Những "ông kẹ” vây quanh trẻ

17/04/2016 - 07:00

PNO - Từ ba-năm tuổi thường có những nỗi sợ mơ hồ khiến bé bất an, nhút nhát, thiếu tự tin, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh, đeo bám trẻ mãi về sau.

Con gái tôi bốn tuổi, cháu rất tò mò, hay quan sát mọi người, mọi việc, nhưng lại không dám đến gần hay tiếp xúc trò chuyện cùng ai. Khi ngủ, bé thường giật mình khóc thét, rằng có quái vật bắt cóc mình. Bé không dám vào phòng ngủ nếu không có người lớn đi cùng vì “trong góc nhà có ông kẹ, người ngoài hành tinh… sẽ nhảy ra ăn thịt con”.

Thấy con nhút nhát, tôi thường dẫn cháu đến công viên hay các khu vui chơi đông người để con có dịp chơi đùa với các bé cùng tuổi mà mạnh dạn lên. Nhưng cháu cứ co rúm người lại, trốn ra sau và bám chặt lấy mẹ, người run rẩy, toát mồ hôi, có khi còn “són” nước tiểu. Tôi rất lo lắng, không biết con mình bị bệnh gì trong khi cháu ăn uống bình thường và tăng cân đều.

Chị Nguyễn Mai Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Nhung
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Anh Đinh Thế Minh (Chủ sở Gia công đồ gỗ Minh Tiến, Q. Bình Tân):  Đừng kể chuyện ma cho trẻ nhỏ

Tôi quan niệm, đàn ông con trai thì phải mạnh mẽ. Thế nên khi có con trai (hiện năm tuổi), tôi thường kể cho cháu nghe những chuyện anh hùng diệt quỷ cứu công chúa. Thấy con thích thú, tôi bắt đầu “gia công” thêm chuyện những nhân vật ma quỷ dữ tợn, hung ác nhằm tăng độ hấp dẫn và cũng để con thấy muốn làm người đàn ông đúng nghĩa thì phải dũng cảm, mạnh mẽ, không sợ kẻ ác.

Dè đâu, cháu vẫn nghe nhưng tỏ ra sợ hãi trong khi tôi không nhận ra. Cho đến khi cháu không dám đi vệ sinh một mình, không chịu đi ngủ nếu ba mẹ không nằm “canh” hai bên và thường giật bắn người khi có ai gọi to, tôi hỏi mới biết cháu bị ám ảnh bởi các “con ma, quỷ của ba”. Thì ra, trẻ nhỏ vốn có óc tưởng tượng phong phú. Bé rất tin lời cha mẹ nên ma quỷ, quái vật… trong câu chuyện kể của người lớn là có thật trong suy nghĩ củ a trẻ. Hóa ra, tôi không dạy cho con tính cách dũng cảm, mạnh mẽ, mà lại gieo vào đầu óc thơ ngây của con những điều khủng khiếp.

Chị Lâm Thanh Nga (Cư Xá Thanh Đa, Q. Bình Thanh): Giúp con ối diện nỗi sợ

Con gái ba tuổi của tôi rất sợ bóng tối. Bé thường co rúm người, không chịu bước đến nơi ánh sáng yếu, mờ ảo chứ chưa nói đến góc tối. Tìm hiểu, tôi biết được chị giúp việc thường dọa rằng nếu bé không ăn cơm sẽ có ông kẹ, ông ba bị trong góc nhà nhảy ra ăn thịt. Tôi yêu cầu mọi người trong nhà không được dọa bé như vậy và giải thích cho con hiểu không có những nhân vật đáng sợ kia. Tôi bật đèn trong phòng ngủ để con yên tâm. Tối nọ, tôi tắt hết đèn lớn trong nhà, chỉ để lại vài bóng đèn nhỏ và nắm tay con đi qua các phòng, vừa chỉ cho bé thấy không có gì đáng sợ, nhà mình rất an toàn.

Tôi cũng nói với con rằng, bé là một cô bé ngoan và không có quái vật nào làm hại đứa trẻ như vậy. Tôi mua cho bé một cái đèn pin nhỏ, dặn con bật lên khi cần đi vào nơi tối. Bữa nọ, nhà bị cúp điện, con gái gọi “mẹ đừng sợ nhé, có con bảo vệ rồi nè”, rồi bé lấy đèn pin soi cho tôi xuống bếp lấy nước uống. Chị thấy đấy, đôi khi chính người lớn chúng ta tạo ra nỗi sợ cho trẻ. Điều quan trọng là ta cần giúp trẻ mạnh mẽ, làm chủ môi trường xung quanh.

Chị Trần Minh Lý (Đường Trương Định, Q.3): Cho con tiếp xúc nhiều hơn với mọi người

Con trai tôi rất sợ người lạ. Nghĩ là trẻ con thì bé nào cũng phải mất một thời gian để làm quen với những người xung quanh, nhưng đến khi được năm tuổi, bắt buộc phải đến trường mầm non (trước đó, bé ở nhà với ông bà nội), con tôi vẫn khóc la, bám riết lấy mẹ và trở sốt nếu bị đưa đến trường. Cô giáo cho biết, ở lớp, sau khi khóc đến không còn sức, bé trốn vào một góc, hễ ai đến gần là run như bị sốt rét. Hoảng quá, tôi cho bé đi khám mới hay con tôi mắc chứng sợ người lạ. Tôi buộc phải giảm bớt thời gian bán hàng ở chợ, đưa con ra ngoài để bé có cơ hội giao tiếp với mọi người.

Ban đầu tôi đưa con dạo chơi quanh khu nhà mình ở, để bé gặp các ông bà, cô bác thường đi bộ lúc buổi sáng; chiều thì ra chơi với đám trẻ trong khu phố. Bé rất sợ, túm chặt lấy áo tôi, núp phía sau nếu ai lại gần hỏi han. Tôi giới thiệu mọi người với con, họ vui vẻ trò chuyện, hỏi han bé, mấy đứa trẻ còn rủ con tôi chơi cùng. Dần dà, bé đã buông tay tôi, mỉm cười và còn trả lời khi mọi người hỏi. Cứ như vậy, mẹ con tôi mở rộng không gian giao tiếp của mình.

Mi Hân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI