Những phiên chợ xuân đặc biệt trong bệnh viện

23/01/2024 - 05:59

PNO - Không khí tết đang rộn ràng trên khắp các nẻo đường và ai cũng đang háo hức trở về bên gia đình để cùng nhau đón một mùa xuân ấm áp. Thế nhưng, không ít người phải ngậm ngùi neo lại thành phố giữa những ngày xuân. Họ là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang phải điều trị tại các bệnh viện.

Nỗi lo đón tết xa nhà

Trong Bệnh viện quận Bình Thạnh, thả chiếc túi ni lông chứa những vật dụng sinh hoạt xuống đất, chị Bùi Ngọc Loan (42 tuổi, quê Bến Tre) từ từ ngả tấm thân mệt nhoài xuống ghế đá. Chị nhẩm tính, 4 đêm rồi chị chưa chợp mắt được chút nào. “Mệt mỏi. Định ngủ một giấc thật sâu cho quên đi muộn phiền, nhưng cứ nằm xuống, nhắm mắt là lại nghĩ đến mấy đứa nhỏ ở nhà, nên không tài nào ngủ được” - chị Loan tâm sự.

Hồi đầu năm 2023, chồng chị Loan được chẩn đoán mắc bệnh suy thận. Sau một thời gian dài điều trị ở tuyến trên, gia đình chị xin về Bệnh viện quận Bình Thạnh để bắt đầu một hành trình đầy gian nan, tốn kém - chạy thận nhân tạo. “Cứ 3 tuần lại phải lọc máu 1 lần, mấy tháng ròng rồi. Theo lịch trình điều trị thì năm nay chúng tôi ăn tết ở Sài Gòn luôn chứ không về quê” - chị Loan buồn bã.

Chị Loan kể, vợ chồng chị có 3 đứa con. Từ khi chồng đổ bệnh, 2 đứa nhỏ được gửi về Bến Tre cho ông bà ngoại chăm. Đứa lớn ở lại phụ chị chăm sóc ba. Cả năm nay, chị Loan quẩn quanh hết bệnh viện lại về nhà và vào công ty. Chị không để ý chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến tết và cũng chẳng nghĩ đến việc sẽ mua sắm gì.

“Mấy năm trước, giờ này là tất bật sắm sửa quần áo cho tụi nhỏ, còn bây giờ thì không còn bụng dạ đâu mà sắm tết. Vả lại, muốn sắm cũng không có tiền. Chữa bệnh cả năm nay khiến gia đình tôi kiệt quệ rồi” - chị Loan đưa tay quệt nước mắt.

Bà Hà Thị Liễu (53 tuổi, quê Phú Yên) nói mình là người “có thâm niên” ăn tết bệnh viện. Hành trình “ăn tết bệnh viện” của bà Liễu bắt đầu từ năm 2018, khi chồng bà được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Gần 5 năm ròng rã ở bệnh viện, năm 2022 chồng bà Liễu mất thì đến lượt bà phải vào bệnh viện vì bị u tuyến giáp. Hiện nay, bà đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. “Phẫu thuật rồi, giờ phải hóa trị. Theo lịch thì 27 tháng Chạp tôi có 1 đợt vô thuốc nên phải ở lại ăn tết bệnh viện” - bà Liễu nói.

Ở các bệnh viện Ung Bướu, Gia Định và Bệnh viện quận Bình Thạnh, rất nhiều bệnh nhân không được về quê đón tết như bà Liễu. Họ ở miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên… nhưng cũng có người ở ngay thành phố, nhà chỉ cách bệnh viện chừng 10km nhưng cũng phải ngậm ngùi đón tết xa nhà.

Giữa trưa, tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, chị Lê Thị Kịp (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) ngồi thẫn thờ ở góc đường gần chân cầu bộ hành. Chỉ còn 20 ngày nữa là đến tết, nhưng 2 tuần nữa chị phải bước vào ca phẫu thuật sinh tử để bóc tách khối u khỏi cơ thể. Như vậy, dù không muốn, chị vẫn buộc phải ăn tết bệnh viện. Chị nói, mọi việc đến quá đột ngột, giờ thì chị cũng không biết xoay xở ra sao. 2 đứa con chị còn quá nhỏ để tự lo cho mình khi ba mẹ phải đón giao thừa ở bệnh viện. 

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang (thứ tư từ phải sang) - Phó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM,  đơn vị tổ chức “Phiên chợ xuân 0 đồng” - tặng quà cho người lao động khó khăn và bệnh nhân
Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang (thứ tư từ phải sang) - Phó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, đơn vị tổ chức “Phiên chợ xuân 0 đồng” - tặng quà cho người lao động khó khăn và bệnh nhân

Mang hơi ấm tết vào bệnh viện

Ngày 19/1, một “Phiên chợ xuân 0 đồng” được tổ chức tại Học viện Cán bộ TPHCM với sự tham gia của đông đảo thân nhân, người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM và người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Bình Thạnh.

Ngày 21/1, một “Phiên chợ 0 đồng” khác được tổ chức ngay tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Theo kế hoạch, sẽ còn 2 “Phiên chợ 0 đồng” khác được tổ chức tại Bệnh viện quận Bình Thạnh (27/1) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (28/1). Dự kiến, các phiên chợ này sẽ phục vụ khoảng 500 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện nêu trên. Tham gia các phiên chợ này, bệnh nhân và người lao động khó khăn được nhận quà, bao lì xì chúc xuân và được đi chợ, lựa chọn mua hơn 20 mặt hàng với giá 0 đồng. 

Phiên chợ xuân 0 đồng mang niềm vui đến cho các bệnh nhi
Phiên chợ xuân 0 đồng mang niềm vui đến cho các bệnh nhi

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang - Phó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, đơn vị tổ chức các phiên chợ - cho biết, đây là năm thứ ba đơn vị tổ chức các “Phiên chợ xuân 0 đồng”. “Chương trình năm nay hướng về những người đang điều trị bệnh có hoàn cảnh khó khăn (không về nhà, về quê đón tết) tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM và Bệnh viện quận Bình Thạnh.

Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ các phần quà cho người lao động, sinh viên khó khăn tại Học viện Cán bộ TPHCM và 3 bệnh viện nêu trên. Chúng tôi mong muốn những phần quà này sẽ giúp bà con có một cái tết đầy đủ, ấm áp hơn” - tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang nói.

Được biết, thời gian qua, ban tổ chức đã nhận được hơn 3 tấn gạo, các nhu yếu phẩm với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, tại buổi khai mạc “Phiên chợ xuân 0 đồng”, các cá nhân, sinh viên, đơn vị tham dự cũng đã chung tay ủng hộ khoảng 25 triệu đồng. 

Bà Trần Huyền Trân - 63 tuổi, người lao động ở quận Bình Thạnh  - đến “Phiên chợ xuân 0 đồng” với mong muốn lựa được một món quà tết cho cháu mình
Bà Trần Huyền Trân - 63 tuổi, người lao động ở quận Bình Thạnh - đến “Phiên chợ xuân 0 đồng” với mong muốn lựa được một món quà tết cho cháu mình

Có mặt tại “Phiên chợ xuân 0 đồng” sáng 19/1, chị Thiên Vân - bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - cho biết 3 tháng trước, chị được chẩn đoán có 1 khối u trong não. Căn bệnh quái ác khiến chị đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Nghĩ đến ngày tết đang cận kề, chị u sầu vì không biết gia đình sẽ ra sao. “Sự quan tâm, sẻ chia của ban tổ chức “Phiên chợ xuân 0 đồng” khiến tôi cảm thấy ấm lòng và có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật” - chị Thiên Vân nói.

Bà Trần Huyền Trân - 63 tuổi, người lao động ở quận Bình Thạnh - cho biết, năm nay, kinh tế khó khăn nên gia đình bà cũng chưa biết sẽ mua sắm gì đón tết. Bởi thế, được mời đến dự “Phiên chợ xuân 0 đồng” bà rất vui. Ngoài được nhận bao lì xì, túi quà tết, bà Huyền Trân cũng nán lại “đi chợ” để lựa một bộ quần áo mới làm quà tết cho đứa cháu của mình. 

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang cho biết, niềm vui và hạnh phúc của bệnh nhân, người lao động khó khăn chính là động lực để Học viện Cán bộ TPHCM tiếp nối, duy trì các “Phiên chợ xuân 0 đồng”. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI