Những ông chồng 'có phước'

24/03/2018 - 14:00

PNO - Hai cô bạn tôi cứ khăng khăng chồng cũ của mình là người “có phước”. Tôi không nghĩ vậy, chẳng qua đó là sự tham lam, chỉ biết có bản thân mình mà thôi.

Thúy bảo: “Ổng có phước lắm! Tôi lo bạc trăm triệu đi học Hà Nội mà ra đó mới 6 tháng đã cặp với một bà hơn ổng 8 tuổi, lên chức bà ngoại rồi. Xong khóa học 18 tháng, ổng dắt bà đó về làm tui té ngửa. Ổng nói một là chịu chung chồng, hai là chia tay. Tôi vừa nộp đơn ly hôn hôm trước thì hôm sau ổng bị tai nạn giao thông gãy chân. Nằm viện hai tháng, tôi chăm một tháng, bà đó một tháng, cơm bưng nước rót...”.

Nhung ong chong 'co phuoc'
Ảnh minh họa

Rồi người đàn ông đó bình phục và ngày ly hôn cũng tới. Anh ta ra đi với nhân tình, để lại căn nhà cấp 4 cho mẹ con Thúy. Hai năm qua, công việc của Thúy ngày càng thăng tiến. Bạn bảo đã hết buồn. Ngày ngày, con đi học bán trú, mẹ đi làm. Chiều rước con về vui thì nấu ăn, buồn ăn cơm tiệm rồi mẹ con cùng chơi đùa, dọn dẹp nhà cửa, trồng hoa, trồng rau…

Chồng cũ sống với nhân tình hết nhà trọ này tới nhà trọ khác, rồi cũng chia tay nhau. Trong công việc, anh ta không siêng năng và hay gây gổ với đồng nghiệp nên dần dần mọi người né hết, thành ra lạc lõng rồi… nghỉ việc. Nhờ có mã đẹp trai nên anh ta chia tay cô này đã có cô khác chờ đợi. Cuộc sống anh ta giờ là cơm nhà hàng, ngủ khách sạn và… có bồ bao. Thúy bảo anh ta thật “có phước”.

Mắt Trân long lên “có phước đâu bằng thằng trời đánh nhà tôi”. 

Khi cái bụng Trân đã lùm lùm và bạn trai không chịu cưới thì anh chàng nhân viên thực tập ở công ty đã dang tay ra đỡ lấy để ba mẹ Trân khỏi xấu hổ với hàng xóm. Lúc đó, Trân là trưởng nhóm và hơn anh ta 5 tuổi.

Sáu năm bên nhau, dù công việc của chồng luôn không đủ chi dùng bản thân anh ta, nhưng lúc nào cũng lên mặt kiểu “tôi đã cứu vớt đời cô”. Lương anh không đưa vợ đã đành, mà lại hay mượn tiền vợ để đi đám đi tiệc, hùn hạp làm ăn nọ kia. Có điều, mượn nhưng không bao giờ trả. Làm ăn cũng không thấy sinh lời đồng nào.

Có lần, anh bảo Trân cho mượn năm trăm triệu đồng để về xây nhà cho ba mẹ. Trân bảo lương công chức quèn của em, làm đến hết đời vẫn không dư được một nửa số tiền ấy. Vậy mà anh ta… bỏ đi vì lý do: “Nếu em quý tiền thì hãy sống với đống tiền đó”. Khổ nỗi, con của Trân lại rất quấn quýt ba. Không có ba, nó không ăn không ngủ gì cả, rồi ngã bệnh.

Năn nỉ chồng về, anh ta bảo phải cho mượn năm mươi triệu. Trân chạy đôn chạy đáo gom đủ năm mươi triệu để “mua chuộc” người chồng “có phước” đó. Nhưng sáu tháng sau, anh ta bảo phải bán ngôi nhà đang ở, mua nhà khác trong hẻm nhỏ hơn để dư tiền ra cho anh ta làm ăn lớn. Trân nhất quyết không chịu, vì đây là quà cưới của ba mẹ, chỉ được ở không được bán. Chồng Trân… lại bỏ đi.

Rồi anh cặp cô này cô nọ. Mỗi lần có bồ, anh ta đều đưa ảnh lên mạng xã hội. Những hình ảnh đó giúp cuộc ly hôn của Trân càng nhanh gọn. Chỉ có điều, đứa trẻ 5 tuổi bị sốc tâm lý thành bệnh tăng động và luôn khóc thét đòi ba. Hai năm nay đi chán, bồ bịch chán, không có chỗ ở ổn định, người đàn ông đó đánh tiếng xin Trân cho được quay lại.

Bạn bảo vì con, có thể bạn sẽ đồng ý, nhưng sẽ thuê căn nhà trọ đâu đó cho anh ta ở, rồi chiều chiều đưa con sang chơi cho có cha có con. Nói rồi bạn chép miệng: “Đời người ta có phước …”. 

Trang Đào 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI