Những phát hiện thú vị ở bộ tộc mẫu hệ cổ xưa hơn 2.000 năm tại dãy Himalaya

22/11/2020 - 19:25

PNO - Dưới chân núi phía đông của dãy Himalaya có một bộ tộc được biết đến với cái tên "Tây lương nữ quốc" - nơi phụ nữ nắm mọi quyền hành trong gia đình còn đàn ông chỉ là những nhân vật thứ yếu.

Nép mình dưới chân núi phía đông dãy Himalaya hùng vĩ có một thung lũng là nơi nương náu của một trong những cộng đồng mẫu hệ hiếm hoi trên thế giới với hơn 2.000 năm tồn tại.

Người Mosuo là một bộ tộc đặc biệt theo chế độ mẫu hệ - Ảnh: Matador Network
Người Mosuo là một bộ tộc đặc biệt theo chế độ mẫu hệ - Ảnh: Matador Network

Sức khỏe phụ nữ có liên quan đến khả năng tự chủ 

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra rằng, phụ nữ thuộc chế độ mẫu hệ sinh sống trong cộng đồng bộ lạc Mosuo, một bộ lạc cổ xưa của Trung Quốc, có chỉ số huyết áp thấp hơn so với những cộng đồng do nam giới làm chủ gia đình với điều kiện sinh sống tương tự.

Ngoài ra, phụ nữ sống trong chế độ mẫu hệ còn có các protein gây viêm ở mức thấp, giúp họ tránh được nguy cơ mắc những căn bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim.

“Nghiên cứu của chúng tôi đã cho ra những bằng chứng rất sát với quan niệm: sự tự chủ và khả năng ra quyết định của phụ nữ có tác động tích cực đến sức khỏe của chính họ”, tiến sĩ nhân chủng học Siobhán Mattison - trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học New Mexico (Mỹ) - cho biết.

Tiến sĩ Mattison cũng ủng hộ giả thuyết cho rằng, nếu phụ nữ được chủ động hơn trong việc quyết định cuộc sống của mình, cũng như được trao quyền tiếp cận các nguồn lực thì họ sẽ giảm nguy cơ mắc những căn bệnh liên quan đến tinh thần như căng thẳng, trầm cảm...

Một phụ nữ người đang dệt vãi bên trong cửa hiệu của mình - Ảnh: Chien-min Chung/Getty Images
Một phụ nữ người Mosuo đang dệt vải bên trong cửa hiệu của mình - Ảnh: Chien-min Chung/Getty Images

Những phát hiện này của tiến sĩ Mattision giúp lý giải phần nào một thực tế rằng, phụ nữ nói chung thường có xu hướng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các vấn đề về sức khỏe hơn nam giới, mặc dù “phái đẹp” thường có tuổi thọ cao hơn cánh mày râu.

Bộ tộc người Mosuo hiện có 2 nhóm người đang cùng tồn tại. Đây chính là điều kiện lý tưởng giúp bộ phận nghiên cứu có cơ hội thực hiện đánh giá của mình một cách thuận lợi.

Nhóm nghiên cứu đã lấy cỡ mẫu là một nửa người dân ở cả 2 ngôi làng khác nhau - nơi có phụ nữ và đàn ông làm chủ gia đình. Có 400 phụ nữ được lấy mẫu máu để tiến hành phân tích chất có tên là Protein phản ứng C (CRP), vốn là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm. Gần 1.000 chỉ số huyết áp cũng đã được xem xét. 

Kết quả cho thấy, những cộng đồng nơi đàn ông làm chủ gia đình thì có 8% phụ nữ có biểu hiện viêm mãn tính và 33% có huyết áp cao. Với những ngôi làng nơi có chế độ mẫu hệ thì tỷ lệ tương ứng là 4% và 26%.

Ngược lại, đàn ông đang sống dưới chế độ mẫu hệ có tình trạng sức khỏe vẫn “ổn” như khi họ là những người làm chủ gia đình.

Phụ nữ theo chế độ mẫu hệ thuộc bộ tộc Mosuo được cho là có điều kiện sức khỏe tốt hơn so với phụ nữ ở các xã hội truyền thống - Ảnh: Anthony Kuhn/NPR
Phụ nữ theo chế độ mẫu hệ thuộc bộ tộc Mosuo được cho là có điều kiện sức khỏe tốt hơn so với phụ nữ ở các xã hội truyền thống - Ảnh: Anthony Kuhn/NPR

“Ở những xã hội với cấu trúc gia đình nơi người đàn ông đóng vai trò trụ cột với hầu hết nguồn lực do họ quản lý thì vai trò và vị thế của phụ nữ bị xem nhẹ. Do bị giới hạn quyền được tiếp cận và quyết định nguồn lực, phụ nữ trở nên là đối tượng yếu thế, và điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của họ”, nghiên cứu cho biết.

“Ngược lại, ở những xã hội vận hành theo chế độ mẫu hệ nơi phụ nữ được trao quyền quản lý và phân phối nguồn lực trong gia đình thì tình trạng sức khỏe của phụ nữ tốt hơn hẳn nhóm phụ nữ bên kia”.

Những đứa trẻ đều mang họ mẹ

Được biết đến như là “Tây lương nữ quốc” thời hiện đại, bộ tộc đặc biệt này được các nhà nghiên cứu mô tả như là “một xã hội đặc thù của loài người, nơi thiếu vắng vai trò của những người chồng, người cha”.

Nhiều tài liệu nhận xét rằng, nam giới thuộc bộ tộc này ngoài đảm đương những công việc nặng nhọc thì họ có rất ít vai trò trong quá trình nuôi dạy con cái hoặc tham gia quyết định các vấn đề trong gia đình lẫn ngoài cộng đồng.

Phụ nữ Mosuo có đặc quyền tự do lựa chọn bạn tình cho mình. Đàn ông chỉ được phép đến ngủ lại qua đêm trong phòng cùng cô gái, và phải rời đi trước khi trời sáng - Ảnh:
Phụ nữ Mosuo có "đặc quyền" tự do lựa chọn bạn tình cho mình. Đàn ông chỉ được phép đến ngủ lại qua đêm trong phòng cùng cô gái, và phải rời đi trước khi trời sáng - Ảnh: KKNews

Nơi này có một tập tục đặc trưng mang tên "hôn nhân đi bộ" (Walking marriage); theo đó, nam giới không được phép ở chung nhà với người phụ nữ là bạn tình của mình. Phụ nữ là người quyết định chọn ai làm “người tình qua đêm” và cho phép người đàn ông may mắn kia có được đặc quyền đến nhà mình ngủ chung, nhưng hôm sau phải rời đi trước khi bình minh ló dạng.

Tờ The Guardian mô tả lại rằng, người đàn ông được lựa chọn sẽ tới nhà bạn gái vào ban đêm và treo mũ trước cửa phòng ngủ của cô gái để thông báo cho những người khác biết về sự hiện diện. Mối quan hệ này thường không công khai, và tồn tại chỉ sau một đêm hoặc có thể dài hơn, nhưng họ không sống chung theo kiểu vợ chồng gắn bó lâu dài. 

Vai trò của người đàn ông trong cộng đồng người Mosuo rất mờ nhạt - Ảnh: Yunnan Exploration
Vai trò của người đàn ông trong cộng đồng người Mosuo rất mờ nhạt - Ảnh: Yunnan Exploration

Những đứa trẻ được sinh ra ở đây đều mang họ mẹ và được nhà ngoại nuôi dưỡng mà không cần phải quan tâm đến việc ai là cha. Người đàn ông thuộc bộ tộc mẫu hệ không được gắn trách nhiệm làm cha; thậm chí nhiều phụ nữ Mosuo cũng không biết cha của con mình là ai và họ xem đó là điều bình thường.

Nguyễn Thuận (theo Times, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI