Những phận đời "du mục'' giữa Sài Gòn

18/10/2020 - 09:28

PNO - Có những mảnh đời chọn sống dưới gầm cầu bởi cần chỗ neo đậu trong suốt hành trình rày đây mai đó của kiếp nghèo… nhưng có người đơn giản chỉ muốn gần sông nước, để “coi con nước lớn nước ròng”.

Con gái được 13 tuổi, ông Nguyễn Văn Đực (70 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) cũng có ngần ấy năm neo lại dưới chân cầu Rạch Bàng 2 (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM). Thương con gái, ông Đực mới bám trụ vùng đất đô thị bấy nhiêu năm.

Chớ cái thuở còn thong dong, không con bé mọn, ông rong ruổi từ Mũi Cà Mau đến thác Trị An, qua luôn Campuchia mưu sinh. Chỗ nào có nước, có đất, ông Đực đều sống được, nhưng mỗi một nhẽ, ông không có nhà. Đến đâu, tùy chỗ ở, tùy phương tiện, ông lại có nghề khác nhau. Có cua bắt cua, có cá bắt cá, không bắt cá, bắt cua, ông Đực lại bán vé số, nuôi vịt gà.

Sau khi lo cho 5 đứa con của người vợ đã khuất yên bề gia thất, ông “rù quến” được người đàn bà đơn thân theo mình. Thế là ông thỏa chí ngao du. Vậy mà, tới Sài Gòn, bà vợ mới cấn bầu, ông Đực tuổi xấp xỉ 60. Châm điếu thuốc, ngồi ở mui ghe, ông suy tính: “Thôi thì, Sài Gòn neo đậu lo tiếp cho đứa nhỏ sắp chào đời”.

Ông Đực ngồi trên ngôi nhà tự chế từ chiếc ghe cũ, kể lại chuyện rày đây mai đó
Ông Đực ngồi trên ngôi nhà tự chế từ chiếc ghe cũ, kể lại chuyện rày đây mai đó

Vậy là, ông Đực biến chiếc ghe vừa làm nhà, vừa làm cần câu kiếm cơm. Ngày ngày, ông chèo ghe dọc kênh rạch chài lưới, tối về tấp vô chân cầu Rạch Bàng 2 neo đậu. Ông cười: “Đi đâu thì đi, tối phải về một chỗ cố định, đặng khi nào trúng gió chết, người dưng còn biết mà đem chôn giùm”.

Con gái chào đời, ông Đực đặt cho cái tên Diễm My. 13 năm Diễm My lớn khôn, 13 năm ông Đực tất tả nghĩ đủ phương kế mưu sinh, lo cho mái ấm nhỏ dưới chân cầu. Cá, tôm ít dần, ông chuyển qua bán vé số, ngày kiếm được hơn trăm ngàn đồng, cũng đủ đắp đổi. Nhưng, Diễm My phải được đi học. Bởi, “cha dốt, mẹ dốt, con cũng dốt luôn thì chỉ có nước vô chùa mà sống”, ông Đực nghĩ.

Thương con gái nhỏ, ông Đực quyết tâm neo đậu Sài Gòn, cho con học chữ
Thương con gái nhỏ, ông Đực quyết tâm neo đậu Sài Gòn, cho con học chữ

Biết hoàn cảnh của vợ chồng ông Đực, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm tận tình hỗ trợ. Cán bộ địa phương động viên vợ chồng ông cố gắng mưu sinh, vài ngày lại mạng gạo, mì, nước mắm, một ít tiền… đến thăm. Diễm My được làm khai sinh, được tạm trú để đi học. Mùa dịch vừa rồi, ông Đực không đi bán vé số, cán bộ gõ cửa “tiếp tế” nhu yếu phẩm, tiền bạc. Gia đình mừng rơn, cảm ơn cũng không hết cái tình, cái nghĩa.

Đổi lại, ông Đực giữ gìn vệ sinh khu vực, trông chừng an ninh trật tự. Chỗ ở của gia đình không có miếng rác, không mùi hôi như bao gầm cầu khác.

Nhà hảo tâm cho tiền để ông Đực “thiết kế” lại chiếc ghe, làm nhà nổi, căn gác nhỏ trên mái ghe cho Diễm My thuận tiện sinh hoạt. Vợ ông Đực được cho bàn ghế nhựa, mở quán nước vỉa hè ngay cạnh cầu Rạch Bàng. Nhưng, việc buôn bán cũng không khấm khá. Có ngày, bà chỉ bán được 2 chai nước mà mất hết 20.000 đồng tiền vốn mua nước đá.

Vậy mà, ông Đực nghĩ thoáng lắm. Ông cười hể hả, động viên vợ: “Mình nghèo do số của mình, không ai làm mình ra như vậy cả. Chính quyền giúp đỡ đến từng ấy đã là có lòng quan tâm. Dịch dã, nhà giàu còn đói hơn cả mình, có phải một mình nhà của mình khổ đâu”.

Được chồng động viên, mấy bữa mưa dầm, bà Vĩnh, vợ ông Đực cũng ráng buôn bán kiếm thêm. Bà mặc áo mưa đứng dưới tán cây, mái che tạm bợ chờ khách. Biết đâu, trong cơn giông, ai đó ghé mua gói thuốc, chai nước mang đi, bà có ít đồng đi chợ nấu cơm.

“Hổm rày, mưa tạt, chắc Diễm My lạnh, người ta mới cho tiền, tôi chuẩn bị mua bạt nhựa phủ lại cái ghe. Lo cho Diễm My thôi, chứ tôi ngủ cái mùng như mùng heo cũng không sao. Giờ, người ta cho vàng bạc, châu báu, tôi không ham bằng cho hơi thở, vui cười. Tôi không biết có sống nổi để lo cho Diễm My không nữa”, ông Đực nói với vợ.

Than thở vài lời với bà vợ chỉ biết nhe răng cười, ông Đực quay ra càm ràm đám chuột. Người ta cho được mấy trăm, ông lấy tiền mua chục con vịt về nuôi, định bụng tết mần thịt ăn. Vậy mà, một đêm tới sáng, chuột quần nát, ăn chỉ còn 5 con, ông Đực lại lui cui làm bẫy.

Bà Vĩnh ngồi dầm mưa trông chừng quán nước sát chân cầu
Bà Vĩnh ngồi dầm mưa trông chừng quán nước sát chân cầu

Ở một đoạn sông khác, dưới gầm cầu Bà Bướm (phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM), chị Phạm Thị Thanh Thúy (sinh năm 1989, quê tỉnh An Giang) lẫy ghe vào đám ô rô, neo đậu suốt 5 năm qua. Chui ra từ mái ghe ẩm thấp cùng con mèo đen bầu bạn bấy lâu, chị run lên trong tiết trời mưa lạnh. Chị Thúy ốm nhách, đen đúa, yếu ớt, run run khi trò chuyện. Lâu rồi, không có ai hỏi thăm chuyện nhà chị ngoài bà con sống tạm bợ ở chân cầu Bà Bướm.

Chiếc ghe của vợ chồng chị Thúy neo dưới chân cầu Bà Bướm đã 5 năm qua
Chiếc ghe của vợ chồng chị Thúy neo dưới chân cầu Bà Bướm đã 5 năm qua

Chị len mình qua đám ô rô nhiều gai nhọn, men theo miếng ván lót dưới nền đất bùn sình, bước lên khoảng đất dưới gầm cầu, ngồi xuống một chiếc võng được giăng sẵn. Nhìn theo những hạt mưa xiên ngang, chị Thúy nhớ 2 đứa con với người chồng trước. Hai đứa nhỏ đang được bà nuôi dưỡng ở miền quê nào đó của tỉnh An Giang. Còn chị, từ hồi ôm hành lý lên xe khách đến TPHCM với hy vọng đổi đời, con đường về quê ngày một dài thêm.

Quen và sống với người chồng mới, đời chị Thúy cũng chẳng có phép màu để sang trang. Anh chỉ có mỗi nghề đặt dớn, chài lưới dưới những con rạch ven Sài Gòn. Chị theo anh xuống ghe, rong ruổi. Cá, tôm ít dần theo con nước, anh lên bờ làm thợ hồ, chị lủi thủi dưới ghe, cơm nước chờ chồng về.

Chị Thúy ngại ngùng đứng nép sau mái lá của chiếc ghe
Chị Thúy ngại ngùng đứng nép sau mái lá của chiếc ghe

“Anh làm thợ hồ, dư không dư, đủ cũng không đủ. Tôi mong được về quê sống lắm nhưng về dưới lấy gì nuôi con. Chí ít, ở đây, mỗi tháng, tôi còn gom được một trăm, hai trăm ngàn đồng gửi về quê lo cho mấy đứa nhỏ”, chị Thúy thở dài.

Chị Thúy nhắc chuyện gia đình anh Điền, hàng xóm cùng sống dưới gầm cầu Bà Bướm được người tốt giúp đỡ, thoát gầm cầu lên nhà trọ sinh sống, với ánh mắt long lanh sự hy vọng.

Nghe chị Thúy nhắc đến anh Điền, ông Cao Thanh Mỹ (62 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) lên tiếng: “Nó (chị Thúy - PV) tưởng chết rồi đó chớ, năm ngoái bệnh tật nằm viện mà không có tiền bạc chi hết. Bà con sống chung quanh nghe hoàn cảnh gom góp người năm, người mười ngàn đồng, đâu cũng được mấy triệu đóng viện phí. Lúc trước chưa bệnh, nó theo chồng chài lưới tuốt dưới khúc sông ở quận 2. Chồng nó chuyển qua làm hồ chắc đỡ hơn chút đỉnh, nhưng không may mắn như gia đình thằng Điền, được lên nhà trọ ở rồi”.

Ông Mỹ cũng sống dưới chân cầu Bà Bướm, làm hàng xóm với chị Thúy được mấy năm. Nhưng ông Mỹ không nghèo, nhà cửa mặt tiền đường lớn quận 7 đàng hoàng. Trước đây, ông Mỹ làm nghề lái xe cho hãng phim truyền hình. Từ ngày cao tuổi, ông đổi tánh đổi nết, thích ở gầm cầu, chèo ghe đi chài lưới, vợ con nói cách gì cũng không thay đổi.

Biệt thự không vách tường của ông Mỹ có đầy đủ đèn, nhang muỗi, nước uống...
"Biệt thự" không vách tường của ông Mỹ có đầy đủ đèn, nhang muỗi, nước uống...

Ông nói ở nhà ngột ngạt, lên cân vèo vèo nên sợ chết, ra gầm cầu sống cho thoải mái, làm lụng cho đỡ mập. Ngày nào con nước thuận lợi, ông chèo ghe chài lưới, kiếm được một ít thì gọi mấy đứa cháu thân quen ra nhậu, kiếm được nhiều thì chia cho bà con xung quanh mỗi người một ít, chứ chẳng bán buôn.

Có nhà cao cửa rộng, ông Mỹ lại không thích, chỉ muốn nằm võng tòn ten dưới gầm cầu. Mỗi lần xe lớn chạy qua, cầu nhịp lên bần bật, ông lại lấy làm vui tai. “Ngôi biệt thự” không vách tường, chỉ có gầm cầu làm mái của ông Mỹ có thêm cái sàn gỗ và bình rượu đế. Mùa nước lớn, thủy triều lên, nước ngập ngấp nghé sàn gỗ, ông vẫn thản nhiên nằm chèo queo trên võng. Rắn rít có đến thăm, ông chặc lưỡi, cười thầm có mồi nhậu.

“Tao ở vầy đâu ảnh hưởng đến ai, còn giữ đất dùm người ta nữa. Dưới gầm cầu này, không có chuyện xin đểu, xì ke ma túy gì hết. Hồi trước có, nhưng hễ tụi nó lại, tao nói nhỏ nhẹ là đi ngay. Đáng ra, tao kéo cái rào lưới B40 trên kia lại, mà tao nghĩ rủi ai lang thang không chỗ trú thì cũng tội nên mở cửa, ai muốn xuống ở thì ở ké tao", ông Mỹ nhìn ra dòng nước.

Ông Mỹ cười hào sảng, khoe ngủ gầm cầu sướng hơn ngủ máy lạnh, làm bạn với muỗi mòng và 2 con chó. Sáng vác dao ra bờ sông phát cỏ, trưa thả lưới giăng câu. Ông Mỹ không có ý định về nhà. Buồn buồn như mấy bữa mưa dầm, dưới ánh đèn sáng bằng bình ắc quy, ông Mỹ lấy chiếc ipad cũ ra xem hình cháu ngoại rồi cười một mình: “Sống đâu cũng vậy, vui là được…”.

Bài và ảnh: Lâm Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI