“Tây ba-lô” bó gối
“Tây ba-lô” là những người nước ngoài thích du lịch, khám phá theo kiểu chủ động và tiết kiệm. Tại TPHCM, các cung đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện (quận 1) là nơi “Tây ba-lô” lưu trú nhiều nên thường được gọi là “phố Tây”. Dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi nếp sinh hoạt ở đây. Những ngày này, dọc đường Bùi Viện, rất hiếm thấy cảnh những “ông Tây” tụ tập thành từng nhóm, rong ruổi khám phá đường phố. Thay vào đó, họ thường ngồi một mình lặng lẽ trước cửa khách sạn, trong các con hẻm nhỏ với vẻ mặt đầy lo âu.
|
Một người nước ngoài khác “xuống đường” xin sự giúp đỡ trong mùa dịch COVID-19 |
Trên vỉa hè đường Bùi Viện, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một du khách người Ý đang bắc ghế ngồi trước một quán ăn đã đóng cửa, hướng mắt nhìn những chiếc xe máy chạy lưa thưa trên đường phố. Nam du khách này tên là Mirko, đến Việt Nam từ cuối năm 2019.
Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát, thay vì du lịch khám phá, ông hầu như phải ở tại nơi lưu trú. Để giảm stress, mỗi buổi sáng, ông thường xuống ngồi ở lề đường trước quán ăn đã đóng cửa để hít thở khí trời. Bị “giữ chân” khá lâu, số tiền tích cóp để đi du lịch của Mirko cũng đã vơi dần. Ông đang tính đến chuyện bán bớt đồ đạc để trang trải trong những ngày sắp tới.
Theo những người dân sống lâu năm ở “phố Tây”, từ rất lâu, nơi đây đã tồn tại hai “khu chợ” là “chợ việc làm” và “chợ bán, đổi đồ”. Theo đó, những “ông Tây” cạn hầu bao hoặc muốn ở lại Việt Nam lâu hơn dự kiến phải tìm việc làm để tồn tại. Ở “phố Tây” họ được giới thiệu hoặc được “cò” dẫn đến những nơi có việc. Công việc họ thường nhận được là gia sư dạy tiếng Anh hoặc làm nhân viên phục vụ ở các nhà hàng nước ngoài. Một số khách Tây còn chủ động tự tạo công việc cho mình như bán quần áo, hát rong, biểu diễn ảo thuật, bán những tấm ảnh do mình chụp trên đường du lịch…
Dịch COVID-19 khiến nhà hàng, quán ăn, các trung tâm tiếng Anh đóng cửa, không còn nơi nào thuê nên “chợ việc làm” cũng đóng cửa. Những người du lịch “bụi” không thể trở về nước trong thời điểm đang dịch bệnh nên chỉ còn cách bó gối ở “phố Tây”.
Trái ngược với “chợ việc làm”, những ngày này, “chợ bán, đổi đồ” trở nên rất sôi động. Ban đầu, kiểu “chợ” này mọc ra để người đi du lịch trao đổi các loại sách, truyện, đồ vật với nhau. Lâu dần, “chợ” này thành nơi để du khách bán đồ khi cạn hầu bao. Anh Huỳnh Ngọc Sinh - có nhà trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 - cho biết: “Ban đầu, họ bán bớt sách, cẩm nang du lịch, các đồ dùng cũ, còn bây giờ, nhiều người bán bớt đồng hồ, máy ảnh… Những ngày có dịch này, lượng người bán đồ càng nhiều hơn”.
Ra đường “xin giúp đỡ”
Những ngày qua, hình ảnh người đàn ông nước ngoài lớn tuổi đứng ở góc đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương (quận 5, TPHCM) với tấm biển “Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn!” đã gây “sốt” trong cộng đồng mạng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đàn ông này tên John, 53 tuổi, quốc tịch Anh. Ông John đến Việt Nam năm 2003, làm việc ở TPHCM 6 năm rồi trở về nước. Năm 2015, ông quay lại Việt Nam, tiếp tục làm giáo viên tiếng Anh. Thế nhưng, các trung tâm Anh ngữ đóng cửa vì dịch COVID-19, thầy giáo John thất nghiệp, không có thu nhập.
Theo ông John, tiền thuê nhà và phí visa của ông mỗi tháng tốn hơn 7 triệu đồng. Gần 3 tháng nay, ông John mất việc nên số tiền tiết kiệm được cạn dần. Để có tiền sinh hoạt, ông John bèn cầm một tấm bảng “cầu cứu” ra đứng ở lề đường. Mỗi ngày, ông ra đường đứng khoảng 2 giờ, số tiền giúp đỡ của mọi người đủ để ông mua thức ăn hầu vượt qua những ngày tháng khó khăn do dịch bệnh.
Chị Thùy Linh - làm việc tại một trung tâm Anh ngữ ở TPHCM - cho biết, phần lớn người nước ngoài làm việc ở các trung tâm Anh ngữ theo hình thức cộng tác viên chứ không phải giáo viên chính thức. Do vậy, khi trung tâm đóng cửa, họ không được hưởng chế độ như người lao động có hợp đồng. Nếu trung tâm có hỗ trợ, cũng chỉ một số tiền nhỏ.
Một “ông Tây” khác hiện đang ngồi ở lề đường Hàm Nghi, quận 1 bán vòng đeo tay với tấm bảng “Bị mắc kẹt ở Việt Nam mà không có khả năng bay đi. Xin hãy ủng hộ tôi. Bạn có thể lấy vòng tay tình bạn cho bất kỳ giá nào, cảm ơn!”. Người đàn ông này là khách du lịch, bị mắc kẹt lại Việt Nam.
Từ ngày “cách ly xã hội”, các quán nhậu trên đường Hoàng Sa, quận 1 đóng cửa, người ta không còn thấy người đàn ông Philippines với giỏ hàng lưu niệm đi chào mời khách nhậu mua hàng. Người đàn ông này cho biết, việc bán đồ lưu niệm giúp ông có một khoản thu nhập đủ để trả tiền thuê nhà và phí sinh hoạt hằng ngày. Được biết, hiện một nhóm bạn trẻ hay làm từ thiện ở TPHCM đang tìm nơi lưu trú của người này để giúp đỡ.
|
Người nước ngoài mưu sinh bằng nghề bán đồ lưu niệm trên đường Hoàng Sa thất nghiệp do quán nhậu đóng cửa |
Nỗi lo phạm pháp
Ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, có nguy cơ xảy ra tình trạng người nước ngoài phạm pháp do “bần cùng sinh đạo tặc”. Thực tế, cuối năm 2019, Công an TPHCM từng triệt phá một băng nhóm người nước ngoài chuyên móc túi, trộm cắp tài sản của du khách ở trung tâm TPHCM.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Công an quận 1 cho biết, để hạn chế tình trạng người nước ngoài tụ tập trong thời gian “cách ly xã hội”, Công an TPHCM đã tổ chức các tổ liên ngành. Cách đây ba ngày, lực lượng liên ngành đã tuần tra ở khu vực “phố Tây” và xử lý một nhóm hàng chục người gốc châu Phi tụ tập, dù nhóm này đã tìm cách di tản ra công viên.
“Có đêm, chúng tôi mời hàng chục người nước ngoài về trụ sở để xử lý liên quan đến việc vi phạm quy định về phòng dịch. Trong đó, không ít trường hợp không kê khai được hộ chiếu, visa hoặc các giấy tờ này đã hết hạn” - một cán bộ Công an quận 1 chia sẻ.
Trước đó, ngay trong những ngày đầu thực hiện việc “cách ly xã hội”, tổ công tác 363 của Công an quận 1 kiểm tra hành chính một người nước ngoài và phát hiện trong cốp xe chứa gần 30 gói cỏ Mỹ.
Được giúp đỡ, thầy giáo John tặng lại tiền cho người khó khăn
Youtuber Phong Bụi - người đầu tiên chia sẻ video và ảnh thầy giáo John cầm bảng xin giúp đỡ - cho biết, khi câu chuyện về ông John được nhiều người chia sẻ, ông đã nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người nên đã hết khó khăn về tài chính. Thầy giáo John rất cảm kích tấm lòng của những người bạn Việt Nam và ông xin ủng hộ lại hơn 33 triệu đồng cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.
|
Sơn Vinh