Trước sự lo lắng của người thân, anh Lê Đình Thảo, Đinh Văn Cường, Nguyễn Văn Biên (cùng quê Hà Tĩnh) vẫn kiên định: “Nếu ai cũng sợ thì lấy đâu hậu phương cùng các đồng chí bộ đội, công an, nhân viên y tế… trong cuộc chiến đấu chống dịch bệnh”.
Nói là làm, ba người đàn ông bình thường là “công tử bột”, giờ lăn xả ngày 2-3 bữa nấu và phát cơm cho những điểm trực chốt và khu cách ly.
|
Từ những ông chồng không biết đi chợ, nấu ăn, giờ thì các anh đã thành thạo (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Gần một tháng nay, kể từ khi tỉnh Hà Tĩnh có người bị nhiễm COVID-19, ngày nào người nhà cũng thấy anh Thảo, anh Biên, anh Cường đi từ sáng sớm đến tận khuya mới về. Đã thế lại không nghe các anh kêu đau lưng hay nhức đầu, dù miền Trung mùa này nhiệt độ ngoài trời gần 40 độ C.
Nhìn chồng đặt lưng xuống giường là ngủ ngay, chị Thanh (vợ anh Thảo) vừa xót vừa thương. “Ban đầu tụi em cũng giận và lo lắm, giận vì sợ các anh ấy bốc đồng làm được vài ngày đã nghỉ, lo vì dịch bệnh khó lường, con cái còn nhỏ, lỡ không may dính phải thì hệ lụy đến nhiều người.
Nhưng sang ngày thứ 3, các anh làm “ngon ơ”, về nhà kể chuyện chiến sĩ công an, bộ đội trực giữa trời nắng nóng phải ăn vội, ăn tạm miếng bánh hay gói mì tôm sống… Tụi em thương quá, thế là cũng xông vào phụ các anh ấy một tay”.
|
Những chị vợ từ chỗ lo ngại, giờ đã hăng say phụ giúp các anh (Ảnh nhân vật cung cấp) |
"Quân số" chỉ có ba người, kinh phí tự mình bỏ ra, “3 chàng ngự lâm” phân chia nhiệm vụ rõ ràng: anh Thảo phụ trách kế toán, anh Cường đảm nhiệm thu chi hàng ngày, anh Biên kiểm tra số lượng, số lạng. Nhà anh Cường và anh Biên sát nhau, quán hủ tiếu đang tạm thời đóng cửa của anh Biên có đầy đủ dụng cụ nhà bếp nên cũng khá... thuận lợi.
Những ngày đầu, thực đơn cho 120-200 suất ăn/ngày với đầy đủ món mặn - xào - canh - tráng miệng khiến những ông chồng ít nấu cơm nhà lúng túng. Họ khi mua thừa cái này, lúc hụt cái kia, vì thế cứ phải chạy đi chạy lại mua thêm không dưới chục lần. Càng về sau, khi đã quen tay, các anh tính toán sát hơn nên đỡ mất công tốn sức.
Các dì tiểu thương ở chợ đầu mối, cảng cá ở thành phố Hà Tĩnh đã quá quen với hình ảnh của “3 chàng ngự lâm” tay xách nách mang với đủ thứ cá, thịt, rau củ… Nhưng để chọn được thực phẩm tươi ngon, giá cả phù hợp là điều không dễ khi lệnh giãn cách xã hội đang thực thi.
|
Dù nắng hay mưa, tình cảm của anh em vẫn đều đặn gửi vào những tô hủ tiếu, suất cơm đến các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Đi chợ và nấu ăn là công việc chính của ba người đàn ông, nhưng sơ chế, nấu cơm cần có sự hỗ trợ của các chị vợ và hai cô em gái. Nhìn nồi cơm to đang sôi, anh Thảo hớn hở khoe chiến tích: “Tụi mình biết nhậu, nên nấu được mấy món chính, còn cơm thì hai lần nấu sống, một lần nửa sống nửa chín”.
Ngày cao điểm, các anh nhận nấu 500 suất. Cứ ngỡ sẽ quá sức, nhưng khi nghĩ “bà con và các chiến sĩ đang chờ mình, tuyệt đối không được phụ lòng mong đợi của họ”, các anh làm gọn ghẽ.
3 bếp ga công nghiệp được phát huy tối đa công suất, họ làm việc như một dây chuyền công nghiệp không có phút ngơi tay: sơ chế, nấu, đóng hộp, để lên xe bán tải, tính toán đường đi sao cho tiện, nhanh nhất có thể.
Người thì dân văn phòng cả ngày trong phòng lạnh, người thì kinh doanh buôn bán, từ ngày tự nguyện tham gia cùng lực lượng chống dịch đến nay, anh Biên, anh Thảo, anh Cường đã trở thành đầu bếp kiêm “thợ đụng” khá lành nghề.
|
Dựng chốt, sửa điện... các anh đều không nề hà (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Ngoài công việc chính là cung cấp đồ ăn nước uống, khẩu trang, hễ thấy điểm chốt nào cần hỗ trợ là các anh dừng lại. Khi bắt điện, sửa điện, lúc dựng lều dựng bạt, có hôm 1g sáng họ vẫn còn ở ngoài đường cùng các chiến sĩ công an dựng lều cắm chốt.
Khi được hỏi: “Suốt nhiều ngày đội nắng đội mưa, các anh có mệt không?”, anh Biên chia sẻ: “Mấy ngày đầu tụi mình hăng lắm, không biết mệt là gì. Nhưng với lượng công việc không ít, khoảng cách di chuyển từ các điểm phát đồ khá xa lại liên tục, thời tiết thay đổi thất thường, nhiều khi tụi mình cũng... sắp xỉu”.
Mệt là vậy nhưng nói dừng thì các anh đồng thanh: “Chúng tôi còn đồng hành với chiến sĩ, nhân dân đến khi nào còn không còn lê chân được nữa mới thôi”.
|
Giờ đã có thêm những người bạn tiếp sức và góp cùng các anh (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Thời gian của ba anh phần nhiều trong bếp, nhưng bữa ăn của chính họ chẳng khi nào trọn vẹn. Họ tranh thủ vừa đi phát cơm vừa ăn luôn trên xe. Đến cả vợ con ở nhà, phần ăn của họ nhiều khi phải nhường cho những suất ăn báo vội do có tình huống đột xuất ở điểm chốt. Thôi thì ăn tạm mì gói qua bữa cũng không sao, hậu phương của họ vui vẻ chùi rửa nồi niêu để chuẩn bị cho ngày mai.
Niềm khích lệ tinh thần của ba ông chồng ấy không có gì hơn những tin nhắn ở tuyến đầu: “Cơm và hủ tiếu các anh nấu rất ngon, chè bí đỏ thêm đậu phụng ăn bữa lỡ tuyệt không có gì bằng. Cảm ơn anh em đã sát cánh cùng chúng tôi trong gian khó”.
|
Sự chung tay của các anh với đội ngũ tuyến đầu thật đáng trân trọng (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Anh Thảo, anh Biên và anh Cường không nghĩ việc làm nhỏ của mình lại nhận được sự ủng hộ của bạn bè, người thân nhiều đến vậy. Có người mang đến chục trứng vịt, mấy con gà, bó rau để thêm chút thức ăn gửi tuyến đầu chống dịch, người sẵn sàng theo chân các anh đi dựng chốt. Những người bạn như anh Hà Anh Gold, anh Hoàng Kỳ sẵn sàng đóng góp 15 giàn rạp, 10 cây quạt công suất lớn, hàng trăm mét dây điện... hỗ trợ lực lượng công an thành phố cắm chốt trên quốc lộ 1A mà không chút đắn đo.
Cuộc chiến đấu với dịch bệnh còn dài, nhưng bên các anh Đình Thảo, Văn Cường, Văn Biên đã có những người vợ, người em, người bạn đồng hành. Họ đang có niềm tin bất tận: Khi mọi người đồng sức, chắc chắn sẽ đẩy lùi dịch bệnh.
Lâm Hoàng