Trên bờ cùng quẫn
Bến đò Trường Lưu đoạn rạch Ông Nhiêu nối sông Nước Đục (P.Long Trường, Q.9, TP.HCM), buổi chiều vắng ngắt. Có ông lái đò đong đưa võng, ngáp vặt, chẳng đặng đừng mới trả lời khách, rằng dân tứ xứ, đông lắm, họ sống trên ghe, đến đây từ lâu rồi. Từ đây qua bờ bên kia, chỉ mấy thôi nước, nhưng rạch thì dài hun hút, bởi nó nối nhánh sông Đồng Nai. Đường về đây, như lạc vào một xóm miền Tây mấp mô đường đất, lác, năn, dừa.
Chị Nguyễn Thị Nga hơn 30 năm trôi dạt theo con nước mưu sinh, hiện tại chị vẫn chưa biết đâu là điểm dừng. Ảnh: Sơn Vinh
Ngôi nhà chồm sát mặt sông, vách bằng tôn và dừa nước, nắng dọi xuống chỗ bàn ăn như hoa trắng. Ngày 28/1/1980, ông rời quê Phú Hữu-Nhơn Trạch-Đồng Nai, theo chiếc ghe lưới dạt đến đây. Chín đứa con sinh ra chốn này, thì đến bảy đứa theo nghề lưới, đóng đáy mưu sinh. “Tui giờ yếu rồi, chỉ theo phụ thằng thứ tám, lúc mệt thì bả thay tôi”.Ngồi trong nhà ông Nguyễn Văn Sáu, chúng tôi rút điện thoại bấm, thì ông đưa tay miết vào vệt nước trên bàn, không có sóng đâu chú ơi. Mới 72 tuổi, nhưng răng ông đã rụng hết. “Cực hết biết”, ông ngó qua sông, chiều xuống, nắng loang dài theo sóng của những xà lan chở cát, đuổi dài như cái quệt mồ hôi ròng ròng.
Anh con trai thứ tám của ông, thấy khách là trốn, bởi có cái bướu trên trán, nên xấu hổ. “Đứa nào cũng ở đậu người ta, không thì ở dưới ghe, chứ làm gì có đất”, ông gút chuyện phận cửa nhà của con ngắn gọn, như chất chứa lỗi sinh thành nhưng bất lực.
Anh Cẩn và chị Phượng là cặp đôi may mắn nên duyên nhờ sông nước. Ảnh: Sơn Vinh
Thuở ấy, ông có hai mẫu đất bên Thủ Đức, khi người ta làm công trình, đền bù 80.000đ/công, vợ chồng con cái đùm túm trên mấy chiếc ghe, và trôi. “Ngôi nhà này giờ vợ chồng con gái thứ ba và vợ chồng cháu ngoại ở. Nhưng đất người ta cho đậu, không biết bao giờ họ lấy lại”. Rót nước cho khách là Quyền, cháu ngoại ông, con của chị Phượng và anh Cẩn.
Quyền 21 tuổi, vừa có chồng làm công nhân. “Dạ em làm công nhân may, cuối năm rồi công ty nói thua lỗ đóng cửa, tiền lương cũng mất luôn. Giờ em không biết làm gì nữa, xe máy không có, cũng không biết đi xe”. Chúng tôi hỏi biết bơi không, Quyền đáp: “Dạ không”. Đói thì gối phải bò. Nhưng nhìn con nước đục ngầu, rùng mình.
Ông Ba Cường, sui gia ông Sáu, bập điếu thuốc: “Mẹ nó có biết bơi đâu”. Ông Cường ở Bến Tre, lên đây đã 20 năm. Nước ròng ròng trên người khi ông vừa dưới ghe lên. “Hôm nay coi như đứt bóng”. Ông Sáu nhìn ông sui, rồi cả hai quay mặt ra sông, khói thuốc nhòa mặt họ.
Anh Cẩn trở về sau một ngày vật lộn với sông nước. Ảnh: Sơn Vinh
Cha mẹ Quyền đã về. “Cá nhiều không chị?”. “Ít anh, hôm nay trút đáy. Cá tôm ngày càng ít”. Mồ hôi đẫm mặt người đàn bà sắp chạm tuổi 50, mà ông Sáu nói tội nghiệp nó không biết chữ. “Nhiều sao được - ông Cường bất ngờ sừng sộ - càng ngày nước càng đen, không dám tắm giặt, cá nào chịu nổi”. Chúng tôi kéo anh Cẩn ra góc nhà. “Không cưới hỏi, chỉ dắt về ở chung”, anh thì thào nhưng cũng khiến chị nghe được. Nom chị như thõng xuống, lại thả mình trên võng như muốn cho niềm riêng trôi đi đâu mặc kệ.
Anh tiếp: “Bà già vợ ưng thằng khác chứ không muốn tôi lấy mẹ con Quyền. Tôi bực, dắt mẹ nó đi ở chỗ khác. Rồi sống riết tới giờ, nhà cửa không có, ở đây là nhờ người ta. Nửa đêm họ có lấy lại nhà thì cũng ôm lưới đành chịu, chứ biết đi đâu, số phận vậy rồi”. Anh cũng quê Nhơn Trạch, sống đời sông nước từ năm 10 tuổi khi theo cha rong ruổi khắp sông Đồng Nai.
Nói như chị Phượng là duyên số vậy rồi, khi tuổi thanh xuân bao người theo đuổi, nhưng khi gắn với anh đến giờ thì bám ghe mà sống, không mảnh đất cắm dùi. “Nhớ như in những ngày trời mưa bão, co ro trong chiếc ghe rách nát nhiều ngày liền không có tiền mua gạo. Khi sinh con thì càng khó khăn hơn”. Họ kể, như cái khổ là mặc nhiên, không chút ngậm ngùi, khi mọi thứ đã dồn đống, đóng cục. Bởi giấc mơ một ngôi nhà tạm bợ, cũng là xa xỉ.
|
Vợ chồng anh Hiếu và chị Liễu hàng chục năm nay bỏ quên lên Sài Gòn mưu sinh.
Ảnh: Sơn Vinh
|
Dưới sông vô định
Nhưng gia đình ông Sáu vậy mà may mắn hơn 50 chiếc ghe đang trôi dạt, lấy sông làm nhà, bởi không ai trong số họ có nổi tấc đất. “Nhanh lên anh”, anh Nguyễn Văn Hiếu (49 tuổi, quê Vĩnh Long) réo chúng tôi. Khách phải có đèn pin, áo phao, bởi sông này nửa đêm hay có sóng bất ngờ. Máy nổ, ghe chạy băng qua dòng sông Nước Đục về hướng sông Đồng Nai.
Vừa lái ghe, anh vừa kể: “Cái nghề đóng đáy này là do cha tôi truyền lại, tính đến nay tôi gắn bó với nó được hơn 15 năm rồi. Lúc trước tôi làm nghề này ở dưới quê. Nhưng lâu dần di chuyển theo con nước, tôi gắn bó với khúc sông này. Ở đây cũng được hơn bảy năm rồi… Mai đây cũng không biết phải di chuyển đi đâu không nữa”.
Trời sắp tối. Hơn 15 phút sau, anh Hiếu neo ghe. Quanh đó có năm chiếc ghe đang thả lưới. “Nhanh lên”, anh hối vợ. Chị vợ im lặng quờ tay vào đống lưới và bắt đầu thả. “Đêm qua vô mánh hay sao mà hôm nay đi làm trễ?”.
Anh Trương Văn Hòa, quê Tiền Giang, gọi với qua. “Hôm qua cũng được vài chục ký rạm à, chớ mấy hôm nay cũng ít cá lắm… Hôm nay tôi dắt theo ông khách ra đây coi đóng đáy nên đến hơi trễ”. Anh Hòa được mệnh danh là vua sông nước, đã lăn lộn đây 20 năm.
Chị Liễu cho biết, quanh năm chị mưu sinh trên sông nên chỉ về quê thăm con 1 - 2 lần, hàng tháng chị dành dụm khoảng 2 triệu đồng gửi về nuôi con. Ảnh: Sơn Vinh
Lưới vừa thả xong, đêm bắt đầu buông đi kèm gió lạnh. “Em vô ngồi gần bếp lửa chứ khuya lạnh lắm”, chị Phạm Thị Ái vợ anh Hiếu ân cần. Mặt chị nhòa trong đi trong thứ ánh sáng hiu hắt. Không biết người đàn bà ấy đang nghĩ gì. 10 năm làm vợ anh Hiếu cũng là 10 năm chị theo chồng rong ruổi trên sông tìm kế mưu sinh. Hai đứa con nhỏ chín tuổi và sáu tuổi của chị đều sinh ra và lớn lên ở trên sông. Khi chúng đến tuổi đến trường, vợ chồng chị gửi về quê để hai đứa được đi học. Mỗi tháng ráng gom hai triệu đồng gửi về, một-hai lần/năm mới về thăm con.
Giọng chị cố kìm cơn nghẹn: “Vì mưu sinh mình mới chấp nhận xa con, mà nếu bây giờ kêu tôi lên bờ sống thì vợ chồng tôi cũng chẳng biết mần gì để kiếm ăn. Thôi cứ ráng mần vầy, khi nào có tiền lại bắt xe về dưới thăm mấy đứa nhỏ”. Nói đến đây, chị Ái chực trào
nước mắt.
Trên khúc sông này, 50 gia đình là 50 người đàn bà nước mắt như con nước lớn ròng. Phận mình coi như bỏ, sinh con trên ghe, chưa được bao lâu phải gửi về quê nhờ ông bà. Như lẽ đương nhiên, con cái xa cha mẹ, thiếu quan tâm dạy dỗ, có được bao nhiêu đứa may mắn học hành như gia đình chị Nguyễn Thị Nga (SN 1959, quê Vĩnh Long) đâu. Vợ chồng chị có thâm niên hơn 30 năm làm nghề sông nước. Chị có ba người con trước kia đều nhờ ông bà nội chăm sóc. Giờ con cái đã có gia đình, nghề nghiệp, còn vợ chồng chị cứ phiêu dạt theo con nước khắp nơi. “Cũng may tụi nó không thất học như mình”, chị cười nhẹ nhõm.
Chiếc ghe và số lưới đã “quá đát” với hơn chục năm tuổi nhưng anh Hiếu chưa có điều kiện thay mới. Mỗi lần đi bắt cá anh phải vá tạm lại những chỗ lưới đã rách. Ảnh: Sơn Vinh
Chị Lê Thị Hiền (45 tuổi, vợ anh Hải, quê Vĩnh Long) góp chuyện: “Mỗi lần có bầu gần sinh thì tui về quê sinh con, còn anh Hải vẫn ở lại trên ghe. Khi con được khoảng hai tuổi thì tui quay lại làm lưới. Giờ đứa lớn học lớp 8, đứa kế tiếp học lớp 5, đứa út mới vô lớp 1. Làm ăn càng ngày càng tệ, nhưng ráng gửi về cho con”.
Chị Ái thở dài… Chúng tôi nhớ những người phụ nữ miền Tây mưu sinh xa xứ, tận Hàn Quốc, Đài Loan, cũng gửi con về cho mẹ cha nuôi, cũng lênh đênh khác gì chị em họ trên sông nước này. Khi những đứa con sau mỗi lần mẹ về thăm, hết ngỡ ngàng đến ngơ ngác, để rồi mẹ con cùng khóc.
Ánh đèn trên tay anh Hiếu nháy liền mấy cái, là ám hiệu gọi bạn. Mâm nhậu được bày ra. “Lạnh, không nhậu thì buồn lắm”. Giọng họ như lúc ngừng lúc rớt theo rượu và gió đêm hút sâu. Anh Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi, quê Bến Tre) kể: “Nghề này cho mình miếng cơm nhưng cũng sẵn sàng lấy mạng của mình. Năm ngoái anh trai tôi đi làm đáy cọc, lúc lặn xuống buộc miệng đáy thì chẳng may gặp nạn. Thấy anh mình bị vậy, tôi cũng tính bỏ nghề. Nhưng rồi nghĩ lên bờ cũng chẳng biết làm gì nên tôi ở lại làm tiếp. Thôi kệ, sống chết do trời, trời kêu ai nấy dạ mà chú!”.
Cuộc sống của những người dân làm nghề sông nước ở ấp Trường Lưu đang hết sức khó khăn, người sống trên bờ thì không biết khi nào bị đòi lại đất, người sống trên ghe thì lang thang vô định khi lượng cá trên sông ngày càng ít đi. Ảnh: Sơn Vinh
Trời đã… kêu mấy người rồi, khi lặn buộc miệng đáy, vọp bẻ, chết ngạt. Mâm nhậu bỗng bặt im. Đêm đen nghịt. Chỉ có gió lúc phần phật, lúc mơn man, như giai điệu thê thiết của phận không nhà, cơm áo nổi trôi, quê xứ mịt mùng. Họ im lặng uống, kéo dài đến gần 12g đêm thì vội vã ra về để chuẩn bị kéo lưới đáy. Hôm nay có vẻ là một ngày may mắn với vợ chồng anh Hiếu nên anh bắt được khá nhiều cá. Khi ghe về đến bờ, đồng hồ chạm kim số ba. Những người đàn bà tất tả phân loại cá, chuẩn bị cho phiên chợ sáng.
Họ quần tụ ở đây, kẻ có sức khỏe, nhiều kinh nghiệm sông nước thì làm nghề đóng đáy, người ít kinh nghiệm hơn thì làm nghề thả lưới, bắt chuột, đơm cá… Khi được hỏi, ai cũng coi khúc sông Nước Đục là quê hương thứ hai của mình, chưa chối từ rời bỏ, bởi bỏ thì đi đâu, về đâu. Lời bà Nga tha thiết: “Nhờ sông này mà con tôi nên người”. Lời cảm tạ ấy, nghe thảm quá chừng, bởi để đổi lại, phận họ bạc thếch như chiếc ghe cũ. Anh Cẩn chồng chị Phượng trầm ngâm: “Họ có tiền thì đổi ghe, chứ mình chạy đến lúc nó mục thì thôi”.
Ở đây có một cư dân đặc biệt là anh Trần Văn Điều (27 tuổi, ngụ Q.9), vốn bị bệnh hiểm nghèo từ nhỏ nên không thể làm những công việc nặng nhọc như đóng đáy hay kéo lưới. Hàng ngày anh Điều chèo ghe dọc mé sông Nước Đục làm nghề bắt chuột kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh. Nghe vậy, thấy anh và chuột như nhân vật của một tiểu thuyết buồn tênh...
Chúng tôi hỏi anh Cẩn: “Thằng con anh học lớp mấy, trường nào?”. “Nó học 11, à mày học trường nào con?”. Người nhà nói nó mê đánh cá hơn đi học. Chúng tôi nghe mà như có con nước đang liếm dần lên chân mình. Hết ông rồi đến cháu, hết cá họ sẽ đi đâu…
Trung Việt - Sơn Vinh