|
Steve Bartlett (ngồi trước), giám đốc điều hành và đồng sang lập Social Chain - ảnh: The Sunday Times |
Nếu bạn có ý định gia nhập công ty mạng xã hội Social Chain, thì hãy từ bỏ ý định gửi CV chỉn chu đến văn phòng của họ. Các ông chủ ở đây chẳng mảy may quan tâm đến chúng. Lý do chính là vì CV của họ cũng chẳng có gì tỏa sáng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp của họ, được thành lập vào năm 2014, được cho là có doanh thu khoảng 6 triệu bảng vào năm ngoái.
Họ sẽ chú ý đến những cách xin việc đầy tính sáng tạo và hài hước của các ứng cử viên. Một người từng cho chim cú bay vào văn phòng với bộ nhớ USB quặp trong chân, tuy nhiên người này không được nhận vào làm.
Một phụ nữ khác đang làm việc cho nhà máy sản xuất bông ở Manchester, cùng thành phố nơi Social Chain có văn phòng chính, đã thành công sau khi gửi một bộ đất sét tạo ra âm thanh của cuộc vượt ngục. Thông điệp cô muốn gửi đến là chính mình muốn thoát khỏi công việc hiện tại để gia nhập công ty của họ.
|
Social Chain, nơi những người trẻ thỏa sức sáng tạo - Ảnh: Manchester Evening News |
Social Chain có khoảng 100 nhân viên ở độ tuổi 21. Có thể họ chưa được nhiều người biết tiếng, nhưng sức lan tỏa của công ty lại rất lớn. Họ thường được mô tả là “những đứa trẻ quyết định những điều mà các đứa trẻ khác đều nói đến” hay là “mạng xã hội của những người được Chúa khai sáng” - tức những người đang chiếm dần internet.
Nói một cách đơn giản, họ mua lại những tài khoản mạng xã hội có nhiều người theo dõi rồi sử dụng chúng như phương tiện để quảng cáo.
Lấy ví dụ như khi Steve Barlett, người sáng lập và tổng giám đốc của Social Chain đến gặp ban giám đốc của Disneyland Paris. Người ta thách thức Steve hãy làm một điều gì đó có liên quan đến Disneyland, để nó trở thành chủ đề nóng.
Anh gọi điện cho đồng nghiệp Hannah Anderson và đề nghị hãy nghĩ ra một hashtag phù hợp. Cô lập tức nghĩ ra #DisneyScenesIWillNeverGetOver (Những cảnh trong phim của Disney mà tôi không bao giờ quên). Trong 25 phút, hashtag về Disney là chủ đề được nói đến nhiều nhất tại Anh và trở thành xu hướng trong 9g liên tục.
|
Bartlett giám đốc điều hành và đồng sang lập Social Chain - Ảnh: Manchester Evening News |
Có ý kiến cho rằng đây chỉ là một dạng điều khiển đầu óc hời hợt, nhưng nói một cách khác, đây là cách mà ngành quảng cáo sử dụng khá nhiều. Nghe có vẻ dễ, nhưng nó lại là kỹ năng và trực giác mà chỉ có những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (hay thế hệ Z) mới có thể sở hữu chúng.
Vấn đề là bạn phải biết tạo ra một chủ đề có sức cộng hưởng nhanh, dễ hiểu và mời gọi được nhiều người tham gia.
Steve chỉ vào một chàng trai trẻ cho biết anh chàng đã tạo ra trang web Sporf trong phòng ngủ ký túc xá. Trang mạng cung cấp thông tin thể thao theo một cách khác hẳn, sôi động hơn, có sức cộng hưởng lớn đến những người trẻ trên Instagram và Twitter - nơi có gần một triệu người theo dõi.
Steve nói: “Chúng tôi săn lùng những người như thế, hầu hết họ đều đến văn phòng, còn khoảng 20 người làm việc tại nhà vì họ còn quá trẻ để có thể có mặt tại văn phòng”. Nói văn hoa là những “đứa trẻ” này đã đúc ra tiền từ thú vui của chúng.
Một trong những đứa trẻ trong văn phòng là Jason Fisher, 18 tuổi, đang giữ chức vụ trưởng ban video.
Cậu đã làm những bộ phim mini và cho lên YouTube khi còn ở trường tiểu học. Ðược ông nội cho một chiếc máy quay khi lên bảy, cậu học cách làm phim Lego. Cậu bỏ ngang một khóa học làm phim và truyền hình để gia nhập Social Chain hồi tháng Tư. Kể từ đó, cậu làm việc với các đối tác lớn như Apple, Puma và Warner Bros.
Bản thân Steve cũng bỏ ngang khóa học thương mại tại trường đại học Manchester Metropolitan chỉ sau một buồi học.
Ở trường trung học Plymouth, cậu bị đuổi khi số giờ có mặt rớt xuống còn khoảng 20%. Thầy cậu nhận xét: “Em là người dễ mến, nhưng lười quá”. Steve thú nhận cậu chẳng bao giờ làm bài tập, ít khi đến lớp, cậu không thấy hứng thú tới trường.
Sau khi bỏ học, Steve thành lập doanh nghiệp số Wallpark. Sau đó cậu để ý đến khía cạnh hài hước của Twitter và liên hệ với Dominic McGregor, người tạo nên tài khoản Student Problems.
McGregor cũng bỏ ngang đại học, cả hai đi đến ý tưởng tạo nên Social Chain và lôi kéo những người thích sáng tạo về làm cùng họ.
|
Social Chain có chức danh độc đáo là Trưởng phòng Hạnh phúc để đem đến sự thoải mái tối đa cho nhân viên - Ảnh: Manchester Evening News |
Ngoài những tiện nghi như bàn chơi bida, phòng bar với thức ăn miễn phí cùng những chế độ nghỉ phép hậu hĩ (tại đây, nhân viên có thể nghỉ phép tùy thích không giới hạn), Social Chain còn có chức danh có một không hai, đó là Trưởng phòng Hạnh phúc.
Kiera Lawlor, 25 tuổi, đảm nhiệm việc bảo đảm cho mỗi nhân viên đều cảm thấy hài lòng với công việc và kỹ năng của họ được phát triển tối đa. Barlett chú trọng đến việc đánh giá cao và tôn trọng nguồn nhân lực: “Con người là nguồn nhân lực quan trọng nhất trong doanh nghiệp. Chúng ta đầu tư vào nhiều thứ, tại sao lại không đầu tư vào con người?”, anh nói.
Phan Quỳnh Dao (Theo Times)