Tìm lời giải cho quy hoạch “treo” từ cơ chế mới - Bài 1:

Những phận đời “treo” theo quy hoạch

10/07/2023 - 06:59

PNO - TPHCM có nhiều dự án “treo” hàng chục năm gây lãng phí đất đai, làm xấu bộ mặt đô thị và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Chuyên gia và người dân kỳ vọng, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được thông qua sẽ giúp thành phố tìm được lời giải cho bài toán khó này.

Bà Thu - ở khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 - nói: “Khi tôi về đây ở tạm, con gái tôi 1 tuổi, nay con của nó vô đại học rồi mà dân cả khu này vẫn sống cảnh tạm bợ”. Bà Sang - ở khu Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh - cùng tâm sự: “Khi tôi lớn lên, khu này đã được quy hoạch làm dự án, giờ tôi lên chức bà ngoại mà nhà vẫn nằm trong diện quy hoạch”. 

Sống mòn mỏi trong khu ổ chuột

Đang đứng trước cửa, thấy người quen hướng về phía nhà mình, bà P.T.Thu (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) lật đật bước ra, xếp gọn lại mấy chiếc xe máy dựng dọc con hẻm có bề rộng chỉ 1m. Loay hoay mãi với chiếc xe “tiến không được, lùi cũng không xong”, bà Thu đành lên tiếng cầu cứu cậu trai nhà hàng xóm. 

Nhà chật hẹp nên người dân khu Mã Lạng phải mang bếp ra hẻm nấu nướng - ẢNH: THU LÊ
Nhà chật hẹp nên người dân khu Mả Lạng phải mang bếp ra hẻm nấu nướng - Ảnh: Thu Lê

Yên tâm vì xe đã có chỗ, bà Thu quay vào trong nhà, xếp vội các vật dụng để có chỗ cho khách ngồi. Trong nhà, 2 chiếc xe máy, gần như chiếm hết nửa căn nhà nên cả bà và khách đều ngồi bệt trên sàn, nép sát vào tường để chừa lối ra vô. Giống như phần lớn nhà cửa ở khu Mả Lạng, nhà bà không có bàn ghế, chỉ có chiếc bàn nhỏ xíu được bung ra mỗi bữa ăn hay khi có khách. Bình thường, chiếc bàn được gấp gọn, dựng vào tường.

Căn nhà 15m2 của bà Thu hiện có 9 nhân khẩu. Bà kể, năm 1982, cả nhà bà đi kinh tế mới ở tỉnh Tây Ninh về, lang thang không có chỗ ở thì được cấp cho 3m ngang trong khu Mả Lạng này để định cư vì khi đó, gia đình bà có 6 nhân khẩu. Những nhà có 5 nhân khẩu trở xuống chỉ được cấp 1,5m ngang. Bấy giờ, ai cũng nghĩ chỉ ở 1-2 tháng thì giải tỏa nên không dám xây cất kiên cố, chỉ làm nhà tạm bằng mái tôn, vách bồ (hom tre đan thành liếp như kiểu đan bồ lúa) và để nền đất, chờ ngày tái định cư. 
Sau 1-2 tháng, rồi đến 1-2 năm vẫn không thấy gì, bà Thu đi mót dầu hắc người ta làm đường dư bỏ lại, lượm vỏ nghêu, sò, ốc, hến, xà bần về thả dưới nền nhà rồi rải dầu hắc lên trên. Không ai dám tráng xi măng vì sợ giải tỏa, uổng tiền. “Khi cô về đây ở, con gái cô vừa hơn 1 tuổi mà nay nó đã ngoài 40, con học đại học rồi” - bà Thu cám cảnh. 

Mấy chục năm qua, quy định xây cất đối với khu Mả Lạng không thay đổi: chỉ cho phép sửa theo hiện trạng (nhà 1 tầng thì giữ đúng 1 tầng) trong khi nhân khẩu trong mỗi ngôi nhà cứ tăng thêm. Khi vào đây ở, nhà bà Thu có 6 người, gồm mẹ bà, chị gái bà, vợ chồng bà cùng 2 đứa con gái. Khi 2 đứa con gái lấy chồng, 2 chàng rể đều về đây ở, bà lần lượt có thêm 4 đứa cháu ngoại. 

Bà Thu lắc đầu: “Người cứ “té ra” (tăng thêm) mà đất chỉ có nhiêu đó, không nở thêm được thì phải lén lên tầng, không lên thì làm sao “té ra” phòng, ở cho đủ. Hơn 40 năm, tôi sửa mười mấy lần rồi, cứ mỗi lần lén lút làm một chút, từ vách bồ qua dùng tôn rồi xây xi măng. Con càng lớn thì càng chật chội, phải nối cái gác rồi thêm gác nữa. Hồi đó, cái móng chỉ là 2 cục gạch thẻ nên giờ mà mở cái vách ra là toàn bộ căn nhà sập xuống”.

Cảm giác không phải nhà mình

Mặc dù sống cảnh chật chội, tạm bợ mấy chục năm, nhưng hầu hết người trong khu Mả Lạng này đều không muốn định cư nơi khác, bà Thu cũng vậy. Do đó, khi nghe tin chính quyền thành phố thu hồi dự án, bà rất mừng vì còn có cơ hội được ở lại Mả Lạng dù chưa biết sẽ được ở thêm bao lâu. Nhìn quanh căn nhà mà mình gắn bó hơn 40 năm, bà Thu trìu mến nói: “Ở đây thuận tiện đi lại. Mấy đứa con tôi, rể tôi làm ở quận 7, quận 8, Bình Thạnh đều đi lại gần vì mình ở giữa”. 

Dù ở trong “khu ổ chuột” nhưng phần lớn người dân Mả Lạng vẫn mong được Nhà nước bán hóa giá nhà với mức giá vừa phải để họ được an cư - ẢNH: THU LÊ
Dù ở trong “khu ổ chuột” nhưng phần lớn người dân Mả Lạng vẫn mong được Nhà nước bán hóa giá nhà với mức giá vừa phải để họ được an cư - Ảnh: Thu Lê

Theo bà Thu, nếu thu hồi dự án, cho sửa nhà, bà sẽ sửa lại cho tươm tất vì dù gì cũng rẻ hơn so với đi chỗ khác mua đất, mua nhà: “Vậy chớ ở đây chưa bao giờ bị ngập. Nhà có 5 chiếc xe, tối toàn để ngoài đường. Hàng xóm chạy SH mới cáu cũng để ngoài đường vì nhà không có chỗ dắt vô. Nhà ai cũng nhỏ, mà trộm cũng không dám vô vì hẻm chật, nhà 2 bên sát nhau. Người lạ bước vô khu Mả Lạng này là người ta biết hết”.

Cẩn trọng bước xuống từng bậc thang thẳng đứng dẫn lên căn gác, chị H. - con gái bà Thu - tiếp lời: “Nghe phong phanh được ở lại, dân ở đây mừng lắm. Nếu giải tỏa, đền bù cũng chẳng biết đi đâu. Lâu nay phập phồng, sửa nhà thì tiếc tiền vì không biết ở được bao lâu, nên cứ vá víu. Mà chưa an cư thì làm gì cũng thấy không yên”. Theo chị H., dự án bị thu hồi thì chắc còn lâu mới có dự án khác, nên người dân yên tâm hơn. Vả lại, ở đây, nhà nào cũng nhỏ nên có bán cũng không ai dám mua, cũng không đủ tiền để mua nhà ở nơi khác.

Bà Lê Thị Xuân Ngọt - ở nhà kế bên - góp chuyện: “Tui nghĩ cũng phải 99% người dân Mả Lạng muốn ở lại khu này. Nếu giải tỏa, mang tiền đền bù ra ngoài thuê mướn cũng 1-2 năm là hết. Do đó, nếu Nhà nước bán hóa giá thì ai cũng ráng nhịn ăn, xoay xở để mua, không có tiền liền thì góp vài chục năm. Chỉ có vậy mới yên tâm là nhà của mình, để tự tin sửa sang”.

Bà Ngọt cho biết, căn nhà 10m2 này được bà mua lại, tính bằng vàng. Thế nhưng, nhiều năm qua, bà vẫn chưa có cảm giác đây là nhà của mình. 7 người trong gia đình bà chen chúc nhau nhưng chưa bao giờ có bữa cơm chung do không đủ chỗ để ngồi. 
Thế nhưng, bà không cho rằng như vậy là bất tiện: “Tui thấy thoải mái lắm. Ngoài chật hẹp ra thì khu này ổn định, tối để xe dài dài ngoài đường mà không có trộm cắp gì hết trơn. Tổ này đồng lòng lắm, người lạ vô là người ta dòm ngó liền, cháy thì cả xóm cùng dập lửa. Giờ nếu được Nhà nước cho phép xây cất, sửa sang lại thì điều kiện sinh hoạt hằng ngày sẽ cải thiện”.

Có đất nhưng chỉ để nhìn

Đến bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) vào buổi sáng, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà lụp xụp, um tùm cỏ dại, đường sá gập ghềnh, nhếch nhác. Từ hơn 30 năm trước, nơi đây đã được quy hoạch để trở thành khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Sống giữa thành phố hiện đại nhưng ông Sơn phải tự cắt lá dừa làm mái nhà do nhà nằm trong dự án “treo” Bình Quới - Thanh Đa,  không được xây dựng, sửa chữa - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Sống giữa thành phố hiện đại nhưng ông Sơn phải tự cắt lá dừa làm mái nhà do nhà nằm trong dự án “treo” Bình Quới - Thanh Đa, không được xây dựng, sửa chữa - Ảnh: Nguyễn Quang

Nằm sát trung tâm TPHCM nhưng do quy hoạch “treo” suốt hơn 30 năm qua, bán đảo Thanh Đa như một miền quê với những khu đất bị bỏ hoang. Phần lớn người dân sống ở đây vẫn lam lũ với nghề trồng lúa, trồng dừa, chăn bò, nuôi cá… Hầu hết nhà cửa đều hư hỏng, xuống cấp nặng nhưng do nằm trên đất quy hoạch nên không thể mua bán hay xây, sửa. 

Dẫn chúng tôi men theo con đường mòn vào nhà, bà Nguyễn Thị Mùi (68 tuổi) kể, gia đình bà mấy đời bám trụ ở đây. Bà thấy các địa phương khác ngày càng mọc lên nhiều công trình hiện đại, riêng bán đảo Thanh Đa vẫn hoang vu: “Gia đình tôi có 3 thế hệ, hơn 8 người cùng sống trong ngôi nhà cấp 4 đã mục nát từ lâu mà không dám chi tiền sửa chữa hay xây thêm căn khác cho các con ra riêng, chỉ vì 2 chữ quy hoạch”. 

Nói về dự án “treo” này, bà Nguyễn Thị Ngọc Sang - hàng xóm của bà Mùi - ngậm ngùi: “Khi tôi lớn lên, đã biết khu này nằm trong vùng quy hoạch, nhà không được xây sửa, nâng cấp. Tôi lần lượt sinh con rồi giờ đã có cháu ngoại, nhà vẫn nằm trong vùng quy hoạch”. 

Càng đi vào sâu bên trong bán đảo, chúng tôi thấy mênh mông cỏ, rác. Ông Nguyễn Khắc Long (65 tuổi) vừa cho bò ăn cỏ, vừa than: “Mang tiếng là sinh sống ở thành phố sầm uất mà nhìn lại không khác gì vùng sâu vùng xa. Nhà cửa thì lụp xụp, xin xây, sửa gì cũng không cho. Tui vẫn phải chăn bò để sống, nhưng muốn làm thêm chuồng để tăng đàn cũng xin phép trầy trật lắm”. 

Ông Long dẫn chúng tôi ra xem chuồng bò được che gác tạm bằng những thanh gỗ mục như chực sập bất cứ lúc nào. Ông cho biết, đã đến UBND phường xin phép xây chuồng khác kiên cố hơn cho yên tâm nhưng chờ 4 năm nay, vẫn chưa được cho phép.

Ông Long nói: “Người dân ở đây ai cũng biết quy hoạch thành khu đô thị sẽ giúp cuộc sống tốt hơn, đất nước phát triển hơn. Nhưng quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa 30 năm rồi mà chưa thấy nhúc nhích gì, chỉ thấy cuộc sống người dân khổ càng thêm khổ. Quy hoạch thì cũng phải có hướng mở cho người dân làm ăn, sinh sống chứ”.

Trong hình dung của ông Long, nếu không bị quy hoạch kéo dài thì giờ này, chắc khu Bình Quới - Thanh Đa đã sầm uất không khác gì khu Thảo Điền ở TP Thủ Đức. Hướng mắt nhìn sang cuộc sống của người bên kia sông với đường sá khang trang, nhà cửa hiện đại, ông nói, người dân nơi đây chưa bao giờ thôi mơ được xóa quy hoạch “treo” để được sống đúng nghĩa là cư dân của đô thị lớn nhất nước. 

1.424 căn nhà bị “treo” 23 năm

Trước năm 1975, khu Mả Lạng - còn được gọi là tứ giác Nguyễn Cư Trinh - là khu nghĩa địa. Sau này, nghĩa địa được di dời, nơi đây thành khu tái định cư cho những người đi kinh tế mới trở về. Hiện khu này có hơn 530 ngôi nhà có diện tích dưới 20m2, phần lớn đã xuống cấp.

Từ năm 2000, UBND TPHCM có chủ trương giải tỏa 6,8ha khu Mả Lạng nhằm chỉnh trang đô thị và giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai, nhưng không làm được. Năm 2007, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để xây khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại với dự kiến giải tỏa 1.424 căn nhà, bắt đầu di dời, tái định cư từ tháng 6/2018. Tuy nhiên, dự án tiếp tục bị “treo”.

Ngày 17/3, UBND TPHCM họp, nhất trí dừng chủ trương đầu tư dự án khu phức hợp, trung tâm thương mại này, giao UBND quận 1 sớm thu hồi các văn bản thu hồi đất cho dự án này. Theo UBND quận 1, sau khi thu hồi dự án, một số quyền lợi của người dân sẽ được khôi phục như trước khi có dự án, gồm mua bán, cho tặng, thừa kế, cầm cố… nhưng bị hạn chế xây mới.

31 năm, dự án vẫn nằm trên giấy

Dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt vào năm 1992. Đến năm 2004, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi, giao đất cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư nhưng vì nhiều lý do, dự án không thể triển khai. Sau đó, UBND TPHCM giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nhưng dự án tiếp tục bị “bỏ quên”. 

Mãi đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó thời gian xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Giữa năm 2017, UBND TPHCM thông báo Công ty Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án và UBND TPHCM đã có văn bản xin Chính phủ chấp thuận cho Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án này.

TPHCM có trên 350 dự án “treo” 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng TPHCM, trong giai đoạn 2016-2022, TPHCM có 1.532 dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bao gồm các dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của tư nhân và các dự án đầu tư công. 

Trong số đó, có 451 dự án đã hoàn thành (chiếm 29,4%), 703 dự án đang triển khai (chiếm 45,9%), 357 dự án (chiếm 24,7%) quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện (dự án “treo”) và phần lớn là dự án đầu tư công do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng, chủ yếu là do vướng mắc về phương án giá bồi thường. 

Trong số 703 dự án thuộc diện đang triển khai (dự án không thuộc trường hợp bị thu hồi), có khoảng 143 dự án bị vướng mắc pháp lý nên chưa thực hiện được, chỉ thực hiện được một phần hoặc phải tạm dừng dự án.

Thu Lê - Bích Trần

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI