Học cách yêu thương
Phim truyền hình Việt đang nhận được sự yêu thích của khán giả trong thời điểm nhiều chương trình, gameshow gặp khó trong việc sản xuất. Ở các phim về chủ đề gia đình, có một điểm chung trong cách khai thác hình ảnh người bố mà nếu theo dõi, khán giả dễ nhận thấy.
Bố Ngọc (diễn viên Thái Hòa) trong Cây táo nở hoa, bố Vinh (NSND Mạnh Cường) trong phim 11 tháng 5 ngày, bố Sinh (NSƯT Võ Hoài Nam) và bố Tuấn (NSND Công Lý) trong Hương vị tình thân... là những vai diễn được khán giả yêu thích. Trong cách xây dựng nhân vật, những ông bố vừa kể dù mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều thương yêu con gái, muốn mọi thứ tốt nhất cho con. Tuy nhiên, những ông bố này còn vụng về, chưa thật sự hiểu con mình muốn gì và cần gì nên đôi khi, tình thương không được thể hiện đúng mức.
5 phân cảnh ấn tượng của Thái Hòa trong Cây táo nở hoa, trong đó có cảnh đối thoại với con gái:
Bố Ngọc trong Cây táo nở hoa thương con gái nhưng vì mải chăm lo anh em ruột nên đôi khi vô tâm với con của mình. Ngọc nhiều lần nói anh phải tập hay học làm cha vì trước nay, anh không được cha mình yêu thương như bao đứa trẻ khác. Giữa Ngọc và con gái, ngoài khoảng cách thế hệ khiến cả hai không hiểu nhau, còn có chi tiết làm hai bố con khó thể hòa hợp là bởi trong quá khứ, Ngọc từng muốn vợ bỏ cái thai đang mang vì gia cảnh khó khăn.
Với bố Vinh trong 11 tháng 5 ngày, tình thương mà ông dành cho đứa con gái mất đi người mẹ thân yêu năm lên 10, khá quen thuộc. Ông thương và chiều chuộng con nhất mực nhưng chính vì quá nuông chiều, con gái thiếu đi tính tự lập, ỷ lại sự giàu có của gia đình.
Ở diễn biến hiện tại của phim, ông Vinh đang “trừng trị” con gái bằng cách đuổi con ra khỏi nhà để con hiểu được giá trị của tình thương gia đình. Ông Vinh không phải là người cha hoàn hảo, chính ông cũng có những lúc không hiểu con gái mình, luôn cho con mình là người phạm lỗi.
Cảnh ông Sinh (NSƯT Võ Hoài Nam) và con gái (diễn viên Phương Oanh) trên phim Hương vị tình thân:
So với nhân vật Ngọc và Vinh, bố Sinh và Tuấn trong Hương vị tình thân mang hoàn cảnh trớ trêu hơn. Hai người đàn ông này có mối kết giao từ thời niên thiếu. Khi ông Sinh phạm tội phải chịu án tù, ông Sinh nhờ Tuấn nuôi con gái. Bẵng đi hơn 20 năm, khi ông Tuấn bị tai nạn qua đời cũng là lúc ông Sinh mãn hạn tù. Sau khi trở về, ông Sinh âm thầm quan sát con gái từ xa để bảo vệ con.
Ông Tuấn lúc sinh thời thương con nuôi bao nhiêu thì ông Sinh - bố ruột cũng thương và cảm thấy có lỗi với con mình bấy nhiêu. Cả hai đều dành tình cảm đặc biệt cho đứa con phải chịu nhiều tổn thương, lớn lên trong dè bỉu, miệt thị nhưng vì lầm lỗi trong quá khứ, ông Sinh không dám đến bên con một cách đường hoàng.
Chất đời trong từng vai diễn
Phim ảnh chỉ chạm đến cảm xúc của khán giả khi chuyện trên phim gần gũi với đời sống, tức xem phim mà thấy đâu đó những hoàn cảnh thân quen. Trong một lần trao đổi, diễn viên Hồng Ánh cho rằng kịch bản phim Việt đang khá an toàn, thiếu sự đột phá nhưng chị mừng vì một số phim có chất đời.
Lấy ví dụ về chất đời trong Cây táo nở hoa, diễn viên Hồng Ánh cho biết những diễn biến của phim có phần drama (tạo kịch tính), khiến khán giả thấy ngột ngạt, bí bách đặc biệt khi xem trong thời gian giãn cách.
Nhưng tạm gác vấn đề kịch bản, nữ diễn viên nói mỗi nhân vật đều để lại những bài học mà người xem có thể nhìn vào đó và chiêm nghiệm về chính cuộc đời mình. Từ cách cha mẹ đối xử với con gái như chuyện nhân vật Hạnh của chị chưa biết cách làm bạn với con, hay chính chị Hạnh cũng không hiểu hết lòng của cha mình.
Vai Ngọc cũng tương tự, Hồng Ánh nói trong nhiều gia đình Việt, anh chị đều thương em và nếu bất kỳ thành viên nào có điều kiện hơn, họ cũng muốn lo cho gia đình như cách mà Ngọc thể hiện trên phim.
|
Diễn viên Khả Ngân vào vai cô con gái vì chịu nhiều tổn thương trong quá khứ nên luôn có thái độ khó chịu với bà và bố |
Trở lại với vai diễn của những ông bố trên phim Việt vừa kể trên, cách khai thác diễn biến tâm lý nhân vật hợp lý và gần gũi, dễ nhìn thấy trong đời thường. Các ông bố dù có lỗi lầm, có lúc chưa biết cách thể hiện tình thương nhưng về cơ bản, nhân vật mang tính thiện, gợi lên tình cảm gia đình thiêng liêng.
Điều này khá đáng mừng vì có thời gian, nhiều phim truyền hình Việt xây dựng hình ảnh người đàn ông xấu xí với loạt nhân vật ngoại tình, tiểu nhân, độc đoán, không thương yêu gia đình... Có thể kể đến vai diễn như vai ông Vụ (NSND Công Lý) trong Hướng dương ngược nắng, vai Tuấn “mỏ” (NSƯT Hoàng Hải) trong Hồ sơ cá sấu, vai Khánh (người mẫu Trương Thanh Long) phim Trói buộc yêu thương... Những hình tượng nhân vật thuộc nhóm phản diện này gây ức chế cho người xem.
Hiện Hương vị tình thân và Cây táo nở hoa đang đi về những tập cuối phim, còn 11 tháng 5 ngày đã lên sóng được 1/2 số tập. Ở các phim đang phát sóng, hình ảnh những người bố vẫn nhận được nhiều tình cảm từ khán giả. Sau 16 năm trở lại với phim truyền hình, NSƯT Võ Hoài Nam cho biết anh nhận vai Sinh trong Hương vị tình thân vì nhân vật này có số phận đặc biệt, lại có tình thương con dù quá khứ tù tội. Đây là vai diễn khá phù hợp với NSƯT Võ Hoài Nam khi ngoài đời, nam nghệ sĩ cũng là một người bố, yêu thương và đồng hành cùng các con.
Minh Tú