Những ông chồng phải làm gì để vượt qua "Ngày Thứ Sáu Đen Tối"?

26/11/2021 - 19:00

PNO - Điều quan trọng là giúp vợ nhận thức được rằng mình đang vượt giới hạn kiểm soát và cần phải chỉnh sửa hành vi.

Chị Hạnh Dung ơi,

Làm sao để các ông chồng chúng tôi sống sót được qua cái mùa sale hàng khủng khiếp này hả chị? Bình thường cô ấy đã hay mua sắm với đủ mọi lý lẽ giải thích rồi. Đến mùa này thì thật sự là kinh hoàng.

Tôi hay hỏi cô ấy là vì sao mua nhiều thế, thì cô ấy viện đủ lý do. Hồi còn trẻ thì nói stress, cô đơn, buồn. Giờ thì nói rẻ, cần, trước sau cũng cần...

Tôi đã hàng nghìn lần giải thích cho cô ấy rằng sale xiếc chỉ là chiêu trò của người bán hàng, nhất là ở Việt Nam. Giá lúc nào cũng đề sale chứ thực chất có sale đâu, rằng không thể mua sắm vô tội vạ như thế được. Rồi cô ấy hứa với tôi, hứa hoài mà vẫn cứ mua hoài.

Làm sao cho cô ấy bớt mua sắm lại hả chị? Tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, quỹ gia đình thì hạn hẹp, mà cô ấy lúc thì stress, lúc thì bảo mua để phòng xa... Tôi cũng  muốn stress theo.

Chuyện không còn là đùa vui nữa rồi chị, khi tôi thấy cô ấy tìm cách giấu diếm, thậm chí vay mượn để mua sắm, rồi lại nói sắp có khoản này khoản kia nên cứ vay để mua đi. Rồi khi có khoản đó đến, cô ấy lại vẫn tiếp tục mua, xong lại vay... Tôi thật sự mệt mỏi.

Vĩnh Hưng

Anh Vĩnh Hưng thân mến,

Điều anh kể là tâm sự của khá nhiều ông chồng, và đáng buồn hơn nữa là "bệnh" của nhiều phụ nữ. Lúc đầu, những chuyện này còn có thể nói đùa vui, buồn cười, và coi đó là một tật xấu đáng yêu nho nhỏ của phụ nữ, bởi đại đa số phụ nữ thích mua sắm.

Thế nhưng khi mua sắm đến mức không kiểm soát được, làm ảnh hưởng kinh tế gia đình, gây nên bất hòa, mâu thuẫn gia đình mà cũng không thể dừng được thì nó đã trở thành "nghiện". Theo các bác sĩ tâm lý, thì đây là biểu hiện của căn bệnh rối loạn tâm lý phân liệt.

Hạnh Dung nghe kể lại rằng, có những phụ nữ khi được các chuyên gia tư vấn tâm lý hỏi, họ "khai" thiệt là trong đầu họ lúc nào cũng nghe thấy tiếng "mua, mua, mua" khi thấy bất kỳ  thứ gì vừa mắt, và họ tìm mọi cách để mua dù có tiền hay không. Đôi khi mua mà chẳng dùng, chẳng cần, mua rồi đem cho người khác để... "khuất mắt" mà mua tiếp.

Nhiều người cho rằng, cứ hết sạch tiền, không còn vay mượn hay xin xỏ ai nữa thì bệnh khắc hết.

Đúng là căn bệnh này có thể chữa trị được một cách đơn giản như vậy, nhưng có khi điều đó lại gây ra những hậu quả khác: nếu người nhà, cụ thể là người chồng, không tâm lý và giúp vợ kiểm soát chi tiêu ngay từ khi có biểu hiện bệnh, cứ gắt gỏng, khó chịu, đổ thừa, thì tâm lý người vợ sẽ yếu hơn, những biểu hiện rối loạn, trầm cảm sẽ xuất hiện.

Nghe thật đáng sợ phải không anh? Cho nên, đùa thì đùa, cười thì cười về một thói xấu "đáng yêu" của phụ nữ, nhưng cũng nên ngăn ngừa trước sự phát triển không kiểm soát của cơn nghiện này.

Hãy nghiêm túc trò chuyện với vợ, đặt ra những kế hoạch kiểm soát tài chính rõ ràng, tích cực tham gia vào việc chọn lựa để mua sắm của vợ. Điều quan trọng là giúp vợ nhận thức được rằng mình đang vượt giới hạn kiểm soát, và cần phải chỉnh sửa hành vi. Rằng anh sẽ giúp chị làm điều đó.

Nhẹ nhàng, tế nhị, kiên nhẫn và quan tâm vẫn luôn là thuốc chữa mọi sự thiếu kiểm soát hành vi, mọi biểu hiện bất ổn về tâm lý. Mong rằng việc mua sắm rồi sẽ trở thành niềm vui của gia đình anh chứ không phải là tai họa như bây giờ.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(11)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI