PNO - PNO - Chồng ở nhà nội trợ để vợ đi làm. Điều đó có gì kỳ quặc không? Khi chúng ta quan niệm nam nữ bình đẳng như nhau thì ai ở nhà lại chẳng được? Thế nhưng, theo thống kê của Pháp, hiện chỉ có gần 600.000 đàn ông ở nhà nội...
Tại sao lại có ít đàn ông dám thay đổi vai trò như vậy? Theo nhà xã hội học Jean Claude Kaufmaun, điều đó không dễ dàng chút nào. Ông giải thích: “Có lẽ từ thời thượng cổ, đàn ông đã đi săn bắt ở bên ngoài gia đình, đàn bà ở nhà hái lượm nuôi con. Thế nên bây giờ đảo ngược lại hai vai trò đó, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng, xã hội đã đổi thay. Không ít trường hợp phụ nữ đi làm có hiệu quả kinh tế cao hơn chồng thì việc người chồng ở nhà là hợp lý”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tuy nhiên, để thay đổi một thói quen đã có hàng vạn năm không hề đơn giản. Dù vậy, bao giờ cũng có những người đi đầu. Bây giờ họ còn là số ít nhưng có thể một ngày nào đó họ sẽ trở thành số đông trong xã hội. Để tìm hiểu nỗi lòng của những ông chồng này, tạp chí Femme Actuelle đã phỏng vấn một số đàn ông đi tiên phong trong lĩnh vực nội trợ. Sau đây là tâm sự của họ:
Câu chuyện thứ nhất
Chúng tôi có hai con sinh đôi, sáu tuổi. Chúng rất cần được chăm sóc. Tôi đã đi đến quyết định ở nhà như thế nào ư? Đó là vì tình yêu, vì vợ tôi và vì các con tôi. Tôi là người Mỹ. Trước đây tôi có một ngôi nhà ở Mỹ, nơi tôi đã gặp vợ tôi, một nữ tiếp viên của hãng hàng không Air France. Chúng tôi cưới nhau và cùng sống ở Mỹ. Renata đã nghỉ ở nhà bốn năm không lương. Rồi cô ấy khao khát được đi làm và vô cùng nhớ quê hương. Vậy là tôi quyết định sang Pháp sống cùng với vợ. Ở Pháp, tôi làm giáo viên dạy trượt tuyết. Trong hai năm đầu, chúng tôi sống mỗi người một nơi. Tôi ở chân dãy Alpes còn vợ tôi ở Paris. Khi phải nuôi hai đứa con mà lại ở cách xa nhau, kinh tế gia đình trở nên eo hẹp. Chúng tôi đã cùng nhau tính toán và tôi thôi việc dạy học, trở về Paris sống cùng gia đình. Bây giờ, khi nhìn các con lớn lên từng ngày, tôi tự nhủ chúng tôi đã có sự lựa chọn đúng đắn.
Thực ra, để làm một người đàn ông nội trợ không đơn giản chút nào. Ngay cả các con tôi cũng hỏi bố: “Sao bố không đi làm như bố các bạn khác?” Chúng không hiểu tại sao tôi lại không mặc complet và thắt cravate? Nhưng tôi không lấy thế làm buồn. Trái lại, tôi ý thức rằng mình đang đi tiên phong vì chắc chắn xã hội tương lai sẽ thay đổi. Đôi khi tôi cũng cảm thấy lẻ loi. Đi đón con ở trường, các bà mẹ thường trò chuyện với nhau và giữ một khoảng cách nhất định với tôi. Họ nghĩ gì về tôi, tôi không quan tâm, bởi để làm cho người ta nghĩ khác đi về mình đâu có dễ. Tôi chỉ thấy những lời góp ý của mẹ tôi là chân thành. Bà hỏi tôi: “Tại sao con cứ loay hoay tìm việc? Trông con không phải là một công việc ư?”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Câu chuyện thứ hai
Mấy năm trước tác giả bài viết này có dự một cuộc hội thảo chuyên đề với một chuyên gia tâm lý người Úc. Chị đến Việt Nam đem theo cả chồng và đứa con nhỏ. Sáng sáng tôi thường thấy chồng chị lái xe đưa vợ đến hội nghị. Họ hôn nhau rất đằm thắm trước khi tạm chia tay. Anh đưa đứa con ba tuổi đi chơi, chị vào lớp học, đến lúc tan lớp anh lại đến đón vợ về.
Lúc giải lao tôi hỏi: “Chồng chị làm nghề gì?”. Chị bảo: “Là kỹ sư điện”. Tôi lại hỏi: “Sang đây trông con cho chị đi làm việc, anh có buồn không?”. Chị nhìn tôi ngạc nhiên: “Sao lại buồn? Anh không thấy anh ấy rất vui à?” Đúng là người đàn ông ấy vui thật. Lúc nào cũng thấy anh cười và rất thân thiện với chúng tôi. Anh bảo, vợ anh đã ký một hợp đồng ở Việt Nam làm việc 5 năm. Anh sẽ ở lại suốt thời gian đó. Nếu hợp đồng gia hạn, anh cũng ở lại. Anh rất thích tiếng Việt, lúc nào nhàn rỗi anh học tiếng với hy vọng sẽ làm phiên dịch cho những chuyên gia Úc mới sang.
Câu chuyện thứ ba
Bạn đừng nghĩ những ông chồng ốm yếu hay kém cỏi mới ở nhà làm nội trợ. Depardieu, 45 tuổi, đang làm cán bộ lãnh đạo ở Bộ Tài chính Pháp. Ông nói: “Từ một cán bộ quản lý trở thành một ông bố nội trợ đối với tôi là sự thăng tiến. Chăm sóc con cái là phải tắm rửa, mặc quần áo, chuẩn bị bữa ăn cho chúng và đưa đón chúng tới trường. Như thế mới thực sự là một ông bố. Đối với tôi, đó là sự vật chất hóa tình phụ tử. Trước đây, khi chưa có Pierre, buổi sáng thức dậy tôi nghĩ ngay đến công việc ở cơ quan. Buổi tối, cho đến lúc đi nằm, tôi vẫn nghiền ngẫm những cái tôi đã làm trong ngày. Nhưng, từ khi có Pierre, tôi mong muốn được sống khác đi, muốn tìm lại niềm vui sống mà bấy lâu tôi không có nữa. Vợ tôi hiểu rõ mong muốn của tôi dù không nghĩ giống tôi. Cô ấy làm việc trong một toà báo và rất yêu công việc của mình.
Tuy nhiên, tôi cũng không đơn thuần là một ông bố nội trợ. Pierre 2 tuổi, đi nhà trẻ nên hàng ngày tôi có từ 3 đến 4 giờ rảnh rỗi. Khi nó lớn hơn chút nữa, tôi sẽ phải trông chừng nó nhiều hơn. Còn bây giờ, tôi đang là một ông bố được hưởng nhiều ưu đãi. Tôi có một bà vợ biết nội trợ nhưng tôi vẫn thích nấu ăn. Tuy nhiên, tôi không muốn để con xem tôi như mẹ của nó. Tôi luôn là một ông bố. Một ông bố biết chơi đùa nhưng cũng biết nghiêm khắc trong khi mẹ nó chỉ luôn vuốt ve và dịu dàng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ở nhiều nước phát triển hiện nay, khi chỉ một trong hai vợ chồng đi làm đủ nuôi cả nhà thì việc một người ở nhà làm nội trợ là giải pháp của không ít gia đình hiện đại. Họ quan niệm, ai có thu nhập cao hơn thì người ấy đi làm, ai thu nhập thấp hơn thì ở nhà là có lợi nhất. Ở nước ta hiện nay cũng không hiếm gia đình vợ có thu nhập cao hơn chồng, thậm chí có thể nuôi được cả nhà, thì việc những ông chồng ở nhà làm nội trợ cho vợ đi làm không phải là hiếm.
Các nghiên cứu còn cho thấy đàn ông ở nhà ít cảm thấy cô đơn như đàn bà, vì họ có nhiều thú vui và bạn bè hơn. Có lẽ trong một tương lai không xa nữa, cảnh các “ông nội trợ” tụ tập nhau uống cà phê rồi cuống cuồng chạy về làm bữa trưa đợi vợ có thể sẽ là hình ảnh gia đình hạnh phúc được nhiều người ngưỡng mộ.