi kéo rập cá, tay chị tê cứng, mắt thâm quầng, người run cầm cập. Khi vào bờ, đàn ông chỉ việc nằm dài chờ cơm, còn phụ nữ phải bán cá, đi chợ mua thức ăn, nấu nướng. 

Trong số những người theo nghề biển ở xã Lộc Vĩnh, có không ít người trẻ tuổi. Năm nay 36 tuổi, chị Nguyễn Thị Khanh (thôn Phú Hải) đã có gần 20 năm đi biển. Chị kể, nhà đông anh em, gia cảnh khó khăn nên chị nghỉ học sớm, mưu sinh bằng nghề đi biển. Hằng ngày, một mình chị điều khiển con thuyền 24CV (mã lực), băng qua những luồng lạch để đánh bắt cá khiến cánh đàn ông rất nể phục. 

Ngư dân Trần Đình Ba - Trưởng vạn đò của thôn Phú Hải - tỏ vẻ thán phục khi kể về chị Nguyễn Thị Khanh: “Con Khanh đi biển giỏi lắm. Hắn là trong số ít phụ nữ ở đây tự quay nổ máy D24, lái thuyền đánh bắt cá. Lấy chồng không phải là dân làm biển, hắn dạy luôn chồng đi biển”.

Vừa kéo lưới, vừa nghĩ đến con

Ở làng chài ven biển Thuận An, đi biển là nghề chính của không ít phụ nữ. Theo con đường mòn trên trảng cát bạc màu, chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Lép (hẻm 66 Hoàng Sa, phường Thuận An, TP.Huế). Chị Lép cũng có gần 20 năm làm nghề biển. Chị kể, năm ngoái, cá tôm gần bờ ít dần nên vợ chồng chị muốn sắm tàu lớn để đánh bắt xa bờ: “Vốn liếng không có, chị đau đầu lắm, phải vay gần 1 tỷ đồng để sắm tàu và nhiều dụng cụ để ra khơi”.

Sau mỗi chuyến đi biển, chị Lê Thị Lép (bìa phải, hàng đầu) còn phải xuống cảng Thuận An bán hải sản cho thương lái - ẢNH: THUẬN HÓA
Sau mỗi chuyến đi biển, chị Lê Thị Lép (bìa phải, hàng đầu) còn phải xuống cảng Thuận An bán hải sản cho thương lái - Ảnh: Thuận Hóa

Với chị Lép, đi biển đã thành cái nghiệp, không thể bỏ được dù nghề này đòi hỏi dùng sức nhiều. Là phụ nữ nên vừa đánh bắt cá, chị vừa âu lo cho những đứa con phía trong bờ: “Đàn ông đi biển khỏe hơn rất nhiều, chứ đàn bà khổ lắm. Giữa biển, những đêm mưa gió, lo nghĩ đủ đường, chỉ mong trời sáng”.

Vừa quấn lại lưới và lưỡi câu cho gọn để xếp lên thuyền, anh Hải - chồng chị Lép - góp chuyện: “Mùa hè thì không sao, mùa đông mà ra biển thì gió thốc lạnh buốt. Nhiều lúc, thấy vợ vừa căng sức kéo lưới, vừa run cầm cập, mình cũng thương lắm”. Có những chuyến ra biển, chị vác dụng cụ đi trước, con chị lẽo đẽo chạy theo gọi mẹ khiến chị cũng mủi lòng. Nhưng để kiếm cái ăn, cái mặc cho con, chị đành gạt nước mắt, bước về phía biển. Chị Lép có năm đứa con. Khi chúng biết đi, biết chạy, chị phải gửi hàng xóm trông giùm, để vợ chồng chị ra khơi mưu sinh.

Ở thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có gần 100 phụ nữ làm nghề đánh bắt hải sản gần bờ - ẢNH: THUẬN HÓA
Ở thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có gần 100 phụ nữ làm nghề đánh bắt hải sản gần bờ - Ảnh: Thuận Hóa

Theo chị Nguyễn Thị Thu Hằng, mỗi nghề đều có những vất vả, buồn vui riêng. Những phụ nữ ở ven biển theo nghề biển bởi đó là nghề truyền thống của gia đình. Cuộc sống của chị em ở các làng chài xưa nay vốn lam lũ, cực nhọc. Trong vai trò và khả năng của mình, Hội LHPN xã chỉ có thể tư vấn cho chị em về cách tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, giới thiệu nguồn vốn vay khi chị em cần, đồng thời tuyên truyền để chị em có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khi làm nghề biển. 

Thuận Hóa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI