PNO - 7g30 ngày 12/8, trước cửa Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, nhiều người ngồi vật vờ chờ làm thủ tục nhận trợ cấp. Dù đã áp dụng hình thức gửi hồ sơ qua bưu điện để phòng dịch COVID-19 nhưng ngày nào cũng có cả ngàn người thất nghiệp tìm đến đây.
“Suốt 10 năm qua, vào đợt có nhiều người thất nghiệp nhất, trung tâm cũng chỉ tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ/ngày. Thế nhưng, trong tháng Năm vừa qua, có nhiều ngày, chúng tôi tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ/ngày” - một cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho hay.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm hướng dẫn làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp
Trẻ, già cùng cảnh ngộ
Ngồi vật vạ ở hàng ghế chờ nhận trợ cấp thất nghiệp, chị Ngọc Nữ - 25 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp - cho biết, do thất nghiệp nhiều tháng qua nên chị gần như bị trầm cảm. Đang làm công nhân may ở quận 12 với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng, khi dịch COVID-19 ập đến, chị Nữ và hàng trăm công nhân khác của công ty bị mất việc làm. Sau biến cố đó, chị Nữ dắt con nhỏ về quê với hy vọng tìm được việc làm khác nhưng không tìm được việc gì nên hai mẹ con lại dắt díu nhau lên Sài Gòn. Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền có thể giúp mẹ con chị vượt qua khó khăn trước mắt.
Sáng sớm, bà Khánh Hoa - 49 tuổi, quê tỉnh An Giang - bắt xe ôm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Mấy năm qua, công việc tạp vụ ở một khách sạn tại quận 1 giúp bà có một khoản thu nhập ổn định để nuôi con. Dịch bùng phát, khách sạn không có khách, phải cắt giảm nhân sự. Bà Hoa nằm trong số năm nhân viên của khách sạn bị mất việc đợt cuối tháng 4/2020. “Không trách chủ khách sạn được. Dịch bệnh nên họ gần như phá sản, mà nuôi mình nữa thì tiền đâu ra” - bà Hoa thở dài.
Hồi mới mất việc, bà Hoa cũng chạy đi mấy nơi kiếm việc làm. Khổ nỗi, người mất việc thì nhiều, công việc lại ít, nhà tuyển dụng chỉ ưu tiên lựa chọn lao động dưới 35 tuổi. Bao nhiêu lần gửi hồ sơ cũng là bấy nhiêu lần bà thất vọng. Hết cách, bà Hoa đành phải làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp với hy vọng kiếm thêm ít đồng trang trải trong những ngày dịch bệnh.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Bình - 48 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp - cũng thường xuyên mất ngủ do không có việc làm. Mấy năm trước, túng quá, gia đình bà bỏ quê đến TPHCM kiếm sống. Ba năm nay, cuộc sống tạm ổn khi bà kiếm được một công việc ở công ty với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng. Chồng bà (tên Hòa) cũng được một người đồng hương nhận vào làm việc với mức lương 9 triệu đồng/tháng. 16 triệu đồng, với một gia đình bốn người ở TPHCM cũng chỉ tạm đủ.
Dịch COVID-19 xảy ra, cả bà Bình và ông Hòa đều mất việc. Ông Hòa quay sang làm chân “chạy hàng” kiếm tiền đi chợ. Bà Bình ngày nào cũng đảo sang mấy công ty xin việc nhưng không ai nhận. Bà định nhận tiền trợ cấp tháng này rồi mượn thêm một ít nữa để mua chiếc xe máy theo chồng chở hàng. “Đói thì hai đầu gối phải bò. Chạy hàng cực lắm, nhưng cũng phải làm chứ biết làm sao” - bà Bình tâm sự.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, những năm trước, tháng nhiều nhất, trung tâm cũng chỉ tiếp nhận 18.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm nay, trong tháng Năm, sau đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất, trung tâm tiếp nhận đến 26.678 hồ sơ. Những con số này phần nào đã lột tả được mức độ thảm khốc của “cơn bão” mất việc đang tràn qua TPHCM.
Lao động tự do và người bán hàng rong là đối tượng yếu thế trong đại dịch
Lao động tự do chới với
Dưới cái nắng trưa rát mặt, bà Nguyễn Thị Xuân - trên 40 tuổi, quê huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - vẫn len lỏi vào những con hẻm ngoằn ngoèo, vắng vẻ ở TPHCM. Chốc chốc, bà dừng lại giật sợi dây để xốc lại tấm bảng hình chữ nhật lớn treo đủ thứ đồ đạc để đôi vai dễ chịu hơn. Tấm bảng hình chữ nhật có sợi dây đeo vai là dấu hiệu để nhận ra những người đi bộ bán hàng rong mà nhiều người hay gọi là “nghề đi bộ”. Bà Xuân mới trở lại TPHCM chừng hai tháng sau đợt về quê tránh dịch hồi cuối tháng Tư. Nay lại xảy ra đợt dịch COVID-19 lần hai, việc buôn bán của bà Xuân lại ế ẩm.
Mấy ngày nay, có ngày, bà Xuân đi bộ qua mấy chục tuyến đường nhưng chỉ bán được chưa tới 100.000 đồng. Giờ về quê cũng chẳng được, ở lại thì chưa biết sẽ ra sao. Bà định cố bán hết đợt hàng lần này rồi đi tìm việc gì đó để làm chứ thu nhập thế này thì chưa đủ tiền thuê trọ, nói gì đến việc gửi tiền về quê nuôi con. “Có bà chị đồng hương ở huyện Hóc Môn nghe tôi khổ quá nên rủ tôi qua đó, đi theo xe rác dân lập. Hơn 10 năm làm nghề này rồi, giờ theo xe rác, không biết có bền không, nên tôi phân vân” - bà Xuân buồn bã.
Bà Nguyễn Thị Lời - 51 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi, bám trụ với “nghề đi bộ” ngót 15 năm - cũng đang muốn bỏ nghề. Bà vào nghề từ cái thời mà đi mỏi chân khắp quận 10 cũng chỉ tìm được mỗi một siêu thị. Khi ấy, người ta sẵn sàng ngồi quán, chờ mua cái bấm móng tay, bình xăng cho hộp quẹt Zippo từ những người bán dạo. Bây giờ, siêu thị lớn nhỏ mọc lên như nấm. Cái “nghề đi bộ” xem ra cũng đã lỗi thời. Buôn bán đã khó, lại còn gặp dịch bệnh nên càng khó thêm. Cả tuần nay, bà “rẽ ngang” sang nghề bán vé số. “Cứ bán đại vài tuần xem sao, nếu không ổn là tôi về quê luôn chứ trụ ở Sài Gòn không nổi rồi” - bà Lời bộc bạch.
Ngồi đợi khách, nghe nồi hủ tíu sôi sùng sục gần hai giờ mà chưa có khách nào ghé vào, ông Tạ Văn Ngọt - quê huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - chậc lưỡi: “Chắc mai dẹp, nghỉ”. Ông Ngọt cho hay, do dịch COVID-19 nên gia đình ông nán lại quê suốt từ tết và chỉ mới vào lại TPHCM chừng hai tháng nay. “Tiền nhà hai tháng qua còn chưa kịp trả, vậy mà dịch quay lại nữa” - ông Ngọt chua chát.
Ông nói thêm: “Hiện giờ, TPHCM vẫn cho buôn bán bình thường, nhưng khách người ta ngại đến quán xá lề đường nên ế dữ lắm. Ở quê cũng đang dịch bệnh, người thất nghiệp ngoài đó cũng nhiều nên về cũng không biết làm gì”.
Theo ông Ngọt, nếu làm việc ở công ty, khi nghỉ việc thì có chế độ trợ cấp, hoặc chí ít cũng được lãnh trợ cấp thất nghiệp, còn những người lao động tự do như ông thì “làm ngày nào, xào ngày đó”, khi gặp biến cố chẳng biết xoay xở thế nào. Khi được hỏi về gói hỗ trợ của Chính phủ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Ngọt cho biết, khi nhà nước triển khai làm hồ sơ thì ông đang tránh dịch ở quê; hết đợt dịch thứ nhất, ông quay lại TPHCM thì đã hết hạn làm hồ sơ.
“Bây giờ, chỉ mong sao cho mau hết dịch chứ bán kiểu này mà kéo dài thêm vài ngày nữa chắc tôi cũng phải dẹp. Mà dẹp nghỉ thì không biết làm gì để sống” - ông Ngọt chán nản.
Những con số kỷ lục về thất nghiệp
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II, cả nước có khoảng 1,3 triệu người thất nghiệp.
Tại TPHCM, trong sáu tháng đầu năm 2020, có 327.000 lao động nghỉ việc theo diện chấm dứt hợp đồng, nghỉ việc không lương hoặc có hưởng lương cơ bản. Trả lời báo chí, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TPHCM - cho biết, dự báo tới tháng Chín, sẽ có khoảng 4.000 doanh nghiệp ở TPHCM cắt giảm tổng cộng 120.000 lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, trong bảy tháng đầu năm 2020, TPHCM có 103.239 người nhận trợ cấp thất nghiệp và con số này tăng lên từng tháng kể từ tháng 4/2020.
TPHCM đã hỗ trợ hơn 514.000 đối tượng
Theo báo cáo của UBND TPHCM, đến hết tháng 7/2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã hỗ trợ cho 514.028 đối tượng với số tiền 563,671 tỷ đồng (đạt 95,23%). Trong đó, sở đã hỗ trợ 190.173 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, có hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc, với số tiền 189,85 tỷ đồng. Sở cũng hỗ trợ 55.910 người lao động làm việc theo hợp đồng lao động nhưng phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương, với tổng số tiền 56,569 tỷ đồng.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.