PNO - Rất nhiều nghệ sĩ phó thác con cho ông bà, người giúp việc với lý do mình quá bận, để rồi không ít trong số đó than phiền rằng con xa cách với mình. Nhưng may thay, không phải ai cũng thế!
Với nhiều phụ huynh showbiz, thời gian cho con luôn là vấn đề đau đầu bởi giờ tập, giờ diễn của họ thường là lúc những gia đình khác quây quần bên nhau; giờ nghỉ ngơi của họ lại là lúc con cái học hành. Rất nhiều nghệ sĩ phó thác con cho ông bà, người giúp việc với lý do mình quá bận, để rồi không ít trong số đó than phiền rằng con xa cách với mình. Nhưng may thay, không phải ai cũng thế!
Ca sĩ Phan Đình Tùng: Muốn dành thời gian bên con
Mỗi khi không phải đi diễn, Phan Đinh Tùng lại dành hết thời gian chăm sóc con, chơi với con
Do phải thường xuyên lưu diễn các nước, Phan Đinh Tùng cho biết anh không có nhiều thời gian ở bên con. Với nhiều người thì đó là một thiệt thòi của bé Noel, nhưng với Tùng thì đó cũng chính là thiệt thòi của anh. Thế nên, mỗi khi không phải đi diễn, anh lại dành hết thời gian chăm sóc con, chơi với con. Kết quả là “cứ khi nào mình ở nhà thì con gái lại cứ bám riết lấy ba, còn khi mình đi diễn thì con quấn mẹ” - Phan Đinh Tùng nói.
Đó là lý giải của Tùng cho câu hỏi con gái anh “bám” ba hay mẹ. Tự hào là một người đàn ông có “sức hấp dẫn đối với trẻ em”, Tùng bảo chuyện con gái mến tay mến chân mình là đương nhiên, bởi “con nít chúng hay lắm - luôn luôn biết ai thương chúng, ai cưng chiều, ai vui vẻ chơi với chúng. Chỉ cần mình thật lòng yêu thương trẻ thì chúng cũng sẽ đáp lại y như vậy”. Hỏi vợ anh về việc bị con “bỏ bê” khi có ba ở nhà, Thái Ngọc Bích cười vui bảo “chẳng qua là vì muốn nhường cho cha và con gá i những khoảnh khắc quý giá”. Hỏi anh cưng chiều con vậy không ngại bé sẽ “được thể” mà quậy phá, Tùng nghiêm giọng: “Cưng là một chuyện, nhưng vẫn phải nghiêm khắc. Nếu con làm sai - hành xử, nói năng không đúng là tôi uố n nắ n liền, để cho con hiểu mà không làm như thế nữa”. Mỗi ông bố “xử” con bằng một cách và cách của Phan Đinh Tùng là bắt con đứng khoanh tay trong lúc ba giảng giải cho con điều sai, điều đúng.
“Được cái là dù hiếu động, dù ưa nghịch, nhưng Noel biết vâng lời nên chỉ cần nói và phạt khoanh tay là bé hiểu. Tôi chưa bao giờ phải áp dụng những hình phạt nặng hơn. Hơn nữa, con cũng còn quá nhỏ, mới ba tuổi, mình có phạt kiểu khác thì bé cũng chưa thể hiểu được”. Có lẽ Tùng chưa biết, con anh từng bị mẹ phạt nặng hơn - quỳ gối khi Noel không vâng lời.
Khác hẳn với kiểu yêu con của các bà mẹ, vai trò của bố trong việc chăm sóc, giáo dục con cái thường bao trùm ở một phạm vi rộng hơn. Như chuyện bé Noel đi học, Phan Đinh Tùng đã phải tìm hiểu nhiều ngôi trường để rồi quyết định rằng con gái mình sẽ học ở trường Sapa do các sơ phụ trách. “Tôi đã phải đăng ký từ khi con gái mới chào đời và sẵn sàng chờ đợi suốt ba năm qua cho đến khi con đến tuổi vào trường chứ không gửi đại con đến một trường khác” - Tùng chia sẻ.
Anh cũng thật thà cho biết rằng việc “chờ đợi ba năm” ấy cũng vì anh muốn được ở bên con. Anh kể những lúc ra nước ngoài, đi diễn thì thôi chứ mỗi khi rảnh là lại mang máy ra gọi video về để tâm sự cùng con, để được nhìn ngắm con cười nói. Yêu con như thế nên cũng không ngạc nhiên chuyện Phan Đinh Tùng sẵn sàng cùng con ngồi chơi trò chơi “con gái” - chơi đồ hàng, nấu ăn, đi chợ...
Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc khi Tùng về đến nhà và con gái anh “ra lệnh”: “Chú ơi đừng phỏng vấn nữa, để ba chơi với con”.
Ca sĩ Thiên Vương: Con tôi là Thiên Ngọc
Cha con ca sĩ Thiên Vương
Đặt tên con là Thiên Ngọc, ca sĩ Thiên Vương khẳng định con gái Mio chính là bảo vật của đời mình, quý giá hơn tất cả những gì anh có. Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện khi Thiên Vương vẫn đang làm con ngựa, cõng Mio nhong nhong trên lưng. “Nhiều khi tới giờ đi diễn rồi, anh em (các thành viên nhóm MTV) đợi mà con gái vẫn ôm chân đòi mình chơi chung là tôi lại phải nán lại chơi với con thêm chút nữa rồi mới đi được”.
Như ông bố Phan Đinh Tùng, Thiên Vương cũng chơi búp bê, chơi đồ hàng, nhồi bột, nấu nướng, xếp hình Lego... với con. Mỗi khi ba đi làm là phải chào bé, rồi ôm, rồi nựng nịu rồi mới được đi; chứ không là bé sẽ khóc nên Thiên Vương kiểu gì cũng không được quên “thủ tục” chào con lúc rời khỏi nhà. Để rồi mỗi khi ba về, Mio luôn biết để ra mừng ba nhờ vào tiếng chùm chìa khóa leng keng ba đeo bên mình.
Một ngày của cha con Thiên Vương - Mio luôn bắt đầu bằng việc anh gọi con dậy theo kiểu rất riêng của hai cha con - vừa gọi vừa bóp tay bóp chân, rồi cho con “đạp ba té bật ra sau”. Anh bảo đó là cách để vừa gọi con mà vừa cho bé vận động, giúp lưu thông máu và nhanh tỉnh táo. “Cũng có những lúc bé ngủ nướng, tôi lại phải dùng chiêu khác - rù rì nói chuyện bên cổ bé, cho bé nhột nhột, rồi làm trò, thể nào cũng tỉnh. Còn không nữa thì sẽ dùng đến tuyệt chiêu cho nghe nhạc - bài hát bé thích và hay hát theo” - Thiên Vương kể.
Chăm con từng chút như thế nên trong hai vợ chồng, như anh tự hào khoe “con gái chỉ theo ba thôi, khi nào tới giờ ăn mới nhớ tới mẹ”. Nếu có không ít ông bố xem việc con quanh quẩn bên mình có phần phiền toái thì với Thiên Vương đó chính là hạnh phúc không dễ gì có được. Chỉ cần ôm con vào lòng, anh tin rằng mình có thể vượt qua được mọi chuyện. Đổi lại, dù có đang mè nheo bất kỳ chuyện gì thì chỉ cần được ba ôm vào lòng là Mio nín ngay.
Ngày đầu con đi học, vợ chồng anh đưa con đến tận lớp, rồi ôm con, chia tay đi làm như thường lệ ở nhà. Đến chiều đón con, con khóc, Thiên Vương thấy mình như có lỗi với con. Đến khi con quen trường quen lớp, không chịu về, ông bố Thiên Vương lại sẵn sàng ở lại chơi với con đến tận lúc trường đóng cửa. Khi con bệnh, ba Thiên Vương sẵn sàng thức canh “nên nhiều khi lên sân khấu mà mắt cứ như con gấu trúc. Cũng may tôi hay đeo kiếng nên khán giả không thấy thôi. Khi đang ngủ, chỉ cần con động đậy là tự nhiên bật dậy, đến chỗ con liền”.
Nhẹ nhàng, tình cảm với con ngần ấy, nhưng bố vẫn cứ phải nghiêm khắc. Thiên Vương kể hai lần anh đánh đò n con đều do cùng một lỗi: “Con tôi hay trút giận vào mẹ, vào người lớn nên phải nghiêm trị. Tôi cầm roi nhưng đánh bằng tay. Dù vậy, tôi biết là mình đã đánh con rất đau. Từ đó bé nhớ, không làm vậy nữa. Tôi tin rằng có một số lỗi cần phải phạt roi, nhưng phải cực kỳ thận trọng với hình phạt này chứ không phải hở chút là đánh con”.
Hình phạt được anh áp dụng thường xuyên hơn là bắt con đứng úp mặt vào tường. “Phạt con mà giống như phạt mình vậy, vì bé đứng bao lâu là mình cũng phải đứng giám sát bấy lâu, vì an toàn của con vẫn là trên hết - tôi không bao giờ để con một mình” - Thiên Vương kể. Hỏi anh tự hào nhất về mình điều gì khi đã đến tuổi này, anh nói: “Tôi là một ông bố”.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.