PNO - Chọn cống hiến toàn thời gian cho cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19, họ không về thăm nhà, giấc ngủ cũng trở thành hiếm hoi, xa xỉ. Đã đành đối mặt hiểm nguy, rất nhiều những nửa đêm, vừa cởi “chiếc áo” của công việc, điện thoại reo, họ lại tiếp tục bước vào nhiệm vụ…
Nguy cơ rình rập
Đêm. Khu cách ly tập trung của Q.2 (TPHCM) đã hoàn toàn tĩnh lặng. Hết ca trực, bác sĩ Vũ Thị Sim trở lại phòng làm việc, chuẩn bị chợp mắt thì bất ngờ, một người đeo khẩu trang không đúng cách xộc vào. Người này tiến sát, nói liên tục bằng giọng gấp gáp: “Bác sĩ, bác sĩ phải giải quyết cho tôi. Tôi phải ở phòng khác. Tôi đâu có phải là đối tượng nguy cơ cao nhiễm bệnh”.
Bác sĩ Vũ Thị Sim khám cho một bệnh nhân trong khu cách ly tập trung của Q.2
Chị Sim đứng hình. Vị khách đang đứng quá gần. Định thần, chị lùi vài bước, giữ khoảng cách chừng 2m. Bằng giọng nói điềm tĩnh nhất, chị giải thích điều kiện của cơ sở, các nguyên tắc cách ly, rồi động viên người đàn ông. Đó là một người vừa được đưa vào nơi này vì có lịch sử dịch tễ nhiều nguy cơ. Đang đầy bất bình, nhưng nghe nữ bác sĩ giải thích, anh nhanh chóng bình tĩnh, rồi đồng ý quay về phòng. Anh đi rồi, vị bác sĩ vừa vào vai điềm tĩnh lập tức vào nhà vệ sinh, “khử trùng” bằng nước súc họng, rửa tay rồi tắm.
Hôm ở Q.2 có ca nhiễm, bác sĩ Sim được điều động về làm việc tại khu cách ly tập trung của quận. Nhận được tin điều động tham gia chống dịch, chị Sim viết lá đơn gửi cấp trên, xin cống hiến toàn thời gian tại khu cách ly này. Hầu hết các bác sĩ được điều động đều tình nguyện cống hiến toàn thời gian. Từ giai đoạn đó, số người được đưa vào khu cách ly tập trung tăng liên tục. Các bác sĩ phải nắm bắt, phối hợp thông tin thường xuyên. Và chừng nửa tháng nay, khi TPHCM chủ trương điều tra dịch tễ, khám sức khỏe ban đầu với tất cả người nhập cảnh từ nước ngoài, thì công việc của các y bác sĩ tại đây tăng bội phần.
Nhiều ngày trước, Q.2 nổi lên với “ổ dịch” là quán bar Buddha. Riêng với “ổ dịch” này, chị Hồ Thị Bảo My (nhân viên xét nghiệm của Bệnh viện Q.2) phải theo dõi hàng trăm mẫu nghi phẩm liên quan. Cuộc sống của chị My và đồng nghiệp suốt gần một tháng qua là những con số, thông số y khoa về bệnh phẩm. Tất cả thời gian trong ngày đều dành cho công việc và những sinh hoạt tối thiểu. Mỗi khi hay tin có một chung cư bị phong tỏa, ít ai tưởng tượng được rằng, có nhiều đội phải tất bật vào vị trí, cấp bách làm nhiệm vụ. Những lúc đó, chị My lại cùng đồng đội lập tức chuẩn bị dụng cụ đi thu mẫu. Có khi, việc ở điểm này vừa hoàn tất, lại có một cuộc gọi hối hả báo tin có khu vực khác bị phong tỏa, cần lấy mẫu. Công việc đã sẵn nguy hiểm. Mà trớ trêu, có những người dân thuộc đối tượng cách ly lại phản đối, không hợp tác. Có người lảng tránh việc lấy mẫu xét nghiệm. Thậm chí, đến khi buộc phải để nhân viên y tế lấy mẫu, còn có người cố tình ho, khạc nhổ...
Chuẩn bị chất khử khuẩn để khử trùng cho một tòa nhà vừa có ca dương tính
Không được gặp gia đình, phải hy sinh cuộc sống cá nhân trong suốt mùa dịch bệnh để làm nhiệm vụ - là những điều mà người ta hay nhắc đến khi kể về thiệt thòi của các “chiến sĩ áo trắng”. Thế nhưng, đối diện họ, người ta sẽ không còn nghe những nỗi thiệt thòi “dễ đoán” đó nữa. Họ không xem đó là sự hy sinh. Thậm chí, cả nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc gần với bệnh nhân, với người có nguy cơ nhiễm bệnh - dường như cũng chỉ là một... tai nạn nghề nghiệp. Không ai vì khiếp sợ tai nạn nghề nghiệp mà từ chối hành nghề. “Bác sĩ thì phải có mặt nơi có bệnh nhân”, một bác sĩ đã bình thản nói cái điều đơn giản này khi chúng tôi hỏi về những nguy cơ lây nhiễm. Chỉ có điều, ít ai biết những tai nạn trớ trêu chỉ vì sự kém ý thức, sự ích kỷ của chính những người đang được bảo vệ.
Thế nhưng, họ xem cả việc né tránh, chống đối của bệnh nhân và người cách ly là một “nhiệm vụ chống dịch”. Phần lớn, người được đưa vào khu cách ly tập trung đều có tâm trạng nặng nề. Phải hạn chế tiếp xúc khi chưa nắm rõ lịch sử dịch tễ của họ, nhưng các bác sĩ vẫn dành thời gian để giải đáp, động viên khi họ còn bỡ ngỡ. Bác sĩ Bạch Liên, đang nhận nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung của Q.7, nói: “Người được đưa vào cách ly thường hoang mang, sợ nhiễm bệnh. Họ khó thông suốt được việc chính quyền chỉ đang thực hiện khoanh vùng, sàng lọc. Hơn nữa, họ đã quen với một đời sống chất lượng, chuyện không có máy điều hòa cùng những giới hạn sinh hoạt trong khu cách ly không phải ai nấy đều chấp nhận. Chuyện họ phản ứng, không hợp tác cũng dễ hiểu. Vậy nên bác sĩ cần động viên, giải đáp. Bởi họ càng cự tuyệt thì cộng đồng quanh họ càng đối diện với nhiều nguy cơ trong dịch bệnh”.
Một bác sĩ thuộc tuyến đầu ở Q.Thủ Đức chia sẻ, có hôm, 2g sáng, ông vừa ngả lưng thiêm thiếp thì điện thoại reo liên hồi. Đầu dây bên kia, một giọng nói run rẩy: “Kế nhà tôi có người từ phường Y. (nơi có ca nhiễm) của quận X. đến chơi. Ông tới liền đi. Ông phải đo thân nhiệt cho họ, đưa họ đi cách ly”. Vị bác sĩ… tỉnh ngủ. Nỗi bất an thái quá đó phải mất hai giờ đồng hồ để làm nguôi dịu. Sau khi lý giải, trấn an người bên kia đầu dây, bác sĩ mất luôn cả giấc ngủ vốn đã hiếm hoi trong mùa dịch. Trong khu cách ly, lắm khi người dân sực nghĩ ra một... nỗi bất an nào đó rồi lại lật đật tìm bác sĩ đòi giải quyết, bất kể đêm ngày. Có khi là chiếc xe gắn máy bị bỏ quên ở đâu đó, có khi là một chuyện đang làm dở bên ngoài. Có người đang “ngoan ngoãn” tuân thủ cách ly thì bỗng gào lên: “Chết rồi, sáng mai tôi phải tham gia phiên tòa, nếu không thì tòa xử tôi thua mất”.
Những lúc như thế, bằng tất cả nguyên tắc, khả năng và mối quan hệ của mình, cán bộ lại đứng ra giải quyết thay người dân.
Căng mình với cuộc chiến chống dịch, giấc ngủ trở thành hiếm hoi, xa xỉ. Trong ảnh: một cán bộ tranh thủ chợp mắt khi vừa tiếp nhận xử lý các trường hợp trong khu cách ly tập trung
Một chuyến về thăm con
Sáng 28/3, không khí ở Trạm Y tế phường Tân Phú (Q.7, TPHCM) vô cùng khẩn trương. Sau cuộc họp gấp gáp, các cán bộ của trạm chia nhau chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ vừa cấp tốc được giao: trong hôm nay, hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm của 87 trường hợp. Đó là các trường hợp đã nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11-24/3 tại phường. Trong giai đoạn này, chính quyền chưa có chủ trương đưa toàn bộ người nhập cảnh đi cách ly tập trung. Lúc bấy giờ, tất cả trường hợp này đều đã được rà soát, nắm bắt theo lệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC). Các bộ phận khác đã thực hiện điều xe, phân công người đưa đón “mẫu”, thuê phiên dịch… Lệnh “17 giờ” được đưa xuống cho bộ phận y tế: do con số lớn, quận sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho phường Tân Phú sau 17g.
Từ lúc nhận lệnh cho đến lúc tiếp nhận “mẫu” là năm giờ. Trong thời gian này, điều dưỡng Trần Nguyễn Lâm xin trưởng trạm được về thăm nhà. Nhà của Lâm ở huyện Cần Giờ. Đã hơn hai tháng, anh chưa về. Trước khi quyết định về nhà, anh cũng phân vân. Nhưng, suốt hai tháng nay, con anh cứ cách vài phút lại gọi điện. Những lần có thể tranh thủ bắt máy, anh lại nghe con khóc, đòi cha. Gánh đến 50% số lượng công việc phòng chống dịch ở trạm, công việc của Lâm là đi xác minh danh sách HCDC gửi về, điều tra dịch tễ, vận động thực hiện cách ly, phun xịt khử trùng khu vực có ca nhiễm...
Hôm địa bàn phường có F1 là cô nhân viên mát-xa, Lâm được giao đến gặp, thuyết phục cô đi cách ly tập trung rồi điều tra dịch tễ. Trở về, anh “khử khuẩn” chính mình, hạn chế tiếp xúc với mọi người. Giai đoạn để đánh giá một người có nguy cơ dựa trên dịch tễ có đi về từ vùng dịch đã qua. Dịch bệnh đang ở giai đoạn lây nhiễm cộng đồng, bất kể sự tiếp xúc nào cũng dẫn đến hoang mang, lo ngại.
Ngay trong chiều 27/3, nhận tin báo phường có một trường hợp từng đến quán bar Buddha, Lâm lập tức đến nhà, xác định sẽ phải tiếp xúc “dài hơi”. Người này đã không thực hiện khai báo theo yêu cầu của ngành y tế ngay khi ca nhiễm tại bar Buddha đầu tiên được phát hiện. Ngồi đối diện Lâm, họ nằng nặc: “Tôi đã qua được ngày thứ 13 nhưng không có triệu chứng gì, chỉ còn một ngày nữa là hết mốc nguy hiểm”. Gây khó cho Lâm, người này còn điện thoại cho người thân, bạn bè nhờ lên tiếng, xin được… du di. Cuộc thương thuyết kéo dài gần sáu giờ đồng hồ, cho đến giữa đêm, khi Lâm biết cần phải đưa ra biện pháp cứng rắn, dựa trên mệnh lệnh của chính quyền vì sự an toàn của cộng đồng.
Tôi đợi Lâm quay lại trạm, xin đôi phút trò chuyện trước khi anh bước vào nhiệm vụ lúc 17g. Nhận danh sách “mẫu” từ trưởng trạm, Lâm nói: “Con em sợ ba lại đi, quẩn quanh bên em suốt”. “Rồi sao mà em “thoát” được con?”, tôi hỏi. Đang chăm chăm nhìn vào danh sách, Lâm bất ngờ buông ra, rồi ngẩng mặt, đăm chiêu: “Khó lắm, con cứ hỏi: sao ba không nghỉ, ba không nhớ con hả. Mình xót con mà không biết làm sao giải đáp”.
Lúc thấy Lâm về đến nhà, đứa trẻ năm tuổi bất ngờ nhào đến. Lâm vội tránh đi. Mẹ Lâm lao đến, giữ rịt đứa cháu khỏi cha nó. Lâm vào nhà, một lần nữa “khử khuẩn” chính mình cho an tâm. Đứng trước con, anh đề nghị: “Bây giờ, con đứng yên cho ba hôn lên đầu con, không nghe lời là ba đi liền”. Đứa trẻ mếu máo, đứng im thin thít. Lúc đó, chuyện “thoát” được một đứa trẻ mà nỗi nhớ cha chưa được lấp đầy trong vài tiếng ngắn ngủi, và tâm thức ít nhiều đã in hằn nỗi sợ ba bỏ đi đâu phải dễ dàng? Người đàn ông mới đó còn đĩnh đạc nói chuyện công việc, giờ cúi nhìn danh sách, đôi mắt đỏ hoe.
17g, mặc xong đồ bảo hộ, Lâm bước lên xe, đi từng nhà trong 87 trường hợp, đón họ tận cửa, đưa đến khu vực lấy mẫu, rồi lại đưa về tận nhà. Q.7 rất quyết liệt trong công tác chống dịch do địa bàn quy tụ nhiều người nước ngoài. Lệnh của HCDC rà soát khách nhập cảnh từ 11/3, quận lùi thêm bốn ngày, lấy mốc ngày 7/3. HCDC đưa về con số nhập cảnh, nhưng hàng loạt câu hỏi họ từng quá cảnh ở đâu, đã đi đâu ở nước ngoài; ngay cả khách tạm trú tại địa bàn, trong thời gian vừa qua đi những đâu, có về thăm nước bằng đường hàng không, đường bộ, đường thủy… đòi hỏi nhiều bộ phận phải tham gia giải đáp. Trong đó, ở phạm vi công việc của mình, Lâm vào cuộc riết ráo, mải miết bất kể ngày đêm, để đưa ra thống kê hoàn chỉnh và nhanh nhất.
Cán bộ làm công tác vận động người dân tự cách ly tại khu vực bị phong tỏa
Nếu chậm, sẽ khó lường!
Sẩm tối, ông Nguyễn Minh Trung, Phó chủ tịch phường Tân Phong, Q.7, nhận thông báo đã có xét nghiệm dương tính một ca trên địa bàn. Khi người này được đưa vào khu cách ly tập trung, ông Trung đã nắm được nguy cơ, lên các phương án chuẩn bị nhưng ông vẫn cảm thấy bất ngờ. Ông lập tức điều “quân” nhanh chóng đến các khu vực liên quan, từng cán bộ chia nhau chốt chặn, phong tỏa, phun xịt khử trùng. Tất cả hoàn thành trong chưa đầy một tiếng. “Nếu chậm hơn, sẽ khó lường”, ông nói. Bước tiếp theo là thuyết phục, đưa đi cách ly tập trung các trường hợp F1. 2g sáng, ông Trung về đơn vị. Đôi mắt vừa nhắm lại thì điện thoại lại reo. Ông tức tốc bật dậy mượn xe một người bạn, ra sân bay để đón một gia đình Hàn Quốc, đưa về tận nhà của họ rồi dặn dò công tác tự cách ly.
“Dịch bệnh COVID-19 đã ở vào giai đoạn mà mỗi người không thể biết đối tượng mình tiếp xúc là ai”, ông Trung liên tục lặp lại khi nhắc về những đợt “sóng dữ” của phường mình. Phường ông được ví von là có cả một “liên hiệp quốc” với 60-70% cư dân là người nước ngoài. Những đợt “sóng dữ”, theo ông Trung, bắt đầu từ khởi dịch ở Vũ Hán (Trung Quốc), đến câu chuyện hơn 11.000 người Hàn Quốc tại Q.7, sau đó là du học sinh về từ Anh, Mỹ… và hiện tại là quán bar Buddha ở Q.2.
Phường đã lập 20 tổ phản ứng nhanh, để với mỗi đợt “sóng” lại cầm danh sách HCDC gửi về gõ cửa từng hộ dân, rà soát từng khách sạn để sàng lọc, điều tra dịch tễ. Có thời điểm, con số dôi ra trên thực tế so với HCDC cung cấp lên đến hơn 400 người nhập cảnh (trước thời điểm thực hiện chỉ đạo người nhập cảnh phải được đưa đi cách ly tập trung) phải quản lý, giám sát.
Đến hiện tại, phường Tân Phong có tổng cộng ba ca dương tính. Ông Trung thở phào. Các con số sau chữ “F“ không giảm dần. Trong công tác chống dịch, người ta sợ nhất là F1 thành F0, F2 thành F1... Thành công bước này một phần là nhờ ý thức tự cách ly của người dân trước khi bệnh khởi phát. Phần khác, là vì ngay từ những ngày trong Tết, ông đã tổ chức họp từng khu phố, ban quản trị chung cư để thông báo kế hoạch, các bước phòng chống dịch. “Để dân biết được quy trình chống dịch, rồi an lòng là chuyện phải làm được, nếu không, sẽ rất khổ”, ông Trung nói, rồi lại trầm ngâm: “Mà làm được vậy vẫn chưa đủ đâu”.
Cái lẽ đủ - thiếu của ông Trung, chính là đảm bảo nguyên tắc xử lý trong tích tắc, với chưa đầy một giờ đồng hồ khi địa bàn phát sinh ca nhiễm; hòng tránh chuyện người dân sẽ rời đi.
Bác sĩ Vũ Thị Sim thăm khám cho một bệnh nhân trong khu cách ly tập trung của Q.2 - Ảnh: Tuyết Dân
Mọi câu chuyện chống dịch tôi đều được nghe trong gấp gáp. Gấp cả trong chi tiết lẫn nhịp kể của những người đang tiếp tôi trong lúc phải tất tả công việc. Nhưng, ngoài sự tất bật của chính câu chuyện, tôi không được nghe thêm bất kỳ một tính từ nào từ những người kể chuyện. Họ không thấy bận bịu, vất vả, nhọc nhằn. Nếu có gì đó có thể “bày tỏ cảm xúc” trong đợt công tác cam go này, họ lại dành cảm xúc đó cho những người khác.
Trụ sở Công an phường Tân Phong và Trạm y tế phường nằm sát nhau. Hai nơi này được gần 50 chiến sĩ, y bác sĩ thu xếp một phần làm chỗ ngủ suốt một tháng qua. Họ không về với gia đình. Trong những dịp hiếm hoi về thăm nhà, ông Trung tuân thủ nguyên tắc về trễ, đi sớm để không phải tiếp xúc với người thân. Buổi sáng của ngày tôi hẹn gặp, qua điện thoại, ông ngập ngừng: “Tôi đang đi chợ”. Cha mẹ của ông đều trên 60 tuổi. Vợ chăm con nhỏ. Ông Trung nhận trách nhiệm đi chợ. Mỗi lần đi chợ, ông đeo khẩu trang cẩn thận, mua sắm sao cho đủ 14 ngày. Để sau đó, chính người thân của ông phải “tự cách ly” trong chừng ấy thời gian, tính từ lúc ông trở về nhà.
***
Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, người dân cảm kích về hy sinh của các bác sĩ tuyến đầu. Nhưng, chính tại các địa phương, ngay ở trong dân vẫn phải có và đang có những “phòng tuyến” hiệu quả, tạo với tuyến đầu một vòng tròn khép kín trước dịch bệnh. Trong câu chuyện chống dịch lớn lao ấy, họ cũng được xem như “chiến sĩ”, “người hùng”. Những “chiến sĩ” thầm lặng trong dân, gần gũi bằng xương bằng thịt, với những tâm huyết chung và cả nỗi niềm riêng...