Những “ông Tây” chọn TPHCM làm quê hương

08/01/2024 - 06:34

PNO - Được đánh giá là thành phố có môi trường sống thân thiện, giá cả không đắt đỏ, món ăn ngon, điều kiện làm việc thuận lợi, những năm qua, TPHCM trở thành lựa chọn của không ít người nước ngoài về hưu, hay những người trẻ có xu hướng xê dịch với công việc từ xa.

Bến đỗ bình yên của tuổi xế chiều

11g, ông Jefferson Saunders - 74 tuổi, tạm trú ở phường 11, quận Bình Thạnh - vẫn hì hục dọn vườn. Nghe động, con thạch sùng từ đám lá khô vọt ra, ông nhìn theo con vật, nở nụ cười thân thiện. Lộ vẻ thích thú, ông kể rằng, khu vườn này không chỉ có thạch sùng mà còn có bọ cạp, rắn, rết và gọi đây là “khu bảo tồn nhiệt đới”.

Những ngày lễ tết, ông Jefferson mặc áo dài truyền thống của người Việt, hòa mình vào các hoạt động cộng đồng ở nơi mình đang sinh sống Ảnh do nhân vật cung cấp
Những ngày lễ tết, ông Jefferson mặc áo dài truyền thống của người Việt, hòa mình vào các hoạt động cộng đồng ở nơi mình đang sinh sống - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Jefferson yêu thích làm vườn. Khu vườn của ông là khoảnh đất rộng chừng 100m2 nằm trong con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh. Vườn có hàng chục loài thực vật, từ những giống chuối cao lớn được ông mang từ Nam Mỹ sang, cho đến mía, xoài, rau càng cua, bầu, mướp. Ông cho biết, đã gắn bó với mảnh vườn được 7 năm. Ngày ông mới đến, mảnh vườn không có tường bao nên mọi người cứ thoải mái ném đủ loại rác vào, biến thành bãi rác. Do nằm thấp hơn mặt đường nên mỗi lần mưa, khu đất biến thành ao. Vốn thích tự mình sửa chữa, tái sử dụng mọi thứ, ông bắt tay cải tạo ngôi nhà cũ rồi đào cái hố lớn trước cửa nhà, đổ tất cả những loại rác không dùng được xuống đó, lấp đất bằng phẳng rồi tráng xi măng, làm thành cái sân trước nhà. Ông lượm gạch về xây tường bao, làm thành những ô đất để trồng cây, trồng rau. 

Jefferson chào đời ở Richland, thuộc bang Washington, Mỹ, từng làm kỹ thuật viên vật lý trị liệu trước khi về hưu. Năm 2005, sau cơn tai biến đến mức nằm liệt giường, ông có cảm giác chán chường mọi thứ. “Khi có thể đi lại được, tôi bỗng không muốn chết ở nơi mình được sinh ra. Được vài người bạn Việt Nam đang sống ở Washington giới thiệu, tôi bắt đầu đi thăm chùa chiền Phật giáo, thánh thất Cao đài và thăm nhà những người bạn Việt Nam. Sự thân thiện là lý do khiến tôi chọn Việt Nam để sống” - ông Jefferson kể.

Sau 7 năm sống ở TPHCM, ông Jefferson nói, điều ông thích nhất ở đây là khí hậu phân rõ ngày đêm. Ở đây, ánh nắng chan hòa cả ngày. Với những người có tuổi như ông, khí hậu, thời tiết này dễ chịu hơn rất nhiều so với ở Richland. Ông tự nhận xét: “Sau mấy năm sống ở Việt Nam, tôi thấy mình khỏe hơn rất nhiều và có thể làm việc như thế này thêm nhiều năm nữa”. 

Ông cho biết, mức lương hưu hằng tháng của ông đủ để sống ổn ở TPHCM, trong khi nếu ở Mỹ, số tiền hưu đó chỉ đủ để thuê nhà. Thu hoạch từ khu vườn giúp ông lo được bữa ăn hằng ngày. Lâu lâu, ông đi siêu thị mua thêm thịt, cá hoặc các thứ rau củ, trái cây xứ lạnh. Ông thức dậy lúc 4g mỗi sáng để nhâm nhi cà phê rồi đi bộ, sau đó trở về tưới cây và bắt đầu làm những việc không tên trong khu vườn, có khi đến 13g. Ông thích lắng nghe âm thanh của khu vườn ngay giữa lòng thành phố, thích ngắm những mầm non nhú lên từng ngày và cũng thích chia sẻ mọi thứ từ khu vườn này với những người hàng xóm.

Sau tiết dạy tiếng Anh trực tuyến, Jay (bìa phải) và Sam (bìa trái) thư giãn trong một quán cà phê ở TPHCM - ẢNH: THU LÊ
Sau tiết dạy tiếng Anh trực tuyến, Jay (bìa phải) và Sam (bìa trái) thư giãn trong một quán cà phê ở TPHCM - Ảnh: Thu Lê

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều điều mà ông Jefferson muốn Chính phủ Việt Nam cải thiện, như mở rộng chính sách visa cho người nước ngoài nghỉ hưu, tăng thuế đối với rượu, bia, thuốc lá, tăng giám sát cũng như tăng mức phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ông nói: “Trong 7 năm sống ở đây, tôi chứng kiến người ta tiểu bậy trước nhà mình nhiều hơn cả quãng đời trước đó ở Mỹ”.

Ngôi nhà thứ hai của người trẻ

Khoảng 4 năm trước, Jay - 27 tuổi, người Sydney, Úc - đến Việt Nam với ý định dành khoảng 6 tháng để đi du lịch khắp nơi. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chuyến du lịch và trở về quê nhà, Jay cảm thấy nhớ. Thế là không lâu sau đó, anh quyết định thu xếp công việc và quay lại Việt Nam dạy tiếng Anh trực tuyến (online) và trực tiếp (offline). Đến nay, Jay đã có hơn 3 năm sống ở TPHCM với “nghề” dạy tiếng Anh tự do. Khi được hỏi lý do chọn trở lại Việt Nam, Jay nói: “Đơn giản vì tôi yêu mến nơi này”. 

Người nước ngoài trải nghiệm ẩm thực đường phố ở trung tâm TPHCM ẢNH: PHÙNG HUY
Người nước ngoài trải nghiệm ẩm thực đường phố ở trung tâm TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Đã du lịch qua nhiều thành phố ở các nước Đông Nam Á, Jay chọn sống ở TPHCM bởi con người thân thiện, thức ăn ngon, giá hàng hóa rẻ. “Bây giờ, tôi xem TPHCM như ngôi nhà thứ hai của mình. Cuộc sống ở đây thuận tiện nhiều thứ. Bạn có thể mua thức ăn bất cứ giờ nào bởi các cửa hàng mở cửa đến khuya. Ở Úc, tới 17g, hầu hết cửa hàng đều đóng cửa. Ở TPHCM, thu nhập thấp hơn khi đi dạy ở Sydney nhưng tôi vẫn để dành được một ít tiền” - Jay chia sẻ.

Ông Jefferson cho biết, thời tiết, khí hậu dễ chịu của TPHCM cộng với việc làm vườn giúp sức khỏe ông ngày càng tốt lên - ẢNH: THU LÊ
Ông Jefferson cho biết, thời tiết, khí hậu dễ chịu của TPHCM cộng với việc làm vườn giúp sức khỏe ông ngày càng tốt lên - Ảnh: Thu Lê

Cũng như Jay, Sam - 34 tuổi, đến từ Anh - cho biết, đã du lịch qua 65 quốc gia nhưng anh vẫn chọn sống ở TPHCM và xem đây như nhà của mình. Sam có ấn tượng mạnh về Việt Nam từ chuyến xuyên Việt bằng mô tô cùng 5 người bạn. Anh kể, một chiều mưa tầm tã ở Cái Bè (Tiền Giang), nhóm anh đứng trước một căn nhà nhỏ có những rổ trái cây đặt trên băng ghế trước cửa, anh đoán họ dùng để bán cho người qua đường. Mắc mưa, đói và lạnh, Sam hỏi mua trái cây lót dạ.

Không biết tiếng Việt, anh phải dùng tay để giao tiếp với 3 người trong ngôi nhà này. Họ niềm nở mang trái cây mời cả nhóm ăn. Sam kể: “Khi tôi muốn trả tiền, họ từ chối, ra hiệu đừng ngại. Họ chỉ muốn cho, không cần tiền dù trông họ có vẻ rất nghèo. Sự tốt bụng và niềm nở của họ khiến tôi cảm nhận sự nồng ấm. Đó cũng là lý do khiến tôi quay lại Việt Nam”.

Ngoài TPHCM, Sam còn trải nghiệm nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngoài TPHCM, Sam còn trải nghiệm nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sam chọn sống ở TPHCM vì ở đây, anh dễ dàng tìm được căn hộ, thức ăn hay nhà hàng kiểu Âu. Vật giá ở đây cũng rất rẻ nếu so với Anh. Ví dụ, để thuê một căn hộ 2 phòng ngủ ở Anh, anh phải mất khoảng 3.000 USD/tháng nhưng ở TPHCM, anh chỉ tốn 12-15 triệu đồng (trên dưới 500 USD) là thuê được căn hộ 2 phòng ngủ có hồ bơi và đầy đủ tiện nghi. 

Công việc chính của Sam hiện nay là dạy tiếng Anh, phần lớn là dạy online. Có thể linh động sắp xếp lịch dạy và ngồi dạy ở bất kỳ đâu nên Sam dường như luôn dịch chuyển. Anh cùng vài người bạn du lịch qua tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam rồi quay về TPHCM như trở về nhà. 

Một nhóm người nước ngoài cao tuổi tham quan khu vực trung tâm TPHCM - ẢNH: PHÙNG HUY
Một nhóm người nước ngoài cao tuổi tham quan khu vực trung tâm TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Sau 6 năm ở đây, cũng có nhiều điều khiến Sam không thích. Chẳng hạn, nhiều người hát karaoke thâu đêm. Tuy khó chịu nhưng Sam không biết làm gì hơn, đành lắp vật liệu cách âm cho căn hộ của mình. Tình trạng kẹt xe cùng với ô nhiễm khói bụi trong giờ cao điểm cũng là nỗi ám ảnh với anh. Ngoài ra, ở đây, anh khó tìm được thực phẩm hữu cơ cho bữa ăn của mình.

 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI