Vớt rác giữa dòng nước đen
Sáng sớm, ông Hồ Chí Cường - 65 tuổi, ở ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh - mang giày ống, chạy chiếc xe máy cà tàng ra rạch Ông Đồ (kéo dài từ xã Bình Chánh đến thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh). Gửi xe ở chỗ người quen, ông Cường vội vã bám cây leo xuống mé rạch, chèo chiếc ghe tự chế từ ca-nô cũ để ra rạch vớt rác.
Thường ngày, ông Cường cùng cháu trai vớt rác ở rạch Ông Đồ nhưng hôm nay, người cháu của ông bận.
|
Ông Hồ Chí Cường thường cùng cháu vớt rác trên rạch Ông Đồ - Ảnh: Lâm Ngọc |
“Năm 2018, rạch Ông Đồ bị ô nhiễm nặng, rác và lục bình nhiều nên bí nước. Thấy vậy, chính quyền địa phương vận động nhiều đơn vị tham gia cải tạo, tôi cũng góp chút sức. Sau thời gian ngắn, những người thiếu ý thức lại quăng rác xuống rạch. Tôi thấy ô nhiễm quá nên rủ thằng cháu đi vớt rác” - ông Cường cho biết.
Lúc đầu, ông Cường và cháu dùng lưới cá kéo rác. Mỗi lần trầm mình dưới dòng nước đen ngòm, ông Cường lại vứt bỏ một bộ quần áo.
Biết ông làm việc tình nguyện, chính quyền địa phương đã hỗ trợ một chiếc ghe tự chế từ ca-nô cũ. Ông chèo ghe, người cháu dùng cây gắp rác, chỗ nào nhiều rác thì dùng vợt gom lại, hốt bỏ vào bao, sau đó đưa lên bờ, chất đống cho khô rồi đốt. Cứ vậy, ngày nào, hai chú cháu cũng bỏ ra mấy giờ đi vớt rác trên rạch Ông Đồ.
Ông Vương Văn Kính - 74 tuổi, ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức - có gần mười năm vớt rác, thông cống ở một số kênh ở phường Hiệp Bình Chánh.
Ngoài 70 tuổi, ông Kính vẫn rất năng nổ, vừa làm tổ trưởng tổ 15B, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, vừa kiêm thêm nhiệm vụ ở tổ quản lý đê nhân dân của phường.
Ông Kính chia sẻ: “Sáu năm nay, phường khô ráo rồi, không còn cảnh ngập nước như trước. Nếu trời mưa to, nước chảy không kịp thì chỉ tầm 15-20 phút cũng rút hết”.
Theo lời ông Kính, trước đây, khu vực ông sinh sống bị ngập nước trầm trọng. Hễ đến tháng Tám âm lịch, bà con trong xóm lại chuẩn bị ghe để di chuyển ra đường lớn. Mỗi sáng, ông Kính phải đưa ghe sát vô cửa nhà, cho xe máy lên ghe, bảo con gái ngồi cho vững rồi đẩy ra đường, chở con đi học.
Không chỉ vất vả trong việc đi lại, mỗi lần nước ngập lên đến đầu gối, vật dụng, nhà cửa đều hư hại. Tết năm nào, bà con trong tổ của ông Kính cũng sống trong cảnh nước mấp mé lên bàn ghế vì “mùa nước nổi” kéo dài từ tháng Tám đến rằm tháng Giêng.
Bao năm sống trong cảnh ngập ngụa nước đen, ông Kính thấu hết nỗi khổ lẫn bực dọc. Cho nên, khi chính quyền làm đê, đắp cống, ông xung phong tham gia đội quản lý đê nhân dân. Trực tiếp quản lý đê điều, ông Kính nhận thấy, khu dân cư bị ngập nước do rác thải làm nghẹt cống. Từ đó, ông tình nguyện đi vớt rác.
“Nước lớn mà cống bị nghẽn thì thế nào cũng ngập. Mà lúc nước đang lớn, lội xuống vớt rác dưới cống rất nguy hiểm” - ông Kính chia sẻ.
|
Hơn 70 tuổi, ông Kính vẫn xung phong xuống vớt rác, thông cống (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Để thông cống, ông Kính dùng xà beng nạy miệng cống rồi chui xuống vớt rác. Những lần đầu chưa có kinh nghiệm, ông còn bị nước cuốn suýt chết, trôi tuột cả quần áo.
“Tôi lớn tuổi, có kinh nghiệm nên tình nguyện làm vì thương mấy em còn trẻ, lỡ có gì thì vợ con ai lo. Tôi cũng biết tự bảo vệ mình. Khi nước triều cường thoái ra, tôi mới dám xuống gỡ rác; nước đang lớn mà lội xuống, nắp cống đóng lại, chết chắc luôn đó.
Bây giờ, tôi có nhiều kinh nghiệm lắm, chỗ nào rác nghẹt nhiều quá mới xuống nước, chỗ nào dùng cây đẩy rác đi được thì tôi dùng cây. Nước bẩn, trầm mình xuống cũng sợ nhưng phải làm thôi. Nhiều khi làm xong, người tôi trầy trụa hết trơn” - ông Kính kể.
Ông Nguyễn Ngọc Đức - 67 tuổi, ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân - lại vừa vớt rác, vừa vớt kim tiêm.
Gần bảy năm qua, người dân sống dọc kênh Chiến Lược (phường Bình Trị Đông) đã quá quen thuộc với hình ảnh cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Đức tay ôm cây sào dài, chạy chiếc xe máy kéo theo thùng đựng rác tự chế. Với những món đồ tự chế, mỗi ngày, ông vớt được gần 400kg rác từ kênh Chiến Lược.
Ông dùng cây sào dài, phía trước có gắn vợt bằng lưới để vớt rác. Ông chăm chú vớt từng túi ni-lông, chai nhựa, hộp cơm, vải vụn… nổi trên mặt nước. Vợt đầy, ông kéo lên, trút vào thùng đựng rác tự chế gắn phía sau chiếc xe máy cũ.
Việc làm thầm lặng của ông đã giúp con kênh nổi tiếng ô nhiễm thoát khỏi tình trạng ùn ứ rác thải, bốc mùi hôi thối.
Ông Đức kể, trước đây, kênh Chiến Lược ô nhiễm nặng do chứa tất cả nước thải của người dân, doanh nghiệp trong khu vực. Dưới kênh, nước đen ngòm, đầy rác; trên bờ, cây cỏ um tùm, lấn ra mặt đường. Khi nắng gắt, nước kênh bốc mùi hôi thối, nổi bọt trắng; hôm nào mưa lớn, nước đen từ kênh tràn vào nhà dân kèm theo rác thải.
Với tinh thần của một cựu chiến binh, ông Đức tình nguyện vớt rác, khơi dòng cho đoạn kênh chảy qua khu phố đang sinh sống. Ông cắt cỏ, vớt rác, dọn luôn kim tiêm dọc theo mé kênh. Ông mất khoảng một tháng để làm sạch đoạn kênh dài 700 - 800m.
Khi đoạn kênh hồi sinh, đại diện UBND phường đã đến nhà thăm hỏi, động viên ông Đức, đồng thời khuyến khích ông dọn vệ sinh cả con kênh Chiến Lược.
|
Ông Đức không quản ngại nắng mưa, đều đặn đi vớt rác - Ảnh: Lâm Ngọc |
Được chính quyền địa phương tin tưởng, hỗ trợ kinh phí, ông Đức vui vẻ nhận lời làm sạch con kênh ô nhiễm. Tính ra, mỗi tháng, ông vớt gần 10 tấn rác. Số rác này được ông chở đến điểm tập kết ở đường Tân Hóa, phường 1, quận 11 để xử lý theo đúng quy định.
Vận động người dân không vứt rác xuống kênh rạch
Thấy việc chồng làm nguy hiểm và cực khổ, vợ ông Vương Văn Kính nhiều lần khuyên ông nghỉ ngơi. Bà thường nói: “Ông già rồi, nửa đêm, trời mưa trời gió mà chạy đi làm, tôi không yên tâm”. Thế nhưng, con gái của ông lại khuyên mẹ: “Mẹ cứ để ba làm. Ba không được làm việc mình thích sẽ đổ bệnh”.
Quả thật, ông Kính tự hào khi ở tuổi thất thập mà vẫn tinh anh, khỏe mạnh. Ông nói: “Làm được việc có ích, tôi vui nên sống lâu. Làm cho vui mà ai dè giúp đỡ cho bà con được chút xíu”.
Không chỉ vớt rác, ông Kính còn chủ động đến từng nhà vận động bà con không xả rác xuống kênh rạch, cống thoát nước. Ban đầu, mọi người nghe cũng có vẻ khó chịu, nói ông rảnh quá nên đi làm việc “nhà nước”. Lâu dần, họ nghe rồi nín thinh, số khác gật đầu, hứa giữ gìn vệ sinh môi trường.
“Nhiều người ý thức kém, họ ném cả nệm cũ xuống cống. Chúng tôi có lắp camera giám sát nhưng thấy rồi thì đến dọn chứ đâu dám phạt người nào. Nghèo khổ, lo làm lụng đầu tắt mặt tối nên họ không có điều kiện tìm hiểu những quy định về bảo vệ môi trường. Mình rành hơn thì nhỏ nhẹ nói cho họ biết” - ông Kính tâm sự.
Trong khi đó, ông Hồ Chí Cường chỉ mong những việc mình làm được lớp trẻ thấy có ích mà làm theo: “Nhiều lúc, tôi dọn sạch sẽ, họ lại vứt rác xuống, nhất là mấy người ở xóm trọ. Tôi nhắc nhở chưa chắc họ đã nghe theo. Nhưng cũng chỉ một bộ phận nhỏ thiếu ý thức, phần lớn cũng biết bỏ rác đúng nơi quy định”.
Ông Cường nói: “Tôi lớn tuổi rồi, làm được việc gì có ích thì làm thôi. Đường trước nhà dơ, tôi cũng kêu vợ lấy chổi ra quét. Mấy đứa nhỏ ăn bánh vứt ra đường, tôi đi lượm về. Người ta thấy việc mình làm tốt thì bắt chước.
Gia đình tôi thuộc diện khó khăn ở địa phương. Vợ tôi được Hội Phụ nữ hỗ trợ nhiều, tôi mang ơn nên góp chút sức mọn cải tạo môi trường sống. Nhiều người nói tôi được trả tiền nên mới đi nhặt rác chứ ai khùng mà làm vậy. Tôi kệ. Vợ con của tôi hiểu và ủng hộ là được, mình làm việc có ích chứ có phải làm chuyện xấu đâu mà nghĩ ngợi”.
Riêng ông Đức ban đầu không được con cái ủng hộ việc đi vớt rác dưới kênh Chiến Lược. Con ông bảo “ba đừng làm việc bao đồng nữa, phải chăm lo cho sức khỏe bản thân”. Những ngày đầu khi cầm sào ra kênh vớt rác, ông còn bị nhiều chọc ghẹo, chê cười.
Thế nhưng, ngày con kênh không còn rác thải, không còn mùi hôi thối, công việc thầm lặng của ông được mọi người ghi nhận. Người dân không còn vứt bỏ rác thải xuống kênh. Thậm chí, thấy ông vớt rác vất vả, có người còn mời uống nước, phụ tiền xăng xe, phí mua đồ bảo hộ lao động.
Con của ông cũng không ngăn cản cha vớt rác. Thậm chí, con gái ông còn đi vớt rác thay mỗi khi ông đau bệnh. “Tôi rất tự hào về công việc của cha. Tôi sẽ tiếp tục công việc này khi cha già yếu” - con gái của ông Đức nói.
Lâm Ngọc